Những phận đời bất hạnh được cưu mang sau cái chết của một người đồng tính

Thứ bảy - 12/12/2015 04:21

Những phận đời bất hạnh được cưu mang sau cái chết của một người đồng tính

Phụ nữ bị bạo hành, người đồng tính bị kỳ thị, trẻ em bị xâm hại… là những thành viên trong ngôi nhà đặc biệt: Nhà Tạm lánh. Ngôi nhà này đã được ra đời sau cái chết buồn của một người đồng tính.
Phan Thanh Nhàn và mẹ con chị H, trong nhà Tạm lánh. Ảnh do nhóm Open cung cấp

Người đặt nền móng đầu tiên cho ngôi nhà mang tên Tạm lánh là Phan Thanh Nhàn. Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học cho đến lúc ra trường, Nhàn từng tham gia rất nhiều các công tác xã hội, hoạt động nhân đạo như dự án quốc gia phòng chống HIV/AIDS, mạng lưới Thanh niên tiên phong về quyền tình dục…

Nhà Tạm lánh ra đời từ sau câu chuyện buồn của một người bạn của Nhàn. Nhàn kể, T. là một người đồng tính nhưng gia đình T. không chấp nhận sự thật này, tìm mọi cách để “chữa bệnh” cho T. như mời thầy cúng, thậm chí đưa T. vào bệnh viện tâm thần để chữa trị. 

Cuối cùng, T. buộc phải đồng ý cưới vợ theo yêu cầu của gia đình. Trước đám cưới một tuần, Nhàn nhận được tin dữ: T. đã treo cổ tự tử. Trước khi chết, T để lại một bức thư gửi cha mẹ mình: “Số phận đã an bài con là người đồng tính, con chỉ có thể yêu đàn ông. Con không muốn lấy vợ để tương lai phải sống trong đau khổ. Con càng không muốn người phụ nữ được sắp đặt lấy con phải đau khổ. Vì con không thể yêu cô ấy”.

Từ cái chết của bạn, Nhàn xót xa hiểu rằng, những người đồng tính vốn đã cô đơn, bị xã hội nhìn bằng cái nhìn chẳng mấy thiện cảm. Họ sẽ càng trơ trọi và cô độc khi bị gia đình bạo hành, tra tấn tinh thần… 

Ý nghĩ đó thôi thúc Nhàn phải xây dựng được một nơi để những người bạn của mình có thể lánh nạn và ổn định tâm lý trước khi trở về.  Nhàn chia sẻ ý tưởng này với nhóm Open và được ủng hộ. 

Khi ấy, nhóm Open đang là chi hội của Ủy ban phòng chống HIV/AIDS TPHCM, hoạt động tuyên truyền, cung cấp dịch vụ phòng chống lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM (nhóm nam quan hệ đồng giới). Nhà Tạm lánh đã ra đời vào cuối năm 2010.

Có một điều khiến Nhàn và cả nhóm bất ngờ, đó là khi mới thành lập, nhà Tạm lánh chỉ hứa hỗ trợ miễn phí cho những người bị bạo hành trong cộng đồng người đồng tính. Nhưng sau đó, ngôi nhà cứ mở rộng cửa bao dung tất cả những người bị bạo hành, từ những người đồng tính đến phụ nữ bị bạo hành, xâm hại….

Nhàn kể, một đêm khuya cuối năm 2014, cô cán bộ bên Sở Lao động Thương binh Xã hội TP HCM gọi điện cho Nhàn bảo rằng có một phụ nữ cần được giúp đỡ. Chị H.T.T quê ở tận Bắc Giang, lấy chồng ở Hà Nội. Khi đã có với nhau đứa con trai hơn 1 tuổi, chị mới phát hiện chồng nghiện ma túy. 

Khi chị mang thai bé thứ 2, nhiều lần say thuốc, chồng đánh chị bán sống bán chết. Để bảo vệ cho đứa con trong bụng, chị quyết định bế con theo một người bạn gái vào Nam lánh nạn, sinh con.

Vào Sài Gòn được hơn 1 tháng, chị lại bị chính người bạn kia lừa gạt, lấy xe máy và toàn bộ tiền bạc, để lại H trong căn phòng trọ… chưa đóng tiền. Bị ném ra đường trong tình trạng không một đồng dính túi, bụng mang dạ chửa, con chưa biết đi, chị lê lết từ chùa này đến nhà thờ nọ theo lời chỉ của người dân.

Thấy tình cảnh của chị quá thê lương, một người xe ôm tốt bụng đưa chị đến Sở Lao động Thương binh Xã hội để được hỗ trợ.

Nghe được chuyện này, Nhàn và các bạn không khỏi khó xử. Cưu mang một phụ nữ mang bầu 5 tháng đã khó, thêm một đứa trẻ chưa biết đi lại khó gấp bội. Nhưng không đành lòng bỏ rơi họ, Nhàn gật đầu đồng ý.

N.K cũng là một trường hợp đặc biệt của nhà Tạm lánh. Cha mẹ mất sớm, K từ nhỏ phải sống cùng anh chị. Trong một cuộc nhậu, người anh của cô đã hứa gả em gái cho người bạn nhậu, khi đó K mới 19 tuổi, đang học trung cấp điều dưỡng. Cô phản đối kịch liệt ý định của anh hai. Ép em không được nên người anh đã dàn cảnh để bạn nhậu cưỡng hiếp chính em gái mình.

 May mắn, ngày hôm ấy, chị của K phát hiện, âm mưu của người anh không thực hiện được nhưng  K vô cùng uất ức. Cô bỏ nhà đi, có lúc chán đời muốn tự tử. Một người bạn đã đưa cô đến nhà Tạm lánh.

Nhàn chia sẻ: “Một bệnh nhân nhiễm HIV có thể sống được hơn 20 năm nữa, một bệnh nhân ung thư cũng có thể sống thêm gần 10 năm. Nhưng nếu một người bị bạo hành mà trong đầu có thêm những dòng suy nghĩ tiêu cực thì có thể họ sẽ tự kết liễu cuộc đời mình ngay lập tức...".

Nhàn cho biết, nhà Tạm lánh là nơi hỗ trợ những người bị bạo hành có một nơi an toàn trong một thời gian ngắn để ổn định tâm lý và giải quyết các vấn đề của mình gặp phải. Tiếp đó, nhóm cùng với một số chuyên gia đến nhà các nạn nhân để tuyên truyền, trò chuyện, mục đích là nhằm giúp họ hiểu ra vấn đề, cảm thông và chấp nhận… 

Trong trường hợp gia đình vẫn không chấp nhận, nhóm sẽ tìm cách giới thiệu việc làm có nơi ăn ở để những đối tượng bị bạo hành tự chủ được cuộc sống của mình.

 


Tác giả bài viết: Bạch Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập108
  • Hôm nay7,525
  • Tháng hiện tại270,224
  • Tổng lượt truy cập35,536,505
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây