Nhiều nhãn hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất đi Mỹ, EU

Thứ hai - 04/11/2019 09:13

Nhiều nhãn hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất đi Mỹ, EU

TPO - Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đang tạm giữ 10 container xe đạp nghi giả mạo xuất xứ Việt Nam. Kiểm tra hồ sơ, thực tế hàng hóa, gần như 100% xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc, thậm chí cả nhãn mác cũng được dán từ nước ngoài, sau đó đưa về lắp ráp lấy xuất xứ Việt Nam định xuất khẩu đi Mỹ.

Cục Hải quan Bình Dương đang tạm giữ 10 container xe đạp nghi giả mạo xuất xứ Việt Nam tại Bình Dương
 Cục Hải quan Bình Dương đang tạm giữ 10 container xe đạp nghi giả mạo xuất xứ Việt Nam tại Bình Dương

Quảng cáo
 

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn- Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, không phải đến thời điểm này, cơ quan Hải quan và các bộ, ngành mới thực hiện việc chống gian lận xuất xứ mà đã có sự chủ động đấu tranh quyết liệt trong thời gian vừa qua.

Qua các vụ việc vừa rồi cho thấy tình hình vi phạm xuất xứ hàng hóa đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết.

Còn theo ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết, thời gian vừa qua TCHQ cũng nhận được nhiều thông tin từ hải quan quốc tế cung cấp danh sách các mặt hàng có rủi ro cao, thuộc diện cảnh báo về gian lận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam xuất sang thị trường nước thứ 3, cụ thể là châu Âu và Hoa Kỳ. Qua điều tra, cơ quan hải quan đã xác minh, phát hiện nhiều vụ việc nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã xác định được các nhóm mặt hàng liên quan đến gỗ dán, gỗ ván ép; xe đạp, xe đạp điện và các linh kiện; da giày và túi xách; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép… đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Từ đó, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị Hải quan địa phương trong quá trình thực hiện cần kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến quy trình sản xuất của DN và đến khâu xuất khẩu.

Mới nhất, hôm nay (2/11), tại cảng Cát Lái (TP.HCM), Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp cùng Phòng cảnh sát kinh tế 7- Công an TPHCM và Biên phòng TPHCM kiểm tra lô 7,2 tấn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc phát hiện hàng hoá giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Lô hàng nêu trên do Cty TNHH Cao su Talalay Viet Nam đứng tên trên tờ khai hải quan nhập khẩu. Doanh nghiệp khai báo hàng hóa gồm 317 kiện (7,2 tấn) là chăn, màn, gối các loại, xuất xứ Trung Quôc song trên nhãn từng sản phẩm đều ghi “Made in Vietnam”. Trị giá lô hàng gần 600 triệu đồng.

Tại khu vực cảng Hải Phòng, lực lượng Hải quan cũng đang tạm giữ nhiều container máy móc, thiết bị nhập từ nước ngoài và chỉ qua công đoạn lắp ráp đơn giản để thành hàng Việt Nam. Ngoài ra, nhiều lô hàng được sản xuất thành phẩm ở nước ngoài, như lô hàng xuất xứ Trung Quốc liên quan đến quần áo, giày, linh kiện điện thoại… nhưng ghi các nhãn hiệu trong nước nhằm tiêu thụ trong nội địa, cơ quan Hải quan đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn ở khu vực cảng Hải Phòng, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…

Tại Bình Dương, Cục Hải quan tỉnh này đang tạm giữ 10 container xe đạp để điều tra. Kiểm tra hồ sơ, thực tế hàng hóa, gần như 100% xe đạp nhập khẩu từ nước ngoài (Trung Quốc), thậm chí cả nhãn mác cũng được dán từ nước ngoài, sau đó đưa về lắp ráp lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Trước đó, ngày 17/10/2019, Công ty TNHH Xe đạp X. có đăng ký tờ khai loại hình E62 (sản phẩm xuất khẩu) tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Sóng Thần, tên hàng theo khai báo là xe đạp các loại, lắp ráp tại Việt Nam, xuất xứ Trung Quốc, số lượng 313 chiếc với 7 loại xe đạp khác nhau, trị giá khai báo khoảng 603 triệu đồng.

Lô hàng được đóng trong 1 container 40 feet, tờ khai được hệ thống phân luồng Vàng. Từ các nguồn thông tin nghiệp vụ thu thập trước đó, Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Sóng Thần đã chuyển luồng tờ khai để kiểm tra thực tế hàng hóa.

Qua kiểm tra, Chi cục Hải quan Sóng Thần ghi nhận số lượng và chủng loại hàng đúng theo khai báo của công ty là 313 carton = 313 chiếc xe đạp hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nhãn hàng hóa trên bao bì đóng gói và khung sườn xe và thông tin thể hiện tên hàng hóa không phù hợp khai báo.

Cụ thể, toàn bộ bao bì đóng gói đều có in dòng chữ “MADE IN VIET NAM”, trên các khung sườn xe đạp cũng dán đề can “MADE IN VIET NAM”, trong khi đó thông tin khai báo trên tờ khai lại là xe đạp “lắp ráp tại Việt Nam”.

Vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng.

 

 
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Tuấn Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập80
  • Hôm nay13,251
  • Tháng hiện tại283,203
  • Tổng lượt truy cập35,549,484
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây