Vì sao hỏi những câu dốt nát lại là việc thông minh nhất bạn nên làm

Thứ năm - 30/08/2018 09:55

Vì sao hỏi những câu dốt nát lại là việc thông minh nhất bạn nên làm

"Không có câu hỏi nào là ngu ngốc..." Kiểu gì bạn chẳng nghe câu này rồi, từ một giáo viên, từ giáo sư Đại học, từ một người anh em xã hội... Để bạn đỡ xấu hổ vì dốt, không biết gì phải giơ tay hỏi ngay.

Khái niệm "những câu hỏi dốt nát" dường như thay đổi một chút khi bạn bước chân ra ngoài xã hội. Sau năm đầu học Đại học, tôi được tuyển làm thực tập viên kỹ thuật tại một công trường xây dựng. Và như hầu hết những anh sinh viên khác, tôi cố gắng hết sức để không bị coi là... dốt.

Tôi đọc qua bất kỳ tài liệu nào có được; giữ bảng từ chuyên ngành viết tắt trong sổ tay; thậm chí còn lê đôi giày bảo hộ mới mua qua vườn cà chua của thầy u để trông nó hơi tã một chút...

Và đương nhiên, trong các cuộc họp, nơi tôi không hiểu tại sao điều này lại được thực hiện một cách có hệ thống: Sếp nói, nhân viên im thin thít ngồi nghe, tuyệt nhiên không có ai giơ tay hỏi han như trên giảng đường. Tôi đã phải cố gắng lắm mới không hỏi câu nào dốt nát, dù cũng muốn lắm.

Trên thực tế, quyết định tránh đặt câu hỏi này đã hạn chế khả năng làm tăng giá trị cho bản thân và rộng hơn, cho tập thể mà tôi đang tham gia. Có thể khẳng định, bạn được nhiều hơn mất từ việc hỏi những câu dốt nát, thay vì tránh né chúng. Muốn biết vì sao hãy đọc tiếp đi:

"Những câu hỏi dốt nát" giúp ta học hỏi nhanh hơn

Một trong những rào cản lớn nhất ngăn bạn đặt câu hỏi, chính là nguy cơ phơi bày sự thiếu kiến thức (dốt) của bản thân. Ta thường lo sợ biến thành kẻ ngốc nơi đông người hoặc lãng phí thời gian của người khác. Tuy nhiên, việc im thin thít hay còn gọi là giấu dốt, có nguy cơ khiến bạn phải trả giá đắt trong tương lai.

Vài năm trước, tôi làm việc với bộ phận đóng gói và phân phối của một công ty sữa để cải thiện chiến lược kinh doanh tổng thể của họ. Từ một anh sinh viên thực tập ở công trường, giờ nhảy vào ngành sữa thì rõ ràng tôi là tay mơ và không biết tí ti gì về thứ chất lỏng do bò sản xuất này.

Và, tôi chỉ có 1 tuần để chứng minh năng lực bằng hiệu quả công việc. Vì vậy, tôi mặc đồ bảo hộ kín mít, bước vào kho lạnh và bắt đầu hỏi han công nhân. Đến cuối ngày, tôi biết thêm khá nhiều điều về sữa. Rủi ro duy nhất ở đây chỉ đơn giản: Tôi trông giống một đứa trẻ lên 5 gặp gì hỏi nấy. Chỉ đến ngày thứ 2 thôi, tôi bắt đầu nắm được những thứ cơ bản và quá trình phân phối công việc của các phòng ban. Hết thời hạn, tôi đã ít nhiều giúp họ cải thiện quy trình, giảm chất thải.

Bạn không phải lúc nào cũng là chuyên gia trong một ngạch nhất định. Tuy nhiên, nếu ngại hỏi vì sợ bị lừa, bị xấu hổ, bạn đã bỏ lỡ cơ hội học hỏi thứ gì đó mới mẻ.

 

Vì sao hỏi những câu dốt nát lại là việc thông minh nhất bạn nên làm - Ảnh 1.

"Vì sao mọi người lại chỉ vào cổ tay khi hỏi giờ, nhưng không chỉ vào mông khi hỏi nhà vệ sinh ở đâu?"

 

Dốt nát trong 5 phút hoặc dốt nát trong 50 năm, bạn chọn cái nào?

Khi còn nhỏ, tôi sống với ông ngoại. Tôi hỏi ông về mọi thứ trên đời, từ những câu dốt nát cho tới đầy tính khoa học. Như là: "Kinh nguyệt là cái gì?" hay "Sao mình đi đâu là mặt trăng theo đến đó?"

Người già có kiểu thông thái riêng của họ, ông ngoại luôn cố gắng trả lời hết những gì tôi hỏi, cái gì khó quá thì ông bảo không biết, để ông đi hỏi đã (và lơ đi luôn). Lớn hơn một chút, tôi ít hỏi han và nói chuyện hẳn với mọi người, kể cả với ông ngoại, phần vì đang dậy thì, còn lại sợ bị chê là "dốt".

 

Có lần, về quê chơi nhưng thằng cháu chào được đúng một câu thì ngồi đực ra, không hỏi han chuyện trò gì với ông ngoại. Để chữa cháy, tôi hỏi ông: "Lúc bé con hỏi suốt ngày như thế ông có mệt mỏi không?".

"Không", ông bảo. "Hỏi xong dốt nát mất một lúc còn hơn dốt nát 50 năm cuộc đời, không biết gì cứ hỏi". Sau đó, ông hồ hởi kể lại thời còn làm thợ sửa máy xúc và ông giám đốc gì đó khăng khăng cử 4 người đi khiêng bugi...

Wow, bằng một câu hỏi vu vơ và ngớ ngẩn dành cho ông ngoại, tôi đã tự cho mình một bài học quý giá. Nghĩ xa nghĩ gần, giấu dốt chỉ làm khổ chính bản thân và người khác thôi. Hãy cứ dại khờ, luôn nghi vấn và đặt ra những câu hỏi để đầy lấp lỗ hổng kiến thức của bản thân.

Chỉ tiếc rằng, khi nhận ra điều đó tôi chưa hề ý thức được thời gian trôi nhanh như thế nào, và ông ngoại không còn nhiều ngày ở trên đời để tôi hỏi han nữa.

Có bao giờ bạn tự hỏi: Mấy đứa ngày xưa học dốt sao bây giờ cứ thành công hơn mình?

Nhà báo người Anh - ông John Haltiwanger từng nhiều lần trình bày quan điểm của mình về chủ đề: "Điểm số trong lớp học liệu có ảnh hưởng đến thành công tương lai của một cá nhân hay không".

Ông đánh giá, đây thực sự là một chủ đề rất thú vị dành cho các bậc phụ huynh, cũng như các bạn trẻ đang tự tin, hay tự ti về điểm số của mình thời còn đi học.

Nhà báo này đưa ra dẫn chứng, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush thời gian còn đương quyền đã từng đưa ra một quan điểm khá sâu sắc về mối quan hệ giữa điểm số và thành công của một cá nhân trong tương lai.

 

 

 

Đứng trước toàn thể sinh viên của Đại học Southern Methodist trong ngày lễ tốt nghiệp, vị cựu Tổng Thống khẳng định:

"Tôi muốn nói rằng, các bạn đã làm rất tốt, đặc biệt là những sinh viên đạt giải thưởng, tốt nghiệp với thành tích cao trong buổi chiều hôm nay. Nhưng tôi cũng muốn nói với các học sinh tốt nghiệp hạng C rằng: bạn cũng có thể là Tổng thống".

Thực chất, ông muốn nhấn mạnh rằng, điểm số ở các lớp học không quyết định được vị trí của bạn trong suốt quãng đời còn lại. Bất kể dù bạn có là ai từ thời đại học, bước ra cuộc sống chúng ta sẽ đều có cơ hội như nhau.

Trên thực tế, một số các Tổng thống Mỹ khác cũng không đạt được điểm cao tại các lớp đại học, cao đẳng. Bao gồm cả John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson và cả chính ông George H.W. Bush. Cựu phó Tổng thống Joe Biden cũng phải vất vả với các môn học để có được tấm bằng đại học và được công nhận là sinh viên luật.

Bên cạnh giới chính trị gia, người ta cũng ghi nhận rất nhiều doanh nhân thành đạt, nhưng không có quãng đời học tập "sáng sủa".

Điển hình như Steve Jobs, ông chưa hề hoàn thành bất kì một trường cao đẳng hay đại học nào. Mark Zuckerberg, Bill Gates cũng có hoàn cảnh tương tự.

Nữ tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới, Elizabeth Holmes cũng từng bỏ học ở Stanford để theo đuổi ước mơ. Ric-hard Branson, nhà sáng lập Virgin Group danh tiếng cũng không theo nổi trường trung học khi còn 15 tuổi.

Đơn giản là vì việc học tập ở trường chỉ là hình thức và công cụ để bạn có được thành công. Còn con đường dẫn đến thành công thì chẳng ai định hình được.

Trí tuệ, tài năng một người không thể đánh giá qua thành tích học tập. Việc ai đó thành công, có kết quả tốt ở trường chủ yếu phụ thuộc vào khả năng thích ứng cũng như hoạt động phù hợp trong một hệ thống. Chúng ta không thể hoàn toàn dựa vào điều đó trong thế giới thực.

 

Tính cách, năng lực, kinh nghiệm là những tố chất để định hướng cuộc sống.

Thành công đòi hỏi phải có niềm đam mê, kiên trì, cảm xúc trí tuệ và khả năng chấp nhận thất bại. Đây chính là lý do tại sao chúng ta thấy rất nhiều sinh viên "hạng C" lại đang thành công ngoài sức tưởng tượng.

Đương nhiên không phải là ai đạt điểm cao, thành tích tốt khi còn đi học thì không thành công hay ngược lại, những sinh viên "hạng C" thì luôn thành công. Hoàn toàn không phải.

Vì vậy, nếu bạn vừa tốt nghiệp từ trường trung học hoặc cao đẳng với điểm số không tốt, đừng quá thất vọng.

Cuộc đời luôn có những thăng trầm, và mọi kiến thức bạn tích lũy trong đầu khi còn ở trường học đều giúp bạn ít nhiều trong cuộc sống sau này. Đừng bao giờ ngừng học hỏi, đừng bao giờ từ bỏ và đừng quên tận hưởng cuộc sống này.

 
 
 

Tác giả bài viết: Van Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập67
  • Hôm nay14,253
  • Tháng hiện tại235,481
  • Tổng lượt truy cập35,501,762
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây