Giá trị bên trong của mỗi người sẽ không bị tổn hao vì những đánh giá của người khác. Cha mẹ không chỉ nên để con nhận thức giá trị bên trong của mình mà còn phải để con nhận thức được rằng, giá trị này sẽ không thay đổi vì vẻ bề ngoài và môi trường. Sẽ có một ngày nó tỏa sáng.
Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe thấy người ta đánh giá con của mình như “Nó nhát lắm”, “Nó lười lắm”, “Nó rất vụng về”… Tất cả cái mác ấy là do cha mẹ gán cho con. Nếu không gỡ bỏ chúng thì trẻ sẽ vĩnh viễn bị chúng trói buộc, sẽ không thoát khỏi cái bóng của nó, cũng không thể có ý chí ngoan cường để khắc phục khó khăn.
Có một cô bé rất thích múa ba lê. Từ nhỏ cô bé đã có quyết tâm thi vào một trường chính quy để luyện tập, đồng thời coi múa ba lê là sự nghiệp cả đời mình. Tuy nhiên, cô rất muốn tìm hiểu xem liệu mình có năng khiếu này không. Thế là khi đoàn múa ba lê tới thành phố cô sinh sống biểu diễn, cô liền chạy đến gặp trưởng đoàn.
Cô gái nói: “Tôi muốn trở thành diễn viên múa ba lê xuất sắc nhất, nhưng tôi không biết mình có năng khiếu này không?. “Cô múa một đoạn cho tôi xem nào”, trưởng đoàn nói. Năm phút sau, vị trưởng đoàn bảo cô gái dừng lại, lắc đầu nói: “Không, cô không đủ điều kiện”.
Cô gái buồn rầu ra về, ném giày múa xuống đáy thùng và không bao giờ đi nữa. Về sau, cô kết hôn và sinh con, trở thành nhân viên thu ngân của siêu thị.
Nhiều năm sau, cô cùng con đi xem biểu diễn ba lê, vô tình gặp lại người trưởng đoàn năm xưa ở cổng nhà hát. Cô nhớ lại cuộc nói chuyện hồi ấy, thế là cô cho trưởng đoàn xem bức ảnh gia đình mình, đồng thời nói về cuộc sống hiện tại. Cô nói: “Có một điều tôi không hiểu, sao ông có thể biết tôi không có năng khiếu làm nghệ sĩ múa ba lê trong khoảng thời gian ngắn như vậy?”
“Ồ, lúc cô múa gần như tôi không nhìn, tôi chỉ nói với cô câu mà tôi đã nói với tất cả những người khác. Điều này thật sự không thể tha thứ được”. Cô hét lên: “Câu nói ấy của ông gần như hủy hoại cuộc sống của tôi, vốn dĩ tôi có thể trở thành diễn viên múa ba lê xuất sắc nhất!”
“Tôi không nghĩ như vậy”, trưởng đoàn phản bác lại, “Nếu cô thật sự khao khát trở thành một nghệ sĩ múa, cô sẽ không bận tâm tới lời tôi nói với cô”.
Cuộc sống mà từ đầu tới cuối đều sống vì cái mác mà người khác ban cho là cuộc sống không rực rỡ. Cuộc đời mà lúc nào cũng để ý tới lời đánh giá của người khác là cuộc đời không hoàn chỉnh. Đối với trẻ thơ, sống vì cái mác mà người khác gán cho là cuộc sống không vui vẻ. Nên để trẻ sống với đúng con người mình, bất kỳ lời hạ thấp nào cũng sẽ không khiến mình mất giá trị. Lời nói của người khác không thể quyết định hành động của mình.
Trong quá trình trưởng thành, trẻ phải trải qua rất nhiều chuyện. Có trẻ vì hoàn cảnh bình thường mà không dám mơ ước đến những thành công lớn. Vì thành tích học tập không tốt mà không dám đề ra mục tiêu lớn hơn. Đó là vì trẻ không chủ động phá vỡ khuôn mẫu, không thể thay đổi quỹ đạo của cuộc đời. Ngay từ khi còn nhỏ, con người phải học cách cạnh tranh với mình, dũng cảm phá bỏ những cái mác mà mình tự gán cho mình trong tiềm thức, trở thành người tích cực, lạc quan, biết đủ.
Để con trở thành người lạc quan
Để con giữ được thái độ hài hòa, lạc quan, không được để con mất cân bằng tâm lý. Đôi khi con trẻ bị mất cân bằng tâm lý, cảm thấy cái gì cũng không vừa ý nên bực bội, buồn phiền. Trẻ kỳ vọng càng cao thì thất vọng càng nhiều. Vì thế, cha mẹ hãy lưu tâm không nên để con kỳ vọng quá cao so với những người xung quanh và cuộc sống. Để trẻ học cách đối mặt với mọi thứ bằng thái độ bình tĩnh, không được kỳ vọng ai sẽ đối xử thế nào với mình, không được kỳ vọng lúc nào vận may cũng đến với mình. Để trẻ biết rằng, thế giới không tồn tại vì bất kỳ người nào.
Để con trở thành người tích cực
Chỉ có thái độ tích cực thì mới có thể dễ dàng tiến tới thành công. Trẻ học giỏi hay không, không phải là vấn đề trí tuệ, mà là ở sự chăm chỉ, tỉ mỉ. Cùng là học sinh nhưng có trẻ học giỏi đứng đầu lớp, có trẻ lại không thể. Điểm khác biệt thực sự là ở ai tích cực hơn, nỗ lực hơn, trách nhiệm hơn chứ không không phải là bởi thông minh tài trí và kỹ năng. Thực ra, thành công của những bậc anh tài, vĩ nhân trong xã hội đều được quyết định ở sự hy sinh của họ. Vì thế, thành công của trẻ không hoàn toàn là vấn đề phương pháp mà còn phụ thuộc vào thái độ của chúng.
Để con trở thành người biết đủ
Sở dĩ con người vui vẻ không phải vì họ nhận thức được nhiều mà là vì họ yêu cầu ít. Vì thế, cha mẹ phải dạy trẻ biết thỏa mãn, biết đủ, phải biết cảm ơn những lời quan tâm, hỏi han của người khác. Có người thân, thầy cô quan tâm đến mình là đủ. Phải học cách cảm ơn người khác, cảm ơn cuộc sống và không nên đòi hỏi quá nhiều.
Thực ra, mỗi người đều có ưu điểm và sở trường của mình, đồng thời cũng có nhược điểm và thiếu sót. Có những trẻ quá bận tâm đến cách nhìn của người khác, thế nên cố tình che giấu nhược điểm của mình, hy vọng để lại ấn tượng tốt đẹp với mọi người. Nhưng ngụy trang sẽ khiến con người mất đi cái tôi thật sự, lấy lòng người khác cũng không thể có được sự yêu quý thật lòng. Mà cái gì không thật thì không bền và nó rất hời hợt. Vậy, vì sao chúng ta không thử thay đổi góc nhìn? Để con trẻ được là chính mình. Để con học cách xé bỏ những “cái mác” người khác dán lên người mình. Chiến thắng bản thân.
Hồng Ân
Đây là câu chuyện của một người nước ngoài kể về sự tôn trọng ở nước Đức mà tác giả cảm nhận được, khiến nhiều người phải suy ngẫm. Bài viết đã được đăng tải trên trang báo Vision Times, xin được trích dẫn cùng độc giả.
Dresden là thủ phủ của bang Saxony. Nơi đây cũng là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế quan trọng của miền đông nước Đức. Câu chuyện xảy ra trong chuyến đến thăm Dresden đã để lại cho tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Cách khách sạn nơi tôi nghỉ khoảng 1km, có một cái siêu thị tên là Plus. Khi cùng đồng nghiệp đi tới đó mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt, tôi cũng tiện thể mua bao thuốc lá. Tôi chọn hai bao thuốc lá Davidoff và đứng xếp hàng chờ thanh toán. Nhân viên bán hàng nhanh chóng thao tác quét mã vạch, và giá hai bao thuốc lá tổng cộng là 6,2 Euro. Chúng tôi thanh toán rồi ra về.
Theo lịch trình, chúng tôi sẽ đi tới thăm quan trường đại học kỹ thuật Dresden trong hai ngày tiếp theo. Tuy nhiên, trong lúc gấp quần áo, tôi phát hiện chiếc cà vạt của mình đã bị phai màu hỏng mất. Bất đắc dĩ, tôi đành phải đi ra siêu thị Plus chọn một chiếc cà vạt có màu sắc tương tự cái cũ.
Không giống lần trước khi tôi đến mua, lần này mỗi nhân viên bán hàng trước khi quét mã vạch hàng hóa đều cầm một tấm hình chiếu vào mặt khách hàng để đối chiếu. Trong đầu tôi khi ấy lóe lên suy nghĩ: “Dùng loại biện pháp này để trợ giúp cục cảnh sát tra tìm tội phạm truy nã thì cũng chỉ là việc phí công vô ích.”
Lúc tôi mang chiếc cà vạt tới, cô nhân viên bán hàng trung niên đột nhiên thốt lên một tiếng “Ơ!”. Sau đó cô quay sang nói với những nhân viên khác bằng tiếng Đức: “Này, chính là anh này!”
Vừa nói dứt lời, tất cả mọi người xung quanh lập tức đưa ánh mắt nhìn tôi. Quá bất ngờ, tôi luống cuống xòe hai tay ra ý nói với họ rằng mình không làm việc gì trái pháp luật cả. Nửa phút sau, tôi được dẫn đến một phòng chờ.
Nhân viên siêu thị mang cho tôi một cốc nước rồi hướng về phía tôi nói lời xin lỗi chân thành. Thái độ đó càng khiến tôi không hiểu gì! Chưa đầy một phút sau, một nhân viên quản lý tới và nói:
– Cách đây 2 ngày, anh đã từng đến siêu thị của chúng tôi mua hai bao thuốc lá Dresden. Lúc đó nhân viên bán hàng đã thu của anh 6,2 Euro. Tuy nhiên từ 8 giờ 15 phút trở đi, mỗi một bao thuốc nhãn hiệu Dresden sẽ được giảm giá 3 cent. Thời gian tính tiền của anh là 8 giờ 15 phút 17 giây. Nhưng khi ấy máy tính tiền của siêu thị lại bị trục trặc mất 30 giây, nên đã không thể kết nối kịp thời dữ liệu giá đã giảm. Chúng tôi thành thật xin lỗi anh, chúng tôi phải trả lại cho anh số tiền thừa là 6 cent, xin mời anh kiểm tra một chút…
Nghe xong, tôi thực sự thấy thật kinh ngạc! Mặc dù chỉ có 6 cent, nhưng tôi cảm thấy rõ ràng sự trách nhiệm và nghiêm túc người Đức. Điều đó có lẽ là tiêu chuẩn kinh doanh và thái độ xử thế của họ – một dân tộc tự trọng và luôn ngẩng cao đầu.
Một chút suy ngẫm:
Xã hội hiện đại, thật giả thị phi khó mà phân biệt rõ ràng, vậy nên, những người có đức tính trung thực càng trở nên nổi bật và đáng trân quý. Mặc dù nó không thể đem lại cho chúng ta sự giàu có và quyền lực ngay lập tức, nhưng nó có thể mang đến cho chúng ta một xã hội công bằng, an toàn và có sự tin tưởng giữa người với người. Ngược lại, gian dối sẽ biến con người ta thành những kẻ giả tạo. Lâu dần, đạo đức cũng dần bị hạ thấp, và những con người ấy sẽ tạo nên một xã hội bất ổn, lường gạt, không thể phát triển.
Người xưa có câu: “Người có giáo dục phải là người trung thực, có đạo đức và làm việc chăm chỉ để tạo ra sự khác biệt trong thế giới này”. Vậy nên, bài học làm người đầu tiên cần học đó là “Trung thực”. Nó còn quan trọng hơn cả học kiến thức, kỹ thuật, công nghệ, bởi đó là phẩm cách của một con người, là nền tảng của tất cả những giá trị quan cần thiết trong cuộc sống.
Tiền bạc, bao nhiêu cũng không đủ để đổi lấy danh dự và trung thực. Danh dự và trung thực là cái mà chúng ta không thể để mất.
Chỉ là một câu chuyện nhỏ về 6 cent, nhưng đó chính là tự tôn, là nền tảng xây dựng nước Đức hoang tàn, đổ phế bởi chiến tranh trở thành đầu tàu của Châu Âu chỉ sau mấy thập kỷ.
Hiểu Minh
Có lẽ bạn sẽ bị bất ngờ khi thấy chiếc ví mình đánh mất trên chuyến tàu đông người bỗng nhiên được gửi đến tận cửa nhà cho bạn. Hay bạn có thể tự mua hàng ở những gian hàng không có chủ và cũng không có nhân viên bán hàng. Thế nhưng, điều này lại là một chuyện quá đỗi bình thường ở Nhật Bản.
Trong một nghiên cứu mới của Đại học East Anglia, Anh về độ trung thực của người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới, người Nhật Bản và Anh đứng đầu danh sách. Trong khi đó, người Trung Quốc xếp thứ hạng thấp nhất.
Ở bài kiểm tra đầu tiên, những người tham gia được yêu cầu lật một đồng xu và trả lời đó là mặt úp hay ngửa, nếu ngửa họ sẽ được thưởng 3 USD hoặc 5 USD. 70% người Trung Quốc tham gia hai bài khảo sát trên mạng đều gian lận và nói dối để được tiền thưởng.
Bài kiểm tra thứ hai yêu cầu hoàn thành chuỗi câu hỏi về âm nhạc, nếu hoàn thành đúng hết sẽ nhận được tiền thưởng. Họ được yêu cầu không tìm câu trả lời trên internet và đánh dấu vào câu trả lời của mình trước khi chuyển câu hỏi cho người tiếp theo. Ba trong số những câu hỏi được sắp đặt rất hóc búa buộc người chơi phải tìm hiểu thông tin trên mạng mới có thể trả lời. Trong bài kiểm tra này, người Nhật đứng đầu về độ trung thực, sau đó đến người Anh. Người Thổ Nhĩ Kỳ gian lận nhiều nhất, tiếp theo là người Trung Quốc.
Tính trung thực và trách nhiệm của người Nhật
Do tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán phổ biến tại Nhật hiện nay, nên hầu như mọi người khi ra khỏi nhà đều mang theo số tiền mặt không nhỏ trong người. Điều này dẫn đến việc tỉ lệ rủi ro mất trộm có vẻ sẽ cao. Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.
Trong một báo cáo của cảnh sát Metropolitan Tokyo năm 2016 cho biết, số tiền mặt kỷ lục 3,76 tỉ yên (42 triệu USD) bị thất lạc được đưa đến cảnh sát và 3/4 số tiền này đã được trả lại cho chủ nhân của nó.
Ngoài ra, Nhật Bản còn được biết đến là quốc gia có số lượng máy bán hàng tự động lớn nhất thế giới. Có hơn 5,5 triệu chiếc máy bán hàng tự động ở Nhật Bản, tương đương với một máy bán hàng phục vụ 23 người, mật độ cao nhất trên thế giới (theo CNN).
Máy bán hàng tự động ngày nay đã phổ biến khắp thế giới như một ngành bán lẻ. Nhưng chỉ có các công ty Nhật Bản mới “phù phép” cho những chiếc máy khổng lồ này thành nền công nghiệp hàng tỷ yên. Dù trong máy có hàng chục nghìn yên và nằm ở các con ngõ vắng vẻ thế nhưng chưa bao giờ người ta phải lo lắng về việc liệu nó có bị phá hoại hay trộm cắp hay không.
Những chiếc máy bán hàng tự động là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Nhật Bản. Những chiếc máy bán đủ mọi loại hàng hóa từ cà phê nóng đến hoa quả tươi, từ kẹo bánh đến ô che mưa, có mặt ở mọi ngóc ngách, từ lề đường cho đến các ga tàu điện ngầm, từ trung tâm thành phố sầm uất đến vùng dân cư hẻo lánh.
Cũng là một hình thức buôn bán bằng lòng tin và sự tử tế, đó chính là những gian hàng “không người bán”. Xung quanh các nhà ga hoặc những vùng xa trung tâm Nhật Bản, nếu bạn nhìn thấy những quầy hàng bán hoa quả tươi ngon nhưng lại không thấy người bán hàng, rất đơn giản, hãy tự chọn, cân kí và bỏ tiền vào thùng, sau đó mang lượng hoa quả bằng tầm tiền ấy về. Những quầy hàng kỳ lạ này, trong tiếng Nhật được gọi là ‘無人販売 – Mujin Hanbai’, nghĩa là quầy hàng không cần người bán. Đây là những quầy hàng đặc trưng ở vùng nông thôn của Nhật, nơi mà những người lao động thường đi làm cả ngày và đến tối họ sẽ mang những nông sản ‘không ai lấy’ và tiền trong hộp để mang về. Tiền trong hộp không thiếu một xu, mọi khoản tiền đều khớp với số hàng được bày bán.
Người Nhật nghĩ rằng, họ tin tưởng nhau nên không cần phải đề phòng nhau, đồng thời họ được dư một công lao động. Ngoài ra, ý nghĩa nhân văn hơn nữa là nếu ai quá túng thiếu, quá nghèo khổ không có tiền để mua thì đây cũng là cơ hội để cho người lấy không phải xấu hổ vì ăn cắp. Trong những năm khốn khó, người ta lấy đồ ở hàng tự động nhưng để lại lời xin lỗi rất cảm động. Và điều đó có thể tha thứ được. Khi người chủ đến, thấy mảnh giấy để lại còn thương xót người lấy đồ đi và nhủ rằng “Ôi, thế mà không lấy thêm đi hoặc biết vậy tôi đã để thêm đồ cho bạn. Cầu chúc bạn may mắn và chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Thú vị hơn nữa, khi bạn muốn tới những nơi xa bằng taxi, tài xế sẽ chở bạn tới nhà ga và khuyên ‘Hãy đi tàu điện cho rẻ!’. Không ít du khách nước ngoài gần như đã không thể tin vào tai mình khi nghe những lời này.
Có lẽ, đây là điều mà bất cứ ai đến Nhật cũng vô cùng thích thú, cảm kích. Bởi vì, nó chứng tỏ nền giáo dục, ý thức, tính kỉ luật và lòng tự trọng của cả một dân tộc giàu văn hoá truyền thống.
Ở Nhật, sự trung thực được đề cao và nuôi dưỡng bởi cả xã hội
Con người luôn bị cám dỗ bởi lòng tham, vậy điều gì đã giúp người Nhật vượt qua được cám dỗ đó? Câu trả lời nằm ở sự tử tế và lòng tự trọng. Lòng tự tôn dân tộc đã ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật từ những ngày xa xưa. Nó dường như đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong tính cách của người Nhật.
Biết xấu hổ với chính bản thân mình trước khi xấu hổ với người khác, điều này, lý giải vì sao những gian hàng “không người bán”, không hề có camera nhưng chẳng bao giờ xảy ra mất trộm. Đối với mỗi người dân Nhật Bản, bản thân họ đã là một cơ quan công quyền của chính mình, lòng tự trọng chính là chế tài xử phạt. Khi người ta có lòng tự trọng, họ sẽ không bao giờ làm việc trái với lương tâm.
Một điều khác nữa góp phần làm nên tính trung thực của người Nhật, đó là luật pháp. Theo Luật Đồ đạc Thất lạc của Nhật Bản, bất cứ ai nhặt được tiền đều phải đưa đến cảnh sát. Họ sẽ nhận được 5 – 20% số tiền nhặt được sau khi chủ nhân đến nhận. Nếu trong vòng 3 tháng không ai đến nhận, người nhặt được quyền sở hữu toàn bộ số tiền đó. Đây cũng là một phương pháp khuyến khích người dân trung thực hơn.
Thế nhưng, yếu tố quan trọng nhất tạo nên những người trung thực nhất thế giới chính là giáo dục. Với người Nhật, sự trung thực của trẻ được hình thành ngay từ trong chính gia đình. Các bậc phụ huynh Nhật Bản luôn xem mình là tấm gương của con cái, họ tuyệt đối không thể hiện những thói quen xấu trước mặt con. Đặc biệt, họ sẽ không nói dối trẻ. Đối với họ thông minh, giỏi giang không bằng trung thực, nhân hậu. Những đứa trẻ Nhật Bản được dạy về tính tự giác, kỷ luật, trách nhiệm và trung thực ngay từ khi bắt đầu ý thức được mọi việc.
Trẻ từ 3-4 tuổi bắt đầu học cách nói dối. Vì vậy, nếu bé có phạm một lỗi lầm nào đó thì bố mẹ Nhật sẽ không phạt ngay mà khuyến khích trẻ thú nhận. Và nếu bé thành thực nhận lỗi sẽ được thưởng kẹo hoặc những thứ nho nhỏ khác. Với những trường hợp bé cố tình nói dối, người Nhật sẽ giải thích cho bé việc nói dối là không tốt, đưa ra lý do và cho trẻ biết là bố mẹ sẽ không tin tưởng nếu bé tiếp tục làm như vậy. Nếu bé vẫn tái phạm thì sẽ phải chịu những hình phạt khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của lời nói dối.
Ngoài ra, các bà mẹ Nhật cũng thường xuyên kể những câu chuyện cổ tích, chuyện thần tiên để giúp trẻ hiểu được giá trị của lòng tốt, tính trung thực. Những người luôn sống ngay thẳng, hay giúp đỡ người khác sẽ luôn gặp may mắn và hạnh phúc.
Người Nhật trung thực, trách nhiệm và rất khiêm tốn, đây không phải chỉ là những câu nói vô căn cứ, mà là những câu chuyện thường ngày tại Nhật Bản. Những câu chuyện như thế đã, đang và sẽ mãi khiến người dân thế giới nể phục. Điều chúng ta còn thiếu chính là sự tự giác học hỏi và bỏ đi thái độ của bản thân, những điều mà người Nhật cách đây hơn 50 năm đã cố gắng làm được và tạo nên một nước Nhật thần kỳ như ngày hôm nay.
Tác giả bài viết: Tâm Liên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn