…Theo những trao đổi trong đoạn video, những người tại cuộc họp nói rằng cách đây 10 năm, một vài người Việt đã đi Nam Ninh, Trung Hoa, để tìm lại nguồn gốc xuất phát của người Kinh. Họ cho rằng dân tộc Kinh là người Việt Nam, xưa gọi là Annam, một trong số 56 sắc tộc được người Mãn Châu trả độc lập từ những năm 1884 – 1885, đi ra khắp nơi trên thế giới, hiện nay đã có 3 – 4 triệu người thuộc Tộc Kinh sống trên 27 quốc gia, trong đó có khoảng 1 triệu ở Hoa Kỳ và 1 triệu ở châu Âu… (Tường An, Từ Tộc Kinh đến đặc khu của người Trung Hoa tại Pháp, RFA, 1/11/2018).
Bên cạnh các tường trình sẽ xây dựng trung tâm hành chánh, văn hóa, các trường đại học ngang tầm quốc tế, cũng như chi nhánh các trường đại học danh giá của Hoa Lục mà tương lai sẽ được mở rộng ra đến 85ha, ban tổ chức cuộc hội họp cũng làm lễ trao tặng 7 lá cờ, thể hiện bởi ba ngôn ngữ là tiếng Việt (Tộc Kinh), tiếng Pháp (Bussy Saint Georges), với hiệu kỳ (thay đổi từ Kinh tộc triều Tổ tông, Tổ, Quốc, Lệnh) và nội dung ý nghĩa của cờ đều bằng tiếng Hoa, cùng dãy ký hiệu W943001635 (tức số ghi danh hoạt động của hội người Việt ở Villejuif cách phía nam Paris 7km, có tôn chỉ thúc đẩy sự tham gia, hợp tác trên các lảnh vực thương mại, tài chánh, kỹ nghệ của người Việt hải ngoại và người Trung Hoa, với Hoa Lục, châu Âu và Hoa Kỳ) cho các giới chức công quyền Pháp đến tham dự.
Theo đó đây là những lá cờ lệnh đến từ ba đảo, tức Tam Đảo tại Hoa Lục, đại diện cho quyền lực tâm linh tối cao về chính trị, kinh tế của dân tộc Kinh và tùy theo từng đại diện phát hành cờ như Tổ Phụ, chi nhánh chùa Thiếu Lâm, tập đoàn tài chánh và cả một thành phố ở Quảng Tây – Trung Hoa, cờ chuyển tải ý nghĩa gầy dựng một quốc gia riêng cho Tộc Kinh tại Bussy Saint Georges (?), đặt vấn đề hợp tác với BSG, phối hợp với hàng triệu người Kinh hải ngoại về đầu phục dưới cờ Tộc Kinh tại BSG, có sự kế thừa, chuyển tiếp của những thế hệ tương lai nhằm phát triển dân tộc Kinh, thúc đẩy sự hợp tác, phát triển về văn hóa, kinh tế giữa ba dân tộc Pháp, Kinh và Trung Hoa ngày càng thêm mạnh mẽ và rực rở.
Việc các tay tài phiệt Trung Hoa đỏ, có sự hà hơi tiếp sức của chính quyền cộng sản Bắc Kinh, đang nổ lực vươn dài tay thâu tóm rất nhiều diện tích đất đai tại Pháp hiện nay đã không còn là chuyện nghi vấn, hay vấn đề mới mẻ.
Đã có những tin tức tiết lộ ban đầu cho thấy tư bản đỏ Hoa Lục bỏ ra không dưới 76 tỷ Euro, để tranh mua đất đai Pháp, từ các vùng nông nghiệp lúa mì trù phú Bretagne (Brittany) và vùng bò sữa Normandy trên phía tây bắc, đến vùng trồng nho Indre thuộc lưu vực sông Loire tại trung bộ và đáng kể là có nhiều lâu đài rượu nho huyền thoại của vùng Bordeaux ở phía tây nam nước Pháp, đã lần lượt rơi vào tay các tỷ phú tư bản đỏ Hoa Lục bằng các thương vụ mờ ám, giao dịch tài chánh bí mật, nâng giá đất đai cao gấp 3 – 4 lần giá thị trường và sự thông đồng, móc nối với các doanh nghiệp hám lợi bản địa từ năm 2010, gây ra các vụ biểu tình chống đối của giới tiểu chủ, tiểu nông Pháp từ năm 2016 đến nay vẫn chưa có sự kết thúc thỏa đáng và rõ rệt.
Tuy nhiên, trong vấn đề Bussy Saint Georges mới đây, rõ ràng đã có thêm các yếu tố về văn hóa, chính trị và có ảnh hưởng tiêu cực - nếu chưa muốn nói là phá hoại trực tiếp đối với cộng đồng người Việt quốc gia ở Pháp nói riêng và các cộng đồng người Việt quốc gia ở hải ngoại nói chung.
Chưa bàn đến tính khả thi của đề án khi ngông cuồng muốn tung tiền mua đất để thiết lập một tiểu quốc ngay tại lảnh thổ Cộng hòa Pháp (?), những kẻ đầu têu Việt - Hoa khi giải thích căn nguyên, tôn chỉ hoạt động của nhóm này, không hiểu vì dốt nát nên đã có một sự ngộ nhận quái đản về lịch sử Việt Nam cận đại, hay do đang thực hiện âm mưu bóp méo lịch sử, cần phải đánh đồng, lộn sòng các cộng đồng người Việt ở hải ngoại, với cộng đồng người Kinh ở Quảng Tây – Trung Hoa, đáp ứng cho tham vọng bành trướng và dã tâm tiêu diệt người Việt của Trung Cộng, khi vừa đồng hóa người Việt trong nước qua mật ước Thành Đô (?), vừa đồng thời thu tóm luôn các cộng đồng người Việt trên toàn thế giới vào đại gia đình các sắc tộc thiểu số của đất nước Đại Hán (?).
Phải nói ngay rằng dù các luận điệu xuyên tạc có tính phủ nhận sự thật lịch sử của các cá nhân thuộc nhóm BSG hoàn toàn ấu trỉ và ngớ ngẩn, nhưng đặt trong toàn cảnh có dự mưu mang tầm vóc quốc tế, có liên hệ đến quan điểm và cái nhìn của người bản xứ và nhất là có mục đích đánh tráo khái niệm về người Việt Quốc gia tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại, đánh đồng như là hậu thân của nhóm người Kinh lưu lạc đang sống ở Hoa Lục từ hơn 500 năm trước cần phải được hóa giải nọc độc tuyên truyền ngay từ trứng nước, nên việc đặt vấn đề, coi lại và đối chiếu một số chi tiết về lịch sử Việt Nam cận đại, e cũng không phải là điều thừa thải.
Nói rằng Tộc Kinh vốn là người Việt Nam, xưa gọi là người Annam và hiện nay có một cộng đồng, được coi là là một trong 56 cộng đồng sắc tộc thiểu số đang quần cư tại Hoa Lục thì không sai. Nhưng cho rằng căn cứ vào đó để tìm lại nguồn gốc xuất phát của Tộc Kinh, một dân tộc được nhà Thanh Trung Hoa trao trả độc lập từ những năm 1884, 1885 và hiện nay có 3 – 4 triệu người thuộc Tộc Kinh đã từ đó đi ra định cư rải rác tại 27 quốc gia, thì đúng là một điều nhảm nhí nực cười.
Nước Việt Nam lập quốc từ thời Kinh Dương Vương và họ Hồng Bàng kế tục đầu tiên đã trải qua hàng ngàn năm, với biết bao thăng trầm lịch sử và các thời kỳ Bắc thuộc, Pháp thuộc, Nhật thuộc, đan xen nhau và thay nhau lụi tàn, trước quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước của dân tộc Việt Nam. Năm 1884 – 1885 chỉ là mốc triều đình nhà Nguyễn đang cai trị nước Việt Nam, phải ký hòa ước giải chiến sau cùng với thực dân Pháp, tức hòa ước Patenôtre ký trong tháng 6/1884, chấp nhận sự “ bảo hộ “ của nước Pháp trên toàn bộ lảnh thổ Việt Nam và có sự công nhận của lân bang là nhà Thanh đang cai trị Trung Hoa, thông qua thỏa thuận sơ bộ Pháp - Hoa ký tại Thiên Tân (Tianjin) vào tháng 5/1884.
Người Kinh (The Kinhs, Jings, hay Gins) là sắc tộc chiếm đa số, khoảng 85% trong cộng đồng dân tộc Việt Nam có tổng cộng 54 sắc dân, nên luôn đã, đang và là “ chủ nhân ông “ của đất nước Việt Nam, từ khi lập quốc đến ngày nay.
Khoảng các năm từ 1510 tới 1516 dưới thời vua Lê Tương Dực, có hơn 100 người Kinh, thuộc 15 dòng họ khác nhau là Cao, Hoàng, Bùi, Vũ, Tô, Nguyễn, Cung, Ngô, Lương, Đỗ, Đào, Đoàn, Lê, Hà và Phan, từ Đồ Sơn trong vùng Hải Phòng – Quảng Ninh vượt biển đến ba hoang đảo, sau gọi là Vạn Vĩ (Wanwei), Vu Đầu (Wutou) và Sơn Tâm (Shanxin) trong vùng lảnh hải Trung Hoa, cách phía bắc Móng Cáy khoảng 25km để tụ cư, lập làng và gầy dựng cơ nghiệp. Sau một thời gian dài với quá trình bồi đắp tự nhiên và nhân tạo, ba hoang đảo đã trở thành bán đảo nối vào vùng đất liền từ năm 1971, được gọi là vùng Tam Đảo, thuộc trấn Giang Bình, thị xã Đông Hưng, khu Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây – Trung Hoa, có tổng số người Kinh là các thế hệ con cháu lưu dân thuở trước đang tiếp tục sinh sống tại đây khoảng 18.700 người, mệnh danh là Kinh tộc Tam đảo, với các bản sắc văn hóa cổ Việt Nam còn được lưu truyền, như tục nhuộm răng đen, ăn trầu, hát đúm, đàn bầu, nói tiếng Việt, viết chử Nôm….và trở thành một trong tổng số 55 sắc dân thiểu số tại Hoa Lục.
Cộng đồng người Việt Quốc gia hải ngoại hình thành sau biến cố cộng sản Hanoi đã đánh chiếm xong miền nam Việt Nam tự do và kết thúc bằng sự sụp đổ của chính phủ VNCH trong cuối tháng 4/1975. Khởi đầu từ cuộc di tản ra khỏi nước của một số quân, dân, cán, chính VNCH ngay sau khi Saigon rơi vào tay cộng sản, đến cao trào vượt biên, vượt biển ồ ạt của người dân khắp nơi trên miền nam Việt Nam diển ra trong các năm từ 1976 tới 1980, song hành với những chương trình nhân đạo quốc tế giúp giải quyết, can thiệp số phận của người Việt tỵ nạn cộng sản như Đoàn tụ Gia đình, Ra đi có Trật tự ODP (Orderly Departure Program), hay Tái định cư cho các cựu Tù nhân Cải tạo VNCH (The Special Released Re-Education Center Detainee Resettlement Program) trong các năm từ 1980 đến 1994, đã đưa tổng số người Việt miền nam ra định cư tại nhiều quốc gia tự do trên thế giới, như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Bắc Âu và Úc… lên đến hàng triệu người, trong số đó tập trung đông nhất là tại Hoa Kỳ, với hơn 1,5 triệu người.
Tôn chỉ của các cộng đồng người Việt Quốc gia hải ngoại là tuyệt đối chống lại chủ thuyết vô thần cộng sản, không thừa nhận ách cai trị độc tài hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam và chế độ công an trị Hanoi, phải dân chủ hóa đất nước, tôn trọng nhân quyền, đa nguyên, đa đảng, tiến tới giao trả quyền lực thật sự về tay nhân dân Việt Nam, thông qua lá phiếu và các cuộc bầu cử tự do, công bằng, công khai và minh bạch.
Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, ngày nay cộng đồng người Việt Quốc gia trên khắp mọi quốc gia tự do, dân chủ và phát triển tại Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu và châu Đại Dương đã vượt qua giai đoạn gian nan tiên khởi, để mỗi ngày mỗi thêm vững mạnh hơn về đủ mọi phương diện, với những thành tựu chắc chắn và ngày càng nhiều về khả năng sở hữu tri thức, tiềm năng kinh tế, động năng chính trị và cả năng lực chỉ huy quân sự tại các quốc gia sở tại, trở thành thành phần thứ hai ở bên ngoài lảnh thổ Việt Nam đã độc lập với thành phần thứ nhất còn ở trong nước của dân tộc Việt Nam.
Các ưu thế này chính là mục tiêu đầy cám dỗ cho cộng sản Hanoi nhắm tới nhằm chiêu dụ nhân tài và bòn rút tiền của gởi về nuôi sống cho chế độ.
Rất nhanh chóng và rất mặt dày mày dạn, đảng cộng sản Việt Nam đã đổi giọng từ miệt thị bọn ma cô, đĩ điếm bám chân đế quốc để kiếm chút bơ thừa, sữa cặn, thành ra luận điệu nâng bi kiếm ăn, gọi là khúc ruột ngàn dặm, Việt kiều (?) yêu nước, hầu vồ vập hít lấy, hít để mùi mực thơm ngạt ngào của đồng dollar.
Do đó, rất có thể cũng không khác bao nhiêu với tâm địa lưu manh của cộng sản Hanoi, cộng sản Bắc Kinh hiện nay cũng đang chỉa dần mũi dùi đâm thọc vào cộng đồng người Việt Quốc gia hải ngoại, mưu đồ đánh lộn sòng, nhập nhằng khối công dân và hậu duệ VNCH tỵ nạn cộng sản tại Pháp nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, như là một thành phần của cộng đồng người Kinh thiểu số tại Quảng Tây, nhằm gây ngộ nhận, phân hóa, lôi kéo, chiêu dụ, hòa nhập và hòa tan vào giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình, thay vì trong tương lai đây sẽ là một nguồn sinh lực rất cần thiết cho công cuộc kiến tạo lại Việt Nam thời hậu cộng sản. Xin cảnh giác.
11/2018.