Giai đoạn này thường kéo dài đến hết tuổi trung niên. Có thể nói, đây là thời điểm các tu sĩ thể hiện bản thân mạnh nhất. Họ là những người nắm vai trò điều khiển trong cộng đoàn vì thời gian đã đem lại cho họ sự hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm được mua bằng máu. Theo khuynh hướng tự nhiên của lứa tuổi, các tu sĩ trong tuổi trung niên thường bị cám dỗ về quyền lực. Điều này nếu không được đương sự ý thức quyền lực để phục vụ cộng đoàn, sẽ dẫn đến thái độ trực thượng, mất quân bình trong các tương giao; khi đó, người ta dùng “quyền” mà “hành” nhau. Hệ lụy kéo theo là thái độ bất mãn, bất hợp tác, như thế, làm ảnh hưởng bước tiến của cộng đoàn.
Vào giai đoạn này, thể lý xuống cấp, họ phải đối diện với những bệnh tật, điều này nếu được tu sĩ chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng, nghĩa là kiên nhẫn chịu đựng và tận dụng nó làm giàu khó tàng thiêng liêng. Có thế, đời sống cầu nguyện của họ cũng được tiến triển về số lượng và chất lượng. Có thể nói, cầu nguyện trong đau khổ là lời cầu nguyện tinh ròng nhất. Hoa quả của đời sống chiêm niệm này là sống bao dung với mọi tương quan. Họ dễ dàng cởi mở và chia sẻ những kinh nghiệm tâm linh hầu giúp thêm nhiều người cảm nghiệm tình yêu Chúa.
5.2.3.Tuổi già
Thật bất hạnh cho tu sĩ nào, trước đây, không thiết lập một tương quan liên vị mật thiết với Thiên Chúa, họ sẽ cảm thấy mình vô ích đối với mọi người trong tuổi già thay vì ý thức mình là kho tàng tâm linh của cộng đoàn. Tuổi già đi đôi với sự khôn ngoan và kinh nghiệm, họ sống nhiều hơn nói, chiêm nghiệm nhiều hơn là lý sự. Sống đến tuổi này, họ là hồng ân Chúa ban cho cộng đoàn. Vì một cộng đoàn không còn vị cao niên và những gương lành khích lệ tu sĩ trẻ sẽ là một thiệt hại rất lớn về mọi phương diện cho cộng đoàn.
Niềm hạnh phúc của các tu sĩ cao niên được thể hiện qua thái độ chấp nhận mọi sự khốn khó và cả cái chết gần kề. Chính thái độ ấy nói lên một đời sống yên hàn và phó thác trong tay Chúa.
Trong Tông huấn Vita Consecrata số 44, các nghị phụ cũng dành một sự trân trọng với những tu sĩ già, rằng: “
Họ đáng được trân trọng và ân cần săn sóc không phải chỉ vì do một bổn phận công bằng bác ái và do lòng tri ân, nhưng những cử chỉ đó muốn diễn tả niềm xác tín là chứng tá của những vị cao niên rất có ích cho Giáo Hội và tu hội, và sứ mạng của họ vẫn còn đáng giá và đầy công đức, cho dù vì tuổi tác và bệnh tật, họ đã phải rời bỏ việc làm. Chắc chắn các vị đó có nhiều kho tàng khôn ngoan và kinh nghiệm để cống hiến cho cộng đoàn, nếu cộng đoàn biết gần gũi, ân cần săn sóc họ và lắng nghe họ”.
Ba giai đoạn đời tu vừa trình bày sẽ được bổ túc bằng các tiêu chuẩn của ba lời khấn. Những thách đố được nêu trên lại càng giúp mỗi người ý thức về vai trò của ơn Chúa trong đời sống thánh hiến. Những tiêu chuẩn đề ra phải giúp mỗi tu sĩ sống và tạo lập thế quân bình trong đời sống. Đó là điều kiện giúp hình thành nhân cách đời tu.
5.3. Tiêu chuẩn ([10])
Theo tông huấn Vita Consecrata, tiêu chuẩn này được đánh giá dựa theo ba lời khuyên Phúc Âm. Nó là cách thức mà người sống đời thánh hiến phải theo sát Đức Kitô. Điều này không có nghĩa là rập khuôn cách máy móc nhưng phải biết linh động và sáng tạo theo khuynh hướng, tư chất… độc đáo và duy nhất của mỗi người. Điều thiết yếu là nên một tinh thần trong Đức Kitô.
5.3.1.Tự do đáp trả lời mời gọi
Nhân cách đời tu đòi buộc khấn sinh phải thực hiện một cuộc
biến chuyển triệt để. Thật vậy, với một giáo dân bình thường, họ có thể nhân danh bản thân để đi tìm danh vọng, danh dự…đó là cách họ khẳng định bản thân trong đời sống xã hội miễn là tuân theo những chỉ dạy của Giáo hội. Còn khấn sinh một khi chấp nhận yêu sách của đời sống thánh hiến, họ phải hành động mọi sự đều qui về Đức Kitô. Thánh Vịnh thật chí lý khi nói về họ: “
Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy Chúa, xin đừng, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ” (Tv 113b,1). Có thể nói, đây là cuộc từ bỏ quyết liệt nhất vì nó liên quan đến nhu cầu
muốn mọi người biết đến. Theo bản tính tự nhiên, có ai làm một điều gì thành công mà không muốn người đời khen ngợi. Thế mà, mọi sự tốt lành đều qui về Chúa.(
[11]) Đó mới là nhân đức đích thực và nhân cách trưởng thành.(
[12])
Bởi đó, sống trọn vẹn
chữ Danh trong đời tu là một cuộc chinh phục đáng kể. Như thế, chúng ta mới rõ đời tu là một cuộc lội ngược dòng. Thật vậy, trong khi người đời đi tìm
danh cho chính mình, người sống đời thánh hiến lại sống cho
Danh Cha cả sáng. Điều này liên quan trực tiếp đến ý chí tự do của mỗi người.
Nhiều người cho rằng khi khấn vâng phục, tu sĩ bị tước đoạt tự do. Bạn nghĩ sao ?
Nếu hiểu tự do là muốn làm gì thì làm hoặc điều gì tôi cho là tốt, là hay tôi tự chọn (chủ quan) thì việc khấn vâng phục quả là một sự tước đoạt khắc nghiệt nhất. Như thế, chúng ta phải hiểu tự do theo nghĩa nào ?
Tự do là
một cuộc ra khỏi chính mình. Ngày nào con người còn quay quắt trong ốc đảo cá nhân thì sẽ tạo nơi mình một không gian biển chết. Ngày nào con người còn ích kỷ chỉ lo danh dự bản thân đồng thời chà đạp và làm tổn thương người khác thì không thể lớn lên và trưởng thành. Thật vậy, con người không tự đủ cho chính mình. Điều này giả thiết con người cần đến sự trợ giúp của tha nhân. Nói cách khác, con người phải ra khỏi mình để dấn thân phục vụ cho một thực tại lớn hơn bản thân. Bạn cần tâm niệm:
chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Bản thân mà chúng ta gặp lại là chính hình ảnh Thiên Chúa trong ta. Vì mỗi lúc quên mình, ra khỏi mình, chúng ta làm cho sự thiện trong mình hiển hiện luôn.
Nếu như người đời chỉ nghĩ đến chuyện:
làm lành lánh dữ, nghĩa là chọn lựa giữa điều thiện và điều ác thì tu sĩ phải chọn lựa giữa muôn vàn sự thiện để chiếm được sự thiện cao nhất. Mà sự thiện đệ nhất là ý muốn của Thiên Chúa, là ơn cứu độ. Đây là cuộc chinh phục nhằm đạt đến sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa. Nhưng con người theo tự nhiên khó vâng phục bề trên mà có khi còn kém năng lực hơn ta. Bởi đó, thánh Phanxicô Salê đã khẳng định: “
Vâng phục là một cách tử vì đạo anh hùng nhất, bởi vì chẳng phải chỉ chết một lần, mà phải chết liên miên suốt cả đời”. Như thế, hiến tế ý riêng là hành động tử đạo bằng tình yêu cao cả và đáng trân trọng nhất. Quả thật, chính khi chấp nhận từ bỏ ý riêng, điều làm nên nhân cách độc đáo bản thân thì khấn sinh lại tìm được nhân cách đích thực trong Đức Kitô, Đấng đã chấp nhận suốt đời thi hành ý muốn cứu độ của Chúa Cha.
Cũng có một vài quan niệm cho rằng con người có tự do tuyệt đối. Có thể nói, chính tội lỗi là câu trả lời cho giới hạn tự do của con người. Vì tự do tuyệt đối không thể chọn sự xấu nhằm hủy hoại bản thân. Điều mà chủ nghĩa nhân bản ngoại giáo đề ra thì đã được thánh giáo phụ Biển Đức trả lời qua việc vâng phục: “…
nhờ gắng công vâng phục, con trở về với Đấng, con đã xa lìa vì ươn ái bất tuân…dù con là ai, hãy đoạn tuyệt ý riêng, mà lấy khí giới mạnh mẽ oai hùng của đức vâng phục, để chiến đấu cho Chúa Kitô, Vua chân thật”.([13]) Từ đó, tác giả cho thấy con người lạm dụng tự do mà bất tuân lệnh Chúa. Và một khi còn nằm dưới tay quyền năng của Người, con người không có tự do tuyệt đối. Bởi đó, như chúng ta đã đưa ra một định nghĩa, tự do là ra khỏi chính mình để mở ra cho thực tại lơn hơn bản thân là chính Thiên Chúa.
Một khi tu sĩ trải qua giai đoạn đức tin trong nhân cách tôn giáo để tiến đến việc khấn giữ lời khấn vâng phục, chắc hẳn, trong đức tin, họ nhận ra đâu là ngẫu tượng, đâu là ý riêng và đâu là tự do đích thực để thuận theo ý Chúa. Nếu như trong nhân cách tôn giáo, người tín hữu tin rằng sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình thì nơi nhân cách đời tu, khấn sinh phải tin rằng vị bề trên đại diện cho Chúa ở trần gian. Như thế, trong giai đoạn này, khấn sinh chọn giải pháp đức tin để có thể giải thoát mình khỏi ngẫu tượng và ý riêng. Cuộc sát tế này không phải một hai ngày nhưng là cho đến chết. Bởi đó, đời tu là một cuộc tử đạo liên lỉ !
Tóm lại, trong khi con người thời đại đi tìm hư danh và tự do hành động thì người sống đời thánh hiến chọn đức vâng phục như cách để chữa lành vết thương cho bản thân và nhân loại. Như thế, đức vâng phục là một trong những nét đẹp của nhân cách đời tu thể hiện sự tự do đáp trả lời mời gọi đến từ Thiên Chúa, Đấng lớn hơn bản thân ta.
5.3.2.Ước muốn chiếm hữu
Truyện kể rằng: có một người đàn bà trong thời kỳ cho con bú, chẳng may bị bệnh tắc sữa. Bà đã đi chạy quanh làng để xin người đàn bà kia cũng đang thời gian nuôi con thơ. Bà này đã đồng ý. Và khi đem đứa bé đến cho bú nhờ một bên vú, đứa nhỏ con bà này vùng vẫy đẩy đứa bé kia ra không cho bú.
Qua sự kiện đó, chúng ta thấy rằng: Dường như có một ước muốn chiếm hữu để giành vị trí độc tôn nơi con người.(
[14]) Điều này cũng được xác thực qua những biểu tượng trong Kinh Thánh. Thật vậy, ông bà Nguyên Tổ đã ăn trái cấm muốn “chiếm hữu” cả sự dữ lẫn sự lành và muốn bằng Thiên Chúa. Chưa hết, ước muốn ấy còn thể hiện qua việc Adam đặt tên cho muôn loài và tự nhận chủ quyền trên chúng. Ngoài ra, ước muốn chiếm hữu ấy còn được diễn tả qua lệnh truyền mà Thiên Chúa đã tuyên bố: “
Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất. Hãy làm chủ cá biển chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28).
Như thế, ước muốn này không thể bị hủy hoại vì nó gắn liền với bản tính con người. Quả thật, ước muốn quá độ có thể dẫn đến tình trạng đau khổ, nhưng không vì thế, người ta có thể diệt dục để hết đau khổ và được giải thoát. Điều thiết yếu là phải biết
chuyểnhướng. Kinh nghiệm của các thánh cho thấy: thánh Phaolô đã diễn tả hành trình tâm linh như một cuộc chạy đua hầu chiếm đoạt được Đức Kitô (x Pl 3,12-13); còn thánh Tê rê sa thành Avila đã nói: “
con nay thuộc về Chúa, Chúa nay thuộc về con”. Trong khi đó, thánh Bônaventura quả quyết rằng
chính Thiên Chúa là đối tượng mà lòng con người hằng khao khát hiểu biết và chiếm hữu.([15]) Cũng vậy, mỗi tu sĩ phải thực hiện một cuộc chuyển dịch đối tượng: thay vì mong chiếm đoạt mọi sự chóng qua ở trần gian, họ qui mọi ước muốn về Đức Kitô, Đấng làm chủ tâm hồn mọi người. Đây là bước quyết định và đòi hỏi gắt gao của một nhân cách đời tu.
Để được thế, các nhà tu đức khuyên:
hãy thực hiện một cuộc từ bỏ. Lúc này, hành trình tâm linh như một cuộc leo núi, người ta phải bỏ mọi thứ kềnh càng làm cản trở cuộc chinh phục đỉnh cao. Tất nhiên, từ bỏ không chỉ là “từ bỏ”, nghĩa là trở nên trắng tay, nhưng là nhắm đến một cuộc chọn lựa lợi ích hơn cách nào đó trong bậc thang giá trị chủ quan. Ở đây, khấn sinh từ bỏ mọi sự để quyết chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình.
Nhưng qua cuộc sống của thánh Phanxicô Assisi, chúng ta nhận thấy sự từ bỏ không được nhấn mạnh bằng yếu tố kết duyên. Thật vậy, tuyên truyền cho rằng thánh nhân đã thoát y trước mặt mọi người trong nhà nguyện và việc Đức Cha đã lấy phẩm phục của mình mà bao bọc thánh nhân. Nếu chỉ dừng lại nghĩa đen, chúng ta có thể nhận thấy sự bất kính trong không gian nhà nguyện là nơi thờ phượng, nơi người ta biểu lộ sự cung kính trang nghiêm hết sức có thể, thế mà thánh nhân lại thoát y trả lại mọi sự cho người cha trần gian; còn việc Đức Cha lấy lễ phục mà che đậy thân xác trần trụi của thánh nhân không phải là một cử chỉ đẹp trong phụng vụ. Thiết tưởng, chúng ta phải đọc tiểu sử các thánh trong bối cảnh thời Trung cổ, thời kỳ quá chú trọng và đề cao đời sống các thánh bằng phương pháp ước lệ. Chúng ta cần giải thích những sự kiện này theo nghĩa biểu tượng. Đúng thế, qua việc thánh nhân thoát y trần trụi, Giáo hội muốn đề cao sự từ bỏ triệt để nơi ngài; và qua việc che chở của vị Giám mục, chúng ta hiểu rằng việc thánh nhân sống khó nghèo triệt để được Giám mục, là người đại diện Giáo hội, chứng nhận…Và như chúng ta đã nói, việc từ bỏ triệt để của thánh nhân giả thiết một cuộc chọn lựa quyết liệt với Đức Kitô, Đấng trở nên nghèo để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta trở nên giàu có.
Để thực hiện một cuộc chọn lựa là kết duyên với Bà Chúa Nghèo, thánh nhân đã ôm lấy tất cả vũ trụ tạo thành vào trong hiện hữu của mình. Thật vậy, mỗi tạo vật đóng một vai trò cần thiết trong đời sống của ngài. Ngài gọi anh mặt trời, chị mặt trăng…Tựu trung, ngài khám phá Thiên Chúa trong mọi sự và chiêm niệm Người khắp mọi nơi. Chính nhờ việc kết duyên với Bà Chúa nghèo mà ngài đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh, qua việc chịu 5 dấu thánh.
Như thế, nhân cách đời tu được thể hiện nơi thánh Phanxicô không hệ tại việc ngài đã mặc bộ áo tả tơi đi khắp thành Assisi để cao rao tình thương Chúa nhưng đã được thấm nhập trong chính niềm vui Tin Mừng, niềm vui của người đã kinh nghiệm thần bí trong cuộc kết duyên với Bà Chúa nghèo là chính Đức Kitô.
Qua đó, chúng ta thấy nổi bật nhân đức cậy nơi thánh nhân. Cái
lợi lớn nhất trong đời một tu sĩ là cậy vào Chúa, Đấng là gia nghiệp đời mình. Trong khi người đời cậy dựa vào của cải thế gian thì các tu sĩ lại cao rao niềm vui nội tâm của người sống tinh thần nghèo khó. Đó là một thách đố mà họ chỉ tìm được giải đáp thực sự nơi cái chết trần trụi của Đấng Phục sinh. Điều mà thánh Phanxicô đã chiêm niệm và chứng nghiệm trong cuộc đời của mình.
5.3.3.Con tim không chia sẻ
Nếu chỉ hiểu hạn từ này theo nghĩa chữ viết thì xem ra người có tâm tình này là một nhân cách lệch lạc, nhân cách “tù túng”. Thật vậy, một nhân cách đích thực phải khả dĩ mở ra cho mọi tương quan và lớn lên trong những lần gặp gỡ. Thế mà, một con tim không chia sẻ lại cuộn tròn trên bản thân. Chắc chắn, đây không phải là một nhân cách thể hiện tình yêu trinh khiết. Tình yêu trinh khiết của một con tim thực sự không chia sẻ phải biết qui về Đức Kitô. Nếu Người sống hết tình với tôi đến chết trên thập giá thì tôi cũng phải sống hết mình với Người qua việc chọn Người là đối tượng duy nhất của lòng tôi. Như thế, chúng ta mới hiểu phần nào: lý do mà thánh Têrêsa HĐGS mặc dù sống trong bốn bức tường của dòng Kín Cát Minh lại được Giáo hội đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Thật vậy, tình yêu đích thực vượt mọi rào cản của không gian và thời gian để đem đến cho mọi người phúc lành của Chúa. Một con tim không chia sẻ thì hướng trọn về Chúa và tìm mọi sự trong Người. Nếu hiểu theo nghĩa này, Têrêsa trở nên nhân cách trọn hảo trong đời sống thánh hiến. Nhân cách ấy vẫn còn được người đời ca tụng dù không còn hiện hữu trên cõi đời.
Nếu như giai đoạn
hiệp thương của nhân cách tôn giáo mời gọi các kitô hữu thiết lập một tương quan với Đức Kitô thì trong nhân cách đời tu này, các tu sĩ phải biểu lộ tình yêu của mình bằng một con tim không chia sẻ, nghĩa là dâng trọn cho Chúa mối tình khiết trinh. Nhờ đó, họ mặc lấy tâm tình của Đức Kitô, sống hy sinh và chia sẻ giọt máu cuối cùng cho nhân loại. Vẫn còn đó những
lạc thú luôn mời gọi con người. Đó là bài trắc nghiệm cho những ai đi tìm sự hoan lạc trong Thánh Thần.
Chúng ta đã khảo sát sơ lược về ba nhân đức hướng Thần khi đối chiếu với ba lời khuyên Phúc Âm, nhưng trong thực tế, đời sống tâm linh của một tu sĩ không thể tách biệt các chiều kích này được. Bởi đó, tu sĩ sống đức tin trong sự vâng phục vào Bề Trên, người đại diện Chúa ở trần gian, đồng nghĩa với việc họ sống phó thác vào sự quan phòng của Chúa (đức cậy) và nhân danh Người mà sống yêu thương trong mọi chiều kích tương quan. Có thể nói, đó là chất liệu giúp họ hình thành nhân cách trong một cộng đoàn đặc thù