Vẻ đẹp của ngôn từ: Chỉ có trái tim mới có thể nhìn thấu

Thứ sáu - 05/04/2019 10:03

Vẻ đẹp của ngôn từ:  Chỉ có trái tim mới có thể nhìn thấu

Người ta thường bảo: “Một bức tranh bằng ngàn lời nói”. Điều này đúng trong một số trường hợp. Tuy nhiên, có những lúc ngôn từ có thể diễn tả những việc mà cả ngàn bức tranh cũng không làm cho người ta hiểu hết ý của nó.

Đôi khi, ngôn từ có thể miêu tả sự vật sống động hơn nhiều so với các bức ảnh chụp… (Ảnh qua TheQuestion)

Một đoạn văn miêu tả phong cảnh trong một tác phẩm văn học xuất sắc có thể truyền tải cảnh vật nhiều hơn hẳn các bức ảnh chụp. Mặc dù chưa bao giờ đến Na Uy, nhưng khi đọc cuốn tiểu thuyết của Sigrid Undset viết về con người Na Uy, những thước ảnh nơi quê hương cô hiện lên rõ mồn một có thể khiến người ta khao khát được đến vùng đất ấy.

Willa Cather đã làm điều tương tự với Santa Fe, bang New Mexico, trong tác phẩm trác tuyệt mang tên “Death Comes for the Archbishop” (Cái chết đến với tổng giám mục). Nếu may mắn được đến thăm, hẳn người ta sẽ cảm thấy gần gũi và đồng điệu với những chốn này bởi họ đã bị tác giả lôi cuốn vào tình yêu dành cho những vùng đất ấy.

Thơ ca cũng có thể truyền tải hình ảnh sống động mà không một máy ảnh nào ghi lại được. Lấy ví dụ, bài thơ “Daffodils” (Hoa thủy tiên) của William Wordsworth.

Là đám mây tôi lang thang phiêu bạt
Trôi bềnh bồng trên thung lũng đồi nương
Rồi bất chợt một loài hoa hiển hiện
Thuỷ tiên vàng, ôi từng đoá yêu thương
Dưới hàng cây bên cạnh hồ soi bóng
Gió nhẹ rung trong điệu múa nghê thường

Vẫn triền miên như sao trời lấp lánh
Và lung linh trên dải sáng Ngân Hà
Ngàn hoa kia phơi mình đến ngút mắt
Quanh mặt hồ bên bờ nước bao la
Chỉ một thoáng muôn ngàn hoa trỗi dậy
Ngẩng cao đầu theo nhịp điệu hoan ca

 

Sóng nhấp nhô cùng hoa chung nhịp bước
Nhưng đâu bằng sự rạng rỡ hân hoan
Là thi sĩ lẽ nào tôi quên được
Hoà niềm vui để kết nghĩa bạn vàng
Tôi miên man ngắm ngàn hoa vời vợi
Cảnh trí này là sản nghiệp trời ban

Có nhiều khi trên chiếc giường ngơi nghỉ
Tâm hồn tôi trống rỗng hoặc triền miên
Chợt loé lên trong thẳm sâu ký ức
Niềm hân hoan cô quạnh lẫn ưu phiền
Và trái tim bỗng tràn trề hạnh phúc
Bước chân hoà theo điệu múa thuỷ tiên.

Bài thơ ‘Hoa thủy tiên’ của Wordsworth như một làn gió xuân thổi mát tâm hồn người đọc … (Ảnh: Internet)

Chỉ vỏn vẹn 153 từ (bản gốc), nhưng thi sĩ đã gợi lên trong tâm trí người đọc không chỉ hình ảnh của loài hoa thủy tiên, mà còn mang đến cho người đọc cảm giác hạnh phúc mà ông thưởng thức được từ khung cảnh ngợp hoa vàng. Bài thơ của ông như tạo ra một làn gió xuân mát lạnh mơn man người đọc. Tên của ông là Wordsworth (tạm dịch: Những từ ngữ đáng giá) quả không sai!

Thơ ca là sự gắn kết kỳ diệu giữa các từ ngữ, giống như cách ảo ảnh quang học làm sáng tỏ các giác quan thị giác, hoặc tác phẩm nghệ thuật vĩ đại thoát mình khỏi những khung cảnh tầm thường. Điều gì đã mang đến cho các áng thơ đặc tính bí ẩn này?

Câu trả lời sẽ được tìm thấy trong tác phẩm đáng nhớ nhất của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry: “Hoàng tử nhỏ” – một truyện ngắn lạ lùng, tươi vui.

“Chỉ có trái tim mới có thể nhìn thấy một cách công bằng; mà mắt thường chắc chắn không thể nhìn thấy được”. Những lời khôn ngoan này do con cáo nói với hoàng tử bé khi nó bảo hoàng tử thuần hóa nó, và kết quả sau đó thật buồn khi họ phải từ biệt nhau. Phải thấy rằng, khi con cáo được cậu bé thuần hóa, mối quan hệ, nghi thức và cách chăm sóc khác đi đã biến đổi cả cậu và con cáo.

Điều này làm cho họ trở nên sâu sắc hơn, qua đó cậu bé và con cáo nhìn nhận đối phương không phải là một cậu bé, hay một con cáo bình thường nữa. Chính vì họ quan tâm lẫn nhau mà những điều tưởng chừng không tồn tại trước đây nay tràn trề sức sống.

Thay đổi nhờ một tia sáng

Nhà thơ là người có thể cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế của sự vật và chuyển nó thành ngôn ngữ. (Ảnh qua Dona Bispa)

Những cảnh tượng đẹp sẽ truyền cảm hứng cho bất cứ nhà thơ nào đặt tâm quan sát và hòa mình vào chúng, tìm ra được ý nghĩa khác biệt của chúng. Khi ấy, nhà thơ sẽ vẽ nên những khung cảnh thơ mộng trong trí tưởng tượng của mình, và họ chỉ việc chuyển ra giấy.

Nó có thể tương tự như việc vẽ tranh. Tuy vậy, việc diễn tấu chính xác và bố cục cân bằng trong một tác phẩm nghệ thuật không phải là điều duy nhất làm nên một tác phẩm đẹp. Người ta thường nói rằng vẻ đẹp nằm trong mắt của kẻ si tình, như thể cái đẹp chỉ là một quan điểm.

Trong thực tế, vẻ đẹp nằm trong tim của kẻ si tình. Và trái tim của kẻ si tình nhìn thấu được vẻ đẹp của sự vật ấy. Khi nhận ra được vẻ đẹp khách quan này, tâm hồn nghệ sĩ trong họ trỗi dậy và họ sẽ vẽ nên bức vẽ tuyệt đẹp thông qua ngôn từ của bản thân.

Vẻ đẹp sâu lắng mà ngôn từ mang lại

Khi người nghệ sĩ hay nhà thơ mời mọi người đến thưởng thức những tuyệt tác họ đã tạo nên, trong mối quan hệ độc đáo và vẻ đẹp kỳ lạ, thơ hay và tranh đẹp truyền cho người đọc hay người xem những xúc cảm sâu lắng. Đó cũng chính là phép màu mà thơ văn và nghệ thuật có thể mang lại.

Tại sao nội tâm ta lại hân hoan khi nhìn thấy hoặc nhớ đến một tác phẩm đẹp? Điều kỳ diệu này đến từ đâu?

Thực chất, chúng ta không tự tạo ra nó. Hãy nghĩ về tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con của mình. Khi bà mỉm cười hiền từ với nó, nụ cười ấy có thể khiến đứa bé thích thú cười theo. Tất cả những tác phẩm thơ ca với ngôn từ diệu kỳ ấy cũng ra đời tương tự như thế. Chúng là cộng hưởng của sự sáng tạo và trau dồi của một thi sĩ siêu phàm, của những nhà thơ tuyệt hảo.

Những ngôn từ đẹp được viết nên từ cảm xúc đôi khi có giá trị hơn tranh ảnh rất nhiều. Chúng cho phép ta hòa mình vào dòng sông của sự sáng tạo, của những cảm xúc thăng hoa và của những điều đẹp đẽ trên thế giới này.

Xuân Nhạn, theo The Epoch Times

 
 
 

Tác giả bài viết: Van Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập352
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,032
  • Tổng lượt truy cập36,332,587
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây