Thông tin cá nhân Họ và tên: Nguyễn Hà Hạnh Năm sinh: 1990 Hiện đang theo học Thạc sĩ nghiên cứu ngành Phát triển quốc tế tại ĐH Oxford (Anh) Thành tích chính đạt được: - Học bổng toàn phần cho khoá học thạc sĩ hai năm tại ĐH Oxford, Vương Quốc Anh -Học bổng toàn phần cho khoá học thạc sĩ tại ĐH Maastricht, Hà Lan và tốt nghiệp hạng tối ưu, luận văn tốt nghiệp hạng xuất sắc - Học bổng cho khoá học đại học và tốt nghiệp hạng tối ưu - Giải luận văn Inez Oliver Essay Prize của St Cross College thuộc ĐH Oxford (luận văn về mối liên hệ giữa bất bình đẳng xã hội và suy thoái môi trường). - Học bổng của ĐSQ Ý cho khoá học ngôn ngữ và văn hoá Ý hè 2010 - Đạt giải Nhì quốc gia tiếng Anh năm 2007 Sở thích: viết báo mảng thời trang, viết blog, nghe nói tiếng Ý và Pháp, nghe nhạc indie pop, đọc sách cổ điển, đi bảo tàng, khám phá các nhà hàng mới, du lịch châu Âu |
Nguyễn Hà Hạnh - nữ sinh 2 lần giành học bổng toàn phần tại Hà Lan và Anh.
Từ giải nhì HSG quốc gia tới 3 lần giành học bổng nước ngoài
Là dân trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng, đến năm lớp 12, Nguyễn Hà Hạnh ẵm giải Nhì HSG quốc gia môn tiếng Anh năm 2007. Một chút tiếc nuối khi năm của cô, Bộ từ bỏ quy chế tuyển thẳng vào ĐH đối với học sinh đạt giải quốc gia, cô gái sinh năm 1990 này vẫn thừa tự tin "vượt vũ môn", đỗ vào Học viện Ngoại giao.
Mặc dù đang theo học tại ngôi trường mà nhiều người mơ ước, Hà Hạnh vẫn ấp ủ dự định du học của mình. Sau thời gian tìm hiểu và nộp hồ sơ, giấc mơ của cô đã thành hiện thực khi nhận được suất học bổng trị giá 45.000 euro (hơn 1 tỷ đồng Việt Nam) của trường ĐH Amsterdam University College (AUC).
Kết quả sau 3 năm học, Hà Hạnh lại có được vinh dự là một trong những SV xuất sắc nhất của trường ĐH với tấm bằng hạng tối ưu (Summa Cum Laude).
Với tình cảm dành cho đất nước Hà Lan sau quãng thời gian ĐH, cô gái người Hải Phòng này tiếp tục nộp đơn theo học Thạc sĩ tại xứ sở hoa Tulip ở 4 trường là University of Amsterdam, Free University Amsterdam, Leiden University và Maastricht University.
Không nằm ngoài dự đoán, Hạnh được cả 4 trường ĐH chấp nhận hồ sơ và có 3 trường trong số đó quyết định trao học bổng cho cô.
Vì muốn trải nghiệm cuộc sống tại miền Nam Hà Lan (ĐH Amsterdam University College ở miền Bắc) nên Hạnh chọn ĐH Maastricht cùng suất học bổng toàn phần cho khoá học thạc sĩ 1 năm về Toàn cầu hoá và Phát triển (Globalization and Development Studies) trị giá 23.900 euro (hơn 560 triệu đồng).
Hà Hạnh nhận giải luận văn xuất sắc mang tên Inez Oliver Essay Prize của St Cross College thuộc ĐH Oxford.
Hoàn tất bằng Thạc sĩ tại ĐH Maastricht, dường như chưa “thỏa” nghiên cứu về Phát triển quốc tế (chú trọng vào hành trình của các nước đang phát triển) và mong muốn nghiên cứu chuyên sâu hơn, Hà Hạnh lại quyết định “gõ cửa” ĐH Oxford cho bằng master thứ hai.
“Khóa học của em thường có tỷ lệ 1 chọi 10. Em cũng lo lắng một chút khi quyết định nộp đơn vào Oxford, vì Oxford thường chỉ xem xét các sinh viên có bảng điểm xuất sắc và thành tích nổi trội, nhưng tại sao không thử?”, Hà Hạnh nhớ lại.
Và rồi khi ĐH Oxford gửi thông báo, Hạnh gần như vỡ òa trong sung sướng. Cô nhận được ĐH Oxford chấp nhận với suất học bổng cho hai năm học phí và sinh hoạt phí tổng trị giá 73.201 bảng Anh (khoảng 2,5 tỷ đồng Việt Nam).
Hạnh phân tích: “Em nghĩ điểm mấu chốt em thuyết phục được Oxford trao học bổng là sự hiểu biết sâu sắc về ngành học và nghiên cứu mà em muốn theo đuổi, sự đam mê, mong muốn mang lại những biến đổi tích cực cho Việt Nam nói riêng và cách nước đang phát triển nói chung, dựa trên những điều em sẽ học tại Oxford.
Đặc biệt, em biết thể hiện sự tự tin vào giá trị và khả năng của mình, vào những thành tích em đã đạt được và lạc quan về những gì em sẽ mang lại cho khoá học, trường và cộng đồng.
Với Hạnh, học bổng không phải mục tiêu tối quan trọng để phải giành giật bằng mọi giá.
Em nghĩ ai cũng có giá trị riêng nên ai cũng có quyền tự tin. Nhiều người nghĩ em giành được học bổng của trường hàng đầu thế giới như Oxford là phải học quên đêm quên ngày, chuẩn bị rất chi tiết kỹ lưỡng, có rất nhiều chiến lược. Thực sự không phải như vậy, học hành chăm chỉ là tốt, nhưng em không đặt quá nhiều áp lực lên bản thân.
Với em, nên cố gắng hết mình nhưng không khắc nghiệt, phải biết giữ thăng bằng và làm nhiều việc, gặp gỡ nhiều người khiến mình yêu cuộc sống ngoài lo lắng học hành, sự nghiệp, tiền bạc.
Chẳng hạn nếu không vào được Oxford, em tất nhiên sẽ buồn nhưng không bao giờ chán nản, thất vọng với bản thân, mà sẽ xác định mục tiêu khác mình thấy khả quan để tiếp tục theo đuổi”.
Du học không phải "một bước tới thiên đường" Chưa từng sống ở nước ngoài hay đi châu Âu lần nào, cũng không có người quen biết nào ở Hà Lan nhưng Hà Hạnh thích thú chia sẻ về những ngày đầu đặt chân tới Hà Lan du học: “Ngạc nhiên là em không bị sốc văn hoá. Tính em rất tò mò, cởi mở, thích nói chuyện, em may mắn dễ dàng hoà nhập từ những tháng đầu tiên”.
Hà Hạnh cùng bạn dự một lễ hội tại trường ĐH Oxford.
Cũng như bao bạn gái khác, Hạnh thích thời trang và “nghiện” mua sắm, dù vậy “khi xa nhà biết học cách chi tiêu thông minh, săn giảm giá, chọn khuyến mãi nên không bị "phá sản” thường xuyên.
Tuy nhiên, nhiều khi em cũng rơi vào tình trạng "kẹt tiền" trong khi chờ học bổng (3 tháng một lần) do đi du lịch nhiều, em may mắn có các bạn thân ở đây giúp đỡ. Ban đầu em cũng ngại nhờ vì họ đều là người Đức, Hà Lan, chuyện tiền nong ở mỗi văn hoá khác nhau.
Nhưng thực sự họ rất cởi mở, lúc khó khăn một chút thì vui lòng giúp, quan trọng là họ biết mình khó khăn tạm thời chứ không phải ỷ lại, bòn rút”, Hạnh cho biết.
Với khoảng thời gian 6 năm trải nghiệm du học tại Hà Lan, Anh và Mỹ (Hạnh từng sang Mỹ học theo chương trình trao đổi du học tại Boston), cô gái 9X này muốn nhắn gửi tới những bạn trẻ trong nước đang có dự định du học:
“Du học không phải "một bước tới thiên đường", thực sự không cái gì là một bước tới thiên đường cả. Tất cả là một quá trình phụ thuộc vào nỗ lực, thái độ, nhận thức của mình.
Nhiều bạn học chỉ để lấy bằng, lấy mác du học, hoặc để tránh vòng kìm kẹp của cha mẹ, vui chơi, kiếm tiền. Cũng rất nhiều bạn sang đây chỉ thấy cô đơn, khó khăn, chứ không hề có "thiên đường" như từng kỳ vọng.
Chẳng phải chỉ riêng Việt Nam mình, hay vì châu Á văn hoá khác biệt châu Âu, em cũng biết nhiều bạn ngay trong châu Âu (người Ý đi du học tại Hà Lan, hay người Đức đi du học tại Anh) chán nản, thất vọng vì xa nhà, môi trường mới và không tìm được nhiều người đồng cảm, áp lực học hành...
Những lúc đó em thấy quyết tâm, đam mê tìm hiểu, tư tưởng cởi mở là rất quan trọng. Hỗ trợ tinh thần từ người thân ở nhà là không thể thiếu, nhưng cũng đừng nhốt mình trong phòng chỉ học, hay skype về nhà, nên cố gắng đi ra ngoài tìm hiểu, kể cả chỉ là dạo phố, uống cà phê để cảm nhận văn hoá bản địa, hay tham gia các hoạt động xã hội của trường.
Các bạn sinh viên quốc tế thật sự rất tốt bụng và cởi mở khi mình mong muốn hoà đồng và cần giúp đỡ tinh thần”.
Được biết trong dịp trở về Việt Nam nghỉ Hè năm nay, Hạnh nhận lời tham gia chương trình “Truyền lửa đam mê” do một số thí sinh “Đường lên đỉnh Olympia” hiện đang sinh sống, học tập tại nước ngoài tổ chức nhằm cung cấp thông tin về học bổng và tư vấn trực tiếp cho các bạn trong quá trình làm hồ sơ xin học bổng.
Tại chương trình hoàn toàn phi lợi nhuận dự kiến diễn ra tại ĐH Thủy lợi (Hà Nội) ngày 18/7 tới đây, Hạnh mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm, trải nghiệm du học của mình tại Hà Lan, Anh, Mỹ và giải đáp các khuôn mẫu và "bí ẩn" mà bạn trẻ hay hình dung về du học.
“Du học thực sự là quá trình làm việc vất vả cả nghĩa đen và bóng. Du học thách thức các nhận thức ăn sâu trong bạn trẻ, dạy chúng ta sẵn sàng tiếp thu cái mới, tìm hiểu trước khi đánh giá, trân trọng các nền văn hoá khác.
Đừng nên nghĩ du học là hưởng thụ, hay chỉ là tiếp thu kiến thức hàn lâm, du học là dừng lại để nhìn nhận, trải nghiệm và thắc mắc. Nên đi du học với tư tưởng khoáng đạt, không quá áp lực, đặc biệt nên cởi mở kết bạn và theo đuổi nhiều hoạt động xã hội, thư giãn, sở thích khác ngoài việc học trên trường”, cô gái đang có dự định theo đuổi bằng Tiến sĩ về Phát triển quốc tế khẳng định.