Sự cố tương ớt Chin-su của Masan tại Nhật Bản: Hồi kết của chiêu trò marketing gây ám ảnh?

Thứ ba - 09/04/2019 10:21

Sự cố tương ớt Chin-su của Masan tại Nhật Bản: Hồi kết của chiêu trò marketing gây ám ảnh?

Trong cuộc khuynh đảo thị trường của hệ sinh thái sản phẩm tiêu dùng Masan 10 năm qua - đều xoay quanh chiến lược "Marketing dựa trên nỗi sợ hãi". Tuy nhiên, với "sự cố Chin-su" xuất phát từ Nhật Bản thì việc kiểm soát tình hình của ông lớn ngành hàng tiêu dùng này trở nên khó khăn hơn.

Việc Masan đưa ra phản hồi về vụ hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản chỉ dành riêng cho thị trường Việt Nam đang khiến làm sóng lo lắng, bất an của người tiêu dùng dâng cao. Sau một thập kỷ "kích" tăng trưởng bằng marketing dựa trên nỗi sợ hãi, với sự cố vừa qua, có lẽ đây là lần đầu tiền Masan phải giải quyết nỗi sợ hãi một cách bị động nhất.

Marketing dựa trên nỗi sợ hãi

Chiêu trò marketing dựa trên nỗi sợ hãi không mới, nhưng chưa bao giờ cũ trong một môi trường thiếu hụt niềm tin vào thực phẩm như ở Việt Nam. Masan được biết đến như là "bậc thầy" về việc triển khai chiến lược này.

Nhìn lại bê bối thực phẩm với nước tương chứa 3-MCPD gây ung thư trước đây, cho thấy nỗi sợ hãi thúc đẩy bán hàng hiệu quả như thế nào. Khi người tiêu dùng hoang mang với nước tương chứa chất có thể gây ung thư, công ty sản xuất hàng tiêu dùng Masan đã lập tức ném phao cứu sinh bằng sản phẩm Nước tương Tam Thái Tử.

Đúng như dự đoán, sản phẩm này đã giúp doanh thu của Masan tăng gấp 3 lần, từ 660 tỷ đồng năm 2007 lên 1.992 tỷ đồng năm 2008.

Nước mắm cũng từng được sử dụng làm công cụ thúc đẩy bán hàng cho Masan tương đối thành công. Khoảng cuối thập niên trước, thuật ngữ "nước mắm không có cặn" đã làm cho cục diện thị trường nước xoay chuyển hoàn toàn.

Việc đưa ra những thí nghiệm so sánh về hai loại nước mắm có cặn và không có cặn đã đưa nước mắm Nam Ngư, Chinsu của Masan thống lĩnh thị trường với 60% thị phần.

Tiếp đó, các sản phẩm mì gói cũng sử dụng các thủ thuật đánh thẳng vào nỗi lo sức khỏe của người tiêu dùng. Với thông điệp quảng cáo: Không dùng dầu chiên nhiều lần, hay Mì khoai tây không gây nóng, đã một bước đưa ngành hàng này của Masan sở hữu thị phần ở Top trên.

Kiên định với chiến lược đưa các loại nước chấm, mì gói và đồ gia vị lên bếp ăn của mọi gia đình Việt, Masan và đội ngũ các chuyên gia hùng hậu của mình đã biến một hãng nước tương ít người biết tới năm 2002 - trở thành một trong những đế chế tiêu dùng lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Nhưng bên cạnh năng lực kinh doanh vượt trội, ông chủ của hãng Masan cũng để lại những tranh cãi về cách thức sử dụng truyền thông, các cách thức marketing chưa từng có.

Rõ ràng, tâm lý đám đông và mối quan tâm đến sức khỏe đã làm cho chiêu bài truyền thông dựa vào nỗi sợ hãi của Masan luôn hiệu nghiệm trong một thâp kỷ qua.

Tuy nhiên, trong thị trường tiêu dùng hiện tại, người mua đã thực sự tỉnh táo hơn, sự quan tâm đến thành phần sản phẩm cũng được nâng cao hơn thì chiến lược này thực sự đang đi đến thoái trào.

Sau nhiều lần triển khai, chiêu thức marketing này đang trở nên kém hiệu quả khi Masan áp dụng để kích tăng trưởng cho Vinacafe với sản phẩm cà phê hòa tan mới (Vinacafe là công ty con của Masan). Thậm chí, cả cuộc chiến nước mắm sau đó của Masan vẫn không thể phát huy tác dụng.

Sự cố tại Nhật Bản có là hồi kết của chiêu maketing gây ám ảnh?

Không ai có thể phủ nhận thành công mang đến cho nhãn hàng khi tìm ra nỗi sợ hãi có tác động sâu trong tiềm thức con người, và nghiên cứu ra những sản phẩm giải quyết được nỗi sợ hãi đó mà Masan từng làm. Với con số thị phần đạt được sau mỗi chiến dịch, Masan tự tin đặt ra những kế hoạch tăng trưởng thần kỳ trong những năm tiếp theo.

Bắt đầu năm 2019, đi cùng với thông tin Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang lọt doanh sách tỷ phú USD, Masan Group cũng đặt ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế cốt lõi (không bao gồm lợi ích cổ đông thiểu số) từ 5.000 - 5.500 tỷ đồng, tăng khoảng 50% so với năm 2018.

Về dài hạn, tập đoàn này hướng tới doanh thu 5 tỷ USD, chi tiêu của người tiêu dùng Việt tăng gấp đôi, đạt 10.2% và biên lợi nhuận thuần từ 12-15% vào năm 2022.

Sự cố tương ớt Chin-su của Masan tại Nhật Bản: Hồi kết của chiêu trò marketing gây ám ảnh? - Ảnh 3.

Hình ảnh sản phẩm Chin-su bị thu hồi ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, không lâu sau kế hoạch đầy tham vọng, tập đoàn Masan bất ngờ vướng phải lùm xùm liên quan đến việc Nhật Bản thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam. Sản phẩm này bị cho là có chứa chất phụ gia bị cấm dùng trong sản xuất tương ớt ở Nhật. 

Tổng cộng có 757 thùng, 18.168 chai tương ớt đã được bán cho Công ty TNHH Công nghiệp ISC từ tháng 10 đến tháng 12/2018.

Phản ứng đầu đại diện của Masan khẳng định: "chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chinsu cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd, 2 doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến lô hàng tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật.

Thậm chí, ngay sau khi sự cố xảy ra, ông Nguyễn Đăng Quang đã gửi "tâm thư" đến các cổ đông. Trong thư, tỷ phú USD này cũng chuyển hướng tham vọng về doanh thu đã từng tuyên bố trước đó:

"Masan được thành lập không phải với mục tiêu để trở thành một tập đoàn kinh doanh tỷ USD và tranh thủ mọi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận. Masan được thành lập để theo đuổi lý tưởng của chúng ta - trở thành niềm tự hào của Việt Nam bằng việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt".

Không trực tiếp nhắc đến những sự cố diễn ra gần đây, tỷ phú này nói về chiến lược phát triển của Masan Consumer - công ty chuyên kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh - trong đó có tương ớt Chinsu, nước mắm Nam Ngư... Năm 2018, doanh thu thuần của Masan Consumer tăng 30% và lợi nhuận tăng hơn 200%.

"Những gì tôi vừa chia sẻ thì nghe có vẻ hoa mỹ nhưng đó là sự thật, vì chỉ với tư duy như vậy, chúng ta mới có thể tiếp tục mang lại cho người tiêu dùng những giá trị lớn" - ông Quang nhấn mạnh.

  •  

Giống như những điều Masan hướng đến - đó là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn thực phẩm của 95 triệu người tiêu dùng Việt, "an toàn" luôn được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, vụ việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng như Nhật Bản, cùng dòng chữ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam, không dành cho xuất khẩu" - đã khiến nhiều người tiêu dùng có tâm lý lo lắng về chất lượng, tương tự như việc đối diện với chiến lược "maketing sợ hãi" của Masan trước đây.

Như vậy, ở thời điểm tưởng chừng như chiêu marketing này đi đến thoái trào thì chính Masan lại đang đối diện cuộc với sự cố liên quan đến nỗi sợ hãi của người tiêu dùng. Sự cố cũng ít nhiều khiến tham vọng của "gã khổng lồ" hàng tiêu dùng này bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, với vụ việc lần này, có lẽ chiến lược marketing dựa trên nỗi sợ hãi sẽ không còn được áp dụng trong công thức tăng trưởng của doanh nghiệp này nữa.

Chưa phải là một cuộc tẩy chay nhưng mọi thông tin về thành phần các chất phụ gia trong sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được người tiêu dùng cảnh giác và soi xét kỹ hơn.

Tham vọng đạt giá trị 10% GDP, mỗi năm Masan thu bao nhiêu tiền từ nước chấm và gia vị?

Ngành hàng gia vị đang là mũi nhọn kiếm tiền nhiều nhất của Masan, tuy nhiên với sự cố sản phẩm mang thương hiệu tương ớt Chin-su của doanh nghiệp này bị thu hồi tại Nhật Bản gần đây, có thể sẽ tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng của ngành hàng này.

 
 

Trong một lần chia sẻ trên truyền thông mới đây, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang không giấu tham vọng sẽ đưa Masan đạt được giá trị bằng 10% GDP, tức khoảng 24 tỷ USD (tính theo quy mô nền kinh tế năm 2018) và lớn gấp 6 lần so với giá trị vốn hóa thị trường của Masan Group hiện nay.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, doanh thu thuần của Masan đạt 38.187 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với năm 2017. Do giá vốn hàng bán ở mức 26.306 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với năm trước, Masan thu về khoản lợi nhuận gộp 11.881 tỷ đồng.

Nhờ tiết giảm được chi phí bán hàng, chi phí tài chính và doanh thu tài chính tăng, Masan báo lãi ròng cả năm 2018 đạt 5.621 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 55,8% so với năm 2017.

Tham vọng đạt giá trị 10% GDP, mỗi năm Masan thu bao nhiêu tiền từ nước chấm và gia vị? - Ảnh 1.

Hình ảnh sản phẩm Chin-su bị thu hồi ở Nhật Bản.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Masan là công ty quản lý vốn đầu tư và tài sản, hiện đang trực tiếp sở hữu và quản lý các đơn vị:

Công ty TNHH MasanConsumerHoldings (nắm 85,7% vốn, kinh doanh mặt hàng tiêu dùng như nước mắm, mì gói, nước tương…),

Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (nắm 99,9% vốn, kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản với nòng cốt là mỏ Núi Pháo) và CTCP Masan Nutri-Science (nắm 80,8% vốn, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chế biến thịt).

Ngoài ra, Masan còn có các khoản đầu tư vào công ty liên kết, trong đó nổi bật nhất là Ngân hàng thương mại cổ phần Techcombank (nắm 20% vốn) hay CTCP Kỹ nghệ súc sản Vissan (nắm 24,9% vốn).

Trong các công ty đang sở hữu, Công ty TNHH Masan Consumer Holdings đang là động lực tăng trưởng lớn nhất cho Masan Group khi đóng góp doanh thu vượt trội nhất. 

Theo cơ cấu doanh thu và lợi nhuận trong năm 2018, mảng thực phẩm đồ uống mang về cho Masan nguồn thu lớn nhất với 17.345 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 28,3% so với 2017; lợi nhuận đạt 2.720 tỷ đồng.

Trong năm 2018, ngành hàng gia vị của Masan đạt tăng trưởng cao nhờ tăng trưởng sản lượng của các thương hiệu chủ chốt và những phát kiến sản phẩm cao cấp mới.

 

Cụ thể, doanh thu thuần năm 2018 của ngành hàng gia vị (nước chấm, tương ớt…) tăng 35% lên 6.958 tỷ đồng từ mức 5.159 tỷ đồng trong năm 2017.

Các thương hiệu chủ chốt như Chin-Su và Nam Ngư tiếp tục đạt danh thu cao do sản lượng tăng 26% và là trụ cột chính thúc đẩy doanh thu cho ngành gia vị. Masan tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm cao cấp, trong đó các sản phẩm này đóng góp khoảng 10% doanh thu thuần của ngành hàng trong năm 2018.

Chiến lược cao cấp hóa tiếp tục chứng tỏ hiệu quả khi việc đưa ra các sản phẩm cao cấp giúp tăng giá bán bình quân toàn ngành gia vị trong năm 2018 tăng lên khoảng 7% so với năm 2017.

Năm 2018, doanh thu thuần của Masan Consumer đạt 17.006 tỷ đồng, tăng 28,74% so với năm 2017, lợi nhuận sau thuế 3.397 tỷ đồng và số dư tiền và tương đương tiền ở mức 9.354 tỷ đồng. Động lực thúc đẩy tăng trưởng nhờ vào thành công trong việc cao cấp hóa sản phẩm trong ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi, cùng với việc mở rộng độ phủ kênh phân phối trong ngành đồ uống.

Ban Lãnh đạo Masan đã đặt ra kế hoạch năm 2019 đầy tham vọng với lợi nhuận sau thuế cốt lõi (không bao gồm lợi ích cổ đông thiểu số) từ 5.000-5.500 tỷ đồng, tăng khoảng 50% so với năm 2018.

Năm nay, theo chia sẻ của lãnh đạo Masan, các động lực tăng trưởng sẽ là tăng tốc cao cấp hóa các dòng sản phẩm với tốc độ tương tự như năm 2018. "Masan Consumer có thể sẽ giành được thêm 1,5-3% thị phần trên mỗi sản phẩm chính, nhờ đó tăng 16,8% cho tổng doanh số mảng tiêu dùng trong năm 2019", Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định.

Mô hình tăng trưởng của Masan dựa trên 3 trụ cột là ngành hàng tiêu dùng, chuỗi giá trị chăn nuôi và khai thác tài nguyên. Tuy nhiên với sự cố mới đây nhất về việc thị trường Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su rất có thể ngành hàng gia vị có bị tác động làm giảm đà tăng trưởng.

Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su

Theo thông tin đăng tải trên trang www.city.osaka.lg.jp - trang thông tin của thành phố Osaka, ngày 2/4, cơ quan Xúc tiến sức khỏe và Vệ sinh đời sống Nhật đã ra thông báo về sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam bị thu hồi do chứa phụ gia thực phẩm (axit benzoic, axit sorbic... ), chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật, vi phạm điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm.

Luật quy định rõ axit benzoic (E210) không được chấp thuận sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.

Trong khi đó, cũng sản phẩm này với những thành phần như: axit benzoic, axit sorbic... ghi rõ trên nhãn lại khá phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam.

 

 

Masan bán những gì?

Masan Consumer ("MSC") đang sản xuất và phân phối nhiều mặt hàng thực phẩm và đồ uống, bao gồm các mặt hàng gia vị (nước mắm, nước tương, tương ớt), hàng thực phẩm tiện lợi (mì ăn liền, bữa ăn sáng tiện lợi), và các sản phẩm đồ uống (cà phê hòa tan, ngũ cốc hòa tan, nước khoáng và nước tăng lực).

Công ty bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2000. Masan Consumer đã tạo nên các thương hiệu như: Chin-Su, Omachi, Kokomi, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Vinacafé, Wake-Up Saigon, Wake-Up 247, Vĩnh Hảo.

 

 


Tác giả bài viết: Van Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập62
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại264,180
  • Tổng lượt truy cập35,910,525
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây