Quyền lực Mark Zuckerberg tại Facebook lớn thế nào

Thứ hai - 25/10/2021 23:46
unnamed
unnamed

Mark Zuckerberg nắm quyền kiểm soát các nền tảng của Facebook với hàng tỷ người dùng, nhưng phong cách lãnh đạo được đánh giá là "không giống ai".

"Zuckerberg là người tử tế", Chris Hughes, đồng sáng lập Facebook và đã rời công ty năm 2007, nói về bạn mình năm 2019. "Nhưng cậu ấy lại đang nắm một thứ quyền lực chưa từng có, không phải của người Mỹ. Tầm ảnh hưởng của cậu ấy rất đáng kinh ngạc, vượt xa bất kỳ ai khác trong khu vực tư nhân hay trong chính phủ".

Zuckerberg trong một buổi điều trần trước Hạ viện Mỹ năm 2018. Ảnh: Reuters

Theo The Atlantic, xét trên tiêu chí quyền lực truyền thống, Facebook và CEO Mark Zuckerberg không quá áp đảo. Về quân sự, ông không chỉ huy quân đội tầm cỡ thế giới. Về chính trị, ông không có vị trí như các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Mỹ và Nga. Về công nghệ, ông không có sức hút và sáng tạo như Steve Jobs. Về từ thiện, ông không tích cực hoạt động bằng Bill Gates. Về quy mô, công ty không nằm trong top 50 doanh nghiệp có doanh thu hàng đầu, số nhân viên cũng chỉ bằng 0,01% Walmart, lợi nhuận hàng năm không nằm trong top 10.

Tuy nhiên, rất ít công ty được kiểm soát chặt chẽ bởi một người như Facebook. Bằng cách tạo ra các loại cổ phiếu với quyền biểu quyết khác nhau, Zuckerberg kiểm soát gần như tuyệt đối công ty. "Hội đồng quản trị của Facebook hoạt động giống như một ủy ban cố vấn hơn là giám sát viên, vì Mark nắm khoảng 60% cổ phần có quyền biểu quyết", Hughes lưu ý.

Thực tế, ngay cả với hãng xe Ford Motor, gia đình Ford vốn nổi tiếng về mức độ "độc tài" cũng chỉ giữ 40% quyền biểu quyết của công ty. Với Walmart vốn có tổ chức chặt chẽ, gia đình Walton cũng sở hữu ít hơn 50% cổ phần.

"Sức mạnh của cậu ấy rất lớn. Mark Zuckerberg kiểm soát Facebook, Instagram và WhatsApp - ba trong số năm công cụ giao tiếp phổ biến nhất hành tinh", Hughes nói. "Các dịch vụ của Facebook là phương tiện để phân tán thông tin, giống như một tờ báo hoặc kênh truyền hình, hay giống như mạng viễn thông kiểu cũ. Họ cũng là một mảnh ghép quan trọng cho các doanh nghiệp nhỏ, bao gồm quảng bá dịch vụ khách hàng, nền tảng quảng cáo, bán hàng trực tiếp...".

Một số cựu nhân viên Facebook tiết lộ, một mình Zuckerberg có thể quyết định việc cấu hình thuật toán của mạng xã hội để xác định những gì mọi người nhìn thấy trong News Feed, những cài đặt riêng tư nào họ có thể sử dụng và thậm chí cả những tin nhắn nào được gửi đi. Ông tự đặt ra các quy tắc về cách nền tảng phân biệt lời nói bạo lực và kích động với lời xúc phạm đơn thuần. Ông cũng chọn cách hạ gục đối thủ cạnh tranh bằng cách mua lại, chặn hoặc sao chép các tính năng trong đó.

Theo The Atlantic, với các công cụ mà mạng xã hội lớn nhất thế giới đang nắm trong tay, Zuckerberg có thể chi phối gần 3 tỷ người dùng hiện có, tức 1/3 dân số thế giới. Shoshana Zuboff, tác giả cuốn Surveillance Capitalism, cho rằng lượng dữ liệu lớn mà Facebook thu thập sẽ là nguồn nguyên liệu thô cho các hệ thống machine learning trong việc tạo ra sức mạnh thực sự của Facebook: khả năng dự báo những gì con người sẽ thực hiện khi đối mặt với một loạt các lựa chọn.

"Zuckerberg chưa sử dụng quyền lực này, ngoài việc gợi ý cho tôi mua giày thể thao hay một món đồ quan tâm. Nhưng sẽ không loại trừ một ngày nào đó, hệ thống Facebook sẽ biết tất cả những gì bạn đang nghĩ", Zuboff nói. "Tốt nhất ta nên chia tay Facebook lúc này, khi Zuckerberg còn chưa làm gì cả".

Theo New York Times, từ khi lập trình dòng "sản phẩm của Mark Zuckerberg" vào mọi trang Facebook, ông đã là gương mặt đại diện duy nhất của mạng xã hội này. Nhưng với những người trong ngành tại thung lũng Silicon, ông là một nhà lãnh đạo với hai thái cực đối lập: tham gia sâu rộng trong một số mảng ông quan tâm và gần như mặc kệ những lĩnh vực ông thấy không hấp dẫn.

Chiến thuật hợp nhất quyền lực của Zuckerberg thể hiện rất rõ. Ông thay thế nhà sáng lập Instagram và WhatsApp bằng những lãnh đạo trung thành, đổi 5 trong 9 thành viên ban lãnh đạo để tăng cường sự ủng hộ. Sự lãnh đạo sâu sát của ông cũng đẩy Sheryl Sandberg, COO của công ty và là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất ngành công nghệ, sang bên lề thời gian qua.

Tuần trước, cựu quản lý Facebook Frances Haugen tiếp tục nhắc đến quyền lực lớn của Zuckerberg trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. "Mark nắm hơn 55% cổ phần có quyền biểu quyết tại công ty. Vai trò của ông ấy rất độc đáo trong ngành công nghệ", Haugen nhận xét. "Không có công ty nào hùng mạnh tương tự mà lại bị kiểm soát đơn phương. Hiện không ai bắt Mark phải chịu trách nhiệm ngoài chính bản thân ông ta".

Theo Haugen, Zuckerberg là "người chủ chốt", nhân vật luôn có tiếng nói cuối cùng trong các quyết định kinh doanh của Facebook. Giới chuyên gia cho rằng đây sẽ là yếu tố có thể giết chết mạng xã hội.

Chris Haynes, Phó giáo sư về các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học New Haven, cho rằng việc các công ty bị kiểm soát bởi một người duy nhất có thể giúp doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng cũng khiến nó chậm lại nếu quy mô trở nên quá lớn. "Việc kiểm soát có thể bảo vệ công ty khỏi những lo ngại có thể gây ra cho người dùng, các nhà đầu tư và cả xã hội, nhưng cũng sẽ đối mặt với rất nhiều biến động", Haynes nói.

Theo Joy Poole, một cựu nhân viên Facebook, vấn đề của mạng xã hội này hoàn toàn nằm ở cách điều hành của Zuckerberg. "Tôi không tin nếu Zuckerberg có dưới 49% cổ phần biểu quyết, tình hình của Facebook sẽ khác. Facebook sẽ chỉ thay đổi nếu ông ta từ chức hoặc thay đổi cách lãnh đạo", Poole nói.

 

Nguồn tin: Bảo Lâm tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập137
  • Hôm nay20,506
  • Tháng hiện tại450,839
  • Tổng lượt truy cập32,434,562
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây