Điệp viên từng giúp Liên Xô phá thế độc quyền hạt nhân của Mỹ

Thứ ba - 08/02/2022 09:19
Hay cùng cầu nguyện với nhau nhé
unnamed
unnamed
 

Điệp viên George Koval cung cấp hàng loạt thông tin giúp Liên Xô tăng tốc phát triển hạt nhân và phá vỡ thế độc quyền bom nguyên tử của Mỹ.

Trong Thế chiến II, quân đội Mỹ đã làm mọi cách để giữ bí mật dự án phát triển bom hạt nhân, như thiết lập "vùng chết" ở thị trấn Oak Ridge, nơi công nhân chỉ được tiếp cận một số bộ phận nhất định của trung tâm làm giàu uranium và plutonium bí mật. Những người ở khác phòng ban thậm chí không được phép trò chuyện cùng nhau.

Tuy nhiên, những hạn chế này không thể ngăn được George Koval, người được các chỉ huy quân đội Mỹ tin tưởng, nhưng thực tế lại là một điệp viên Liên Xô. Ông đã đánh cắp các bí mật về công nghệ nguyên tử và chuyển về cho giới khoa học ở Moskva, giúp Liên Xô rút ngắn đáng kể quá trình phát triển bom hạt nhân, phá vỡ thế độc quyền của Mỹ trong lĩnh vực vũ khí nguyên tử.

George Koval sinh ngày 25/12/1913 trong gia đình Do Thái nhập cư ở bang Iowa, Mỹ. Ông làm việc cho Công ty Điện lực Raven trước khi được gọi đi nghĩa vụ quân sự năm 1943. Koval sau đó được quân đội Mỹ cử đi học về tia X tại Đại học New York. Với tư cách là một trong những sinh viên xuất sắc nhất khóa, ông được điều đến làm việc trong cơ sở hạt nhân bí mật tại thị trấn Oak Ridge.

Là một chuyên gia theo dõi mức độ phóng xạ, Koval có thể đi khắp cơ sở bí mật, kiểm tra liều lượng bức xạ của các công nhân với sự siêng năng cao độ cũng như có thể trò chuyện với bất kỳ ai. Trong khi các quan chức cấp cao tại dự án luôn bị theo dõi, Koval thậm chí không bao giờ bị cấp trên nghi ngờ.

Hai năm sau, ông được điều đến làm việc tại một phòng thí nghiệm ở Dayton, bang Ohio. Trong giai đoạn cuối Thế chiến II, chỉ huy tin tưởng Koval đến mức ông được tiến cử đến Nhật Bản để điều tra kết quả các vụ thả bom hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki.

Tuy nhiên, ông quyết định không đến Nhật Bản và xin xuất ngũ vào năm 1948, sau đó tuyên bố mình sẽ tham gia xây dựng các nhà máy điện ở châu Âu để lấy cớ rời khỏi Mỹ.

Năm 1949, Liên Xô thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên. Tiến bộ quá nhanh của Liên Xô trong lĩnh vực này khiến tình báo Mỹ nghi ngờ và bắt đầu điều tra liệu có gián điệp trong dự án bom hạt nhân của Mỹ hay không. Koval trở thành tâm điểm của cuộc điều tra, khi bất kỳ ai có khả năng quen biết ông đều bị thẩm vấn.

Đến năm 1950, các điều tra viên mới phát hiện Koval chính là đặc vụ của Cơ quan Tình báo Quân đội Liên Xô (GRU). Họ còn tìm thấy tạp chí Liên Xô có ảnh của gia đình Koval và nhận ra ông trong đó. Điều này khiến tất cả đều bất ngờ, nhưng Koval lúc đó đã trở về Liên Xô.

"Anh ấy không có giọng Nga, nói thông thạo tiếng Anh - Anh và Anh - Mỹ. Hồ sơ của anh ấy rất hoàn hảo", Stewart Bloom, người từng học với Koval, nhớ lại.

Mỹ quyết định giữ bí mật về điệp viên này. "Chính phủ Mỹ cảm thấy xấu hổ nếu tiết lộ điều này, bởi tuyển mộ Koval vào làm việc trong trung tâm ở Oak Ridge là chìa khóa để anh ta trở thành điệp viên", nhà nghiên cứu Robert Norris giải thích.

Trước khi được Koval cung cấp thông tin, tình báo Liên Xô biết Mỹ đang phát triển bom hạt nhân ở phòng thí nghiệm Los Alamos, nhưng GRU chưa từng nắm được động thái nào tương tự diễn ra ở Oak Ridge.

Đám mây hình nấm trong vụ thử bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô năm 1949. Ảnh: Rosatom.

Đám mây hình nấm trong vụ thử bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô năm 1949. Ảnh: Rosatom.

Koval được coi là lựa chọn hoàn hảo cho nhiệm vụ tại Oak Ridge. Ông tận dụng tư duy khoa học để hiểu cách thức hoạt động của tất cả công nghệ mới, trong khi tư duy tình báo giúp Koval để mắt tới mọi thứ hữu ích với dự án hạt nhân của Liên Xô. "Tôi từng thấy anh ấy nhìn xa xăm và nghĩ về điều gì đó. Bây giờ tôi đã biết đó là gì", Bloom kể lại.

Koval có thể nhận diện các thiết bị nguyên tử của Mỹ và cấu trúc của chúng. Ông là điệp viên Liên Xô đầu tiên cầm plutonium dạng kim loại trong tay, cũng như nhận thấy Mỹ sử dụng polonium trong bom hạt nhân và cách điều chế nó.

Koval đã gửi thông tin tuyệt mật về công nghệ chế tạo thiết bị chỉ thị neutron polonium để kích hoạt bom cho Liên Xô. Igor Kurchatov, một trong những nhà vật lý hàng đầu Liên Xô, không biết ai đã phát hiện ra những điều này, nhưng nó đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển bom hạt nhân của Liên Xô.

Khi tuyển mộ Koval vào làm việc ở Oak Ridge, quân đội Mỹ không biết sự thật quan trọng là người đàn ông này từng sống ở Liên Xô trong 8 năm. Gia đình Koval, những người chạy trốn khỏi đế quốc Nga trước khi ông ra đời, quyết định trở về Liên Xô năm 1932. Họ chuyển đến Khu tự trị Do Thái và sống gần Birobidzhan, cách Moskva khoảng 6.000 km về phía đông nam.

Năm 1934, ông học tại trường đại học hóa học ở Moskva và trở thành một chuyên gia xuất sắc. Con đường sự nghiệp khoa học của Koval thay đổi vào năm 1939, khi ông đồng ý làm việc cho tình báo Liên Xô.

Kiến thức chuyên môn khoa học và tiếng Anh hoàn hảo của Koval khiến GRU muốn biến ông thành điệp viên "chui sâu leo cao" ở Mỹ. Koval đã trải qua khóa chuẩn bị đặc biệt và được đặt bí danh là "Delmar".

Sử dụng hồ sơ giả, Koval đi từ Vladivostok đến San Francisco trên tàu chở dầu Liên Xô năm 1940. Ông đã đi qua trạm kiểm soát mà không bị kiểm tra hồ sơ nhờ sự giúp đỡ của thuyền trưởng tàu chở dầu. Koval đến New York, gặp các điệp viên Liên Xô và thiết lập mọi thứ cần thiết cho công việc.

Koval cùng chỉ huy nhận ra rằng sẽ an toàn hơn nếu hợp pháp hóa bản thân, đặc biệt là vì ông vẫn giữ quốc tịch Mỹ. Ông lấy tên thật của mình để làm việc tại tổ chức bình phong có tên Công ty Điện lực Raven, trước khi gia nhập quân đội Mỹ năm 1943.

Sau khi rời khỏi Mỹ, Koval trở về Liên Xô năm 1949, đồng thời rút khỏi hoạt động của GRU và trở về làm việc tại Đại học Công nghệ Hoá học Moskva Mendeleev. Cuộc đời ông trôi qua yên bình, dù có lúc Koval phải cậy nhờ GRU giúp đỡ để có công việc ổn định tại trường đại học nuôi vợ con.

Đến đầu thế kỷ 21, GRU mới bắt đầu vinh danh ông và tặng thưởng huy chương, đồng thời trưng bày một tấm ảnh của "điệp viên Delma" tại bảo tàng nội bộ, trước khi ông qua đời ở Moskva năm 2006, hưởng thọ 96 tuổi.

Cùng năm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm bảo tàng và chú ý đến bức ảnh của Koval. Khi biết được thành tích của điệp viên này, Putin đã quyết định truy tặng ông danh hiệu Anh hùng nước Nga năm 2007.

Duy Sơn (Theo RBTH)

 
Trả lờiTrả lời tất cảChuyển tiếp
 

Nguồn tin: tru Vu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập25
  • Hôm nay24,575
  • Tháng hiện tại293,570
  • Tổng lượt truy cập35,939,915
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây