Sự khác biệt khi bị chó cắn ở Mỹ và Trung Quốc.

Thứ bảy - 08/09/2018 09:44

Sự khác biệt khi bị chó cắn ở Mỹ và Trung Quốc.

Gần đây, trên mạng xã hội có đăng tải một bài viết được chia sẻ rộng rãi với tiêu đề “Bạn Trung Quốc của tôi bị chó cắn… khác biệt thật sự rất lớn!”, bài viết này phản ánh sự khác biệt to lớn của xã hội Trung Quốc và Mỹ ngày nay thông qua việc so sánh kết quả tiêm ngừa dại sau khi bị chó cắn ở hai nước này.

(Ảnh minh họa/Pixabay)

Tác giả có viết:

Có một lần người bạn Trung Quốc của tôi chạy bộ ở Mỹ thì bất ngờ gặp họa, phía đối diện cậu ấy có một con chó lớn đang đi đến, tuy được chủ dắt, nhưng nó mạnh lắm, há miệng một cái là cắn ngay vào chân của bạn tôi.

Cậu ấy nhanh chóng đến một bệnh viện có danh tiếng ở địa phương để được thăm khám, sau khi khám xong, bác sỹ nói; “Anh có thể về được rồi.”

Bạn tôi: “Không cần tiêm ngừa dại sao?”

Bác sỹ: “Không cần”

Bạn tôi: “Tại sao?”

Bác sỹ: “Bởi vì tất cả chó ở Mỹ đều được tiêm ngừa dại rồi”.

Bạn tôi: “Vậy con chó cắn tôi cũng được tiêm rồi sao?”

Bác sỹ: “Chắc chắn cũng đã tiêm rồi”.

Bạn tôi: “Sao bác sỹ có thể quả quyết như vậy được? Nhỡ mà con chó ấy chưa được tiêm ngừa thì sao? Nhỡ người chủ đó lừa bác sỹ để không phải trả tiền thuốc cho tôi thì sao? Nhỡ đâu tôi không tiêm rồi bị gì thì sao? Bác sỹ có dám dùng danh dự của mình để đảm bảo tôi nhất định sẽ không sao nếu không tiêm ngừa không?”

Bác sỹ: “Hãy tin tưởng tôi, tôi có thể đảm bảo”.

Đã mấy năm trôi qua rồi, đương nhiên bạn tôi vẫn sống rất khỏe mạnh, trong số bạn bè, hàng xóm xung quanh tôi cũng có mấy lần bị chó cắn, mèo cào, họ đều chỉ được băng bó đơn giản, không hề tiêm ngừa. Lần nào bác sỹ cũng nói:

“Ở Mỹ, nếu bị động vật hoang dã (sóc, dơi) cào hoặc cắn thì mới cần phải tiêm ngừa dại, còn bị chó mèo làm bị thương thì không cần”.

Điều tôi muốn nói đương nhiên không phải là vấn đề tiêm ngừa dại ở Mỹ, mà là sự tin tưởng đối với việc này của đa số người Mỹ, ví dụ như họ tin rằng người chủ nhất định sẽ được pháp luật quy định phải tiêm ngừa cho thú cưng của mình; tin rằng bệnh viện thú y và các cửa hàng chắc chắn sẽ tiêm ngừa phù hợp cho động vật; tin vào việc các công ty sản xuất vắc xin sẽ không làm hàng giả.

Nhưng ở Trung Quốc thì cảm giác tin tưởng này đã hoàn toàn biến mất từ lâu rồi.

Một

Tháng 6/2017, một người phụ nữ ở Tây An bị chó cắn nên đã đến bệnh viện trung tâm thành phố Tây An để được tiêm ngừa dại. Khi đó cô Long không hề nghi ngờ gì, vô cùng tin tưởng vào việc tiêm ngừa, sau khi bị cắn, cô còn vui vẻ gửi tin nhắn cho bạn bè rằng: “Tuy đi trên đường vô tình bị chó cắn, rất xui xẻo. Nhưng có người chỉ dẫn tôi nên xử lý thế nào, có bạn bè nghe tôi nói chuyện, có cô giáo giúp tôi trông con, có chồng thương tôi, có công ty bảo hiểm trả phí y tế… Việc này có lẽ cũng không tệ cho lắm.”

Hình minh họa

28 ngày sau, cô ấy phát bệnh dại và không may qua đời.

Người Trung Quốc dường như cứ phải sống trong sự lo lắng, cẩn trọng, không thể nào dễ dàng tin tưởng ai được, bởi vì trong cuộc sống có quá nhiều cái bẫy, có quá nhiều người không tuân thủ quy tắc cũng như làm trái pháp luật. Nếu bất cẩn, chúng ta sẽ có thể bị rơi vào hố.

Sau khi có con, chúng ta sẽ càng trở nên nhát hơn, bởi vì nuôi con rất khó, chúng ta không được chịu thua.

Sau khi con trai lớn của tôi ra đời, cháu chưa từng uống sữa nội địa, dù ảnh hưởng đến công việc, nhưng tôi vẫn kiên trì như vậy cho con bé. Bà nội của cháu cứ cười tôi “nghĩ quá nhiều”, kết quả là chẳng bao lâu sau nổ ra vụ sữa nhiễm Melamine khiến hàng loạt công ty sữa phá sản.

Tôi cũng chưa từng cho con tiêm ngừa vắc xin nội địa. Khi đó bệnh viện trong khu vực còn chưa nhập khẩu vắc xin bại liệt. Tôi đã bỏ ra 10.000 tệ để tiêm ngừa cho con. 10.000 tệ, một cái túi hàng hiệu bốc hơi trong chớp mắt, bạn thân của tôi biết được chuyện này cũng từng cười tôi “quá nhạy cảm”.

Kết quả là rất nhiều năm sau, cô bạn này vừa nôn nóng tra sổ tiêm chủng của con, vừa gửi tin nhắn cho tôi nói “hối hận khi đó không nghe lời của ‘chị tiên đoán”.

Tôi dường như là gặp may mắn, nhưng tôi thật sự mong rằng mình sẽ luôn là người “lo xa”.

Tôi thà bị cười cợt, chứ cũng không muốn “điều không hay” mà mình nghĩ trở thành hiện thực.

Người bị hại trong vấn đề vắc xin đều là những người đang sống mà, trong đó còn có rất nhiều trẻ em nữa chứ.

Việc làm giả vắc xin gây ảnh hưởng đến mạng người, tri thức, nhân tính, giới hạn và đạo đức của họ đâu cả rồi?

Hai

Có người nói: Điều thiếu sót nhất của giáo dục ở Trung Quốc ngày nay không phải là giáo dục những người ưu tú, mà là giáo dục thái độ làm người căn bản và giáo dục đạo đức. Trung Quốc ngày nay không thiếu những người ưu tú, càng không thiếu người có tiền mà là thiếu giáo dục.

Việc giáo dục đạo đức và giáo dục căn bản luôn là trọng điểm của giáo dục phương Tây. Việc này hoàn toàn không phải là hô hào vài ba câu khẩu hiệu là xong, mà là thẩm thấu vào quy tắc ứng xử mỗi ngày.

Ví dụ như giáo dục đồng cảm.

Con trai lớn của tôi có điểm số rất tốt, nếu ở Trung Quốc hầu như lần họp phụ huynh nào tôi cũng được giáo viên khen ngợi.

Thế nhưng điều mà tôi không ngờ là các giáo viên người Mỹ của con tôi hầu như đều không hề để ý đến điểm số. Mỗi lần gặp chúng tôi, họ đều nhấn mạnh cách làm thế nào để bồi dưỡng khả năng giao tiếp xã hội, ý thức trách nhiệm và tinh thần hợp tác tập thể của trẻ.

Năm lớp 1, giáo viên nhận thấy là con trai tôi không quan tâm gì khi đánh các bạn học khác. Cô ấy liền mời giáo viên tâm lý quan sát con tôi (đúng vậy, trường học ở Mỹ chuyện gì cũng nhờ đến giáo viên tâm lý, bác sỹ tâm lý giúp đỡ).

Kết quả là con trai tôi có vấn đề về “nhận thức biểu cảm không đầy đủ”. Ví dụ như cháu không phân biệt được sự khác biệt giữa “thương tâm” và “mất mát”, cũng như không phân biệt được rõ “đau khổ” và “chán nản”… Vì vậy đôi khi cháu làm tổn thương người khác, nhưng bản thân không thể hiểu được nỗi khổ của người khác.

Để giúp con trai mình nhận biết được biểu cảm của người khác, hiểu được cảm xúc trong lòng của người khác, giáo viên tâm lý đã dành hai tháng để dạy bù cho cháu và các bé khác sau giờ học mỗi ngày.

Sau 2 tháng, tôi thật sự đã thấy được sự thay đổi đáng mừng ở cháu. Một lần nọ ở công viên, có một bé gái khóc vì bị ngã, con trai tôi lập tức chạy đến nhẹ nhàng an ủi và khích lệ cô bé, cháu còn cho cô bé ăn đồ ăn vặt của mình nữa. Đây là việc chưa từng xảy ra trước đây.

Trường học và giáo viên thật sự đã đánh thức sự nhạy cảm và lương thiện sâu trong tâm hồn của cháu.

Giáo viên cho biết: “Chỉ những ai có sự đồng cảm, biết suy nghĩ từ góc độ của người khác thì trong tương lai mới có thể trở thành một người biết tuân thủ đạo đức xã hội và nghề nghiệp, cũng như tuân thủ ý thức về quy tắc.”

Sau khi đến Mỹ, tôi đã phát hiện ra một điều rất bất ngờ đó là người Mỹ không chen hàng, ngay cả những trẻ rất nhỏ cũng biết yên lặng xếp hàng chờ đợi ở khu vui chơi, ít ai xô đẩy nhau, vô ý đụng phải người khác còn biết xin lỗi nhau nữa.

Còn ở Trung Quốc thì tôi thường xuyên nhìn thấy có nhiều người cứ muốn vượt qua các quy tắc, chen trước mặt người khác. Đối với một số người Trung Quốc, quy tắc chỉ là cho có, nhỏ thì nghiêm túc xếp hàng, lớn thì sản xuất vắc xin theo quy định.

Sau này tôi đã hiểu ra rằng người Mỹ tuân thủ quy tắc là bởi vì từ khi còn nhỏ, ý thức về quy tắc đã in sâu vào đầu họ.

Con trai nhỏ của tôi năm nay 2 tuổi rưỡi, vừa mới đi mẫu giáo, vài ngày trước khi vào học, cháu cần bố ở bên. Có một lần cháu đang chơi xe lửa thì có một bạn khác đưa tay ra giành, con trai tôi không để ý, đưa luôn xe lửa cho bạn. Tôi cũng không để tâm cho lắm, chỉ cảm thấy là trẻ con mà, việc gì phải tính toán quá nhiều.

Không ngờ cô giáo nhìn thấy rồi bước đến đòi lại đưa cho con tôi và nói với bạn nhỏ kia: “Xe lửa là đồ chơi của mọi người, ai cầm trước thì chơi trước, đây là quy tắc, là quy tắc, cần phải tuân thủ quy tắc!”.Bạn nhỏ giành xe lửa bắt đầu khóc quấy, lăn lộn khiến tôi cảm thấy có hơi thương cháu bé. Tôi nói với cô giáo: “Trẻ con còn nhỏ mà, cứ cho cháu chơi đi”.

Cô giáo nghiêm túc nói: “Thói quen tuân thủ quy tắc cần phải được bồi dưỡng từ nhỏ!”

Tôi thường hay cảm thấy vừa hơi buồn cười, lại vừa nể phục khi nhìn các bạn nhỏ nghiêm chỉnh tuyên thệ mình sẽ bảo vệ môi trường, yêu thương Trái đất, giúp đỡ người khác, biểu cảm như thể sự tồn vong của Trái đất là nhiệm vụ của mình.

(Ảnh: Pixabay)

Ba

Pháp luật là thể hiện đạo đức, đạo đức là pháp luật tiềm ẩn.

Ở đâu cũng có người xấu và những việc phá hoại quy định pháp luật, nước Mỹ cũng không phải là ngoại lệ.

Khi mà việc giáo dục đạo đức và giáo dục cơ bản đều vô hiệu thì có lẽ các chế tài pháp thuật nghiêm khắc sẽ có thể khiến những người vượt ra khỏi biên giới đạo đức nâng cao sự cảnh giác.

Có một người bạn người Mỹ từng nói với tôi: “Cô biết không? Cách đây không lâu tôi có đi du lịch Trung Quốc, suýt chút nữa thì bị chiếc xe vi phạm luật giao thông tông chết. Tại sao ở Trung Quốc lại có nhiểu xe không tuân thủ pháp luật như vậy?”

Tôi nói: “Bởi vì cô không may”.

Nhưng khi đó thật ra tôi lại nhớ đến những câu chuyện dưới đây:

Tôi có một người bạn từng thi bằng lái ở Trung Quốc, trước đây thi 2 lần mà không đậu, giám khảo gọi anh ấy là “sát thủ đường xá vô hình”, vì vậy anh ấy quyết định biếu giám khảo 1.000 tệ và rồi thi đậu.

Hay như, vào năm 2015, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cáo buộc Tập đoàn Volkswagen của Đức lắp đặt phần mềm phi pháp trong xe, cố ý vi phạm quy định về khí thải xe hơi của Mỹ, lượng khí thải ô nhiễm cao nhất bị thải ra thực tế của một số xe cao cấp 40 lần so với quy định, vi phạm “Luật không khí trong lành” của Mỹ. Cuối cùng, Volkswagen phải thay CEO và chịu mức phạt 18 tỷ đô la.

Chính phủ phạt nặng những người phạm pháp để đổi lại điều gì? Trong vài năm ở Mỹ, tôi đã tự mình trải nghiệm vô số lần “thu hồi” hàng hóa: chỉ số vi khuẩn trên quả đào ở siêu thị vượt quá mức, họ sẽ gửi tin nhắn thu hồi cho khách; khuẩn E.coli trong cá hồi vượt chuẩn, họ cũng gửi tin nhắn thu hồi… dù tôi đã ăn mất rồi cũng không sao, vẫn được hoàn lại toàn bộ tiền.

Ngoài ra có một lần tôi đi bảo dưỡng xe, nhân viên tiếp tân của cửa hàng 4S kiểm tra thông tin xong thì nói một câu khiến tôi ngơ cả người: “Xin lỗi, chúng tôi cần phải thu hồi xe của quý khách, bởi vì cửa trượt của lô xe này có thể gặp trục trặc.”

Tôi vội vàng nói: “Vấn đề mà cô nói nhất định là của xe khác, xe của tôi rất ổn, tôi bận nhiều việc cần phải ra ngoài… Cô xem như thế này được không, sau khi làm xong việc, tôi sẽ mang trả cho quý công ty, mọi trách nhiệm sẽ do tôi chịu.”

Không ngờ người này không chịu: “Không được ạ, chúng tôi buộc phải chịu trách nhiệm với sự an toàn của quý khách… Quý khách xem thế này có ổn không ạ? Chúng tôi sẽ cung cấp miễn phí cho quý khách một chiếc xe tốt hơn, quý khách có thể sử dụng chiếc xe này cho đến khi chúng tôi thay xong cửa xe của quý khách…”

Người bán hàng đương nhiên không ngốc, điều khiến họ chịu trách nhiệm như vậy chỉ có một chữ “sợ” mà thôi, họ sợ nếu không chịu trách nhiệm với khách hàng, sau này sẽ phải trả cái giá lớn hơn.

Nguồn tin: Theo trithucviet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập23
  • Hôm nay8,170
  • Tháng hiện tại146,900
  • Tổng lượt truy cập34,779,619
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây