Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ hai - 14/02/2022 07:52
Năm 2018, Chu Nghị bỏ quốc tịch Mỹ với mong muốn đóng góp cho thể thao Trung Quốc, nhưng ác mộng ập đến vì hai cú ngã tại Olympic Bắc Kinh. Chu Nghị, hay còn gọi là Beverly Zhu, sinh năm 2002 tại thành phố Los Angeles thuộc bang California, Mỹ. Bố mẹ cô đều là người Trung Quốc di cư đến Mỹ làm việc. Chu Tùng Thuần, bố của Chu Nghị, là chuyên gia trí tuệ nhân tạo nổi tiếng, từng trả lời phỏng vấn trên truyền hình rằng ông hy vọng tên của con gái mình "sẽ không bị lãng quên". Chu Nghị bắt đầu bước chân vào môn trượt băng hồi 7 tuổi, sau khi tham gia các lớp học với một người bạn của gia đình. Cô không mất nhiều thời gian để nắm bắt bộ môn này và nhanh chóng được các huấn luyện viên cấp khu vực chú ý. Mẹ của Chu từng đưa cô đến Câu lạc bộ Trượt băng Nghệ thuật Los Angeles gần như mỗi ngày trong hơn 6 năm, cuối cùng từ bỏ công việc toàn thời gian để chăm lo cho sự nghiệp mới chớm nở của con gái. Bỏ qua các bộ môn như múa ba lê hay chơi piano, Chu vô cùng nghiêm túc với trượt băng nghệ thuật ngay từ đầu. Mặc dù liên tiếp bỏ lỡ các giải trẻ cấp quốc gia của Mỹ, Chu Nghị đạt danh hiệu đáng chú ý đầu tiên tại giải vô địch dành cho vận động viên mới vào nghề hồi năm 2018. Cùng năm đó, Chu quyết định từ bỏ quốc tịch Mỹ với nguyện vọng thi đấu cho Trung Quốc tại Olympic Mùa đông Bắc Kinh năm 2022. "Tôi thích cười đùa và làm mấy thứ ngớ ngẩn với bạn bè. Nhưng trên sân băng, tôi hoàn toàn tập trung. Tôi rất vui khi có cơ hội đại diện cho Trung Quốc ở môn trượt băng và trở thành một tên tuổi lớn khác, mang lại niềm vui cho khán giả và chính bản thân mình thông qua các màn trình diễn", Chu Nghị trả lời phỏng vấn hồi năm 2020.
Vận động viên trượt băng nghệ thuật Trung Quốc Chu Nghị thi đấu hôm 6/2 tại Olympic Bắc Kinh. Ảnh: AFP. Ivan Dinev, người từng ba lần dự Olympic và 11 lần vô địch quốc gia ở Bulgaria, đã hướng dẫn Chu trong phần lớn thời gian cô tập luyện tại Mỹ. Ngay sau khi Chu đưa ra lựa chọn, Dinev đánh giá cơ hội cô được đại diện cho Trung Quốc thi đấu tại Olympic là rất lớn. "Nhưng tôi cảm thấy đây là quyết định cực kỳ khó khăn, bởi vào thời điểm đó Chu đang dẫn đầu trong số những người mới vào nghề. Cô ấy đã chiến thắng ở cấp quốc gia và rất gần ngưỡng cửa vào đội tuyển trượt băng Mỹ", Dinev cho hay. Mặc dù vậy, Chu không dễ dàng được chọn ngay vào đội tuyển trượt băng đơn nữ Trung Quốc, khi đó được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Chen Lu, cựu vô địch trượt băng nghệ thuật thế giới từng mang lại huy chương Olympic đầu tiên ở bộ môn này cho đất nước. Chu phải trải qua quá trình huấn luyện và xem xét kỹ lưỡng, trước khi Chen thừa nhận "tiềm năng tốt" của cô. "Chu Nghị đã hoàn thành ba tuần huấn luyện với kết quả cao. Tất nhiên một vận động viên trượt băng cần thể hiện tính nghệ thuật và trưởng thành. Cô ấy còn rất nhiều cơ hội để cải thiện", Chen nhận xét về Chu. Dinev còn kể lại nỗ lực vượt qua chấn thương nghiêm trọng hồi năm 2018 của Chu Nghị. Hơn cả nỗi đau phải khâu bàn chân, cô chịu áp lực tinh thần nặng nề mà theo Dinev mô tả là "gần như đến mức phải quyết định có nên tiếp tục sự nghiệp hay không". "Tuy nhiên, cô ấy được gia đình và ban huấn luyện giúp đỡ rất nhiều", Dinev cho hay. "Khi gặp chấn thương ở bàn chân, tôi thực sự gặp nhiều khó khăn để trở lại và tập luyện. Tôi sợ phải nhảy lên và không ngừng nghĩ rằng có điều gì đó không ổn. Chuyện đó ảnh hưởng đến mọi thứ", Chu Nghị cho biết. Bất chấp thử thách lớn, Chu Nghị tiếp tục theo đuổi giấc mơ đại diện cho Trung Quốc tại đấu trường Olympic và đạt nhiều thành tích khả quan. Tại một trong những màn thể hiện đầu tiên ở Trung Quốc, Chu Nghị về thứ tư tại giải vô địch quốc gia ở Cáp Nhĩ Tân vào năm 2019. Hai tháng sau, cô đạt vị trí thứ ba tại giải Sofia Trophy ở Bulgaria. Vị trí thứ 13 tại Giải vô địch 4 Châu lục hồi năm 2020 được cho là giúp Chu thêm tự tin. Cô dừng chân ở vị trí thứ 7 tại giải Asia Open Trophy, sự kiện mang tính thử nghiệm trước thềm Olympic Bắc Kinh. Trong bài đăng trên Instagram một tuần trước Olympic, Chu Nghị bày tỏ niềm vinh dự lớn lao khi được thi đấu cho Trung Quốc. "Tôi tự hào vì đã chiến đấu đến cùng để vươn đến ước mơ lớn như vậy. Sau vài năm khó khăn, tôi vô cùng biết ơn những người đã giúp tôi vượt qua những suy nghĩ tiêu cực và tổn thương, giúp tôi phát triển trong suốt hành trình này. Tôi hy vọng chứng minh được rằng mình đã chăm chỉ như thế nào và thể hiện tốt nhất trên sân băng!", Chu viết. Tuy nhiên, sóng gió ập đến với Chu Nghị trước cả khi Olympic khởi tranh. Quyết định chọn Chu thi đấu tại Olympic bị những người hâm mộ trượt băng nghệ thuật Trung Quốc chỉ trích dữ dội. Họ quả quyết rằng các vận động viên như Chen Hongyi, nhà vô địch giải Cup of China năm 2020, và Ashley Lin Shan, người từng giành huy chương đồng cấp quốc gia tại Mỹ, sẽ phù hợp hơn. Sự nghiệp và các mối quan hệ ở cấp cao của Chu Tùng Thuần khiến cộng đồng mạng nghi ngờ Chu Nghị giành suất tham dự Olympic mà bao người khao khát chỉ vì là "con ông cháu cha", dù không có bằng chứng. Chu Tùng Thuần, giáo sư đã tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Harvard, đảm nhiệm chức lãnh đạo viện trí tuệ nhân tạo thuộc Đại học Bắc Kinh từ năm 2020. "Cô ta đánh cắp ước mơ và vị trí của những người khác", một người dùng mạng xã hội viết. Trước khi Chu Nghị thi đấu trận đầu tiên tại Olympic, truyền thông Trung Quốc đã nhiệt tình cổ vũ, gọi cô là "Nữ hoàng sân băng" có tiềm năng mang lại huy chương cho đất nước. Nhưng giấc mơ Olympic dần trở thành ác mộng với Chu Nghị sau cú ngã trong màn trình diễn hôm 6/2 và nhận số điểm thấp nhất. Đội Trung Quốc cũng tụt hạng từ vị trí thứ ba xuống thứ năm. "Tôi buồn và có chút hổ thẹn. Tôi nghĩ mình cảm thấy quá áp lực, bởi tôi biết mọi người tại Trung Quốc đều bất ngờ vì tôi được chọn thi đấu. Tôi chỉ thực sự muốn thể hiện những gì mình có thể làm, nhưng không may là tôi đã thất bại", Chu gạt nước mắt trả lời phỏng vấn sau phần trình diễn.
Chu Nghị bật khóc trên sân băng sau màn trình diễn hỏng tại Olympic Bắc Kinh hôm 7/2. Ảnh: VCG. Từ khóa "Chu Nghị ngã" sau đó nhanh chóng thịnh hành trên mạng xã hội Weibo, thu hút hơn 200 triệu lượt xem chỉ trong vài giờ trước khi biến mất, dường như bị gỡ bỏ. "Thật đáng xấu hổ", một bình luận thu hút 11.000 lượt thích đánh giá Chu. "Chu Nghị, cô trình diễn thật nực cười!", tài khoản khác viết. "Xin hãy để cô ta học tiếng Trung Quốc trước khi nói về lòng yêu nước", một người dùng khác bình luận, đề cập đến vấn đề Chu Nghị không thể nói thông thạo tiếng phổ thông Trung Quốc. Đến ngày thi đấu 7/2, Chu Nghị tiếp tục trình diễn không thành công, ngã hai lần liên tiếp và tiếp mặt băng không chính xác trong một số cú nhảy. Cô vẫn kiên trì hoàn thành bài thi nhưng òa khóc, lấy hai tay che mặt ngay khi tiếng nhạc chấm dứt. "Tôi đã muốn khóc trong suốt màn trình diễn và không thể kìm được nước mắt tới cuối cùng. Trong thời gian diễn ra Olympic Bắc Kinh, tôi cảm nhận được sự cổ vũ của mọi người và thực lòng muốn trình diễn tốt. Có lẽ tôi đã hơi tạo áp lực cho bản thân vì điều này", cô nói. Một số vận động viên Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ Chu Nghị sau khi cô bị cộng đồng mạng chỉ trích. "Chu Nghị đã rất chăm chỉ. Cô ấy đối mặt áp lực nặng nề trong lần đầu tiên tham dự Olympic, sự kiện tổ chức ngay tại quê hương. Tôi hy vọng cô ấy có thể thích nghi. Tất cả chúng tôi sẽ an ủi và hy vọng cô ấy có thể trình diễn hết khả năng vào lần tới", Jin Boyang, đồng đội thi đấu nội dung trượt băng nghệ thuật nam của Chu Nghị, cho biết. Cốc Ái Lăng, vận động viên vừa giành huy chương vàng môn Big air (nhào lộn trên không với ván trượt tuyết) cho đội tuyển Trung Quốc, cũng lên tiếng bênh vực Chu Nghị, người cùng sinh ra ở bang California như cô. "Tất nhiên mọi người đều hy vọng Chu có thể đạt kết quả tốt hơn, nhưng cô ấy mới là người khao khát thành tích tốt nhất hơn ai hết. Vì vậy, tôi hy vọng mọi người có thể thấu hiểu hơn tình huống của cô ấy", Cốc Ái Lăng bày tỏ. "Đối mặt thất bại hoặc áp lực là một phần của thể thao".