Không ai là bạn ngoài núi.

Thứ hai - 28/10/2019 06:03

Không ai là bạn ngoài núi.

Tin tức đang sôi sục việc Turkey tấn công người Kurd ở Syria sau khi Mỹ rút quân khỏi vùng biên giới giữa hai nước, nơi lính Kurd đang giam giữ mấy ngàn quân khủng bố ISIS, làm thế giới phải lo sốt vó. Nhưng người Kurd là ai, tại sao họ không có một quốc gia độc lập?
alt

Người Kurd tại làng Tangi Sar, Iran, trong buổi lễ Nowruz mừng năm mới. ảnh: bakhtiar samadi    

Người Kurd là một dân tộc có tiếng nói riêng và văn hoá đặc thù. Với tổng số dân khoảng 30-35 triệu, họ là cộng đồng Muslim lớn thứ tư trong vùng Trung Ðông hiện nay. Thuở xa xưa họ là những bộ lạc sinh sống trên các vùng cao, không khác gì người Thượng ở Việt Nam. Họ có nền văn minh khá cổ, với những thiên sử ca bằng thơ được truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Phụ nữ Kurd nổi tiếng về ngành dệt thảm. Người Kurd có câu thành ngữ “Không ai là bạn cả ngoài núi.”

Nhờ biết dùng núi rừng làm nơi nương náu nên họ đã sống sót qua bao nhiêu thời kỳ bị ngoại xâm và cai trị. Nằm tại giao điểm giữa bốn nước ngày nay là Turkey, Syria, Iran, Iraq, người Kurd đã quen bị các xứ mạnh chiếm đóng. Từ đại đế Alexander the Great thuở xa xưa cho tới Ðế quốc Ottoman vào thế kỷ 19, lúc nào họ cũng bị kẹt giữa lằn đạn của các cường quốc – nhất là Anh, Mỹ và Nga vào thế kỷ 20-21.

Như người Việt và nhiều dân tộc bị trị khác vào đầu thế kỷ 20, người Kurd cũng phải tranh đấu giành độc lập. Sau Ðệ Nhất Thế Chiến (1914-1919), Ottoman Empire bại trận và bị khối Ðồng Minh chia năm xẻ bảy. Thoả hiệp Sykes-Picot – được thương lượng trong bí mật giữa Anh và Pháp năm 1916, phân chia vùng Levant ra làm nhiều mảnh với đường biên giới do họ tự vẽ ra.

alt

Bản đồ Sykes-Picot xé Ottoman Empire làm nhiều mảnh sau Đệ I Thế Chiến để chia đất cho Anh và Pháp. nguồn: wikimedia

Anh Quốc lấy vùng đất ngày nay là Do Thái, Palestine, Nam Iraq; Pháp chiếm Bắc Iraq, Nam Turkey, Syria, Lebanon; Nga nuốt Armenia. Phần người Kurd thì được hứa hẹn sẽ có một mảnh đất riêng để thành lập nước Kurdistan.

Khi Thế Chiến I chấm dứt, Hiệp định Sèvres năm 1920 chính thức hoá các đường biên giới trong Sykes-Picot. Nhưng Turkey phản đối dữ dội, dẫn đến chiến tranh giành độc lập (1919-1923). Sau chiến tranh, Hiệp định Lausanne 1923 giữa Anh, Pháp, Ý, Nhật xóa bỏ điều khoản trong Sykes-Picot cho phép người Kurd thành lập nước Kurdistan. Thay vào đó, cộng đồng người Kurd bị chia thành bốn nhóm tại bốn nước khác nhau: Turkey, Syria, Iran, Iraq. Từ đó người Kurd trở thành một dân tộc vô tổ quốc.

Dù bị tách ra làm tư nhưng họ vẫn là một chủng dân riêng biệt. Họ không là người Turk, cũng không là người Arab như dân Iraq hay Syria, càng không là người Persian tuy tiếng nói có nhiều phần bị Iran-hóa sau một thời gian bị Iran cai trị. 98% người Kurd ngày nay theo đạo Hồi, nhưng xưa kia hầu hết đều theo Thiên Chúa Giáo.

alt

Trang phục truyền thống của phụ nữ Kurd. ảnh: marjan darabi

Tại Turkey, người Kurd chiếm khoảng 15% dân số. Sau khi Turkey giành được độc lập, người Kurd ở Turkey không được phép nói tiếng mẹ đẻ nơi công cộng, nhạc của họ bị cấm, sách vở bị đốt, tên  họ phải đổi sang tiếng Turk. (So với người miền Nam sau 30/4 họ có phần khổ hơn!)

Iran có khoảng 7 triệu người Kurd. Tại Syria họ là sắc dân thiểu số đông nhất, chiếm khoảng 9% dân số. Riêng ở Iraq người Kurd (17%) có được một khu tự trị riêng sau nhiều năm tranh đấu. Vào thập niên 1980 họ phải đối đầu với Saddam Hussein, người đã đàn áp dân Kurd tàn bạo nhất. Ðạo quân tinh nhuệ Peshmerga của người Kurd ở Iraq từng giúp Mỹ đánh Saddam năm 2003. Sau chiến tranh, người Kurd được thành lập khu tự trị ở Bắc Iraq với chính phủ riêng, gọi là Kurdish Regional Government (KRG).

Tuy KRG vẫn nằm trong Iraq nhưng ít ra giấc mơ độc lập của người Kurd cũng phần nào trở thành hiện thực và người dân nơi đây sống ‘tương đối’ yên ổn. Trong khi đó thì tại Turkey và Syria tình hình trở nên cực kỳ phức tạp vì sự xuất hiện của nhóm khủng bố ISIS và cuộc nổi dậy của quân kháng chiến Syria chống lại chính quyền độc tài Assad. Thêm vào đó là tổ chức khủng bố PKK (Ðảng Công Nhân) của người Kurd tại Turkey, ra đời vào thập niên 1970 và được Liên Xô (sau này là Nga) yểm trợ.

alt

Một điệu vũ của người Kurd vùng Harman (giữa Iran và Iraq). ảnh: kaiwan moradi

Tại Syria, nhóm Syrian Democratic Forces (SDF), tổng hợp từ các thành phần Kurd, Arab, Syrian… được thành lập năm 2015 để đánh lại nhóm khủng bố ISIS. Mặc dù bản thân SDF phát sinh từ đội quân YPG (đàn em của PKK), nhưng họ vẫn được Hoa Kỳ và Âu Châu viện trợ. SDF đẩy lùi được ISIS và lấy lại lãnh thổ bị ISIS chiếm đóng. Tháng 2, 2019, Tổng thống Trump tuyên bố “ISIS đã bị đánh bại 100%”. Cái giá người Kurd đã trả cho cuộc chiến này là 11,000 quân binh thiệt mạng. Ngoài ra họ còn lãnh nhiệm vụ giam giữ nhiều ngàn tù binh ISIS và hàng chục ngàn phụ nữ và trẻ em của ISIS trong một vùng phi quân sự gần biên giới Turkey, nơi có khoảng 2,000 lính Mỹ trú đóng để gìn giữ hòa bình.

Mặc dù được Tây Phương ủng hộ, nhưng đối với Turkey thì SDF vẫn chỉ là cánh tay nối dài của nhóm khủng bố PKK từng gieo rắc kinh hoàng cho người dân Turkey 30 năm qua. Vì vậy nên chính quyền Ankara bao lâu nay vẫn muốn ra tay tiêu diệt PKK nhưng không làm nổi. Cuối tuần rồi Tổng thống Trump đột nhiên ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi vùng phi quân sự này. Ðược bật đèn xanh, Turkey ngay lập tức tấn công vào các cứ điểm của SDF bên trong biên giới Syria. Chính quyền của Tổng thống Erdogan cho biết Turkey không có ý định xâm lăng Syria mà chỉ muốn tạo một vùng đệm rộng 30km tại ranh giới hai nước để họ có thể kềm tỏa PKK, đồng thời trả hai triệu người tị nạn đang tạm trú trên đất Turkey trở về Syria.

alt

Người Kurd Syria có một lực lượng nữ quân nhân khét tiếng tên gọi YPJ. Thành lập năm 2013, YPJ hiện có trên 20,000 nữ binh đã góp phần đánh bại ISIS ở Syria. nguồn: ypj flickr

Cộng đồng thế giới đồng loạt lên án quyết định “bỏ rơi đồng minh” của Hoa Kỳ và khuyến cáo Turkey không nên thừa nước đục thả câu. Nhưng đối với người Kurd thì đây không phải lần đầu họ bị phản bội. Thời 1950-1960 Mỹ từng yểm trợ vũ khí cho người Kurd ở Iraq để giúp lật đổ chính quyền Abdul Kassem. Nhưng sau khi Kassem bị đảo chánh năm 1963 Mỹ liền cúp viện trợ cho người Kurd. Thập niên 1970 Henry Kissinger đi đêm với Iran và Iraq, bật đèn xanh cho Saddam Hussein tàn sát người Kurd. Tổng thống Reagan trong thập niên 1980 cũng làm ngơ khi Saddam dùng vũ khí hoá học tấn công người Kurd. Trong Gulf War I năm 1991 kháng chiến quân Kurd theo lời kêu gọi của Tổng thống Bush cha nổi dậy đánh Saddam; nhưng sau khi Mỹ rút quân về thì họ lại bị bỏ mặc cho Saddam trả thù. Năm 2007 Mỹ đã mở không phận “no fly zone” trong vùng Kurd tự trị ở Iraq để Không quân Turkey tấn công các cứ điểm Kurd trong địa phận Iraq… v.v.

Giống như Việt Nam, Kurdistan nằm ở vị trí đắc địa, lại thêm có mỏ dầu khổng lồ nên hay bị dòm ngó. Người mình có câu “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”.  Không ai biết trong những ngày tháng tới chuyện gì sẽ xảy ra tại vùng đất đầy bi kịch này, nhưng chắc chắn một điều là đa số nạn nhân của các cuộc tranh chấp vẫn sẽ là phụ nữ và trẻ em, và người Kurd vẫn sẽ không có ai là bạn cả, ngoài núi.                                                                         
 

Tác giả bài viết: I B _ Dallas

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập298
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại277,418
  • Tổng lượt truy cập36,331,973
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây