Những hình ảnh gây chấn động thế giới năm 2015

Thứ bảy - 12/12/2015 03:54

Những hình ảnh gây chấn động thế giới năm 2015

Các phóng viên ảnh ghi lại nhiều khoảnh khắc và sự kiện quan trọng, có tác động mạnh đến thế giới và truyền thông trong năm qua.

Một sĩ quan bán quân sự điều tra hiện trường trước khi di chuyển thi thể của cậu bé 3 tuổi người Syria Aylan Kurdi hôm 2/9. Xác em dạt vào bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ, vì bị chết đuối cùng mẹ và anh trai trên một con thuyền tị nạn.

Hình ảnh đau thương đã gây chấn động toàn thế giới và khiến nhiều chính phủ châu Âu thức tỉnh trước cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

Gần 474.000 người di cư và tị nạn đã vượt biển Địa Trung Hải đến châu Âu trong năm nay, theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO). Trong đó, hơn 2.600 người thiệt mạng, cao hơn gần 20% so với năm ngoái. Ảnh: AP.

 

Tháp Eiffel ở Paris tỏa ánh sáng theo ba màu trên quốc kỳ Pháp hôm 16/11, sau vụ khủng bố vào các nhà hàng, nhà hát và sân vận động thủ đô làm 130 người chết. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất vào Paris kể từ Thế chiến II.

Đây là lần thứ hai trong năm Paris rúng động vì bị tấn công khủng bố. Vụ xả súng đẫm máu hôm 7/1 tại trụ sở tạp chí trào phúng C-harlie Hebdo cướp đi sinh mạng của 12 người, trong đó có nhiều họa sĩ nổi tiếng. Ảnh: AP.

 

Một nhân viên cứu hộ được trực thăng kéo lên tại hiện trường tai nạn máy bay ở vùng núi Alpes, Pháp, hôm 26/3. Cơ phó của một chuyến bay thuộc hãng hàng không giá rẻ Đức Germanwings đã cố tình khóa cửa buồng lái, mặc những tiếng đập cửa và la hét của cơ trưởng và hành khách. Chỉ trong vài giây, y lao máy bay xuống núi với vận tốc lớn và giết chết 150 người. Ảnh: AP.

 

Những người nghỉ hưu chen chúc lấy số để vào ngân hàng ở Athens, hôm 1/7 trong cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp. Khoảng 1.000 chi nhánh ngân hàng trên khắp nước này đã được chính phủ ra lệnh tái mở cửa để những người già không có thẻ ATM rút 120 euro lương hưu. Ảnh: AP.

 

Phụ nữ và trẻ em người dân tộc Rohingya nằm ngủ tại một trại tạm trú ở Langsa, tỉnh Aceh, Indonesia ngày 17/5. Các di dân nói không thể trở về Myanmar, bởi họ không được thừa nhận là công dân nước này và thường bị ngược đãi.

Những con thuyền chở 2.000 người di cư đói khát và tuyệt vọng đã cập bến Indonesia, Malaysia và Thái Lan, trong khi hàng nghìn người khác được cho là vẫn trôi dạt trên biển. Những kẻ buôn người đã bỏ rơi họ, trong khi các nước chưa sẵn sàng tiếp nhận họ. Ảnh: AP.

 

Bức ảnh không rõ ngày tháng nằm trong một video được nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tung ra hôm 19/4. Hình ảnh cho thấy các phiến quân đang áp giải những con tin Kitô giáo Ethiopia dọc bờ biển Libya. Nhóm con tin bị IS ở nam Libya bắt giữ sau đó bị bắn chết, nhóm còn lại bị bắt ở đông Libya bị chặt đầu. Ảnh: AP.

 

Cảnh sát Pháp kiểm tra mảnh vỡ máy bay dạt vào đảo Reuni-on hôm 29/7. Mảnh vỡ sau đó được xác nhận là cánh phụ của chiếc máy bay Boeing mang số hiệu MH370 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích cách đó 17 tháng. Đây là bước đột phá đầu tiên trong hành trình giải mã bí ẩn hàng không lớn nhất lịch sử thế giới. Ảnh: AP.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở châu Á, diễn ra tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày 3/9. Sự kiện có sự tham gia của hơn 12.000 binh sĩ, 500 vũ khí quân sự hạng nặng và 200 máy bay các loại. Ảnh: AP.

 

Hiện trường vụ đánh bom đền Erawan, ở một giao lộ tấp nập giữa trung tâm thủ đô Bangkok, tối 17/8. 20 người, trong đó phần lớn là du khách Trung Quốc, thiệt mạng, và hơn 130 người bị thương.

Một số nghi phạm đã bị bắt giữ. Giới chức nước này cho rằng mạng lưới buôn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã gây ra vụ đánh bom để trả thù Thái Lan sau một cuộc trấn áp. Ảnh: AP.

 

Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama ngày 11/4. Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên của lãnh đạo hai nước sau hơn nửa thế kỷ thù địch, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương, điều dường như không tưởng đối với nhiều thế hệ người Cuba và Mỹ trước đó. Ảnh: AP.

 

Chủ tịch Liên đoànbóng đáarrow-10x10.pngthế giới FIFA Sep Blatter bị diễn viên hài người Anh Simon Brodkin ném tiền vào người trong một cuộc họp báo diễn ra ở trụ sở tại Zurich, Thụy Sĩ hôm 20/7, giữa bê bối tham nhũng.

Việc điều tra cáo buộc tham nhũng của các quan chức FIFA được xem như một trận cầu nảy lửa giữa Nga và Mỹ. Washington phanh phui bê bối có thể nhằm tước quyền đăng cai World Cup 2018 khỏi tay Nga, trong khi ông Blatter kiên quyết ủng hộ Moscow. Ảnh:AP.

 

Thi thể người hành hương ngổn ngang sau thảm họa giẫm đạp ngày 24/9 tại Mena, cách thánh địa Mecca ở Arab Saudi 5 km. 717 người đã thiệt mạng và hơn 800 người bị thương tại một trong những sự kiện linh thiêng nhất của các tín đồ Hồi giáo. Ảnh:AP.

 

Thi thể một nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở thủ đô Kathmandu, Nepal, ngày 25/4.

Trận động đất làm hơn 8.000 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương. Liên Hợp Quốc ước tính có 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất, trong đó 1,4 triệu người cần được hỗ trợ về lương thực. Ảnh: Reuters.

 

Phi cơ Su-24 của Nga bốc cháy và rơi xuống một khu vực đồi núi phía bắc Syria sau khi bị chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngày 24/11.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bắn hạ Su-24 với lý do máy bay Nga xâm phạm không phận. Tuy nhiên, phía Nga lại cho biết phi cơ của họ đang hoạt động ở Syria và chính chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ mới đi vào không phận Syria.

Căng thẳng giữa Moscow và Ankara ngay sau đó tăng cao. Nga đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế như cấm nhập khẩu một số loại thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ, dừng một số dự án. Nga còn tố Thổ Nhĩ Kỳ trục lợi từ việc buôn lậu dầu với Nhà nước Hồi giáo (IS), cáo buộc Ankara bác bỏ. Ảnh: Reuters.

 

Anh Ngọc

Tác giả bài viết: Tru Vu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập157
  • Hôm nay9,860
  • Tháng hiện tại273,022
  • Tổng lượt truy cập35,919,367
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây