ĐƯỢC SAI ĐI

Thứ bảy - 05/10/2024 05:28
unnamed (6)
unnamed (6)
Mỗi khi tham dự Phụng vụ Thánh Thể, vào lúc kết thúc Thánh lễ, vị linh mục chủ tế nói với cộng đoàn: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an!”  Nhiều người hiểu lầm coi đây là lời chào tạm biệt của vị linh mục.  Đây không phải là lời chào, mà là lệnh truyền lên đường, còn gọi là lời sai đi.  Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta đón nhận Lời Chúa và rước Thánh Thể.  Vào lúc Phụng vụ Thánh lễ kết thúc, cũng là lúc một Thánh lễ khác khởi đầu, đó là Thánh-lễ-cuộc-đời.  Giữa Phụng vụ Thánh lễ và Thánh-lễ-cuộc-đời có một mối liên hệ mật thiết.  Một linh mục thánh thiện đã nói: “Trong Thánh lễ buổi sáng, tôi là tư tế và Chúa Giê-su là của lễ.  Còn trong thời gian trọn một ngày, chính tôi là của lễ và Chúa Giê-su là Tư tế.”  Như thế, lời tuyên bố cuối lễ là lời nhắn nhủ các tín hữu với nội dung đại ý như sau: chúng ta vừa kết thúc Phụng vụ Thánh lễ.  Chúng ta vừa được nuôi dưỡng bằng Lời Hằng Sống và Thánh Thể.  Giờ đây chúng ta hãy khởi đầu một nghi lễ khác.  Anh chị em hãy lên đường, để chia sẻ những gì mình cảm nghiệm khi lắng nghe Lời Chúa và khi rước Thánh Thể trong Thánh lễ này.  Lời tuyên bố của vị linh mục, chính là lời sai đi, nhân danh Chúa Giê-su và nhân danh Giáo Hội.
 
Chúa nhật tuần trước chúng ta đã suy tư về cuộc đời và sứ vụ của các ngôn sứ trong Cựu ước.  Các ngài là những người được Chúa chọn và sai đi.  Khi thi hành sứ vụ, các ngài luôn xác tín mình chỉ là phương tiện Chúa dùng.  Ông A-mốt, người sống ở miền Bắc, vào thế kỷ thứ tám trước Công nguyên, đã giải thích ơn gọi của mình.  Ông thú nhận, ông không thuộc gia đình hay dòng dõi ngôn sứ, mà ông chỉ là người chăn chiên và người hái sung.  Đang lúc đi sau đàn chiên, chính Đức Chúa đã “bắt” lấy ông và sai ông đi.  Nhờ xác tín được Chúa sai đi, nên ông A-mốt kiên vững trước lời chế nhạo và đe dọa của một số tư tế thời bấy giờ.  Ông không chùn bước trước những nghịch cảnh, nhưng luôn trung thành với sứ mạng được trao.
 
Chúa Giê-su là Đấng Thiên sai, hay còn gọi là Đấng Mê-si-a.  Người luôn khẳng định: Người được Chúa Cha sai đến trần gian.  Người luôn trung thành với Chúa Cha.  Suốt cuộc đời dương thế, Người chỉ làm những gì đẹp lòng Chúa Cha.  Trong giây phút bi thương hoảng loạn ở vườn Cây Dầu, Chúa Giê-su đã thưa với Chúa Cha: “Xin đừng theo ý con, một xin theo ý Cha.”
 
Khi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng, Chúa Giê-su đã gọi một số người theo Chúa.  Trong số đó có nhóm Mười Hai, được Người gọi họ là “tông đồ – απόστολος – Apostolos,” có nghĩa là “người được sai phái,” hay “sứ giả” (x. Lc 6,12-19).  Người sai các ông đi “hai người một.”  Điều này cho thấy tính tập thể và liên đới của sứ mạng tông đồ.  Thánh Mác-cô hôm nay nói với chúng ta những lời dặn dò của Chúa Giê-su, khi Người sai các tông đồ lên đường.  Người dạy các ông không gắn bó lệ thuộc vào bất cứ điều gì.  Người thợ đáng được hưởng lương.  Người tông đồ có quyền nhận những gì được biếu tặng để lo cho cuộc sống và giúp thi hành sứ mạng, nhưng họ phải hoàn toàn tự do, không bị ràng buộc vào vật chất.  Chúa Giê-su cũng mời gọi các ông sống nghèo, như bản thân Người đã sống nghèo.  Người đã có một cuộc sống không nhà không cửa, không có nơi dựa đầu.  Kinh nghiệm cho thấy, một khi người tông đồ bị lệ thuộc vật chất, hoặc xao lãng việc tông đồ để tích lũy của cái và làm kinh tế, họ sẽ thất bại.  Bởi lẽ, người tông đồ đã có Chúa là gia nghiệp cuộc đời.
 
Thánh Phao-lô trong Bài đọc II mời gọi chúng ta chiêm ngắm Đức Giê-su chiến thắng và hiển trị.  Nội dung Bài đọc II vốn là một thánh thi được dùng trong Phụng vụ thời Giáo Hội sơ khai.  Tác giả khởi đi từ biến cố thập giá, để nói đến ơn cứu độ Thiên Chúa thực hiện trong Đức Giê-su, và vương quyền Chúa Cha ban cho Chúa Con.  Nhờ vương quyền này, Chúa Giê-su là Đấng thống trị mọi loài, không phải bằng uy quyền độc tài trần thế, nhưng bằng ân sủng và tình yêu.  Mỗi tín hữu Ki-tô và cả Giáo Hội được thấm nhuần ân sủng của Chúa Giê-su.  Trọn vẹn cuộc sống của người tín hữu được kết hợp mật thiết với Chúa, nhờ lắng nghe và thực thi Lời của Người.
 
Nhờ Bí tích Thanh tẩy, Ki-tô hữu được trao ban chức năng ngôn sứ.  Sách Giáo lý Công giáo số 905 đã nêu rõ như sau: “Các giáo dân chu toàn sứ vụ ngôn sứ của mình bằng việc Phúc âm hóa, nghĩa là loan báo Đức Ki-tô bằng chứng từ đời sống và bằng lời nói.  Nơi các tín hữu giáo dân, việc Phúc âm hóa này mang một sắc thái đặc thù và một hiệu quả đặc biệt, vì được thực hiện trong những hoàn cảnh bình thường của đời sống.”
 
Mỗi chúng ta đều được Chúa Giê-su sai đi.  Lời tuyên bố kết lễ hằng ngày là lời sai đi nhân danh Chúa Giê-su và nhân danh Giáo Hội.  Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn khôn ngoan, sức mạnh và can đảm để thực thi nhiệm vụ ngôn sứ trong đời sống hằng ngày, Amen.
 

 
 

Nguồn tin: TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập55
  • Hôm nay10,711
  • Tháng hiện tại105,290
  • Tổng lượt truy cập35,371,571
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây