LÃNH ĐẠO LÀ PHỤC VỤ

Thứ bảy - 19/10/2024 23:19
tải xuống (4)
tải xuống (4)

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy chúng ta bài học về quyền lãnh đạo. Ai muốn làm lớn thì phải là người phục vụ. Sứ điệp này nghe quen tai, nhưng về mặt thực hành thì đây vẫn là một thách đố lớn trong Hội Thánh nói chung, gia đình nhỏ bé và các nhóm của chúng ta nói riêng.

Để khám phá ra mục tiêu theo Chúa có chính đáng hay không, chúng ta hãy điểm qua vài trường hợp. Thật ra, ngay từ ngày đầu tiên, không mấy ai trong chúng ta nhìn thấy rõ vì sao mà mình dấn thân. Có linh mục kia muốn đi tu vì thấy Cha xứ của mình được ăn chuối.

Lại có một chú bé nọ thích mặc phẩm phục linh mục, nhìn mấy ông cha ăn mặc cao sang và quí phái nên cậu ước ao làm thầy cả. Có người nghĩ rằng mình phải dấn thân để thay đổi nếp sống và các sinh hoạt trong xứ cậu đang sống, thế mà trải qua trên dưới nửa thế kỷ, cho đến hôm nay ông đã ngoài 70 tuổi mà vẫn chưa thay đổi được gì, ngay cả chính mình.

Rồi lại có những người phải tiếp tục nằm gai nếm mật trong sứ vụ linh mục để làm vui lòng ông bà cố. Thậm chí có nhiều người muốn chia sẻ uy quyền như ước muốn của hai ông môn đệ, tên là Gia-cô-bê và Gio-an. Các ông vốn là các chú thuyền chài, thế mà hôm nay dám nổ khi xin ngồi hai chỗ cao trọng nhất trong nội các chính phủ của Đức Giê-su.

Tuy rằng các lý do theo Chúa của các ông mang tính chính trị và thêm chút lợi ích cho bản thân. Nhưng Đức Giê-su không vì thế mà khiển trách hay dùng nó như một tiêu chuẩn để sàng lọc các môn đệ. Người kiên nhẫn trong cách hành xử. Người nhìn thấy nỗi bất toàn, các yếu đuối, thậm chí sự thất bại của họ. Người muốn dậy bảo họ bằng chính các kinh nghiệm mà họ có thể sẽ phải kinh qua.

Ngoài ra, nội dung giáo huấn của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay gắn liền với lời loan báo lần thứ ba về cuộc khổ nạn tại Giê-ru-sa-lem mà Đức Giê-su đang hướng về. Đức Giê-su không tiến về Thánh Đô Giê-ru- sa-lem để đón nhận vinh quang, mà là khổ nạn và cái chết! Trong khi đó các môn đệ lại tưởng rằng Người lên đó để đuổi bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi và phục hồi quyền làm chủ đất nước lại cho họ.

Nói chung, quan niệm và chủ thuyết về một Đấng Mê-si-a theo nghĩa chính trị đã là một trong những nguyên nhân thúc đẩy các môn đệ theo Đức Giê-su. Họ mải mê trong các tham vọng rất mực con người và mang tính trần tục. Cho nên hai ông Gia-cô-bê và Gio-an, đại diện cho nhóm người có tham vọng chính trị, đã mau mắn hơn các ông kia khi xin Chúa điều mà các họ đều mơ ước: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”

Còn các môn đệ kia không nhanh miệng bằng Gia-cô-bê và Gio-an cho nên đâm ra tức tối. Dường như, giữa các ông đã có một cuộc chiến quyền lực, tranh dành địa vị, ai cũng muốn trèo lên ghế cao, ai sẽ là kẻ lớn hơn. Và khi trèo lên cao thì phải đạp kẻ bên dưới mình. Dĩ nhiên, khi con người có ghế, có địa vị thì dễ sinh ra quyền lực và bị quyền lực cám dỗ hầu bảo vệ vị trí và quyền lợi.

Trước tình hình của các môn đệ khi xưa và trong hàng ngũ của các vị lãnh đạo hôm nay, Đức Giêsu cần hành động ngay. Người dậy bảo các ông về sự khác biệt về vai trò lãnh đạo trong Nước Thiên Chúa và các nước trần gian.

Trong các quốc gia tại trần gian thì người ta dùng quyền để cai trị, quyền sinh ra lực. Những ai có ‘quyền’ thì thích ‘hành’ kẻ yếu thế để ra oai và bảo vệ uy quyền của mình. Và như thế họ luôn bị quay cuồng bởi việc nắm giữ quyền lực để củng cố điạ vị rồi hành hạ kẻ khác, nói gì đến phục vụ anh chị em.

Trong khi đó, đối với Đức Giê-su, nước mà Người khai mạc là triều đại hồng ân của Thiên Chúa. Hiến chương là Tình yêu và phương pháp thực thi là phục vụ. Sự cao trọng mà các vị lãnh đạo trong Nước Thiên Chúa cần thực hành là phục vụ, như Lời Đức Giê-su phán: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Anh chị em thân mến,

Bài học phục vụ nói lên mối tình của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Với Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đến để mở ra một con đuờng, một lối sống yêu thương, vô vị lợi. Nếu tình yêu mà còn mong đáp trả thì còn là tình yêu được hay sao! Lúc đó, tình yêu đã biến thành phương tiện cho bản thân. Như vậy có nghĩa là tôi yêu người khác vì tôi; và người khác có đáp trả tình yêu cho tôi cũng vì cái lợi mà họ có thể thu hoạch được; như vậy họ cũng yêu chính họ chứ không hề yêu tôi. Một tình yêu cho đi, không cần đáp trả mới là mối tình của Chúa và thuộc về Chúa.

Dựa vào lời dậy bảo của Đức Giê-su thì những ai được mời gọi là Con Chúa, trở thành môn đệ của Người là những con người biết cho đi, biết san sẻ và cùng chung chia sứ mạng của Người. Đó chính là điều mà Đức Giê-su yêu cầu Gia-cô-bê và Gio-an hôm nay: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”

Chén mà Đức Giê-su sắp uống và phép rửa mà Người sắp chịu là hành trình Thập Giá mà Người sắp đón nhận. Đức Giêsu muốn nói đến sự chọn lựa của Người. Với quyền năng sẵn có, Người có thể sắp xếp cuộc sống hoàn toàn phù hợp với chính Người, nhưng Người đã không làm thế, sẵn sàng dâng hiến, ngay cả bản thân và tất cả những gì Người có chỉ để phục vụ người khác. Có nghĩa là luôn đi tìm và tạo hạnh phúc cho người khác như hành động quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Phục vụ là quì xuống, là hiến dâng để phục hồi tình trạng làm con Thiên Chúa và qua đó chúng ta cũng có thể chia sẻ cuộc sống thần linh với Người.

Đấy là con đuờng của Đức Giê-su, và đó cũng là con đường của người môn đệ; có nghĩa là giống Đức Giê-su, chúng ta sinh ra để phục vụ, mong làm đầy tớ mọi người. Đây không phải là một điều luật trong những điều luật khác nhưng đó là “hiến chương” của Giáo Hội, tiêu chuẩn sống của người môn đệ: Mỗi người phải trở nên đầy tớ của mọi người.

Trong Giáo Hội, chỉ có một nguyên tắc, đó là phục vụ. Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả mọi người. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta coi thường năng quyền được trao ban trong Hội Thánh. Chúa không hủy bỏ vai trò của người lãnh đạo; nhưng làm đầu là để phục vụ người khác thì khác với tinh thần làm lớn để bắt người khác cúc cung quì gối phục vụ mình.

Vì thế, cho hàng giáo sĩ, những người được mời gọi vào các vai trò đặc biệt trong Hội Thánh mà chúng ta thường gọi họ là các thừa tác viên: linh mục hay phó tế. Họ cũng nên nhớ rằng năng quyền mà họ đang có đã được Hội Thánh trao ban vì lợi ích chung của cộng đoàn, chứ không thuộc về riêng họ.

Họ là những kẻ lãnh nhận quyền thừa tác của Đức Giê-su trong gia đình Hội Thánh. Uy quyền lãnh đạo sau cùng và tối cao vẫn thuộc về Đức Giê-su. Như vậy, làm gì có lãnh tụ theo nghĩa thế gian trong cơ chế của Giáo Hội. Chỉ có những “thừa tác viên”, những người “phục vụ”.

Trong thời gian gần đây, chúng ta được nghe rất nhiều về ý định của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong việc cải tổ cơ cấu của giáo triều bên Rô-ma. Ngài cũng muốn các vị lãnh đạo tại các Giáo hội địa phương áp dụng đường lối cải cách này. Đã đến lúc Giáo Hội phải trở về nguồn, trở về với yêu sách của Đức Giê-su trong Tin Mừng.

Tóm lại, những ai đã được Chúa mời gọi chia sẻ quyền lãnh đạo với Người hãy cân nhắc cẩn thận để lời nói và hành động được hợp nhất. Chúng ta ai cũng được mời gọi thực hiện quyền của những kẻ thừa kế, chia sẻ quyền lãnh đạo của Đức Giê-su.

Ai được mời gọi sống bậc tu trì thì có trách nhiệm và bổn phận phục vụ cộng đòan.

Ai được mời gọi sống bậc đôi bạn thì có trách nhiệm với nhau và gia đình mình. Đừng dùng quyền ra lịnh cho con trẻ điều mà chính các bậc phụ huynh chưa làm được. Người nào có bổn phận của người ấy.

Tất cả đều là môn đệ, đều được gọi để phục vụ. Đó là cách sống của Chúa muốn chúng ta thực hành. Amen!

 

Nguồn tin: Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập43
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại269,158
  • Tổng lượt truy cập35,915,503
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây