Phép ngụy biện

Chủ nhật - 13/10/2019 22:52

Phép ngụy biện

Phép ngụy biện, bản thân nó là một phương pháp luận. Chuẩn xác hơn mà nói, phép ngụy biện là một loại phương pháp luận chứng, đặc điểm cơ bản của nó là một loại luận chứng bóp méo.

Ngụy biện không giống với võ đoán, cũng không giống với lời đồn. Võ đoán cơ bản là không có lý do, người ta xem xét vấn đề thì đều là cưỡng từ đoạt lý. Lời đồn là ăn không nói có, mọi người nghe xong nhất định sẽ có những suy nghĩ xấu. Nhưng ngụy biện khi tranh luận lại có đạo lý riêng, lúc nào cũng muốn đưa ra một đống “căn cứ”, cho nên nó luôn mê hoặc được một nhóm người.

Một vài lối ngụy biện cơ bản thường gặp

1. Lập lờ

Trong quá trình luận chứng, người ngụy biện cố ý làm trái với nguyên tắc của luận đề phải chứng minh, luận điểm mơ hồ, mập mờ, tưởng đúng mà lại là sai, với mưu đồ là dưới những tình huống khác nhau mà đưa ra những giải thích khác nhau, biện hộ cho một mục đích nào đó của bản thân.

2. Đánh tráo khái niệm

Đánh tráo luận đề là một phương pháp mà người ngụy biện hay dùng nhất. Người ngụy biện đánh tráo khái niệm thường có thủ pháp:

(1) Lén lút cải biến nội hàm của một khái niệm và mở rộng nó ra, khiến cho nó biến thành một khái niệm khác.

(2) Lợi dụng từ đa nghĩa lẫn lộn với khái niệm khác.

(3) Tìm sự liên hệ giữa các khái niệm và chỉ ra sự tương đồng, bỏ đi sự khác biệt cơ bản giữa các khái niệm khác nhau.

(4) Lẫn lộn khái niệm tập hợp và khái niệm phi tập hợp, khái niệm tập hợp phản ánh chính là thuộc tính tổng thể của một loại sự vật, chứ không phải là phản ánh thuộc tính mỗi phần tử tổ thành một loại sự vật.

(5) Đánh tráo luận đề. Trong quá trình luận chứng cố ý làm trái với luận đề phải chứng minh, lén lút thay đổi luận đề. Đánh tráo luận đề và đánh tráo khái niệm có liên hệ với nhau. Đánh tráo luận đề thường thường biểu hiện là đánh tráo khái niệm quan trọng trong luận đề.

3. Luận cứ giả tạo

Cố ý làm trái với quy tắc chân thật của luận cứ, dùng chứng cứ bịa đặt và nguyên lý sai lầm làm luận cứ, từ đó mà tranh luận sai về luận đề.

4. Luận chứng tuần hoàn

Tính chân thực của luận đề là dựa vào luận cứ để chứng minh, mà tính chân thực của luận cứ lại dựa vào luận đề để chứng minh, đây là luận chứng tuần hoàn.

5. Lấy con người làm bằng chứng

Lấy phẩm chất của một người nào đó đi đánh giá một người khác. Nói cách khác, dùng cách đánh giá phẩm chất của một ai đó để thay thế cho luận chứng của luận đề.

6. Ngụy biện vết nhơ

Chỉ vì đối phương có một vết nhơ nào đó mà phủ nhận hết mọi kết quả mà đối phương đã làm được.

Sử dụng mánh khóe này, họ có thể thông qua phương pháp vết nhơ, nhẹ nhàng hóa giải chiêu thức của bạn, nếu bạn dùng phương pháp tương tự, họ sẽ nói cách bạn dùng là máy móc, mà bạn đã máy móc rồi nên đương nhiên là bạn sai, cho nên cái cớ của bạn liền bị hóa giải.

7. Mạo danh quyền uy

Đối với luận đề thì không đưa ra được bất cứ luận chứng nào, chỉ dùng lời nói mà dọa người, gạt người. Nói một cách khác, là dùng lời của người có quyền uy thay cho luận chứng của luận đề. Mạo danh quyền uy, là biểu hiện đặc thù của “lấy con người làm bằng chứng”.

Ngụy biện vết nhơ: Chỉ vì đối phương có một vết nhơ nào đó mà phủ nhận hết mọi kết quả mà đối phương đã làm được. (Ảnh: Kknews)

8. Lập luận vô hiệu

Trong quá trình tranh luận thì liên tục nói quan điểm của đối phương là sai lầm, không chính xác, cứ vậy mà tự nhiên phủ nhận tính chính xác trong quan điểm của đối phương. Ví dụ như nói quan điểm của đối phương là “logic của công chúng” nên vô hiệu, hoặc nói quan điểm của đối phương là “suy luận máy móc” cho nên cũng vô hiệu.

Phân tích rõ: Ngụy biện vết nhơ là chỉ vì đối phương có một vết nhơ nào đó mà phủ nhận hết tính chính xác trong quan điểm của đối phương, kỳ thực là một bộ phận của lập luận vô hiệu, lập luận vô hiệu so với ngụy biện vết nhơ đã bao hàm nội dung còn rộng hơn.

9. Suy luận máy móc

Là cố ý mang hai cái tính chất bất đồng, hoặc chỉ tương đồng ở bề mặt nhưng lại coi như là tương tự nhau, trong đó có một đối tượng có một tính chất nào đó, đưa ra một đối tượng khác cũng có một tính chất nào đó làm phương pháp để luận chứng. Dùng suy luận máy móc để đưa ra kết luận thì không đáng tin.

10. Lấy cá biệt làm tổng thể

Là cố ý dùng một phương diện nào đó, căn cứ không đầy đủ và coi như là toàn bộ, coi như là luận cứ đầy đủ để đi luận chứng, lấy tình huống cá biệt để khái quát toàn bộ.

Những ví dụ về phép ngụy biện của ĐCSTQ

Thử quan sát một cuộc tranh luận, một bên là những người thấy trứng ăn không ngon, còn bên kia là những người thích ăn trứng. Mà nguyên nhân cơ bản ở đây là trứng gà có vấn đề.

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Trứng vịt ở bên nước Triều Tiên còn khó ăn hơn, anh còn kêu ca gì nữa?

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Ài, nói không suy nghĩ, không có tính xây dựng gì cả, anh có giỏi thì làm cho trứng ngon hơn mà ăn!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Anh xem ti vi thấy gà đẻ trứng chưa, mấy con gà đó mới thật là chính trực, thiện lương, dũng cảm, cần cù làm sao!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Nó không tốt cũng có sao, chỉ cần có trứng là tốt rồi.

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Anh có phải lớn lên nhờ ăn trứng gà không? Anh có quyền gì mà nói trứng này không tốt?

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Anh nói như vậy là có mục đích gì?

phép ngụy biện là một loại phương pháp luận chứng, đặc điểm cơ bản của nó là một loại luận chứng bóp méo.
Phép ngụy biện là một loại phương pháp luận chứng, đặc điểm cơ bản của nó là một loại luận chứng bóp méo. (Ảnh: Pinterest)

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Không thích ăn thì đừng ăn, đi qua nước ngoài mà ăn trứng của Tây.

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Khó ăn thì cũng là trứng gà của mình, như thế này thì có gì đâu mà nói là khó ăn.

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Trứng gà của mình mà cứ nói là không thể ăn, anh có còn là người Trung Quốc không?

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Anh đúng là đặc vụ Mỹ, gián điệp Đài Loan, đồ Hán gian. Cút! Ở đây không có hoan nghênh anh!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Nói có tác dụng gì, có thời gian sao không đi kiếm tiền đi, vậy không phải tốt hơn sao?

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Ấu trĩ, tinh thần u ám, trứng gà không ăn được mà cũng cằn nhằn!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Trứng gà Trung Quốc thì khó ăn, trứng gà của Mỹ thì dễ ăn sao? Quân bán nước!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Trứng gà Trung Quốc đã có thể đánh bại trứng vịt của Mỹ, là người Trung Quốc tôi cảm thấy rất tự hào!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Trứng do gà của tổ quốc đẻ ra, khó ăn chúng ta cũng không được chê!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Bưng bát trứng lên ăn, bỏ đũa xuống thì chửi cha mẹ, không biết điều, vong ân bội nghĩa, không có liêm sỉ!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Trứng gà khó ăn là cực kỳ ít, tuyệt đại đa số trứng gà ăn đều ngon, chẳng qua anh ăn nhầm trứng dở mà thôi!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Đây là mấy phần tử phản động đang dắt mũi quần chúng mà thôi!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Việc này không có căn cứ, hy vọng truyền thông có thể đưa ra tin tức khách quan.

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Phải kiên nhẫn! Chúng tôi mới bắt đầu nuôi gà, phải kiên trì một trăm năm không lay động!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Trứng gà khó ăn thì không có liên quan gì đến động đất, động đất thì khẳng định là phải có người chết!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Gà Trung Quốc, cố lên!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Thấy rằng thực khách cố tình gây sự mà nói rằng trứng khó ăn, chúng tôi đã hai lần đi thuyết phục khuyên giải.

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Nếu như còn có thực khách khiếu nại, chúng tôi bắt buộc phải sử dụng giáo dục lao động.

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Gần đây trên mạng có người bí mật tung tin đồn nhảm.

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Anh chỉ là một trong số ít người không hiểu chuyện thôi! Trứng làm sao mà lại khó ăn được?

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Có giỏi thì anh đi ăn thịt gà thử xem!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Không có quả trứng nào là hoàn hảo cả, cho nên không có quyền nói quả trứng thế này thế kia!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: So với trứng của mấy năm trước thì đã tiến bộ rất nhiều rồi, so với trước “giải phóng” thì trứng này đã vô cùng tốt rồi!

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Trung Quốc lớn như vậy, nếu như không làm ra một loại trứng độc quyền, không phải là sẽ rất nguy hiểm sao?

Quần chúng: Trứng này thật khó ăn.

Người thích trứng: Để ngày hôm nay anh có trứng mà ăn, biết bao nhiêu người đã phải đổi bằng máu và tính mạng!

Minh Huy 

Mạn đàm về người Việt và “văn hóa” ngụy biện

Ngụy biện (Fallacy) là khái niệm để chỉ những cách lập luận tưởng chừng là đúng, nhưng thực chất lại là sai lầm và phi logic trong tranh luận. Ngụy biện có thể biến một vấn đề từ sai thành đúng, và từ đúng trở thành sai. Ngụy biện có thể dẫn đến những cái nhìn sai lệch và tư duy sai lầm mà chính bản thân người nói cũng không nhận ra được.

Những ai đã có kiến thức về ngụy biện đều hiểu một điều đáng buồn rằng: Người Việt rất hay ngụy biện và có tư duy ngụy biện! Chúng ta đều biết hai chữ “ngụy biện”, nhưng liệu chúng ta có thật sự hiểu về nó? Bạn có tin rằng tại Việt Nam, ngụy biện đã cướp đi mạng sống của con người?

Trên thế giới, ngụy biện đã trở thành một kiến thức được biết đến rộng rãi, và các nhà nghiên cứu đã thống kê khoảng trên dưới 100 loại ngụy biện khác nhau. Dưới đây xin được tổng hợp lại 9 câu “ngụy biện” điển hình của người Việt:

1. “Nhìn lại mình đi rồi hẵng nói người khác”

Mình làm sai thì là sai rồi, sao lại không nhận sai, không nói thẳng vào vấn đề “mình sai” mà lại quay qua tìm điểm yếu của người khác? Việc này cũng giống như khi nhận được góp ý: “Viết sai chính tả rồi kìa”, thì thay vì sửa sai, bạn lại bốp chát: “Thế anh chưa viết sai bao giờ à?”

2. “Có làm được gì cho đất nước đâu mà to mồm”

Người ta có làm được gì hay không thì là điều mình chưa biết, hơn nữa bạn đã “lạc đề” rồi. Vấn đề người ta nêu ra thì bạn không trả lời, không đưa ra luận điểm logic, mà lại đi đường vòng, chuyển qua công kích người khác.

3. “Nó ăn trộm chó thì cứ đánh cho nó chết”

Lập luận này đã khiến cho những kẻ trộm chó vốn không đáng phải chết bị giết chết bởi chính những người dân tưởng chừng “lương thiện” rồi. “Ăn trộm chó” là sai, nhưng “giết người” cũng là sai, hai sai thì không phải là một đúng, mà là sai lại càng sai.

4. “Làm được như người ta đi rồi hãy nói”

Lại một hình thức “lạc đề”. Luận điểm mà người ta đưa ra thì bạn không xoay quanh mà bàn luận, lại cứ phải công kích cá nhân người khác thì mới vừa lòng sao?

5. “Nếu không hài lòng thì cút xéo ra nước ngoài mà sinh sống”

 Ngụy biện như một thứ mặt nạ xấu xí khiến người ta tư duy lệch lạc mà không hay biết (Ảnh: Internet)
Ngụy biện như một thứ mặt nạ xấu xí khiến người ta tư duy lệch lạc mà không hay biết (Ảnh: Internet)

Lời nói này không chỉ đánh lạc hướng vấn đề, mà còn rất bất lịch sự, chuyên dùng để làm người đối diện tức giận, chứ chẳng có một chút logic nào trong đó cả.

6. “Chỉ có những người chân lấm tay bùn từ nhỏ mới là người cần cù chăm chỉ xây dựng đất nước”

Câu khẩu hiệu này đã từng xuất hiện ở Việt Nam trong quá khứ. Người ta có câu “vơ đũa cả nắm”, ấy chính là để chỉ việc lập luận cảm tính, khái quát cảm tính, mà không hề đưa ra logic hợp lý nào cả.

Cũng như vậy, khi phân chia giai cấp và tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp, thì người ta đã mắc sai lầm ngụy biện, ví như chủ đất không nhất định là xấu, chủ doanh nghiệp cũng không nhất định là xấu, và người làm công ăn lương hay nông dân chắc gì đã là một người tốt cần cù chăm chỉ?

7. “Nước nào mà chẳng có tham nhũng”

Vì nước nào cũng có tham nhũng nên Việt Nam được phép có tham nhũng hay sao? Vì mọi người đều vượt đèn đỏ nên tất nhiên tôi cũng phải vượt đèn đỏ? Vì xã hội thiếu gì nghiện hút nên trong nhà có người hút chích cũng là bình thường?

8. “Nếu anh là họ mà anh làm được thì hẵng nói”

Đặt mình vào vị trí người khác là một tiêu chuẩn người xưa dùng để tu sửa bản thân, hướng vào bản thân tìm lỗi, là một nét văn hóa rất độc đáo của phương Đông. Tuy nhiên câu nói đó chỉ sử dụng khi một người tự răn mình, chứ không phải là một câu nói dùng trong tranh luận.

Việc sử dụng nó trong tranh luận không chỉ là sự bịt miệng những phê bình của người khác, không giải thích các luận điểm của người khác, mà còn chứng tỏ rằng chúng ta đang phá hoại và lãng quên văn hóa truyền thống của chính mình.

9. “Tại sao anh dám nói chúng tôi sai? Anh là một tên phản bội dân tộc”

Kiểu lập luận chụp mũ này mặc nhiên coi mình là đúng, họ là sai, và những người đồng quan điểm với họ cũng là sai. Nó không hề đưa ra một thứ logic nào, nhưng lại cắt ngang một cái giới tuyến, và tùy tiện định tội cho người khác.

Tất nhiên đây mới chỉ là những câu ngụy biện cơ bản nhất, thường thấy nhất. “Văn hóa ngụy biện” đã ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, muôn hình vạn trạng, và luôn ẩn giấu trong tư duy của người Việt. Vậy nguyên nhân của thói quen này là từ đâu?

Trong phần nhiều các lỗi ngụy biện thường gặp của người Việt, có một tâm lý cơ bản hiện rõ ra khi tham gia thảo luận, đó chính là tâm tranh đấu, hiếu thắng, và không hề tôn trọng người đối diện. Ngoài đó ra, chúng ta cũng hay bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông, lợi dụng tâm lý đám đông để che đi trách nhiệm của bản thân mình.

Muốn tránh cách tư duy ngụy biện, chúng ta không những phải sửa lối tư duy vòng vo, thiếu suy nghĩ, mà còn phải sửa chính từ tâm thái của mình khi trao đổi và luận bàn về mọi việc. Điều cơ bản nhất khi tham gia tranh luận là có trách nhiệm trong lời nói của chính mình và biết tôn trọng người đối diện.

 

Tác giả bài viết: Van Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập96
  • Hôm nay24,836
  • Tháng hiện tại299,608
  • Tổng lượt truy cập32,766,133
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây