Photo: Jimmy Vu
Cali Today News – Cali Today News – Trong một ngày nắng dịu ở San Jose, chúng tôi bước vào sân vận động trường trung học Yerba Buena, nằm sát khu vực Little Sài Gòn San Jose, để tham dự đại nhạc hội Cám Ơn Anh, nhằm gây quỹ cứu trợ cho các thương phế binh quân lực VNCH còn kẹt lại tại quê nhà.
Đó là một nghĩa cử đáng trân trọng.
Sau khi vào cổng, không ai bảo ai, nhưng gần như các anh em chúng tôi đều giật mình và lo ngại. Khu ghế ngồi khán giả để lộ ra những khoảng trống mênh mông ở hai bên cánh, và phía sau. Chúng tôi đều lo ngại và về số người tham dự và tổng số tiền sẽ gây quỹ được.
Nguyễn Hồng Dũng dự đoán: “Chắc trời còn nắng quá, nên nhiều người chưa đi. Chắc nhiều người sẽ đi dự khi nắng dịu xuống.” Nguyễn Ngọc Mùi đi kề bên, gật đầu, hy vọng vào điều anh Dũng dự đoán.
3:30 chiều, chúng tôi rời sân vận động trường Yerba Buena để về tòa soạn, số người đi dự càng đông hơn. Trên đường đi về, nghe nhạc sĩ Nam Lộc công bố con số đóng góp đã lên đến 30 ngàn người. Một con số thấp đáng suy nghĩ.
8:00 tối, Nam Lộc gọi cho tôi, lúc ca sĩ Thế Sơn đang chở anh đi về một gia đình quen biết để dùng cơm tối. Anh Nam Lộc kể cho tôi nghe đã thu được trên 870 ngàn Mỹ kim, và thường thì trong vòng hai tháng sau đại nhạc hội, số người gọi về tặng thêm khoảng 300 ngàn nữa. Và anh tin chắc rằng con số cuối cùng của tổng số tiền gây quỹ giúp thương phế binh qua kỳ đại nhạc hội Cám Ơn Anh năm nay sẽ chắc chắn vượt quá 1 triệu Mỹ kim.
Photo: Jimmy Vu
Những gương mặt trẻ xuất hiện
Nhạc sĩ Nam Lộc ghi nhận rằng năm nay có những gương mặt trẻ xuất hiện và đóng góp những khoảng tiền đáng kể. Anh nêu ra ba trường hợp điển hình, mà những doanh gia trẻ thành công, đã báo ân các anh thương phế binh. Chỉ có 3 người ấy thôi mà con số đóng góp đã lên 100 ngàn Mỹ kim.
Bác sĩ Kimberly tặng 20 ngàn. Chủ nhân chợ Ocean Market ở Milpitas tặng 70 ngàn. Và một bạn trẻ khác là ông Nhân Nguyễn, giám đốc công ty My Best Home Care tặng 20 ngàn, gồm 10 ngàn cho đại nhạc hội Cám Ơn Anh và 10 ngàn cho cơ quan USCC – một cơ quan từng bảo lãnh và bảo trợ cho rất nhiều người tỵ nạn Việt Nam từ các quốc gia Đông Nam Á sau khi họ vượt biên đến được định cư tại Hoa Kỳ. Cơ quan này đã ứng trước tiền vé máy bay vì thuyền nhân Việt Nam không có khả năng tài chánh để mua vé máy bay. Một số người đã trả lại tiền ứng trước đó, nhưng cũng có nhiều người vì nhiều lý do khác nhau đã quên trả. Ngày nay, nhiều người làm ăn thành đạt và cuộc sống ổn định, nên họ trở lại trả tiền và đền ơn cơ quan USCC. Ông Nam Lộc cho biết rằng các giám mục và linh mục lãnh đạo cơ quan USCC sẽ vô cùng nhạc nhiên và bất ngờ khi nhận được những cái check với số tiền lớn như cái check của ông Nhân Nguyễn của công ty My Best Homecare....
Còn bao nhiêu người trẻ khác nữa cũng đã đóng góp vào quỹ giúp thương phế binh VNCH còn kẹt lại quê nhà.
Anh Nam Lộc nói rằng thế hệ trẻ này là tương lai của cộng đồng, họ thành công và họ biết đền ơn đáp nghĩa. Mai này, họ sẽ là người thay thế xứng đáng thế hệ đàn anh nơi xứ người.
Nam Lộc nói thêm: Nam nghĩ đi? Muốn có 70 ngàn để đóng góp giúp thương phế binh, người chủ chợ phải bán bao nhiêu bó rau, bịch ớt...?
Nhưng điều đáng qúy hơn, là anh chủ chợ Ocean Market đã từ chối lời mời của anh Nam Lộc, mời anh lên sân khấu để Ban tổ chức cám ơn. Anh gửi cái check cho Nam Lộc rồi đi ngay, lặng lẽ xuống đâu bên dưới, lẫn trong hàng ngàn khán giả để xem văn nghệ...
Ngoài ra, trong kỳ này, những đóng góp của các tiểu bang khác và tổ chức Voice cũng đáng chú ý. Phái đoàn Houston mang về cái check “thật lớn”, với con số 224,400.62 Mỹ kim, và tổ chức Voice Canada mang về chái check cũng thật đáng nễ, 100 ngàn Mỹ kim.
Thật đúng như câu ngạn ngữ của Việt Nam: “Ba cây tụm lại, nên hòn núi cao”.
Như những nhánh sông góp thành biển cả. Sự đóng góp khắp nơi là đáng trân trọng.
Tôi báo cho Dũng và Mùi tin này và cả hai đều mừng vì những điều hai anh đoán dã diễn ra đúng như thế, vì chúng ta tin rằng không có ai nỡ quay lưng lại, khép lòng lại với những người thương phế binh VNCH, từng chiến đấu cho quê hương và cho mọi người.
40 năm sau, một thế hệ mới có thể chưa sinh ra trong chiến tranh, nhưng vẫn không quên anh, người lính và thương phế binh VNCH.
Tôi bước vào phòng làm việc, dùng computer để tìm bài “Giữa Quê Người Tôi Hát Tên Anh”, người thương binh VNCH của nhạc sĩ Dzuy Linh...
Tiếng nhạc chạy đều trong xúc động...