CHÚNG TA ĐƯỢC CỨU CÁCH NÀO?

Thứ bảy - 19/10/2024 23:21
tải xuống (5)
tải xuống (5)

Phục vụ bệnh nhân cùi, chết như một vị tử đạo và được chôn trong chiếc áo dòng Phan-xi-cô, đó là ba ước nguyện của “Ma-cà-bông Ăng-lê” (English vagabond : gã lang thang người Anh) John Bradburne, con người có thể sẽ là vị thánh đầu tiên của nước Zimbabwe (Phi châu). Sinh năm 1921, Bradburne là con thứ 3 trong một gia đình có 5 con. Cha ngài là một mục sư Anh giáo. Ngài phục vụ trong quân đội Anh ở Miến Điện và Mã Lai. Mãn lính, ngài làm kiểm lâm và dạy học. Năm 1942, khi còn trong quân ngũ, ngày kia ngài được thị kiến Đức Mẹ trong rừng. Sau đó, ngài xin ra khỏi Anh giáo và gia nhập Giáo hội. Ước muốn dâng mình làm tu sĩ, Bradburne đã lần mò hết tu viện này đến tu viện kia nhưng đều được khuyên hãy tiếp tục tìm kiếm. Ngài đã trở thành “bụi đời lang thang” trên các nẻo đường Giê-ru-sa-lem và đảo Sýp. Rồi ngài sang Zimbabwe giúp một cha cựu tuyên úy quân đội xây dựng một trung tâm truyền giáo. Bảy năm sau, ngài về A-xi-di, I-ta-li-a để gia nhập dòng Ba Phan-xi-cô rồi trở lại nhiệm sở ở cho đến ngày nhắm mắt. Ngài tận tâm phục vụ người cùi theo gương chân phước Damien de Veuster, trong vai trò y tá, và dành một tình yêu vô bờ bến cho hạng bị xã hội ruồng bỏ này. Đôi khi ngài khoác áo dòng, nhưng thường ngày ăn mặc rách rưới nên mới có biệt hiệu là “Ma-cà-bông Ăng-lê” nói trên. Càng được người cùi yêu mến thì Bradburne càng bị nhiều kẻ ghét bỏ. Zimbabwe lúc bấy giờ được lãnh đạo bởi Ian Smith, một kẻ theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Thành thử có nhiều nhóm du kích chống lại ông. Họ cũng ghét luôn vị tông đồ được dân chúng yêu mến này. Nhân bị ngài tố cáo ăn cắp đồ của người cùi, chúng đã bắt ngài cuối tháng 8-1979, và bắn chết ngài ngày 5 tháng 9 cùng năm. Từ đó tới nay, mỗi khi đến ngày giỗ ngài, cả mấy chục ngàn người tuốn về đọc kinh trước cái chòi bằng tôn, nơi ngài đã sống để phục vụ những kẻ phong cùi và nghèo khổ. Cha Slevin, một linh mục từng sống với ma-cà-bông John Bradburne trong 9 tháng năm 1962 cho biết : “Ngài là một nhân vật ngoại hạng - cả cuộc đời ngài là một bài kinh. Nhiều người đã được ơn lạ do cầu khẩn với ngài. Một kẻ đau màng óc, bác sĩ chê rồi, đã chạy đến đây và nay đã khỏi. Các bác sĩ thừa nhận đấy là một phép lạ”. Giáo hội Zimbabwe đang thiết lập hồ sơ xin phong chân phước cho ngài (theo VietCatholic). 

1. Cuộc sống và cái chết yêu thương

“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Lời này đã là châm ngôn sống của John Bradburne. Đó cũng là một trong những lời tuyên phán đánh động nhất của Đức Giê-su trong Tin Mừng. Tiếc thay người ta đã xuyên tạc ý nghĩa của chữ “giá chuộc”. Người ta đã rút ra từ đó ý tưởng về một cuộc thỏa hiệp đáng ghét trong ấy Đức Giê-su đã trở thành giá chuộc cho ta bên cạnh một Thiên Chúa bị xúc phạm mà ta phải làm cho “nguôi cơn thịnh nộ”. Nhưng từ “giá chuộc” chỉ gợi lên một sự “giải thoát” có thể và đó chính là công trình của Đức Giê-su. Một công trình trong ấy tất cả đều nói lên lòng thương mến. Chính vì thương mến mà Chúa Cha đã sai Con mình xuống với sứ mạng giải thoát loài người khỏi những gì ngăn cản họ mến thương.

Cái chết của Đức Giê-su là một điều kinh khủng, khó hiểu. Nhưng chúng ta ít nhất có thể gạt bỏ hai lối giải thích sai lạc. Cái chết đó chẳng dính dáng gì tới cái gọi là ý muốn trả thù của Thiên Chúa, vốn hoàn toàn xa lạ với Mạc khải, một mạc khải nói với ta rằng Thiên Chúa là tình yêu. Nó cũng chẳng phải là một kiểu tôn vinh các đau khổ và cái chết dữ dằn, như thể những thứ này có giá trị tự nội.

Chúa Cha đã chẳng trực tiếp muốn Con mình chết, song đã giao cho Con một sứ mạng khó khăn mà ai cũng thấy là chết người. Người đã sai Con đến trong một thế giới, nơi mà để giảng dạy tình huynh đệ và sự thật về Thiên Chúa, phải chống lại mọi quyền lực kiêu căng, ích kỷ và giả hình. Đức Giê-su đã thấy điều đó sẽ dẫn mình đến đâu. Bị nỗi khắc khoải dày vò, Người tuy vậy đã chẳng từ chối chén đắng, cái chết của Người là hậu quả của lòng trung thành trọn vẹn với sứ mệnh. Không bao giờ được tách cái chết ấy khỏi cuộc sống trọn vẹn dâng hiến của Người, cái chết làm dấu chỉ và đỉnh cao của sự hiến dâng : “Vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, Đức Giê-su đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Bởi lẽ tình yêu đích thực luôn đòi hy sinh, đau khổ và cuối cùng là hiến mạng. Bản chất sâu xa của tình yêu là như thế.

Đó là ý nghĩa của câu nói đáng sợ “Đức Ki-tô phải chịu khổ hình” (Lc 24,26) và của một câu rất thường gặp: “Tất cả đã được viết nơi Kinh Thánh” (x. Lc 24,27). Thật ra, Kinh Thánh (Cựu Ước) chẳng phải là một chương trình lập sẵn mà Đức Giê-su chỉ có việc thực hiện từng điểm, song là một khơi gợi được linh ứng, kiểu tiên tri, cho biết những gì mà việc cứu rỗi chắc chắn phải trả giá. Kinh Thánh mơ hồ mô tả, theo dạng hình ghép còn lỗ khuyết, phong cảnh việc cứu chuộc mà mặt trời Phục Sinh sẽ soi sáng rõ ràng và lắp đặt đầy đủ.

2. Cuộc sống và cái chết giải thoát

Nhờ mang giá trị phổ quát, cuộc sống và cái chết của Đức Giê-su thành độc nhất vô nhị. Chính sức mạnh thần linh của Người ban phổ quát tính đó cho các hành vi giải phóng của Người và khiến Người, theo kiểu nói của thánh Phao-lô, trở nên “A-đam mới”, ông tổ của một nhân loại được tái tạo. Nhiều hình ảnh khác cũng gợi lên sự liên đới nhiệm mầu ấy : Đức Giê-su là Cây Nho mà chúng ta là cành ; Người là Đầu của Nhiệm Thân mà chúng ta là tế bào, là chi thể. Ơn cứu rỗi Đức Giê-su mang đến hiển nhiên không phải là việc biến đổi cuộc sống và các tâm hồn cách ma thuật, song là một động năng giải phóng. Được dựng nên để yêu thương, loài người đã bị trói buộc bằng đủ loại xiềng xích mà Đức Giê-su nhìn (ta cảm thấy điều này thường xuyên trong Tin Mừng) với sự sáng suốt của một con người nhưng cũng với lòng thất vọng của một Thiên Chúa : ích kỷ, hận thù, đam mê quyền lực, tính dục bừa bãi, nô lệ tiền bạc, đủ mọi thứ sợ hãi… như thể Cha trên trời đã chẳng hiện hữu. Thậm chí, và đặc biệt, nhiều xiềng xích được rèn bởi một thứ tôn giáo bị hiểu sai. Làm sao loài người bị trói buộc như thế có thể yêu thương nổi ?

Đức Giê-su khởi sự công cuộc giải phóng của Người bằng cách dạy dỗ và hành động như chẳng có ai đã làm được, vì Người là tình yêu thuần khiết, tình yêu trọn vẹn, nhờ có một tự do yêu mến hết sức lạ lùng. Lần đầu tiên, tình yêu đã thật sự tự do và có thể tái tạo thế giới.

Nhưng phải cần một hành vi giải thoát cuối cùng. Đó là trên thập giá, không để mình bị nỗi thất vọng nghiền nát, bị bản năng báo thù gào thét đánh bại. Ai từng nếm biết những giây phút kinh khủng như thế có lẽ mới là người duy nhất hiểu được từ nội tâm làm sao Đức Giê-su đã cứu chúng ta bằng cách bẻ gẫy cái vòng kép là sợ hãi và bạo lực kích thích bởi bạo lực. Mặc Chúa Cha để mình rơi xuống hố chơ vơ cô quạnh tột cùng (“Sao Cha đã bỏ con ?”), mặc những kẻ lăng mạ và hành hình mình, Đức Giê-su cuối cùng đã qua nơi mà chúng ta có lẽ vẫn không thể. Sau Người, chúng ta qua theo. Cùng Người, chúng ta có thể nói với Chúa Cha, trong đêm tối cam go nhất: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” và về những kẻ không thể tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ”.

Chúng ta biết rằng tha thứ là đỉnh cao khó vượt nhất của tình yêu, là bằng chứng cho thấy chúng ta tự do yêu mến. Sự tha thứ của Đức Giê-su trên thập giá là một kẽ hở qua đó chính tình yêu của Thiên Chúa tràn ngập thế giới và trở nên lẽ sống đích thực, cho dẫu ít ai theo lẽ sống này. Nhưng tình yêu của Đức Giê-su trên thập giá giải thoát chúng ta chỉ vì Thiên Chúa, khi phục sinh Người, đã phê chuẩn sự sống lại lẫn cái chết này, và khai mạc một thế giới mới, nơi chúng ta có thể chọn tình yêu làm lẽ sống, trong Đức Giê-su.

Đức Giê-su ban cho ta tấm gương về cuộc sống thương yêu như thế, và nhiều sức mạnh để luôn tự do yêu thương. Người không chỉ là Đấng đã mở ra thế giới mới, mà còn là thế giới mới, trong đó chúng ta đi vào bằng đức tin và phép rửa, trong đó chúng ta có thể sống và được cứu độ. “Tôi hiện sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

Nhưng những thí dụ và lời giáo huấn của Đức Giê-su quá trái nghịch với các tham vọng tự nhiên của các môn đồ, nên khó mà không gặp phản ứng. Thái độ ngây ngô của Gio-an và Gia-cô-bê vẫn còn là thái độ của nhiều người trong Giáo Hội. Quyền hành trong Giáo Hội không phải là quyền áp đặt những quyết định của thũ lãnh cho các cấp dưới, nhưng là khả năng khơi dậy sự hiệp thông. Vấn đề không phải là truyền lệnh hay thanh trừng, nhưng là kêu gọi lương tâm và xác tín. Vị lãnh đạo không phải là người ra lệnh nhưng là người tạo nên một bầu khí tin tưởng, thương yêu và tôn trọng, một cộng đoàn cùng chung những quan điểm và khát vọng đến nỗi giải đáp của mọi vấn đề sẽ được thể hiện bằng một sự nhất trí luân lý.

Ngai vàng duy nhất, uy lực duy nhất, quyền bính duy nhất mà Đức Giê-su đã hứa cho Gia-cô-bê và Gio-an, là hãy yêu mến như Người, uống chén đắng, thí mạng sống vì yêu anh em như Người. Đấy mới là bài học từ cuộc sống và cái chết của Đấng đã đến để mang bản chất “Tôi tớ” dưới tước vị “Thủ lãnh” ! (Viết theo A. Sève và L. Evely)

 

Nguồn tin: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập60
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại269,479
  • Tổng lượt truy cập35,915,824
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây