Những qui luật bất thường qua 3 lần thay sách giáo khoa

Chủ nhật - 10/06/2018 09:59

Những qui luật bất thường qua 3 lần thay sách giáo khoa

(GDVN) - Lần thay sách thứ nhất 1981-1992 vừa xong, tháng 10/1993 đã vay ODA làm sách giáo khoa mới. Lần 2 từ 1996-2008 thay sách vừa xong lại có đề án thay sách.

 THẢO LUẬN (0)

Xung quanh việc thực hiện Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông (xây dựng từ 2009, đưa ra từ 2011 và được duyệt từ 2014), chúng tôi đã có một loạt bài phân tích về khả năng lợi ích nhóm với dấu hiệu rõ ràng, cần Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ.

Gần đây nhất là bài "Đổi mới giáo dục không thể nóng vội, xin Bộ trưởng hãy bình tĩnh", chúng tôi đã nêu ra một số kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Tuy nhiên chưa thấy Bộ có động thái công khai nào trong việc kiểm tra làm rõ những thông tin ông Ngô Trần Ái nêu trong Báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về một nhóm người vừa viết chương trình cho Bộ, vừa viết sách giáo khoa cho công ty tư nhân VEPIC.

Về phía Quốc hội, chúng tôi đã từng kiến nghị Quốc hội giám sát kinh phí thực hiện chương trình, sách giáo khoa 2000 theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói riêng, các dự án vay ODA cho giáo dục nói chung.

Mới nhất là Nghị quyết số 88/2014/QH13 qua bài "Chương trình, sách giáo khoa mới và những con số nhảy múa", chúng tôi thiết nghĩ cũng cần phải được giám sát chặt chẽ. 

Trong bài viết này, chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin, ngõ hầu làm rõ bối cảnh để tìm hiểu xem, đâu mới là động lực thực sự của 3 lần thay sách giáo khoa.

Lần thay sách giáo khoa thứ nhất, xuất hiện "động lực kinh tế"

Cố Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn (Thứ trưởng Bộ Giáo dục giai đoạn 1976-1989) lúc sinh thời cho biết:

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, ngày 11/1/1979 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 14-NQ/TW về cải cách giáo dục.

 
 
 
Hình minh họa, nguồn: Internet / chưa rõ tác giả.  
 
 

Nguyên lý giáo dục vẫn là "học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.

Tuy nhiên, từ năm 1979 đến 1982, sau Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, những khó khăn, mất cân đối trong nền kinh tế bao cấp đã dội vào ngành giáo dục, làm cho sự phát triển về số lượng chững lại;

Tỉ lệ lưu ban, bỏ học lớn, chất lượng giáo dục giảm sút rõ rệt. 

Trước tình hình đó, cải cách giáo dục thu lại thành chủ trương thay chương trình, thay sách theo lối cuốn chiếu.

Sách giáo khoa mỗi năm thay 1 lớp, bắt đầu từ 1981 đến 1992 mới xong [1], thì tháng 10/1993 đã đàm phán với Ngân hàng Thế giới vay 78 triệu USD cho Dự án Phát triển giáo dục tiểu học, trong đó có khoản phục vụ làm chương trình, sách giáo khoa mới. [2] [3]

Chúng tôi không rõ tại sao sách giáo khoa vừa viết xong đã có kế hoạch làm chương trình, sách giáo khoa mới. Rất có thể có động lực về tài chính đằng sau sự thay đổi này.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ngày 12/8/1981, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu ký Quyết định số 57/CT về phương thức phân phối sách giáo khoa. 

Điều 1 của Quyết định 57/CT quy định: 

"Từ năm học 1981-1982, ngành giáo dục được thay đổi phương thức phân phối sách giáo khoa theo quy định tại quyết định số 41 - TTg ngày 19 tháng 1 năm 1976 của Thủ tướng Chính phủ, bằng cách tổ chức cho mượn, cho thuê và bán cho học sinh dùng riêng." [4]

Có thể nói, Quyết định 57/CT hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và là sự chia sẻ của Chính phủ với ngành giáo dục trong thời kỳ đất nước vô cùng khó khăn, biên giới chưa dừng tiếng súng. 

Nhưng phải chăng chính cơ chế cho phép Bộ Giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được bán sách cho học sinh dùng riêng trước công cuộc Đổi mới 5 năm, đã tạo ra một dòng tiền cho ngành, cho Nhà xuất bản và cơ chế kiểm soát chưa phát triển kịp?

Phải chăng đây chính là động lực để thực hiện lần thay sách giáo khoa “cuốn chiếu” thứ 2 với nguồn ngân sách khổng lồ?

Lần thay chương trình, sách giáo khoa thứ hai làm ngân sách tiêu tốn hơn 2 tỉ USD

Như đã đề cập ở phần trên, tháng 10/1993 Việt Nam đã đàm phán với Ngân hàng Thế giới vay 78 triệu USD để làm Dự án Phát triển giáo dục tiểu học, trong đó có kinh phí làm sách giáo khoa (tiểu học). [2] [3]

 
 
 
Ảnh chụp màn hình một phần bài báo của Tuổi Trẻ ngày 14/11/2003 về chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng đoàn Kon Tum với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển. Câu hỏi đánh dấu màu xanh dưới đây không có câu trả lời, và rất có thể là "động lực" cho người ta thay sách giáo khoa.  
 
 

Chương trình giáo dục tiểu học bắt đầu soạn thảo từ năm 1996 và bắt đầu thí điểm từ năm 1997.

Chương trình giáo dục trung học cơ sở bắt đầu soạn thảo từ năm 1998 và bắt đầu thí điểm từ năm 2000.

Chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu soạn thảo từ năm 2000 và bắt đầu thí điểm năm 2004.

Năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chính thức ban hành chương trình giáo dục phổ thông bằng cách gộp 3 chương trình nói trên lại với nhau.

Tháng 9/2014 Chính phủ trình Quốc hội Báo cáo Tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (sau đây xin gọi tắt là Báo cáo) do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.

Báo cáo này nằm trong hồ sơ Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị để Chính phủ trình Quốc hội xin ban hành nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (Nghị quyết số 88/2014/QH13 sau này).

Phần II (Tổng kết đánh giá việc thực hiện đổi mưới chương trình giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Nghị quyết 40), mục 3.1.3 (Về hỗ trợ nguồn lực tài chính), Báo cáo cho biết:

"Chính phủ đã sử dụng nguồn vốn ODA để hỗ trợ nguồn lực về tài chính cho việc đổi mới chương trình thông qua các chương trình, dự án".

Chú thích số 21 cho nội dung vừa dẫn, Báo cáo thống kê:

- Dự án Phát triển giáo dục tiểu học.

- Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

- Dự án Phát triển giáo dục Trung học cơ sở (pha 1 và pha 2).

- Dự án Đào tạo giáo viên Trung học cơ sở.

- Dự án giáo dục Trung học cơ sở vùng khó khăn nhất.

- Dự án Phát triển giáo dục Trung học phổ thông.

- Dự án Phát triển giáo viên trung học phổ thông và trung học chuyên nghiệp.

- Chương trình phát triển giáo dục trung học…

Chúng tôi thử cộng kinh phí các dự án ODA nói trên để phục vụ cho lần thay chương trình, sách giáo khoa thứ 2, ra con số trên 1 tỉ đô la Mỹ.

 
 
 
Ảnh minh họa, chụp màn hình clip Môi tím chân trần - Cơm Có thịt với trẻ em vùng cao / Youtube.  
 
 

Báo Công an Nhân dân ngày 3/10/2005 cho biết, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, thì dự kiến tổng kinh phí đầu tư cho thiết bị dạy học từ năm 2002 - 2007 là hơn 14 ngàn tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ USD. [5]

Ngày 3/3/2008 Báo Công an Nhân dân đưa tin, Thanh tra Chính phủ có Kết luận thanh tra toàn diện công tác thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và việc mua sắm, sử dụng thiết bị tại một số địa phương. 

Kết quả thanh tra đã phát hiện sai phạm kinh tế tại các đơn vị trực thuộc Bộ và tại các địa phương với số tiền hơn 17 tỷ đồng. [6]

Chất lượng của chương trình, sách giáo khoa lần này như thế nào, có lẽ chỉ cần xem phóng sự “Báo động tình trạng thiếu hiểu biết kiến thức lịch sử của học sinh hiện nay” của Chuyển động 2h, VTV ngày 11/7/2015 có thể thấy được nhiều điều.

Hoặc chỉ cần gõ từ khóa "Quang Trung - Nguyễn Huệ là ai" trên Google, quý bạn đọc có thể tìm thấy video này.

Năm 2008, khi triển khai xong cuốn sách giáo khoa cuối cùng của lớp 12 chương trình 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên kế hoạch thay sách giáo khoa lần 3 (Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, kéo dài đến tận bây giờ). [7]

Cũng trong năm 2008, ngân sách duyệt chi 2.830 tỷ đồng làm dự án Đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy, để hoàn thành việc đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa mới đại trà ở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên theo yêu cầu của Nghị quyết số 40/2000/QH10. [8]

Những “quy luật bất thường” qua 3 lần thay sách giáo khoa

Từ những thông tin nói trên, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề mang tính “quy luật bất thường”, xin nêu ra đây để rộng đường dư luận:

- Dự án / đề án có trước, nghị quyết và luật có sau. 

Ví dụ, lần thay sách thứ 2, Luật Giáo dục đầu tiên ra đời năm 1998 với quy định về chương trình, sách giáo khoa trong Điều 25; Nghị quyết số 40/2000/QH10 quy định một chương trình, một sách giáo khoa năm 2000 mới có;

Nhưng dự án vay ODA đầu tiên để làm sách giáo khoa được đàm phán từ tháng 10/1993, chương trình tiểu học được soạn từ năm 1996.

Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông (thay sách lần 3) được xây dựng từ 2009, đưa ra lần đầu tiên năm 2011 (khái toán 70 nghìn tỷ đồng), đưa ra lần 2 tháng Tư 2014 (khái toán 34 nghìn tỷ đồng). 

Nghị quyết số 88/2014/QH13 được Quốc hội thông qua theo Đề án Chính phủ trình, tháng 11/2014 với kinh phí làm chương trình, sách giáo khoa 462 tỷ đồng.

Thế nhưng khi giải thích bất kỳ nội dung nào của các dự án, đề án thay sách giáo khoa, người ta đều viện dẫn Luật Giáo dục, Nghị quyết số 40/2000/QH10, Nghị quyết số 88/2014/QH13, tức lấy cái có sau làm "căn cứ" cho cái có trước.

- Sách giáo khoa viết trước, chương trình - tiêu chuẩn viết sau. 

 
 
 
Ngày 7/5/2018, ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị VEPIC báo cáo Đoàn giám sát về bộ sách giáo khoa mà đơn vị này mời 46/56 thành viên Ban phát triển chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia biên soạn khi chương trình môn học chưa có. Ảnh: GDVN.  
 
 

Điều này đã xảy ra với lần thay sách thứ 2 (chương trình 2000) và đang có nguy cơ lặp lại trong lần thay sách giáo khoa thứ 3 này.

Bởi cho đến nay báo cáo của VEPIC và ông Ngô Trần Ái gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 2/5 vừa qua về việc Tổng chủ biên, một số Chủ biên chương trình môn học đã viết sách giáo khoa cho VEPIC bằng “chương trình giả định” hoặc lấy sách cũ ra viết lại vẫn chưa được làm rõ.

- Tuổi thọ của chương trình, sách giáo khoa gắn với vòng đời dự án.

Lần thay sách thứ nhất theo cách cuốn chiếu mỗi năm thay 1 lớp, kéo dài từ 1981 đến 1992, thì tháng 10/1993 đã có dự án thay sách mới (cấp tiểu học).

Lần thay sách thứ 2 chính thức kéo dài từ 1996 đến 2008, cũng đúng 12 năm, triển khai xong cuốn sách cuối cùng lớp 12 là Bộ Giáo dục và Đào tạo lại làm đề án thay chương trình, sách giáo khoa mới.

Lần thay sách thứ 3 này, vòng đời có thể ngắn hơn khi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lúc trình Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông (34 nghìn tỷ) ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định, các nước tiên tiến chỉ 5-7 năm đã thay chương trình.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trên cương vị Tổng chủ biên cũng nói, các nước tiên tiến chỉ 5-7 năm đã thay chương trình.

Tuy nhiên cả ông Hiển lẫn ông Thuyết đều không thể chỉ ra “nước tiên tiến” nào cứ 5, 7 năm lại bỏ ra cả tỉ USD để thay chương trình, sách giáo khoa như cách Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn làm.

Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông Nguyễn Minh Thuyết thì không thể trả lời được, bộ sách giáo khoa mới sẽ được sử dụng ổn định trong bao nhiêu năm cho xứng đáng với 80 triệu USD lần này, mà đây lại là vấn đề dư luận quan tâm nhất.

Trong phần dự kiến kinh phí của Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa được Nghị quyết số 88/2014/QH13 duyệt, mục 6 "đánh giá, điều chỉnh chương trình và sách giáo khoa" có khái toán 7,7 tỷ đồng.

Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông 80 triệu USD vay vốn Ngân hàng Thế giới có hẳn một Thành phần 3 (Đánh giá và phân tích các kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông), dự kiến chi 37.545.000 USD, tương đương khoảng 839,8 tỷ đồng.

Vấn đề đặt ra là, "để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông" có dẫn đến các dự án / đề án thay sách giáo khoa sau khi dự án này kết thúc hay không?

Nếu để đến lúc kết thúc dự án này, lại phải thay sách giáo khoa thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm? 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết từng nhận xét về chính Đề án 34 nghìn tỷ mà Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2014:

"Ở nước mình trước nay chả mấy ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai cả, ngay cả ông đương nhiệm còn chả chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu!" [9]

Như vậy quả thực là điều đáng lo ngại lắm thay.

Nguồn:

[1]https://vnu.edu.vn/home/?C1635/N4273/Ba-lan-cai-cach-giao-duc-va-nhung-bai-hoc-kinh-nghiem-rut-ra-tu-do.htm

[2] Mục 3.3.7 Hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo, trang 45, Ngân hàng Thế giới đồng hành cùng với Việt Nam trên đường phát triển (mã số 66928)

http://documents.worldbank.org/curated/en/597721468349785686/pdf/669280VIETNAME067859B0WBdonghanhTV2.pdf

[3] Thuyết trình của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về tình hình giáo dục năm 2002 (Do bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Ủy ban, trình bày tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội ngày 11/11/2002).

http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:Lq75qBVIbtoJ:quochoi.vn/content/vankien/Lists/DanhSachVanKien/Attachments/2861/filedownload2861.doc+&cd=6&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

[4]http://vbpl.vn/bogiaoducdaotao/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?dvid=317&ItemID=4001&Keyword=

[5]http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Thuc-trang-Thiet-bi-day-hoc-Chuyen-trong-phong-thi-nghiem-10797/

[6]http://cand.com.vn/Kinh-te/Sai-pham-hon-17-ty-dong-trong-cong-tac-thiet-bi-day-hoc-56575/

[7]https://tuoitre.vn/sach-giao-khoa-chua-moi-da-kip-cu-1329393.htm

[8]http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungchuongtrinhmuctieuquocgia?_piref135_18249_135_18248_18248.strutsAction=ViewDetailAction.do&_piref135_18249_135_18248_18248.docid=718&_piref135_18249_135_18248_18248.substract=

[9]http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/se-co-nhieu-de-an-34-nghin-ty-dong-nua/547764.antd

 

 

Tác giả bài viết: HỒNG THỦY

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập140
  • Hôm nay18,676
  • Tháng hiện tại240,165
  • Tổng lượt truy cập35,506,446
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây