Hình tượng người điên trong phim ảnh

Thứ tư - 07/11/2018 20:47

Hình tượng người điên trong phim ảnh

Bạn không cần phải 'điên' thật mới được xuất hiện trong phim ảnh, nơi nhìn chung có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với bệnh tâm thần.

Arwa Haide

LionsgateBản quyền hình ảnhLIONSGATE

 

Đó không phải là vì điện ảnh né tránh các chủ đề cấm kỵ, mà chủ yếu là do ngành công nghiệp này có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ cảm tính sang câu khách.

Điều đó khiến cho Mad to Be Normal, bộ phim lấy bối cảnh những năm 1960 kể về một nhân vật có thật là nhà tâm lý học người Scotland, RD Laing, vốn vừa được ra mắt ở dạng video theo yêu cầu (VoD), đem đến một cái nhìn mới mẻ cuốn hút.

Tài tử David Tennant vào vai Laing: một nhân vật phức tạp và có sức cuốn hút, người nổi danh với cách chữa trị cực đoan và đồng cảm cho các bệnh nhân tâm thần.

Những nhân vật điên

Laing trong đời thực có nhiều câu nói được người đời dẫn lại một cách thâm thúy (ông mô tả điên loạn là "một sự điều chỉnh có lý trí hoàn hảo đối với cuộc đời điên đảo").

GSP Studios InternationalBản quyền hình ảnhGSP STUDIOS INTERNATIONAL
Image captionPhim mới Mad to Be Normal nói về RD Laing, một nhà tâm thần học ở Glasgow, người có những ý tưởng kỳ lạ trong việc chữa trị cho bệnh nhân tâm thần

Ông cũng đi ngược lại văn hóa (ông lập luận rằng xã hội truyền thống đang "khiến con em chúng ta nổi điên" và khuyên các bệnh nhân là người trưởng thành của mình hãy dùng LSD, một loại ma tuý tổng hợp gây ảo giác).

Ông cũng chiến đấu với những con quỷ dữ trong mỗi con người như chứng nghiện rượu và trầm cảm.

Nhân vật Laing do Tennant thể hiện trên màn ảnh được góp mặt một cách ấn tượng cùng với Elisabeth Moss, Gabriel Byrne và Michael Gambon.

Tuy nhiên, điện ảnh chính thống vẫn rất chật vật với hình mẫu 'người hùng' mắc bệnh tâm thần; đoạn trailer của Mad to Be Normal nổ: "Đối với một số người thì ông ấy là người xác tín… đối với một số người khách ông ấy là một vị thánh".

Trong khi đó, trên màn ảnh nhỏ, khán giả đang sốt với bộ phim truyền hình nhiều tập Maniac sắp sửa ra trên Netflix (dựa trên vở kịch tâm lý Na Uy cùng tên lấy bối cảnh ở nhà thương điên).

Trong show truyền hình Mỹ hào nhoáng và mê đắm này, Emma Stone và Jonah Hill thủ vai hai người lạ đang được cho thử nghiệm một loại thuốc bí ẩn được cho là chữa được các vấn đề về tâm thần.

"Đó không phải là liệu pháp chữa trị - đó là khoa học," Tiến sỹ Mantleray quái đản (do Justin Theroux thủ vai) nói với các bệnh nhân của mình.

Stone giải thích với tạp chí Elle: "Điều mà tôi thích ở Maniac là nó kể về những người đối mặt với sự giằng xé nội tại của riêng mình và đang tìm cách chữa trị bằng một viên thuốc. Nhưng bạn sẽ thấy khi câu chuyện diễn tiến thì chỉ có mối liên hệ giữa người và người và tình yêu mới thật sự là điều duy nhất giúp chúng ta đi hết cuộc đời."

United ArtistsBản quyền hình ảnhUNITED ARTISTS
Image captionBay trên tổ chim cúc cu tạo ra ấn tượng về một bệnh viện tâm thần rất ức chế

Cách điều trị tàn bạo

Nghệ thuật sáng tạo tìm đến sự phức tạp và mong manh của tâm hồn trong khi ngành giải trí chính thống vẫn đòi hỏi một giải pháp nhanh chóng.

Và định nghĩa của 'điên loạn' tự thân nó cũng là vấn đề; nó được xem như là một thuật ngữ y khoa lỗi thời.

Tiến sỹ Ryan Howes viết trên tạp chí Psychology Today rằng "nó là chủ đề nghiên cứu của các chuyên gia y tế, nhưng ngày nay thuật ngữ này trước hết mang tính pháp lý chứ không phải tâm lý".

Ông dẫn lại định nghĩa trên trang mạng chuyên về pháp lý Law.com: "bệnh tâm thần có bản chất nghiêm trọng đến nỗi một người không thể nào phân biệt được giữa mơ tưởng với thực tế, không thể thực hiện những công việc của mình do loạn thần và có những hành vi bốc đồng không thể kiểm soát."

Ấy vậy mà quan niệm chính thống của chúng ta về 'điên khùng' vẫn dính chặt với những cảnh trên màn ảnh - một cách mạnh mẽ hơn nhiều so với tiểu thuyết hay hồi ký để chuyển thể nên bộ phim đó.

Một phim kinh điển như One Flew Over the Cuckoo's Nest (Bay trên tổ chim cúc cu - 1975) đã tạo ra ấn tượng về một bệnh viện tâm thần rất ức chế - nơi mà tên tội phạm năng nổ RP McMurphy (do Jack Nicholson thủ vai) giả vờ bị điên để trốn lao động trong tù - nhưng cuối cùng lại bị chính hệ thống đó bóp nghẹt.

Những cảnh khắc họa gay cấn cảnh họ đối xử với bệnh nhân, nhất là liệu pháp co giật điện tàn bạo, đã có tác động lớn lao.

Vào năm 2011, tờ Telegraph đã đi xa đến mức cho rằng bộ phim đó phải chịu trách nhiệm cho việc "vấy bẩn hình ảnh của liệu pháp co giật điện đến nỗi không thể sửa chữa được… nó cũng thúc đẩy việc phát triển những loại thuốc trị tâm thần hiệu quả hơn để cho phép bệnh nhân… sống một đời sống bình thường hơn".

Warner BrosBản quyền hình ảnhWARNER BROS
Image captionNicholson thủ vai một người điên vốn là nghệ sỹ trình diễn có máu sát nhân trong tác phẩm kinh điển The Shining của đạo diễn Stanley Kubrick

Trong khi đó, Nicholson cũng thủ vai một người điên vốn là một nghệ sỹ trình diễn có máu sát nhân tên là Johnny trong tác phẩm kinh điển The Shining vào năm 1980 của đạo diễn Stanley Kubrick.

Thật ra, trong hàng chục năm, các phim kinh dị dường như chi phối cách phác họa bệnh điên - không chỉ là trong Psycho của Alfred Hitchcock (1960), từ tác phẩm mang tính biểu tượng một cách kỳ quái Norman Bates của Anthony Perkins cho đến những giai điệu mơ hồ trong đoạn nhạc phim của Bernard Hermann.

Mọi thứ đặc biệt tồi tệ với quá nhiều những kẻ ác thú trong những phim giết người hàng loạt: Michael Myers trong Halloween, Jason Voorhees trong Friday the 13th, Freddy Krueger trong A Nightmare on Elm Street - người điên được khắc họa là ác quỷ và thường được che mặt nạ hoặc cho trở nên dị dạng để làm tăng hiệu ứng kinh hoàng.

Tạo hình ảnh sai lệch

Tiến sỹ Danny Wedding, nhà tâm lý học người Mỹ đã phân tích một số những vấn đề này trong cuốn sách của ông có tựa đề 'Phim ảnh và Bệnh tâm thần': "Những phim như Psycho (1960) khiến cho sự mơ hồ tiếp diễn về mối quan hệ giữa chứng tâm thần phân liệt và chứng rối loạn bản sắc phân ly (trước đây được gọi là hội chứng đa nhân cách) trở nên kéo dài mãi."

"Những phim như Friday the 13th (1980) và A Nightmare On Elm Street (1984) đều đóng đinh quan niệm sai lầm rằng những ai rời bệnh viện tâm thần đều là bạo lực và nguy hiểm."

"Những phim như The Exorcist (1973) nói với công chúng rằng bệnh tâm thần cũng giống như là bị ma quỷ nhập; và những phim như One Flew Over the Cuckoo's Nest (1975) đưa ra quan điểm rằng các bệnh viện tâm thần chỉ đơn thuần là nhà tù mà ở đó người ta không hề quan tâm hay quan tâm rất ít về quyền lợi và sự an lành của bệnh nhân."

"Những phim này lý giải phần nào cho sự kỳ thị đối với bệnh tâm thần mà giờ đây vẫn còn xảy ra."

LionsgateBản quyền hình ảnhLIONSGATE
Image captionSự kết hợp giữa hiện tượng siêu nhiên với trạng thái tâm thần của con người được Michael Myers thể hiện rất tốt trong phim Halloween

Đồng thời, các bộ phim cũng hòa theo những quan niệm mê tín và sự khinh miệt đối với bệnh tâm thần vốn bắt rễ rất sâu trong nhiều nền văn hóa và niềm tin khác nhau - trong đó có suy nghĩ cho rằng bệnh tâm thần bằng cách nào đó là thuộc về thế giới khác hay là hiện tượng siêu nhiên.

Bài nghiên cứu có tựa đề 'Văn hóa và Ảo giác: Tổng quan và Phương hướng Tương lai' (của các tác giả Frank Laroi, Tanya Marie Luhrmann và Angela Woods, 2014) lập luận rằng "văn hóa thật sự có tác động lớn đối với sự trải nghiệm, hiểu biết và cách đặt tên những ảo giác… và điều đó có thể có những hậu quả lý thuyết và lâm sàng quan trọng."

Bộ phim câm của Nhật vào năm 1926 A Page of Madness siêu thực và đẹp một cách ám ảnh (với cách sử dụng đầy biểu cảm những chiếc mặt nạ và chuỗi các giấc mơ), được lấy bối cảnh ở một nhà thương nơi mà một đôi kết hôn đã trở thành bệnh nhân và người chăm sóc - nó nhấn mạnh danh dự và tội lỗi trong gia đình.

Người đàn bà điên

Mặc dù người điên là nam giới có thể được thể hiện như là quái thú hay nhân vật phản diện (hãy xem cảnh gặp nhau mang tính khoa học viễn tưởng của Bruce Willis và Brad Pitt ở nhà thương điên trong phim 12 Monkeys (1995), Mad Max của Mel Gibson hay ảo giác của Leonardo DiCaprio trong phim Shutter Island vào năm 2010), hoặc là bị hiểu lầm (The Madness of King George, 1994), điện ảnh thể hiện những vấn đề khác đối với các nhân vật điên là nữ.

Chứng hysteria (có nghĩa là 'cuồng loạn') từ xa xưa đã được xem là nỗi khổ của nữ giới (nó bắt nguồn từ từ Hy Lạp hysterus có nghĩa là 'tử cung).

Cơn điên của phụ nữ và những hành xử phi lý trí thường được thể hiện một cách đầy nhục dục trên màn ảnh - cho dù đó là nhân vật Beatrice Dalle bốc đồng và tàn hại trong phim gợi tình Betty Blue của Pháp (1986), hay chứng loạn thần được cách điệu một cách màu mè trong Black Swan của Darren Aronofsky (2010), hay phim Neon Demon của Nicholas Winding Refn (2016).

SonyBản quyền hình ảnhSONY
Image captionAngelina Jolie đoạt giải Academy Award, bên cạnh nhiều giải danh giá khác, cho vai diễn của mình trong phim Girl, Interrupted

Nỗi kinh sợ chính thống trước 'phụ nữ điên' vẫn là chủ đề trong Fatal Attraction(1987) mà trong đó nữ diễn viên được đề cử Oscar Glenn Close đã biến đổi từ một người phụ nữ theo đuổi sự nghiệp thành một người bị người tình hắt hủi rồi thành kẻ sát nhân hận tình.

Close đã chiêm nghiệm rất sáng suốt về nhân vật của mình, trong đó có một bài phỏng vấn với tờ New York Times vào năm 2017 ("cô ta được xem là ác quỷ hơn là một người phụ nữ cần được giúp đỡ, và điều đó khiến tôi kinh ngạc").

Ở những phim khác cũng có sự khắc họa mang tính cảm thông hơn đối với phụ nữ bị tâm thần - trong đó có Gena Rowlands trong phim A Woman Under the Inflluence của đạo diễn John Cassevetes (1974), hay vai diễn dựa trên đời thực của Frances Farmer (một nữ diễn viên Mỹ vào những năm 1930 bị buộc đưa vào viện tâm thần) do Jessica Lange thủ vai (1982).

Winona Ryder dẫn đầu dàn diễn viên của Girl, Interrupted (1999) được chuyển thể từ chuyện kể có thật vào những năm 1960 về khoảng thời gian ở trong viện tâm thần dành cho thanh niên.

Diễn viên đóng chung với Ryder là Angelina Jolie đã giành được một giải Oscar cho vai diễn của cô, nhưng bản thân Kaysen cảm thấy ít bị thuyết phục bởi bộ phim và coi nó như là một phim tâm lý xã hội tầm phào.

Cách nhìn tích cực hơn

Phim ảnh thì đòi hỏi cần có kết cục nhiều hơn so với hầu hết các hình thức nghệ thuật khác - và 'điên loạn' thì luôn dẫn tới số phận bi thảm, ngay cả trong những câu chuyện đầy lòng trắc ẩn nhất.

NetflixBản quyền hình ảnhNETFLIX
Image captionEmma Stone và Jonah Hill đảm nhận vai chính trong loạt phim sắp ra trên Netflix, Maniac

Trong tuyệt phẩm Cairo Station (1958) của đạo diễn Ai Cập Youssef Chahine, người bán giấy trẻ dễ tổn thương Qinawi (do chính Chahine thủ vai) bị người phụ nữ mà anh yêu hắt hủi và bị suy sụp nặng nề.

Người giám hộ Qinawi an ủi anh trong khi anh quấn trên người chiếc áo kiềm của người điên và thuyết phục anh rằng đó là chiếc áo cưới.

Trong câu chuyện đau thương Requiem for a Dream (2000) của Darren Aronofsky dựa trên cuốn tiểu thuyết vào năm 1978 của Hubert Selby Jr, một người nội trợ ở Brooklyn, con trai bà và người bạn của cậu đã tàn tạ về thể chất và tâm lý do nghiện ma túy.

Trong thế kỷ 21, điện ảnh dường như dần mở ra với cách khắc họa nhạy cảm và rộng hơn đối với bệnh tâm thần. Maniac, với ý định được tuyên bố của đạo diễn Cary Fukunaga là 'khai phá tâm hồn con người', có lẽ là một dấu hiệu của việc này.

Những phim như Prozac Nation (2001) và Garden State (2004) đem đến cái nhìn của thế hệ trẻ với các loại thuốc men trở thành thứ hàng ngày, những trung tâm phục hồi chức năng hiện đại và 'người sử dụng dịch vụ' đã thay thế những nhà thương điên đáng sợ và bệnh nhân điên, và những cuộc trò chuyện về bệnh tâm thần đang dần trở nên bớt bị kỳ thị.

Ngay cả phim khoa học viễn tưởng ảo giác Donnie Darko (2001) cũng thể hiện sự nhạy cảm và hy vọng tươi mới.

Và cuối cùng, Silver Linings Playbook (2012) với sự tham gia đóng chính của Bradley Cooper và Jennifer Lawrence (hai nhân vật chính đang được phục hồi từ tình trạng rối loạn phân cực và trầm cảm) đã đi xa đến mức khuấy động những yếu tố của phim hài lãng mạn.

 
 

Tác giả bài viết: Thanh nguyen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập319
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại279,394
  • Tổng lượt truy cập36,333,949
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây