Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ năm - 28/10/2021 23:33
Đại tướng Colin Powell mới qua đời dù đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine chống covid. Sự kiện này làm nhiều người phân vân về hiệu quả của vaccine. Sự nghi ngờ cũng có lí do, nhưng nói chung, 'hồ sơ sức khoẻ' của ông khó có thể nói rằng ông qua đời vì vaccine. Vậy câu hỏi là nguy cơ bị nhiễm hay tử vong sau khi tiêm vaccine là bao nhiêu? Cái note này tìm dữ liệu trả lời câu hỏi đó và hi vọng rằng giúp các bạn ... yên tâm. Chúng ta biết rằng vaccine covid không có hiệu năng ngăn ngừa 100% nhiễm covid. Điều này cần phải nhắc lại, bởi vì chữ 'hiệu quả vaccine' bị hiểu lầm rất nhiều. Người ta, kể cả nhiều bác sĩ, hiểu rằng 'hiệu quả 90%' có nghĩa là 100 người tiêm thì 90 người không bị nhiễm, nhưng cách hiểu này sai. Lí do sai là vì đơn vị để tính hiệu quả vaccine là xác suất nhiễm, chớ không phải số người / bệnh nhân. Hiệu quả vaccine được tính bằng cách lấy xác suất nhiễm ở nhóm được tiêm vaccine chia cho xác suất nhiễm ở nhóm không được tiêm vaccine. Do đó, khái niệm 'hiệu quả vaccine' chỉ có ý nghĩa cho một quần thể, chớ không cho một cá nhân. Cá nhân vẫn có thể bị nhiễm sau khi tiêm vaccine, nhưng nguy cơ / xác suất thì khác nhau giữa các cá nhân tuỳ thuộc vào yếu tố nguy cơ. Nguy cơ nhiễm đột phá là bao nhiêu? Số liệu từ Úc. Ở Úc, tiểu bang New South Wales (NSW, hơn 5 triệu dân) là nơi có tỉ lệ dân chúng tiêm chủng vaccine cao nhứt (hơn 80%). Tính từ tháng 3/2021 đến giữa tháng 9/2021, có 317 người bị nhiễm nCov sau khi đã tiêm đủ 2 liều vaccine, gọi là 'nhiễm đột phá' [1]. Nhưng số liệu này không cho biết nhiễm xảy ra bao lâu sau khi tiêm, và nguy cơ chính xác là bao nhiêu. Tuy nhiên, trong số hơn 4 triệu người được tiêm chủng, mà chỉ có 317 người bị nhiễm thì nguy cơ quả là thấp. Số liệu từ Do Thái. Theo một nghiên cứu quan trọng công bố trên tập san y khoa NEJM, trong số 1497 nhân viên y tế được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine, có 39 người bị nhiễm covid, và tỉ lệ là 2.6% [2]. Có thể nói nguy cơ nhiễm đột phá là khá cao, nhưng cần phải chú ý rằng đây là những người có nguy cơ cao (họ là bác sĩ, y tá), chớ còn người ngoài ngành y thì xác suất nhiễm thấp hơn nhiều (chừng 1 phần 1000). Tất cả những người bị nhiễm đều nhẹ và bình phục sau đó, không ai cần phải nhập viện. Họ bị nhiễm từ đâu? Các tác giả phân tích chi tiết thêm và không rõ nguồn. Họ chỉ nghi ngờ rằng nguồn lây nhiễm đến từ 1 bệnh nhân và 1 nhân viên y tế chưa được tiêm vaccine. Tuy nhiên, cách họ viết tiếng Anh mù mờ làm tôi không hiểu hết câu chuyện. Nguy cơ tử vong sau khi tiêm vaccine là bao nhiêu? Đây cũng là câu hỏi quan trọng, và số liệu từ Anh có thể cung cấp cho chúng ta một 'bức tranh' chung. Cục thống kê Anh (ONS) phân tích dữ liệu covid từ 2/1/2021 đến 2/7/2021 ở những người đã được tiêm chủng vaccine, và so sánh với những người chưa/không tiêm chủng vaccine [3]. Trong thời gian 6 tháng đó, Anh ghi nhận 51,281 ca tử vong liên quan đến covid. Trong số này có 640 người (tức 1.2%) đã được tiêm chủng vaccine đầy đủ, kể cả người bị nhiễm và đã được tiêm vaccine. Tỉ lệ tử vong liên quan đến covid ở người được tiêm 2 liều vaccine (trong vòng 21 ngày sau khi tiêm chủng) là 1.6%. Tỉ lệ này ở người không tiêm vaccine là 37.4%. Như vậy, vaccine rõ ràng là có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong. Những ai có nguy cơ tử vong sau tiêm chủng vaccine? Phân tích thêm, họ phát hiện 3 yếu tố chánh: cao tuổi, nam giới, và bệnh nền. Tuổi trung bình ở những người qua đời là 82-84 tuổi và họ thường có những bệnh nền. Nam có nguy cơ tử vong cao hơn nữ. Những người có bệnh làm cho hệ miễn dịch bị suy yếu. Đại tướng Powell qua đời ở tuổi 84. Ông mắc bệnh ung thư máu (multiple myeloma) vốn làm cho hệ miễn dịch của ông bị suy giảm. Như chúng ta thấy cái 'risk profile' của ông khá giống với cái profile của những ca tử vong sau tiêm chủng vaccine. Tóm lại, những dữ liệu mới nhứt cho thấy tiêm chủng vaccine đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm, nhưng nguy cơ nhiễm thì thấp (cao lắm là 2.6%), và nguy cơ tử vong cũng rất thấp. Tại sao nguy cơ nhiễm đột phá? Tôi nghĩ có 4 yếu tố có thể giải thích. Thứ nhứt hệ miễn dịch suy yếu, nhứt là những người mắc các bệnh nền liên quan đến hệ miễn dịch. Thứ hai là do con virus đột biến thành các biến thể mới mà vaccine không ngăn ngừa được. Thứ ba là loại vaccine được tiêm, vì hiệu quả vaccine rất khác nhau giữa [chẳng hạn như] Pfizer và J&J hay AZ. Và, sau cùng là thời gian sau khi tiêm, thời gian càng lâu thì nguy cơ càng tăng. Tất cả 4 lí do đó có thể giải thích tại sao sau khi tiêm vaccine mà vẫn bị nhiễm. Do đó, dù đã tiêm vaccine, chúng ta vẫn phải thực hành giãn cách xã hội và có những biện pháp giảm lây nhiễm ở những nơi đông người.
Nguồn tin: Nguyễn Văn Tuấn https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1344037186043595