Hiện tượng chết do làm việc quá sức (karòshi) tại Nhật.

Thứ hai - 07/11/2016 09:07

Hiện tượng chết do làm việc quá sức (karòshi) tại Nhật.

Nhật Bản là một quốc gia đông dân, nghèo nàn về tài nguyên, nhưng có một lịch sử phát triển kinh tế ngoạn mục nhất trên thế giới. Từ một nước nông nghiệp chuyển sang công nghiệp hóa nhờ tiến hành cuộc Minh Trị Duy Tân (1870-1890), tăng xuất khẩu giảm nhập khẩu (1900-1919), phát triển các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực đóng tàu, chế tạo máy bay (1920-1937)
. Trong thế chiến thứ hai (1939-1945) kinh tế Nhật bị tàn phá kiệt quệ, nhưng sớm được phục hồi (1945-1954) và phát triển cao độ (1955-1973). Vào năm 1973, GNP của Nhật đã vượt qua Tây Đức, Anh, Pháp, Canada , đứng vào hàng thứ hai trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ.
Thế nhưng, Nhật Bản cũng là nơi phát sinh ra nhiều vấn đề xã hội đặc thù. Ví dụ như số người làm nghề nông giảm trầm trọng , mật độ dân số ở đô thị rất cao (Tokyo là thành phố đông dân nhất thế giới, 13,6 triệu dân) , tỷ lệ người sống độc thân ngày càng cao (28,8%), tỷ lệ sinh đẻ ngày càng thấp(1,26 con/phụ nữ), tỷ lệ kết hôn giảm, tỷ lệ ly hôn tăng (1/3 cặp), thiếu lao động trẻ, , 1 phần 3 mẹ đơn thân sống trong cảnh nghèo khổ. Số người tự tử cao (trên 30 ngàn người hàng năm),…
karoshi-1
Số người tự tử ở Nhật từ năm 1899 đến năm 2011

 
Gần đây, báo chí Nhật có nhắc đến từ ngữ Karòshi, có âm Hán là “Quá Lao Tử” ( viết là: 過労死), được dịch ra tiếng Anh là “overwork death”, có nghĩa là “chết do làm việc quá sức”. Từ ngữ này đã trở thành từ ngữ quốc tế để nói đến một căn bệnh đặc thù , phát sinh đầu tiên ở Nhật Bản và đang lan rộng tới các nước như Nam Hàn, Đài Loan và Trung Quốc.
Trong các công ty Nhật Bản, làm việc ngoài giờ là một phong trào hiển nhiên được thành hình từ những năm 1955-1973, khi nền kinh tế Nhật đang trên đà phát triển cao độ, khi mà mức thu nhập của người lao động còn thấp so với nhu cầu cho cuộc sống hiện đại ngày càng cao, cộng thêm việc cắt giảm nhân công trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế, buộc người lao động Nhật phải cố gắng làm thêm giờ để có thể tồn tại trong công ty. Mặc dù luật pháp không bắt buộc, nhưng khi công việc ngập đầu với nhiều người chung quanh đều ở lại làm thêm giờ nên người lao động tự cảm thấy có trách nhiệm liên đới, đành phải chấp nhận làm thêm . Có khoảng 22% người lao động Nhật làm thêm 49 giờ mỗi tuần. cao hơn nhiều so với ở Pháp 8%, ở Mỹ 11%.

 
nhat
Năm 1987 , chính phủ Nhật quy định rằng nếu một người chết đột ngột vì 1 cơn “suy tim” trầm trọng do bởi làm việc ngoài giờ qui định (40 giờ/ tuần) trên 80 tiếng mỗi tháng và nếu quá trình này kéo dài từ 2 đến 6 tháng trước khi người đó chết, thì được công nhận là “karòshi”. Lần đầu tiên gia đình nhạn nhân nhận khoản tiền bồi thường 20.000 USD/năm từ chính phủ và 1,6 triệu USD/năm từ công ty mà người đó làm việc, 
 

 
nhat-boithuong
Số người đòi bồi thường do karoshi tăng

 
Năm 2015, chính phủ Nhật cho biết có khoảng 189 người chết do làm việc quá sức. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số thực về số người chết do làm việc quá sức có thể cao hơn nhiều, không phải là hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn người mỗi năm, nếu tính đến những trường hợp tự tử, vấn đề ở chỗ là chính phủ ngần ngại không muốn thừa nhận sự thật.
Vì thế, ngày 7 /10/2016 vừa qua, bộ lao động Nhật đã phát hành “bạch thư đối sách phòng ngừa karòshi”. Sách trắng (bạch thư) này không chỉ là lần đầu tiên xuất hiện ở Nhật mà cũng là lần đầu tiên trên thế giới. Ngoài việc phân tích ngành nghề, giới tính, tuổi tác, lợi tức,…,chính phủ Nhật xác nhận lại rằng karòshi không phải chỉ là cái chết do bệnh tim mạch vì làm việc quá sức mà ngay cả việc tự tử vì căng thẳng tinh thần do áp lực công việc quá tải cũng được xem là karòshi và gia đình của nạn nhân sẽ được bồi thường. Trong năm 2015, số vụ gia đình nạn nhân chết do bệnh tim mạch đòi bồi thường lên đến 795 vụ. 1515 vụ do tinh thần suy nhược, trong đó ngành vận tải, bưu điện , xây dựng, dịch vụ chiếm nhiều nhất.
Tại Nhật, nhân viên thường gắn bó với công ty suốt đời, nhiều người Nhật cho rằng vào xã hội (社会) tức là vào “hội xã” (会社). Trong tiếng Nhật, từ “hội xã” (会社) là từ trích ra từ từ ngữ “kabushiki kaisha” (株式会社) có nghĩa là công ty. Như vậy, vào công ty tức là vào xã hội. Thêm nữa, người Nhật được giáo dục phải sống theo tập thể và thường không dám đưa ra ý kiến cá nhân trước tập thể, họ sẳn sàng hy sinh việc cá nhân để cống hiến cho tập thể , cho công ty. Rất hiếm khi thấy 1 nhân viên xin nghỉ việc ở nhà để lo cho vợ đi sinh đẻ, thường họ chỉ về nhà sớm khi biết vợ mình đã sanh con xong. Theo báo cáo của sách trắng, có khoảng 24,2% người lao động không tìm ra nơi tư vấn để giải tỏa những căng thẳng của mình
Người viết đã có kinh nghiệm làm việc ở trong công ty Nhật vào những năm 1977-1982, đã từng làm việc thêm 95 tiếng đồng hồ, đạt kỷ lục thứ nhì của hãng, nhưng cũng đã từng bị nhiều bạn đồng nghiệp nhìn với cặp mắt khác thường khi đang chuẩn bị rời công ty đúng giờ quy định để về nhà giải quyết việc riêng tư.
Chính phủ Nhật đã nỗ lực tìm cách ngăn chặn hiện tượng karòshi này nhưng việc thưc thi luật lao động chưa nghiêm khắc, kém hiệu quả, đã tạo điều kiện cho nhiều công ty Nhật lợi dụng việc phân chia nhân viên chính thức và nhân viên hợp đồng và lòng trung thành của nhân viên, ép người lao động làm việc đến kiệt sức, đưa đến những hậu quả thật đau lòng.
Nhiều chính phủ cho rằng phát triển đất nước là tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, nhờ đó cuộc sống sẽ được nâng cao, sống hạnh phúc hơn, nhưng thực tế, phần lớn tầng lớp lao động thường phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân , dành nhiều thời gian cho công việc, để được nhận lại số tiền thù lao không tương xứng để chi trả cho những chi phí nhu cầu suộc sống ngày càng đắt đỏ. Nước Nhật có được ngày hôm nay cũng là nhờ có tầng lớp ở thế hệ trước đã tận tụy hy sinh làm việc và hiện nay cũng đang có tầng lớp trẻ khác đang tiếp tục hy sinh.
Nhiệm vụ của chính phủ không chỉ là tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn phải biết cách ngăn chặn việc lạm dụng, bóc lột sức lao động của các công ty vô lương tâm , buộc họ phải tuân thủ luật bảo hộ lao động và có những chính sách hỗ trợ cho nhu cầu cuộc sống của người dân lao động.
Đứng về lập trường của người lao động, nếu so sánh những điều kiện làm việc với các nước phát triển khác thì nước Nhật chưa hẳn là nước tiên tiến .
 
 

Tác giả bài viết: Ngô Khôn Trí.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập186
  • Hôm nay9,432
  • Tháng hiện tại272,594
  • Tổng lượt truy cập35,918,939
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây