Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ hai - 14/10/2024 09:45
Nói cho cùng, cuộc đời chúng ta đâu phải chỉ có bình yên và thanh thản. Có thể nói, chúng ta luôn phần nào thê thảm. Nhưng chuyện đó không nên làm chúng ta sợ hãi. Thê thảm không phải là một từ miệt thị. Từ này có gốc Hy Lạp là pathos, nghĩa là đau đớn. Thê thảm nghĩa là sống trong đau đớn, và chúng ta đều như thế bởi vì chúng ta được tạo nên như thế. Có lẽ các bạn sẽ nghĩ như thế thì chẳng hợp lý gì cho lắm. Chúng ta được tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên chẳng phải mỗi người chúng ta, dù cuộc sống có thảm đến đâu thì vẫn mang một phẩm giá đặc biệt và tính thần thiêng nào đó trong người sao? Chúng ta có phẩm giá đặc biệt đó thật. Tuy nhiên, bất chấp những chuyện này, và phần lớn lại là do những chuyện này, cuộc sống của chúng ta có khuynh hướng phức tạp cũng như đầy đau đớn. Tại sao lại như vậy? Không dễ để mang lấy sự thần thiêng. Sự vô hạn trong chúng ta không dễ tương hợp với cái hữu hạn. Chúng ta mang trong mình một ngọn lửa quá thần thiêng, đến nỗi khó mà tìm được sự bình an trong đời này. Sự đấu tranh đó đã bắt đầu có từ đầu đời. Để tạo cái tôi cho một đứa bé còn rất nhỏ, chúng ta cần một loạt truyền thụ về tinh thần và đến cuối cùng, nó lại hạn chế ý thức của chúng ta. Trước hết, chúng ta cần phân biệt bản thân và người khác (kia là mẹ, đây là mình), rồi chúng ta cần phân biệt giữa cái có sự sống và cái không có sự sống (con chó thì sống, con búp bê thì không), tiếp theo, chúng ta cần phân biệt giữa cái vật chất và cái ý thức (đây là cơ thể mình, nhưng tâm trí mới giúp mình suy nghĩ). Cuối cùng, và quan thiết nhất, khi làm mọi chuyện này, chúng ta cần chia ra cái mà chúng ta có thể xử lý một cách có ý thức và cái vượt quá tầm xử lý có ý thức của mình. Từ đó, chúng ta tạo nên cái tôi, nhưng chúng ta còn tạo nên một cái bóng, cụ thể là một vùng trong chính mình, tách biệt khỏi ý thức của mình. Và chúng ta phải lưu ý, cái bóng của chúng ta, trước hết và trên hết, không phải là bóng tối lẩn khuất. Đúng hơn, nó là mọi sự sáng và sinh lực trong bản thân mà chúng ta không thể xử lý một cách có ý thức. Tôi cho rằng hầu hết chúng ta đều quen thuộc với những lời của bà Marianne Williamson, đã được Nelson Mandela trích dẫn trong bài diễn văn nhậm chức: Nỗi sợ thâm sâu nhất của chúng ta không phải là sợ chúng ta bất đạt. Nỗi sợ thâm sâu nhất của chúng ta là sợ chúng ta mạnh quá mức. Chính ánh sáng, chứ không phải bóng tối, mới là điều làm chúng ta sợ nhất. Ánh sáng trong chúng ta làm chúng ta sợ, vì nó chính là điều không dễ mang lấy. Nó cho chúng ta phẩm giá cao quý và sự thâm sâu vô hạn, nhưng nó cũng cho chúng ta sự phức tạp và khắc khoải thảm thê. Bà Ruth Burrows, một trong những ngòi bút thiêng liêng hàng đầu của thời chúng ta, đã mở đầu tự truyện của bà như sau: Tôi được sinh ra trong thế giới này với sự nhạy bén bị giày vò và cuộc sống của tôi chẳng dễ dàng gì. Các bạn sẽ không ngờ một nhà thần nghiệm, một nữ tu bền đỗ hơn 70 năm cuộc đời, lại nói câu này. Các bạn cũng sẽ không ngờ rằng trong cuộc sống bà phải đấu tranh ánh sáng bên trong mình không khác gì đấu tranh với bóng tối bên trong và bao quanh mình. Điều này cũng đúng với mỗi chúng ta. Trong sách Giảng viên, có một câu nhiều người biết, nói rằng Thiên Chúa làm cho mọi thứ trở nên đẹp đẽ vào đúng thời đúng điểm của nó. Tuy nhiên, đoạn đó không kết thúc theo một cách êm đềm. Đoạn kết nói rằng trong khi Thiên Chúa làm cho mọi thứ trở nên đẹp đẽ vào đúng thời đúng điểm của nó, Ngài cũng đưa sự vô tận vào tâm hồn con người, nên từ đầu đến cuối, từ bẩm tính, chúng ta cứ lạc nhịp với thời gian và các thời. Cả phẩm giá đặc biệt và sự phức tạp bệnh hoạn của chúng ta đều có nguồn gốc nơi sự bất thường trong bản tính chúng ta. Chúng ta cưu mang quá nhiều, vượt quá cuộc sống đời này. Thánh Augutinô diễn tả một cách kinh điển: Lạy Chúa, Ngài đã tạo thành chúng con cho Ngài, và tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài. Câu này tóm gọn cả nhân học và linh đạo. Phẩm giá và sự khắc khoải luôn mãi của chúng ta có cùng một nguồn gốc. Vì thế chúng ta cần tự cho mình sự chấp thuận thần thiêng để có một tâm hồn hoang dại, khắc khoải, vô độ, phức tạp và đầy xung lực. Cả tâm lý học và linh đạo quá thường xuyên phụ lòng chúng ta khi cho chúng ta ấn tượng mình nên sống mà không có những hỗn loạn và khắc khoải. Phải thừa nhận rằng khi chúng ta bất đạt về tinh thần thì những thứ này có thể bủa vây chúng ta dữ dội hơn nữa, nhưng dù cho chúng ta có sống tốt thế nào đi nữa, thì nó vẫn cứ bủa vây chúng ta. Sự thật là, nếu chúng ta là người nhạy cảm sâu sắc, thì có lẽ chúng ta sẽ cảm nhận sự phức tạp của mình rõ ràng hơn một người thiếu nhạy cảm hoặc đã làm tê dại sự nhạy cảm bằng những thứ xao lãng khác. Một người bạn từng viết thư cho Karl Rahner, phàn nàn rằng mình đã không tìm được sự viên mãn mà ông mong mỏi trong đời. Ông bày tỏ sự thất vọng với chính mình, với cuộc hôn nhân và công việc của mình. Rahner mới viết thư khuyên rằng: Trong nỗi giày vò của sự thiếu hụt tất cả mọi thứ có thể đạt được, đến tận cùng, chúng ta học biết rằng, trong đời này, tất cả mọi hòa âm đều phải dang dở. Trong đời này, không thể có hòa âm trọn vẹn, và lý do không phải bởi linh hồn của chúng ta khiếm khuyết, mà là bởi chúng mang trong mình sự thần thiêng.