NỖI CÔ ĐƠN SÂU THẲM NHẤT

Thứ bảy - 26/10/2024 08:36
unnamed
unnamed
Nhà tâm lý học Robert Coles ở trường đại học Harvard, khi mô tả triết gia thần nghiệm người Pháp, Simone Weil, ông cho rằng điều mà bà thật sự chịu đựng và cũng là động lực cho cuộc đời của bà, chính là sự cô đơn về tinh thần.  Cô đơn tinh thần là gì?
 
Cô đơn tinh thần là điều mà chúng ta trải nghiệm khi khắc khoải về ái lực tinh thần, nghĩa là khao khát một tri kỷ, một người gặp chúng ta, hiểu chúng ta và tôn trọng những gì thâm sâu nhất, quý báu nhất trong chúng ta.
 
Chúng ta cô đơn theo nhiều cách.  Chúng ta cảm thấy khắc khoải dù đang trải nghiệm sự thân mật, chúng ta thấy hoài niệm về một mái ấm mà chúng ta không bao giờ thật sự tìm được.  Có sự cô đơn, thao thức, một khắc khoải, khao khát, thiết tha, yêu thích, bất an, hoài niệm và vô tận trong chúng ta và chúng không bao giờ cảm thấy trọn vẹn.
 
Hơn nữa, sự bất tịnh này nằm ở trọng tâm chứ không phải ở bên rìa trải nghiệm của chúng ta.  Chúng ta không phải là những người yên nhàn đôi lúc cảm thấy thao thức, không phải là những người thanh bình đôi lúc cảm thấy bất an, không phải là những người viên mãn đôi lúc cảm thấy chán nản.  Đúng hơn, chúng ta là những sinh vật bồn chồn đôi lúc tìm được nghỉ ngơi, những con người bất an đôi lúc tìm được sự thanh tĩnh, những con người bất mãn đôi lúc tìm được sự thỏa mãn.
 
Và trong nhiều khao khát này, có một khao khát thâm sâu hơn những khao khát khác.  Điều mà chúng ta khao khát tối hậu, điều ẩn dưới mọi sự khác, chính là ái lực tinh thần, một tri kỷ, một người gặp gỡ chúng ta ở nơi thâm sâu trong tâm hồn chúng ta, một người tôn trọng mọi sự quý báu nơi chúng ta.  Hơn cả khao khát tìm được ai đó ngủ cùng mình về mặt tình dục, chúng ta khao khát ai đó ngủ cùng mình về mặt tinh thần.
 
Như vậy có nghĩa là gì?
 
Có thể diễn đạt như thế này: Mỗi một người chúng ta nuôi dưỡng một ký ức mơ hồ về một thời từng được chạm đến và âu yếm bởi những bàn tay trìu mến hơn hẳn bàn tay chúng ta.  Sự âu yếm đó để lại một dấu tích không phai, một ghi dấu tình yêu quá dịu dàng, quá tốt đẹp và thuần khiết đến nỗi ký ức đó trở thành lăng kính để chúng ta nhìn mọi sự khác.  Các thần thoại cổ xưa diễn tả chuyện này rất hay khi bảo với chúng ta, trước khi chúng ta được sinh ra, Thiên Chúa đã hôn linh hồn chúng ta, và chúng ta bước vào cuộc đời luôn ghi nhớ nụ hôn đó một cách trực giác, đánh giá mọi sự khác bằng cách đối chiếu với nụ hôn đó, với sự thuần khiết, dịu dàng và vô điều kiện ban đầu của nụ hôn đó.
 
Ký ức vô thức về một thời được Thiên Chúa chạm đến và âu yếm tạo trong chúng ta một nơi thâm sâu nhất, nơi chúng ta giữ những chuyện quý báu nhất và thiêng liêng nhất của mình.  Khi chúng ta nói chuyện gì đó “nghe rất đúng,” thì thật ra chúng ta đang nói, nó tôn trọng chốn thâm sâu đó trong lòng mình, nó tương hợp với chân lý, với dịu dàng và thuần khiết sâu sắc mà chúng ta đã từng trải nghiệm.
 
Từ nơi này xuất phát tất cả những gì là sâu sắc nhất, chân thực nhất trong chúng ta, cả những nụ hôn và giọt nước mắt.  Nghịch lý thay, đây là nơi chúng ta canh giữ đề phòng người khác, dù cho đó là nơi chúng ta muốn người khác bước vào nhất, với điều kiện là người bước vào tôn trọng sự thuần khiết, dịu dàng, vô điều kiện của sự âu yếm ban đầu mà Thiên Chúa đã tạo thành chốn dịu dàng đó.
 
Đây là nơi của thân mật sâu thẳm và cô đơn sâu sắc, nơi chúng ta ngây thơ vô tội, nơi chúng ta bị xâm phạm, nơi chúng ta thánh thiện, là đền thờ của Thiên Chúa, là đền thiêng tôn kính và là nơi chúng ta băng hoại khi hành động trái với chân lý.  Đây là trung tâm tinh thần của chúng ta, và cơn khắc khoải chúng ta cảm thấy có thể được gọi là cô đơn tinh thần.  Chúng ta khao khát tri kỷ là vì nó.
 
Và trong khao khát này, trong khắc khoải khôn nguôi này, chúng ta được thôi thúc hướng ra ngoài, như người nữ trong sách Diễm ca, chúng ta khắc khoải tìm kiếm một người ngủ cùng mình về mặt tinh thần.
 
Đôi khi khao khát đó dán chặt vào một người nào đó, và sự cố định đó có thể ám ảnh đến nỗi chúng ta đánh mất tự do về cảm xúc.  Như nền văn hóa của chúng ta, chúng ta cũng có thể kết luận, về căn nguyên nó là khao khát sự giao hợp tình dục.  Nói như thế có phần nào đúng, mặc dù có khiếm diện.  Sự giao hợp tình dục, trong dạng chân thực của có, thật sự đúng là gắn kết “thành một xác thịt” được Đấng Tạo Hóa tuyên bố sau khi lên án sự cô đơn “con người ở một mình không tốt.”  Ngoài giao hợp tình dục, cuối cùng, người ta luôn phần nào cô đơn, độc thân, tách biệt, một kẻ thiểu số.
 
Nhưng xét tận cùng, chúng ta cô đơn ở một mức độ mà chỉ tình dục thì không đủ để thỏa mãn.  Thâm sâu hơn cả khao khát bạn tình, chúng ta khao khát một ái lực tinh thần.  Khao khát thâm sâu nhất của chúng ta là khao khát một người để ngủ cùng về mặt tinh thần, một tinh thần đồng điệu, một tri kỷ.
 
Những tình bạn và tình vợ chồng tuyệt vời nhất luôn có điều này, cụ thể là ái lực tinh thần.  Những người đó là những “tình nhân” theo nghĩa sâu xa của nó, bởi vì họ ngủ với nhau ở mức độ thâm sâu, bất chấp có sự giao hợp tình dục hay không.  Ở mức độ cảm giác đó, dạng tình yêu này được trải nghiệm như đi “về nhà.”
 
Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu từng nói, là con người, chúng ta là “kẻ lưu đày của tâm hồn,” và chúng ta chỉ có thể thắng vượt chuyện này bằng sự giao hợp tinh thần với người khác, nghĩa là ngủ với ngời khác trong tình thiện lành, hân hoan, an bình, nhẫn nại, tốt lành, chịu đựng và đức tin.
 

 

Nguồn tin: Rev. Ron Rolheiser, OMI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập136
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại270,958
  • Tổng lượt truy cập35,917,303
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây