Người quân tử tiến cử nhân tài, không nề thù riêng, không lòng đố kỵ

Thứ bảy - 25/07/2015 06:10

Người quân tử tiến cử nhân tài, không nề thù riêng, không lòng đố kỵ

Trong sách “Bàn về loài ngựa”, Hàn Dũ từng than thở: “Thiên lý mã dễ gặp, Bá Lạc mới khó tìm”. Vì Bá Lạc không chỉ cần có tài năng, cần năng lực nhận biết người tài, quan trọng hơn phải có tấm lòng độ lượng với người, không lo họ giỏi hơn mình, đó là người giỏi phán đoán sở trường của người khác mà không sinh lòng đố kỵ. Đó cũng chính là ý trong câu Khổng Tử nói về người quân tử: “Người quân tử quang minh lỗi lạc”, lịch sử đã ghi nhận có nhiều người như thế.

Theo truyền thuyết, vị thần trông nom cai quản loài ngựa gọi là “Bá Lạc”. Trong dân gian, người tinh thông nhận biết tính chất của loài ngựa cũng được gọi là Bá Lạc. Người đầu tiên được tôn xưng là Bá Lạc có tên thực là Tôn Dương, ông là người sống vào thời Xuân Thu. Vì ông rất am hiểu về loài ngựa nên người đời tôn xưng ông là Bá Lạc, dần dần quên đi tên thực của ông.
Bá Lạc không chỉ giỏi xem tướng ngựa

Theo truyền thuyết, vị thần quản loài ngựa gọi là Bá Lạc. Trong dân gian, người tinh thông nhận biết tính chất của loài ngựa cũng được gọi là Bá Lạc. Người đầu tiên được tôn xưng là Bá Lạc có tên thật là Tôn Dương, ông là người sống vào thời Xuân Thu. Vì ông rất am hiểu về loài ngựa nên được tôn xưng là Bá Lạc, dần dần quên đi tên thật của ông.

Bá Lạc giỏi xem tướng ngựa, gặp thời nước Tấn đại loạn phải ẩn cư ở núi Bắc Mang. Đương thời, Quỷ Cốc Tử ẩn cư tại núi Vân, Mặc Địch ẩn cư ở Đại Mi, ba người chơi thân nên thường qua lại thăm hỏi nhau.

Một hôm, Bá Lạc trông thấy có con ngựa kéo xe muối lên núi, trông dáng vẻ yếu ớt, móng duỗi gối khum, bụi bặm bẩn thỉu. Bá Lạc thất kinh, biết đây là con thiên lý mã hiếm thấy, ông lập tức cởi áo khoác cho nó, con ngựa liền nghểnh cổ hí vang trời. Bá Lạc lập tức mua lại con ngựa mang về dày công chăm sóc, một năm sau tướng mạo con ngựa trông như rồng, lông bóng sáng óng ánh, hai mắt như hai bó đuốc. Các nước Tề, Tần cử người đến hỏi mua nhưng Bá Lạc đều từ chối, rồi Bá Lạc tặng con ngựa cho Mặc Địch. Con ngựa đưa Mặc Địch trèo đèo lội suối như đi trên đất bằng, từ đó người đời mới biết Bá Lạc là tri âm của loài ngựa.

Vào năm Bá Lạc ở tuổi xế chiều, một lần Tần Mục Công đến hỏi Bá Lạc liệu sau này ai có khả năng thay thế ông ta, Bá Lạc nói: “Con của thần tài năng không cao, chỉ có thể nhận ra được ngựa giỏi hay dở chứ không thể nhận ra được thiên lý mã. Nhưng có một người làm ghề gánh củi tên Cửu Phương Cao có khả năng xem tướng ngựa không thua gì thần, Đại vương hãy cho triệu kiến ông ấy đi”. Tần Mục Công bèn triệu kiến Cửu Phương Cao, yêu cầu ông đi khắp nơi tìm thiên lý mã.

Ba tháng sau Cửu Phương Cao trở lại kinh thành bẩm tấu đã tìm được một con thiên lý mã, nói đó là con ngựa cái màu vàng. Nhưng khi Tần Mục Công cử người đi lấy ngựa về thì lại là con ngựa đực màu đen. Tần Mục Công chán nản nói với Bá Lạc: “Người khanh tiến cử đến màu lông và giống đực hay cái của ngựa còn không phân biệt được, sao có thể nhận biết được thiên lý mã?”

Bá Lạc khẽ thở dài, bẩm tấu: “Thần thật không ngờ kỹ thuật xem tướng ngựa của ông ấy lại có thể cao siêu như thế, quả là hiếm thấy. Thứ Cửu Phương Cao thấy là thiên cơ, ông lấy tinh bỏ thô, thấy bên trong chứ không để ý bên ngoài; thấy cái mình cần, không thấy cái mình không cần; nhìn cái cần nhìn, bỏ qua cái không cần nhìn. Cửu Phương Cao thấy không chỉ là thiên lý mã mà còn hơn thế nữa”.

Quả nhiên con ngựa Cửu Phương Cao chọn đúng là thiên lý mã hiếm thấy. Bá Lạc cũng giống như Cửu Phương Cao, ông không chú ý đến bề ngoài của con ngựa, mà nhận ra được tố chất bên trong của nó, vượt qua được cái nhìn chỉ bằng mắt thường.

Âu Dương Tu, “Bá Lạc” của văn đàn

au-duong-tu
Trong 8 đại văn hào thời Đường Tống thì có đến 5 người đời Tống là môn đệ của Âu Dương Tu, họ đều là những người xuất thân hàn vi, nhờ ông dìu dắt mà vang danh thiên hạ.

Thời Bắc Tống, Âu Dương Tu là văn chương tài đệ nhất thiên hạ. Không chỉ là bậc thầy văn chương của thời đại, Âu Dương Tu còn có tấm lòng độ lượng, ông không đố kỵ với người hiền tài mà luôn biết tán thưởng ủng hộ những hậu sinh có thực tài thực học, tận lực giúp đỡ tiến cử giúp vô số thanh niên tài năng nhưng lặng lẽ vô danh trở nên xuất chúng, được hậu thế gọi là “Bá Lạc của văn đàn”.

Trong 8 đại văn hào thời Đường Tống thì đời Tống có 5 người đều là môn hạ của ông, hơn nữa đều xuất thân hàn vi, nhờ ông dìu dắt mà vang danh thiên hạ.

“Tống sử – Âu Dương Tu truyền” đã viết Âu Dương Tu là người “biết nhìn ra tài năng trong những người bình thường, dìu dắt và tiến cử khiến họ trở thành người có danh tiếng lừng lẫy”, gọi ông là “Bá Lạc của văn đàn” cũng không phải lời khen quá lời.

Theo ghi chép của Diệp Mộng Đắc trong “Tị thử lục thoại”, Tống Nhân Tông năm Gia Hựu (1056), Tô Tuần, 48 tuổi, đi thăm Tri Châu Ích Châu là Trương Phương Bình để mong được tiến cử. Nhưng Trương Phương Bình cảm thấy chức vị mình nhỏ nên lời nói không có sức nặng, bèn viết một lá thư tiến cử rồi nói cha con Tô Thị đến kinh thành bái kiến học sĩ Âu Dương Tu.

Đương Thời, Âu Dương Tu và Trương Phương Bình vì khác quan điểm nên không qua lại với nhau, nhưng sau khi Âu Dương Tu xem qua tài văn của Tô Tuần, ông đã không vì chuyện người tiến cử là kẻ đối đầu với mình mà thờ ơ, ngược lại còn khen ngợi Tô Tuần rồi lập tức dâng thư “Tiến cử Tô Tuần” lên Tống Nhân Tông. Sau đó Tô Tuần đã nổi danh khắp kinh thành.

Chuyện Âu Dương Tu tiến cử Tô Tuần cũng trở thành một giai thoại trên văn đàn. Gia Hựu năm thứ hai, Âu Dương Tu với địa vị Hàn lâm học sĩ làm chủ trì đợt thi tiến sĩ. Khi chấm bài có một bài thi khiến mắt Âu Dương Tu sáng lên, cảm thấy bất luận về tài văn chương hay về quan điểm tư tưởng đều xếp vào hạng nhất. Nhưng kỳ thi này còn có “đệ tử ruột” của Âu Dương Tu là Tăng Cùng tham gia, Âu Dương Tu tưởng bài văn là của Tăng Cùng, để tránh nghi ngờ thiên vị nên xếp nó vào hạng hai.

Đến thi vòng hai, Âu Dương Tu lại gặp một bài văn là “Xuân thu đối nghĩa”, quá tâm đắc với bài văn này nên ông không do dự xếp vào hạng nhất. Khi yết bảng, Âu Dương Tu mới biết hai bài văn để lại ấn tượng sâu sắc cho ông ở cả hai vòng thi đều là của Tô Thức. Về sau, ông viết thư cho Mai Nghiêu Thần khen ngợi văn tài của Tô Thức.

Năm đó tuyển chọn được 338 tiến sĩ, không chỉ có những tài năng cự phách về văn chương như Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Cùng; còn có những bậc đại nho hàng đầu đương thời như Trương Tài, Trình Hạo, Lữ Đại Quân, toàn những nhân tài sáng chói. Có thể nói đây là một kỳ thi chọn được nhiều nhân tài xuất chúng có ảnh hưởng đến hậu thế. Làm được điều này là nhờ học thức, nhãn quang và tấm lòng rộng mở của Âu Dương Tu.

Bào Thúc Nha nhường chức Tể tướng cho Quản Trọng

quan-trong
Quản Trọng có thể phụ tá Tề Hoàn Công làm nên đại nghiệp là nhờ có Bào Thúc Nha tiến cử

Bào Thúc Nha, một là có trí tuệ sáng suốt, biết trước Quản Trọng có thể làm nên đại nghiệp; hai là không nghĩ chuyện được mất của bản thân, lấy lợi ích quốc gia làm đầu, chủ động tiến cử Quản Trọng làm Tể tướng để phò tá Tề Hoàn Công, còn mình thì tự nguyện ở dưới trướng Quản Trọng, làm phụ tá cho Quản Trọng. Tấm lòng ngay thẳng, chí công vô tư của Bào Thúc Nha được người đời sau ca tụng.

Tề Hoàn Công nghe lời khuyên của Bào Thúc Nha, vì đại nghĩa mà không tính toán chuyện thù hận, dùng đại lễ đón tiếp Quản Trọng và phong Quản Trọng làm Tể tướng.

Sau khi nhậm chức, về đối nội thì Quản Trọng cải cách chính đốn các phương diện kinh tế, chính trị, quân sự; về đối ngoại thì đề ra khẩu hiệu “Tôn vương nhướng di” (kính vua, dẹp loạn bên ngoài), giúp nước Tề yên bình, từ nước yếu thành nước mạnh, cuối cùng xưng bá các chư hầu. Tề Hoàn Công thành bá chủ trong “ngũ bá thời xuân thu”.

Quản Trọng làm được như thế là nhờ có tiến cử của Bào Thúc Nha. Vì thế, trong “Quản Trọng luận”, Tuân Tuần viết: “Chuyện trị an nước Tề ta không viết về Quản Trọng mà viết về Bào Thúc”. Câu này quả vừa đúng đắn lại sâu sắc.

Kỳ Hề tiến cử hiền tài

Trong “Lã Thị Xuân Thu – Khứ Tư” ghi lại câu chuyện “ngoại cử không tránh kẻ thù, nội cử không tránh người thân”. Kỳ Hề, còn gọi là Kỳ Hoàng Dương, quan đại phu nước Tấn thời Xuân Thu, sau giữ chức Trung quân úy. Ông là người chí công vô tư, lòng dạ ngay thẳng, biết lấy đại cuộc làm trọng, không tính nhỏ mọn chuyện ân oán cá nhân.

Tấn Bình Công hỏi Kỳ Hoàng Dương: “Huyện Nam Dương cần có Huyện lệnh, khanh xem ai có thể đảm nhận chức này?”

Kỳ Hoàng Dương đáp: “Giải Hồ có thể đảm nhận chức này”.

Bình Công nói: “Chẳng phải Giải Hồ là người đối đầu với khanh à? Sao khanh lại tiến cử ông ấy?” Kỳ Hoàng Dương thưa: “Quân vương hỏi ai có thể giữ chức vụ này, không hỏi ai là kẻ thù của thần!”

Bình Công khen ngợi: “Giỏi lắm!” Thế là liền trao chức Huyện lệnh Nam Dương cho Giải Hồ. Quả nhiên Giải Hồ đã xứng đáng với chức vụ do Kỳ Hoàng Dương tiến cử.

Lại có một lần khác Bình Công hỏi Kỳ Hoàng Dương: “Kinh thành hiện cần phong chức Quân úy, khanh xem ai có thể đảm nhận chức này?” Kỳ Hoàng Dương trả lời: “Kỳ Ngọ xứng đáng thưa đại vương”. Bình Công lại nói: “Kỳ Ngọ chẳng phải là con của khanh sao?” Kỳ Hoàng Dương trả lời: “Quân vương hỏi ai có thể đảm nhận chức Quân úy, không hỏi ai là con của thần!”

Bình Công lại khen: “Nói hay lắm!” Thế là lại phong Kỳ Dương làm Quân úy. Quả nhiên đã phong chức đúng người.

Khổng Tử biết chuyện này liền khen: “Tề Hoàng Dương đúng là người hay! Ông ta tiến cử người ngoài thì không tránh né kẻ thù địch với mình; tiến cử người nhà thì không vì là con mình mà ngần ngại. Người như thế đúng là chí công vô tư”.

Tiến cử hiền tài không vì tư mà hại công

“Tống sử – Sử Hạo truyền” có ghi lại: Sử Hạo, tự là Trực Ông, người huyện Ngân ở Minh Châu, là người hay tiến cử hiền tài, từng tiến cử Trần Chi Mậu lên triều đình nhận chức quan Châu Quận. Hoàng thượng biết Trần Chi Mậu từng nói xấu Sử Hạo, bèn nói: “Khanh muốn lấy đức báo oán à?” Sử Hạo đáp: “Vi thần không có khái niệm về thù hận”.

Ngoài ra, Mạc Tế còn chửi rủa Sử Mậu vô cùng thậm tệ, Sử Mậu lại tiến cử ông ta phụ trách công việc chiếu mệnh. Hoàng thượng nói: “Mạc Tế chẳng phải luôn chỉ trích khanh hay sao?” Sử Mậu thưa: “Vi thần không thể vì việc tư mà để ảnh hưởng đến việc công”.

Giải Hồ là người ngay thẳng, công tư phân minh, đương thời ông có quan hệ rất thân với quan đại phu Triệu Giản Tử nước Tấn. Sau này Triệu Giản tử cần tìm người đảm nhận chức Tướng quốc, Giải Hồ lại tiến cử Kinh Bác Liễu là người đã cướp vợ của mình, vì ông nhận thấy chỉ có Kinh Bác Liễu mới có đủ năng lực giữ chức vụ này. Quả nhiên Kinh Bác Liễu xử lý mọi việc chuẩn mực phân minh. Sau này khi Kinh Bác Liễu biết chính Giải Hồ tiến cử mình liền đến nhà Giải Hồ cảm tạ, nhưng Giải Hồ nói: “Tôi tiến cử ngài là việc công, vì ngài có đủ năng lực gánh vác được công việc đó, nhưng chuyện tư giữa chúng ta thì tôi và ngài không thể đội trời chung”.

Tiến cử người đã chỉ trích mình

“Ngô chí – Lục Tốn truyền” ghi lại: Lục Tốn, tự Bác Ngôn, người Ngô Quận. Có lần ông chê bai Thái thú Thuần Vô Thức, dâng biểu tấu lên Tôn Quyền (vua nước Ngô), phê bình Lục Tốn, nói Lục Tốn lạm dụng chức quyền nhũng nhiễu bách tính. Lục Tốn vì chuyện này đã bị Tôn Quyền phê bình.

Sau này Lục Tốn lên kinh thành lại ca ngợi Thuần Vu Thức là vị quan rất tốt, rồi tiến cử với triều đình.

Tôn Quyền nói: “Thuần Vu Thức từng chỉ trích khanh, sao khanh lại tiến cử ông ấy?”

Lục Tốn trả lời: “Chủ ý của Thuần Vu Thức là muốn bảo vệ bách tính nên mới phê bình thần. Nếu thần vì việc này mà gièm pha lại Thuần Vu Thức, chẳng phải khiến quân vương bị rối loạn hay sao? Việc này không nên tiếp tục kéo dài!”

“Ngô chí – Lữ Mông truyền” ghi lại: Lữ Mông, tự Tử Minh, là người Nhữ Nam. Ông vì mắc sai lầm đã bị quan Thái thú ở Giang Hạ là Thái Dị tố cáo lên triều đình. Lữ Mông không vì chuyện này mà oán hận Thái Dị.

Sau khi quan Thái thú ở Dự Chương là Cố Thiệu qua đời, Tôn Quyền liền trưng cầu ý kiến Lữ Mông: “Ai có thể kế thừa chức vụ này?” Lữ Mông trả lời: “Thái Dị xứng đáng với chức này.”

Tôn Quyền mỉm cười nói: “Khanh muốn trở thành một Kỳ Hề đương thời sao? (ý là tiến cử chí công vô tư)”. Vậy là cuối cùng Thái Dị trở thành quan Thái thú ở Dự Chương.

 

Tác giả bài viết: Tinh Vệ biên dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập164
  • Hôm nay9,916
  • Tháng hiện tại273,078
  • Tổng lượt truy cập35,919,423
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây