Cách nhìn bất thường của Nhật Bản về thế giới

Thứ tư - 07/11/2018 20:53

Cách nhìn bất thường của Nhật Bản về thế giới

Wabi-sabi tạo nơi trú ẩn chống nỗi ám ảnh của thế giới hiện đại về sự hoàn hảo, và chấp nhận sự không hoàn hảo một cách có ý nghĩa hơn và đẹp hơn, theo cách riêng của họ.

Rút tay một cách miễn cưỡng ra khỏi chiếc bát đang quay chầm chậm, tôi nhìn thành bát không được đồng đều từ từ dừng lại, mong có thể điều chỉnh nó thẳng lên chút nữa. Tôi đang ở thị trấn cổ Hagi làm đồ gốm ở vùng nông thôn Yamaguchi, Nhật Bản, và mặc dù tôi tin tưởng người thợ gốm thuyết phục tôi cứ để nó như vậy, tôi không thể nói là tôi hiểu ý ông ấy.

Ông mỉn cười tuyên bố, "nó có wabi-sabi" - và lấy nhanh bát ra để đem nung. Tôi ngồi, ngắm nhìn sự thiếu đối xứng và tự hỏi không hiểu ông nói vậy là thế nào.

Hóa ra việc không hiểu cụm từ đó không phải là bất thường. Một phần quan trọng của thẩm mỹ học Nhật Bản - tức những quan điểm cổ xưa vẫn chi phối các tiêu chuẩn về sở thích và cái đẹp ở Nhật Bản - wabi-sabi không chỉ là không dịch được, mà còn được coi là không thể xác định được trong văn hóa Nhật Bản. Thường nó được lẩm bẩm trong khoảnh khắc đánh giá sâu sắc, và luôn tiếp theo bằng từ muri! (không thể!) nếu ai đó hỏi kỹ hơn, cụm từ này giúp ta nhìn thế giới một cách khác thường.

Có nguồn gốc từ Đạo Lão trong triều đại nhà Tống của Trung Quốc (960-1279) trước khi được chuyển sang Thiền tông, wabi-sabi ban đầu được xem là một hình thức đánh giá chân phương mộc mạc. Ngày nay nó chứa đựng một sự chấp nhận thoải mái hơn về sự thoảng qua, về tự nhiên và nỗi buồn, ưa thích sự không hoàn hảo và không đầy đủ ở mọi thứ, từ kiến trúc đến đồ gốm, đến cắm hoa.

Wabi, đại khái có nghĩa là 'vẻ đẹp thanh lịch của sự đơn giản khiêm tốn' và sabi, có nghĩa là 'thời gian trôi qua và sự suy thoái kéo theo', được kết hợp để tạo thành một ý nghĩa độc đáo đối với nước Nhật và là chủ chốt đối với văn hóa Nhật. Nhưng cũng giống như các nhà sư Phật Giáo tin rằng lời nói là kẻ thù của sự hiểu biết, sự mô tả trên chỉ có thể là sự xới nhẹ bề mặt của vấn đề.

Giáo sư Tanehisa Otabe, giáo sư tại Viện Thẩm Mỹ của Đại Học Tokyo, cho rằng nghệ thuật cổ xưa của wabi-cha, một phong cách về nghi thức uống trà được thiết lập bởi các bậc thầy trà Murata Juko và Sen no Rikyu từ cuối thế kỷ 15 đến thế kỷ 16 là sự giới thiệu rất tốt về wabi-sabi. Bằng cách lựa chọn đồ gốm thông thường của Nhật mà không dùng các đò nhập khẩu Trung Quốc được ưa thích (hoàn hảo về kỹ thuật), các ông này thách thức các quy tắc về cái đẹp. Khi không có màu sắc tươi sáng và thiết kế trang trí công phu là chỗ dựa về biểu tượng của vẻ đẹp được chấp nhận, thì khách được khuyến khích nghiên cứu màu sắc tinh tế và kết cấu bề mặt mà trước đó bị bỏ qua.

Về lý do tại sao người ta lại đi tìm những thành phẩm không hoàn hảo và mộc mạc, thì Giáo sư Otabe giải thích rằng "wabi-sabi để lại một thứ chưa hoàn tất hoặc chưa hoàn chỉnh để ta phát huy trí tưởng tượng." Cơ hội này để tham gia tích cực với một cái được coi là wabi-sabi sẽ đạt được ba điều: một là nhận thức về sức mạnh tự nhiên tham gia vào việc tạo ra thành phẩm này; sự chấp nhận sức mạnh của thiên nhiên; và sự từ bỏ chủ nghĩa nhị nguyên, tức từ bỏ niềm tin rằng chúng ta là tách biệt với môi trường xung quanh.

Kết hợp lại, những trải nghiệm này cho phép người xem thấy mình là một phần của thế giới tự nhiên, không còn bị tách biệt bởi cấu trúc xã hội và, thay vào đó, là sự phụ thuộc vào lịch biến động của thiên nhiên. Thay vì chỉ nhìn thấy các chỗ lồi lõm hoặc hình dạng không phẳng phiu là những khuyết tật, chúng được xem như một sự sáng tạo của tự nhiên - giống như rêu sẽ mọc trên một bức tường sần sùi hoặc một cây sẽ uốn cong trước gió.

Mặc dù không được lộng lẫy như ngôi đền chị Kinkakuji của nó, đền Ginkakuji ở Kyoto thể hiện một nguồn sâu sắc hơn về vẻ đẹpBản quyền hình ảnhALAMY
Image captionMặc dù không được lộng lẫy như ngôi đền chị Kinkakuji của nó, đền Ginkakuji ở Kyoto thể hiện một nguồn sâu sắc hơn về vẻ đẹp

"Tính thẩm mỹ của wabi-sabi mở mắt cho ta thấy cuộc sống hàng ngày và cho ta một phương pháp xử lý những gì thông thường theo một cách có thẩm mỹ và bất thường," Giáo sư Otabe nói khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấp nhận trong văn hóa Nhật Bản, một xã hội buộc phải chiến đấu với các thảm họa tàn phá của thiên nhiên đôi khi hay xảy ra. Thay vì chỉ coi thiên nhiên như một lực lượng nguy hiểm và phá hoại, nó giúp ta hiểu nó như là một nguồn vẻ đẹp, để được đánh giá cao ở mọi mức độ nhỏ nhất. Nó trở thành một nguồn cung cấp màu sắc, kiểu dáng và mẫu mã, một nguồn cảm hứng, và một sức mạnh để song hành làm việc, hơn là để chống lại.

Tuy nhiên, chính cái chết không thể tránh khỏi trong tự nhiên là chìa khóa cho sự hiểu biết thực sự về wabi-sabi. Như tác giả Andrew Juniper đã lưu ý trong cuốn sách của mình 'Wabi Sabi: Nghệ thuật Nhật Bản về sự nhất thời' rằng "Nó… sử dụng cái tính không nhân nhượng của cái chết để tập trung tâm trí vào vẻ đẹp thoáng qua tinh tế được tìm thấy trong mọi thứ tồn tại tạm thời". Khi đứng một mình, các mẫu hình thiên nhiên chỉ đẹp đơn thuần, nhưng nếu hiểu bối cảnh của chúng như những vật thể chỉ tồn tại thoáng qua thì điều đó làm nổi bật nhận thức của ta về sự tạm thời và cái chết, thì chúng trở nên rất sâu sắc.

Ý tưởng này làm tôi nhớ lại một câu chuyện một bạn nữ đồng nghiệp Nhật Bản kể khi chúng tôi bàn về wabi-sabi. Khi còn là thiếu niên đến Kyoto, cô đã vội vã đi qua khuôn viên của Ginkakuji, một ngôi đền bằng gỗ với những khu vườn yên tĩnh, háo hức để được chiêm ngưỡng đền Kinkakuji nổi tiếng hơn, một ngôi đền dát vàng toàn bộ nằm trên một cái ao phản chiếu. Sáng loáng, lộng lẫy và quyến rũ, nó đáp ứng đúng điều cô mong đợi, một vẻ đẹp ấn tượng hơn nhiều so với ngôi 'đền em' truyền thống gần đó.

Tuy nhiên, một vài thập kỷ sau, cô quay trở lại để tìm thấy màu vàng lòe loẹt và, tuy nó chắc chắn vẫn là bắt mắt, nhưng ngoài cái ánh vàng thì không có gì nhiều. Tuy nhiên đền Ginkakuji cho thấy sự quyến rũ mới: gỗ cổ với vô số sắc màu và hoa văn, trong khi các rêu Thiền và vườn cát khô tạo một khung cho nhiều hình dạng của thiên nhiên. Không biết đánh giá cao những điều này khi còn là đứa trẻ, cô đã lớn lên để thấy sự tàn phá của thời gian như một nguồn sâu sắc về vẻ đẹp to lớn hơn nhiều so với sự hào nhoáng hai chiều của vàng.

Thích thú với yếu tố cá nhân của sự đánh giá cao này, tôi đã liên lạc với nghệ nhân Kazunori Hamana, mà những tác phẩm độc đáo của ông thường được coi là có yếu tố wabi-sabi. Khi chúng tôi đi ngang qua khu đất trang trại xiêu vẹo của ông ở vùng nông thôn Izumi tỉnh Chiba, ông đồng ý về sự cần thiết của tác động thời gian.

"Bạn có những cảm xúc khác nhau khi bạn còn trẻ - mọi thứ mới đều tốt, nhưng bạn bắt đầu thấy lịch sử phát triển như một câu chuyện. Sau khi đã lớn lên, bạn thấy rất nhiều câu chuyện, từ gia đình bạn đến thiên nhiên: mọi thứ phát triển lên và chết dần đi, và bạn hiểu khái niệm này nhiều hơn khi bạn còn bé."

Sự đánh giá cao này cho các dấu vết thời gian là một tính năng quan trọng trong các tác phẩm của Hamana, mà ông chọn để trưng bày trong các trang trại Nhật bị bỏ hoang. Bằng việc giải thích rằng các khung cửa gỗ đã bị xạm đen bởi nhiều năm chịu khói từ lò sưởi trong nhà, và việc chỉ ra cách mà các bức tường bằng bùn đắp bắt đầu bị đổ nát, ông nói ông cảm thấy lịch sử của các nhà này tạo ra một phông nền phù hợp cho các tác phẩm của mình, tránh được tính nhị nguyên lạnh giá của các phòng triển lãm trắng không thuộc một ai.

Với việc tạo ra các tác phẩm điêu khắc bằng đất sét tự nhiên từ Shiga, một khu vực nổi tiếng đất sét có chất lượng cao và lịch sử lâu đời về chế tạo đồ gốm, Hamana quán triệt khái niệm quan trọng của wabi-sabi về sự cùng sáng tạo chung giữa con người và thiên nhiên.

"Mới đầu tôi có thiết kế chút ít, nhưng đất sét là một thứ tự nhiên, vì vậy nó thay đổi đi. Tôi không muốn chiến đấu với thiên nhiên vì vậy tôi làm theo hình dạng của nó, tôi chấp nhận nó," ông nói.

Ông không chỉ cho phép thiên nhiên hỗ trợ trong việc định hình các tác phẩm của mình, mà cả trong vẻ ngoài sau này của nó nữa. Trong một khu rừng tre um tùm trong khu đất của trang trại, ông đã cho tôi xem những tác phẩm mà ông đã chọn để để nó ở ngoài vườn, được vùi trong các bụi cây nhiều năm. Tại đây chúng đã biến thành những mẫu hình độc đáo do nhiệt độ khắc nghiệt và bị cây bao xung quanh, cũng như thỉnh thoảng bị nứt và mẻ. Khi nghiên cứu chúng kỹ lưỡng, tôi thấy rằng việc này chỉ đơn giản là thêm vào vẻ đẹp cho từng tác phẩm, với các vết nứt cung cấp một cơ hội để bổ sung thêm cho câu chuyện.

Sự đánh giá cao vẻ đẹp thoáng qua là trung tâm của một số thú vui đơn giản nhất của Nhật Bản, chẳng hạn như lễ kỷ niệm hoa anh đào hàng năm.Bản quyền hình ảnhALAMY
Image captionSự đánh giá cao vẻ đẹp thoáng qua là trung tâm của một số thú vui đơn giản nhất của Nhật Bản, chẳng hạn như lễ kỷ niệm hoa anh đào hàng năm.

Thường được kết hợp với wabi-sabi là nghệ thuật kintsugi - một phương pháp sửa chữa đồ gốm bị hỏng bằng vàng hoặc sơn mài. Quá trình này làm nổi bật lên, thay vì che giấu, các vết nứt, cho phép chúng cũng trở thành một phần của tác phẩm. Khi con gái ông vô tình làm vỡ một số tác phẩm của ông, Hamana nói và cười, ông quyết định để những tác phẩm này ra ngoài vườn trong vài năm để thiên nhiên tạo màu và tạo hình cho chúng. Khi nó được sửa chữa bởi một chuyên gia kintsugi ở địa phương, các màu sắc khác nhau tạo ra một sự tương phản rất tinh tế, rất không đồng đều, mà không bao giờ ta có thể cố ý tạo ra được. Nắm bắt những tác động của thiên nhiên và cho phép lịch sử gia đình được thể hiện trong một tác phẩm sẽ tạo ra một giá trị duy nhất cho một cái mà, ở nhiều nền văn hóa, nó bị loại bỏ ngay vì là vô giá trị.

Trên thực tế, thuật ngữ 'hoàn hảo' (xuất phát từ từ tiếng Latin với nghĩa là đã hoàn thành) được đặt lên trên bệ ở nhiều nền văn hóa, đặc biệt là phương Tây. Khi ưu tiên hóa cho sự mỹ mãn và không sai sót gì, thì lý tưởng của sự hoàn hảo không chỉ tạo ra các tiêu chuẩn không thể thực hiện được mà còn là những tiêu chuẩn sai lầm. Theo Đạo Lão, nếu không thể tăng trưởng hay phát triển được nữa, thì sự hoàn hảo được coi là tương đương với cái chết. Trong khi chúng ta cố gắng tạo ra những cái hoàn hảo và sau đó đấu tranh để bảo tồn chúng, thì chúng ta phủ nhận chính mục đích của chúng và vì vậy ta mất đi niềm vui thay đổi và phát triển.

Mặc dù có vẻ trừu tượng, sự đánh giá cao vẻ đẹp thoáng qua này có thể được tìm thấy ở trung tâm của một số thú vui đơn giản nhất của Nhật Bản. Hanami, lễ kỷ niệm hoa anh đào hàng năm, kéo theo các bữa tiệc và dã ngoại, đi thuyền và lễ hội, tất cả những thứ đó bên dưới những cánh hoa thường là đang rụng, được coi là đẹp trong các mẫu hình vương vãi ngẫu nhiên trên mặt đất cũng như khi chúng còn đang trên cành. Sự chấp nhận thuần khiết của một vẻ đẹp thoáng qua mà nó chỉ tạo ra không quá một vài bức ảnh ở phương Tây là một thứ cho nguồn cảm hứng. Mặc dù sự đánh giá cao có thể phảng phất nét u sầu, nhưng bài học duy nhất của nó là để thưởng thức những khoảnh khắc như khi nó đến, mà không có sự mong đợi từ trước.

Các vết lõm và vết trầy xước mà chúng ta có đều là những ký ức về các trải nghiệm, và xóa chúng đi sẽ là bỏ qua những phức tạp của cuộc sống. Bằng cách giữ lại cái không hoàn hảo, sửa chữa cái hư hỏng và học cách tìm cái đẹp trong nhược điểm (thay vì tìm cái đẹp mặc dù có nhược điểm) thì khả năng của Nhật Bản để đối phó với những thảm họa thiên nhiên thường phải đối mặt sẽ được tăng cường. Khi chiếc bát tô của tôi do Hagi gửi tới theo đường bưu điện nhiều tháng sau đó, các cạnh không đồng đều của nó không còn là khiếm khuyết nữa, nhưng thay vào đó là lời nhắc nhở thích thú rằng cuộc sống là không hoàn hảo, và tôi cũng không nên cố gắng làm cho nó hoàn hảo.

 
 

Tác giả bài viết: Lily Crossley-Baxter

Nguồn tin: BBC Travel

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập186
  • Hôm nay9,473
  • Tháng hiện tại272,635
  • Tổng lượt truy cập35,918,980
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây