Nhờ thành công bước đầu tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia khác cũng bắt đầu thử nghiệm xu hướng mới.
Tại Tây Ban Nha, khoản hỗ trợ lên tới 50 triệu euro (tương đương 60 triệu USD) được chi để thử nghiệm một tuần làm việc 32 giờ mà không giảm lương của nhân viên. Cuộc thử nghiệm được tiến hành với 3.000 - 6.000 nhân viên từ 200 công ty.
Nhiều doanh nghiệp thử nghiệm giảm thời gian làm việc xuống 4 ngày/tuần. Ảnh: ET
Unilever New Zealand cũng có một vài thử nghiệm tương tự xung quanh cơ chế làm việc bốn ngày/tuần. Nếu đạt được kết quả khả quan, họ dự kiến sẽ mở rộng thử nghiệm cho các chi nhánh khác trên toàn cầu.
Gần đây, Iceland và Thụy Điển cũng đã "nhảy" vào cuộc. Theo The Guardian, các chương trình thí điểm tại đây cũng cho kết quả rất hứa hẹn. Theo các nghiên cứu thí điểm, người lao động cho biết năng suất tăng từ 25% đến 40% khi thời gian làm việc giảm đi.
Họ cho biết áp lực cuộc sống được cải thiện, tinh thần cũng phấn chấn hơn. Ngoài ra, giảm thời gian lao động giúp họ có lịch làm việc linh hoạt hơn, cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn. Thời gian nghỉ ốm giảm, thời gian để chăm sóc gia đình, con cái gia tăng.
Sau thử nghiệm này, Công đoàn Iceland đã đại diện cho người lao động đàm phán với nhiều đơn vị sử dụng lao động khác nhau. Họ hy vọng sẽ mở rộng cơ chế làm việc bốn ngày/tuần cho tất cả người lao động.
Sự thay đổi trên quy mô toàn cầu khiến mọi người bắt đầu nhận thức về một xu hướng làm việc mới. Phải chăng chúng ta có thể làm việc ít đi nhưng vẫn nâng cao năng suất và hiệu quả?
Hiện nay, đại dịch Covid-19 đang khiến cả người lao động và người sử dụng lao động rơi vào tình cảnh lao đao. Không chỉ nhiều người thất nghiệp muốn tìm việc làm mà bản thân các doanh nghiệp cũng cần thu hút được nhiều nhân tài để vực dậy tình hình kinh doanh.
Khi thị trường lao động trở nên cạnh tranh hơn thì những lao động chất lượng cao cũng cần được tạo điều kiện tốt hơn để xây dựng lòng gắn kết với doanh nghiệp.
Với kế hoạch giảm giờ làm xuống còn 4 ngày/tuần, thời gian còn lại họ có thể cân bằng sinh hoạt cá nhân. Nếu làm việc thêm giờ, họ cũng sẽ được trả thêm lương hoặc phụ cấp OT.
Về phía doanh nghiệp, đề xuất này cũng có thể đem tới nhiều ích lợi. Theo Khảo sát thường niên năm 2019 của FlexJobs, 80% nhân viên khẳng định họ sẽ trung thành hơn với người sử dụng lao động nếu được cung cấp lịch trình làm việc mang tính xây dựng và linh hoạt.
Chúng ta biết rằng, khi mọi thứ đã trở thành thói quen, một thay đổi mang tính táo bạo thường rất khó được công nhận ngay lập tức. Tuy nhiên, chính thói quen làm việc 40 tiếng/tuần cũng từng là thay đổi hoàn toàn mới vào một thập kỷ trước.
Henry Ford, người đứng đầu Ford Motor Company, là một trong những người đầu tiên bắt đầu chính sách làm việc 8 tiếng/ngày để thu hút lao động.
Phải mất nửa thế kỷ 20 và rất nhiều cuộc vận động trong xã hội công nghiệp phương Tây, tuần làm việc tiêu chuẩn của người lao động mới có thể giảm từ 60 giờ trong 6 ngày xuống còn 40 giờ trong 5 ngày.
Đến hiện nay, trong môi trường kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ và dịch bệnh có diễn biến phức tạp, làm việc tại nhà thay vì đến văn phòng dần trở thành thói quen mới. Rất nhiều nhân viên đồng tình với sự điều chỉnh này.
Theo nghiên cứu của PwC, 83% nhà tuyển dụng và 71% nhân viên thích làm việc từ xa. 52% các nhà quản lý nhận thấy năng suất và hiệu quả tăng vọt.
Xu hướng làm việc không ngừng có sự thay đổi để phù hợp hơn, đem tới hiệu quả thiết thực về năng suất và thành quả lao động. Ảnh: INC
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, Joe Ryle, người có liên quan đến Chiến dịch 4 ngày/tuần của Anh đã rất ngạc nhiên với sự thay đổi này. Anh nhận xét rằng: "Sự thay đổi có thể xảy ra và sẽ xảy ra rất nhanh khi chúng ta muốn".
Giảm thời gian làm việc hay thay đổi môi trường xung quanh là cách đem lại cho nhân viên sự thoải mái. Họ có thể dành thời gian cho gia đình mà không phải chịu áp lực hi sinh tất cả vì công ty.
Theo Mark Takano, từng là Dân biểu Hoa Kỳ của California, tuần làm việc tiêu chuẩn nên tiếp tục giảm xuống còn 32 giờ, tương đương làm việc 4 ngày/tuần. Nguyên nhân khiến ông đưa ra đề xuất này là do nhận thấy, mọi người đang phải làm việc nhiều giờ hơn trong khi mức lương trì trệ.
Ông Takano cũng cho rằng, giảm thời gian làm việc có thể giúp doanh nghiệp giảm phí bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe và chi phí hoạt động cho nhân viên. Việc thực hiện đề xuất làm việc 4 ngày/tuần về cơ bản có thể làm giảm đáng kể tình trạng kiệt sức và mệt mỏi.
Nguồn tin: Nguyen Van Thanh:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn