ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI VÀ KINH MÂN CÔI

Thứ bảy - 26/10/2024 08:53
bb1a17118b788a0e9d03925687a04391
bb1a17118b788a0e9d03925687a04391

Lễ Đức Mẹ Mân Côi được Thánh Giáo Hoàng Piô V thiết lập vào ngày kỷ niệm chiến thắng của hạm đội Kitô giáo tại vịnh Lêpantô, ngày 7 tháng 10 năm 1571. Chiến thắng này được cho là nhờ sự cứu giúp của Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Sự trợ giúp ấy là nhờ vào lời khẩn xin của Kinh Mân Côi.

Trong suốt triều giáo hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI liên tục kêu gọi chú ý đến hiệu quả của Kinh Mân Côi. 

Trong bài huấn từ tại Vương cung thánh đường lịch sử Đức Bà Cả của Rôma, thứ Bảy, ngày 3 tháng 5 năm 2008 [1], ngài đã nhắc nhở các tín hữu rằng lời cầu nguyện này không phải là “một thực hành đạo đức bị đẩy lùi vào quá khứ, giống như những lời cầu nguyện của những thời đại khác mà người ta luyến tiếc khi nghĩ đến. Thay vào đó, Kinh Mân Côi đang có một Mùa xuân mới.” 

Chắc chắn khi nhắc nhở các tín hữu như vậy, Đức Giáo Hoàng muốn xóa đi cách nghĩ không đúng rằng việc lần hạt Mân Côi là “lỗi thời” và là việc sùng kính của một số ông bà già “lẩm cẩm và cố chấp”. 

Đức Giáo Hoàng tiếp tục nói rằng trong thế giới hiện tại, vốn rất phân tán, “lời cầu nguyện này giúp đặt Chúa Kitô vào trung tâm, giống như Đức Trinh Nữ đã làm, đã suy ngẫm về tất cả những điều được nói về Con của mình, cũng như những gì Ngài đã làm và nói.”

Khi chúng ta đọc kinh Mân Côi, chúng ta sống lại những khoảnh khắc quan trọng và có ý nghĩa trong lịch sử cứu độ của chính mình. “Những bước khác nhau trong sứ mệnh của Chúa Kitô được dõi theo. Cùng với Mẹ Maria, cõi lòng chúng ta hướng về mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Chúa Kitô được đặt vào trung tâm của cuộc sống chúng ta, của thời đại chúng ta, của thành phố chúng ta, thông qua việc chiêm ngưỡng và suy ngẫm về những mầu nhiệm thánh thiện của Ngài về niềm vui, ánh sáng, nỗi buồn và vinh quang.”

Ngài khuyến khích chúng ta đón nhận trong chính mình “ân sủng phát ra từ những mầu nhiệm này, để qua chúng ta có thể tưới mát cho xã hội, bắt đầu bằng các mối tương quan hàng ngày, và thanh lọc chúng khỏi nhiều thế lực tiêu cực, do đó mở chúng ra với sự mới mẻ của Thiên Chúa”.

“Kinh Mân Côi, khi được cầu nguyện một cách chân thành, không máy móc và hời hợt nhưng sâu sắc, thực sự mang lại hòa bình và hòa giải. Kinh Mân Côi chứa đựng trong chính mình sức mạnh chữa lành của Danh Thánh Chúa Giêsu, được cầu khẩn với đức tin và tình yêu ở trung tâm của mỗi Kinh Kính Mừng”.

Chỉ hơn năm tháng sau đó, trong chuyến viếng thăm mục vụ tới Đền Thánh Pompeii vào Chúa Nhật 09 tháng 10 năm 2008 [2], trước khi đọc kinh Mân Côi, Đức Giáo Hoàng đã dành sự chú ý đến vị tông đồ vĩ đại của kinh Mân Côi, Chân phước Bartolo Longo, là người đã lấy hết năng lực và sự kiên trì của mình từ kinh Mân Côi, và kêu gọi các tín hữu noi gương thánh nhân.

“Tuy nhiên, để trở thành tông đồ của Kinh Mân Côi, cần phải đích thân trải nghiệm vẻ đẹp và chiều sâu của lời cầu nguyện đơn giản và dễ hiểu này đối với mọi người.”

Đức Giáo Hoàng muốn nói rằng mặc dù là lời cầu nguyện có vẻ nhiều lời, lặp đi lặp lại, quá đơn giản và có thể khiến nhàm chán, nhưng cũng giống như chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi nói với ai đó rằng chúng ta yêu họ, thì “Kinh Mân Côi là trường học của sự chiêm nghiệm và thinh lặng. Thoạt nhìn, có vẻ như đây là một lời cầu nguyện tích tụ các từ ngữ, do đó khó có thể hòa giải với sự thinh lặng được khuyến khích đúng đắn cho việc suy ngẫm và chiêm nghiệm. Trên thực tế, sự lặp lại nhịp nhàng này của Kinh Kính Mừng không làm xáo trộn sự thinh lặng bên trong mà thực sự đòi hỏi và nuôi dưỡng sự thinh lặng đó.” 

Đức Giáo Hoàng nói “sự thinh lặng xuất hiện qua các từ ngữ và câu văn, không phải là sự trống rỗng, mà đúng hơn là sự hiện diện của một ý nghĩa tối thượng vượt qua chính các từ ngữ và thông qua chúng nói với trái tim. Vì vậy, khi đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta phải cẩn thận để giọng nói của mình không “che khuất” tiếng nói của Chúa, Đấng luôn nói qua sự thinh lặng như "tiếng nói nhỏ nhẹ" của một làn gió nhẹ" (1 V 19:12).

Đức Giáo Hoàng khẳng định đọc Kinh Mân Côi là việc chiêm niệm phát xuất từ cõi lòng thinh lặng: “Vậy thì việc nuôi dưỡng sự thinh lặng tràn đầy Thiên Chúa này quan trọng biết bao, cả trong việc đọc kinh cá nhân và trong việc đọc kinh cùng với cộng đoàn! Ngay cả khi Kinh Mân Côi được đọc lên với tâm tình cầu nguyện, như ngày hôm nay, bởi các cộng đoàn đông đảo, và như anh chị em thực hiện trong Đền thánh này mỗi ngày, thì Kinh Mân Côi phải được coi là một lời cầu nguyện chiêm niệm. Và điều này không thể xảy ra nếu không có bầu không khí tĩnh lặng nội tâm”.

Đức Giáo Hoàng trích dẫn Chân phước Bartolo Longo, vị tông đồ của Kinh Mân Côi, giải thích Kinh Mân Côi là cách trò chuyện thân mật với Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria bằng cách suy ngẫm các mầu nhiệm thánh thiện của các Ngài: “Tôi muốn trích dẫn một suy nghĩ tuyệt đẹp của Chân phước Bartolo Longo: "Giống như hai người bạn thường xuyên ở bên nhau, có xu hướng phát triển những thói quen tương tự, cũng vậy, bằng cách trò chuyện thân mật với Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria, bằng cách suy ngẫm về các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi và bằng cách sống cùng một cuộc sống trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể trở nên giống như Chúa Giêsu và Mẹ Maria, trong phạm vi sự khiêm nhường của mình và có thể học từ những tấm gương tối cao này một cuộc sống khiêm nhường, nghèo khó, ẩn dật, kiên nhẫn và hoàn thiện” 

Trong bài huấn từ trước khi đọc Kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật 03 tháng 10 năm 2010, khi đi thăm mục vụ Palermo [3] chỉ vài ngày trước lễ Mân Côi, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã khuyên các tín hữu cầu nguyện bằng kinh Mân Côi hằng ngày và dùng kinh này để suy ngẫm về những mầu nhiệm của Chúa Kitô “Vào thời điểm hiệp thông sâu sắc này với Chúa Kitô, hiện diện và sống động giữa chúng ta và trong chúng ta, như một gia đình giáo hội, thật tuyệt vời khi hướng về lời cầu nguyện với Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ của Ngài và của chúng ta.” 

Trong bài huấn từ này, Đức Thánh Cha đã giao phó toàn thể dân Chúa cho Mẹ chăm sóc và khẩn cầu: “Xin Mẹ nâng đỡ các gia đình, trong tình yêu thương của họ và trong sự đoan hứa dậy dỗ con cái của họ; xin Mẹ làm trổ sinh hoa trái những hạt giống ơn gọi mà Thiên Chúa đã gieo vãi dồi dào nơi những con trẻ; xin Mẹ truyền sự can đảm trong thử thách, hy vọng trong khó khăn, và nhiệt huyết mới trong việc làm điều thiện. Xin Đức Mẹ an ủi những người bệnh tật và tất cả những người đau khổ, và giúp đỡ các cộng đồng Kitô giáo để không ai trong số họ bị gạt ra ngoài lề hoặc bị thiếu thốn, nhưng mỗi người, đặc biệt là những người nhỏ bé và yếu đuối, đều cảm thấy được chào đón và trân trọng.”

Đức Thánh Cha đã gọi Đức Maria là: “Mẫu gương của đời sống Kitô hữu” và cầu xin Mẹ trước hết “giúp tất cả anh chị em bước đi trên con đường thánh thiện, nhanh nhẹn và vui tươi, theo những bước chân của rất nhiều chứng nhân sáng ngời của Chúa Kitô.” 

Đức Thánh Cha kết thúc bằng lời mong ước: “Xin cho việc suy niệm hằng ngày về các mầu nhiệm của Chúa Kitô kết hợp với Đức Maria, Đức Trinh Nữ cầu nguyện, củng cố tất cả chúng ta trong đức tin, đức cậy và đức mến”.

 

[1] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2008/may

[2https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2008/october

[3] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/angelus/2010

Nguồn tin: Phêrô Phạm Văn Trung ​​​​​​​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập122
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm121
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại270,862
  • Tổng lượt truy cập35,917,207
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây