Kỷ nguyên bất định của vấn đề vũ khí hạt nhân.

Thứ tư - 06/06/2018 09:10

Kỷ nguyên bất định của vấn đề vũ khí hạt nhân.

Với quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran – được gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) – chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chứng minh một lần nữa quyết tâm hủy bỏ các cấu trúc và thỏa thuận toàn cầu quan trọng. Quyết định này sẽ là một tổn thất lớn đối với thỏa thuận năm 2015, khiến cả thế giới đối mặt với rủi ro.

 

Posted on 06/06/2018 by The Observer

 

Giờ đây, các công ty và ngân hàng từ các quốc gia tuân thủ các cam kết theo quy định của JCPOA sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do chính mối quan hệ làm ăn hợp pháp của họ với Iran. Nói cách khác, đất nước đang phá vỡ lời hứa của mình đã quyết định trừng phạt những người đã giữ các lời hứa đó.

JCPOA vẫn có thể được cứu vớt. Tất cả các bên khác của thỏa thuận đã tái khẳng định cam kết của họ đối với thỏa thuận này. Nhưng đặc biệt là EU phải bước lên để chịu trách nhiệm đảm bảo rằng JCPOA tiếp tục tồn tại. Dù mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là một ưu tiên cao, nhưng việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương – và tất cả các cột mốc quan trọng của nó – trước các cuộc tấn công liều lĩnh và phi lý, cũng quan trọng không kém. Điều này càng hiển nhiên hơn khi những cuộc tấn công đó không phải theo tôn chỉ “nước Mỹ trước tiên”, mà là “Trump trước tiên”.

Sự rút lui của Trump khỏi JCPOA đã xảy ra tại một thời điểm đặc biệt nhạy cảm đối với quan hệ quốc tế. Trước tiên, vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự về bán đảo Triều Tiên. Dù đã có một số bước đi tích cực gần đây nhưng chính quyền Trump, với cách tiếp cận chính sách không mạch lạc của mình, vẫn có thể bỏ qua cơ hội này.

Cuộc gặp đầu tiên giữa một nhà lãnh đạo Triều Tiên và một tổng thống Mỹ phản ánh một sự tiến bộ đáng kể được thực hiện trong khoảng thời gian chỉ một vài tháng. Chúng ta không nên quên rằng năm 2018 bắt đầu với việc Kim và Trump đe dọa chửi bới lẫn nhau hàng chục lần, và Trump đi xa tới mức khoe khoang về kích thước của “nút bấm hạt nhân” của mình.

Tuy nhiên, kể từ đó, Hoa Kỳ đã dựa vào ngoại giao hơn là các lời dọa nạt trong việc xử lý mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên – một phương pháp đã cho phép đạt được tiến bộ gần đây. Tuy nhiên, ngay khi vị Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm Mike Pompeo đang bay tới Triều Tiên để gặp Kim lần thứ hai, Trump đã trở lại với phương thức mang tính đối đầu trong quan hệ với Iran.

Đàm phán với Kim luôn luôn là một thử thách cực kỳ khó khăn, nhất là khi Bắc Triều Tiên, không giống như Iran, đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Với uy tín ngoại giao của Mỹ hiện đang bị xói mòn bởi sự vi phạm của Trump đối với JCPOA, công việc đó sẽ còn khó khăn hơn nhiều.

Trump có khuynh hướng thể hiện bản thân mình nhân danh lợi ích quốc gia, chủ quyền, năng lực quân sự và uy quyền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách của ông ta về Iran chẳng liên quan mấy tới chính trị thực dụng. Thay vào đó, đây là một cử chỉ nhất quán với việc phá bỏ một cách có hệ thống tất cả các di sản chính sách liên quan đến người tiền nhiệm của mình, Tổng thống Barack Obama. Ngoài ra, việc rút ra khỏi JCPOA của Trump còn nhằm chiều lòng hai đồng minh yêu thích của Trump ở Trung Đông: Ả-rập Xê-út và Israel – hai quốc gia đầu tiên ông đến thăm trên cương vị tổng thống.

Thật vậy, khi Mohammed bin Salman, thái tử của Ả-rập Xê-út, đến thăm Nhà Trắng vào hồi tháng 3, Trump đã nhanh chóng làm phức tạp thêm vấn đề hóc búa liên quan đến cuộc chiến của Ả-rập Xê-út tại Yemen bằng cách tố cáo sự ủng hộ của Iran đối với các phiến quân Houthi. Thay vì thực hiện sáng kiến ​​ngoại giao nhằm chấm dứt chiến sự và khôi phục sự ổn định ở Yemen, chính quyền Trump đã tiếp tục thổi bùng ngọn lửa của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm do Ả-rập Xê-út và Iran tiến hành, gây nên tình cảnh đau khổ cho người dân và làm rung chuyển khu vực này.

Tương tự, tuần tới Hoa Kỳ sẽ dời đại sứ quán của mình tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Tuyên bố của Trump về động thái này hồi tháng 12/2017 đã tạo nên sự bất bình lớn trong thế giới Hồi giáo (mặc dù sự phản đối của Iran mạnh mẽ hơn so với sự phản đối của Ả-rập Xê-út). Việc tòa đại sứ quán sẽ được khai trương đúng vào ngày kỷ niệm 70 năm tuyên bố độc lập của Israel sẽ càng làm gia tăng sự tranh cãi. Vào ngày hôm sau, người Palestine sẽ đánh dấu Nakba (“thảm họa”), kỷ niệm tình cảnh người dân Palestine tha phương do mất đất sau khi Nhà nước Israel được thành lập.

Chắc chắn là các mối liên minh của Mỹ với Ả-rập Xê-út và Israel không phải là mới. Nhưng Trump đã từ bỏ phương pháp tiếp cận ôn hòa của chính quyền trước đây, và có thể sẽ làm mở tung chiếc hộp Pandora ở Trung Đông. Những nhân vật diều hâu ở cả hai nước hiện đang được kích động, bằng chứng là nỗ lực lạ đời của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm phê phán giá trị của JCPOA. Điều tương tự cũng đúng đối với Iran, nơi mà việc Trump rút khỏi JCPOA đã có lợi cho luận điệu của những nhân vật theo đường lối cứng rắn.

Diễn tiến hiện tại không hề tốt cho tình hình ở Syria, nơi mà tất cả các cường quốc của khu vực đều có lợi ích. Các lực lượng Israel và Iran đã đụng độ ở miền nam Syria, và chính phủ của Netanyahu hiện đang đe dọa tiến hành các hành động tiếp theo để phản ứng lại các báo cáo nói rằng Nga có thể cung cấp cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad các tên lửa phòng không S-300.

Việc Trump rút khỏi JCPOA gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy một vòng xoáy xuống đáy của sự đối đầu ở Trung Đông, trong khi lại làm cho các vấn đề trở nên phức tạp hơn nữa trên bán đảo Triều Tiên. Nhìn rộng hơn, quyết định của Trump có thể có những tác động nghiêm trọng tới các nỗ lực cấm phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, hiện đang đối mặt với viễn cảnh đi thụt lùi. Rủi ro trong thời  gian tới sẽ ngày càng lên cao.

Javier Solana nguyên là cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, tổng thư ký NATO và Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha. Ông hiện là giám đốc Trung tâm ESADE về Kinh tế và Địa chính trị Toàn cầu, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings, và là thành viên Hội đồng Chương trình Nghị sự Toàn cầu về châu Âu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.


Tác giả bài viết: Biên dịch: Phan Nguyên

Nguồn tin: Nguồn: Javier Solana, “A New Era of Nuclear Uncertainty”, Project Syndicate, 11/05/2018

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập88
  • Hôm nay16,772
  • Tháng hiện tại238,000
  • Tổng lượt truy cập35,504,281
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây