Thanh tra Chính phủ được yêu cầu có kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống Covid-19.
Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9 ban hành ngày 14/10 cho biết, Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua để chống lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Trước đó khi kết luận phiên họp thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ giá kit xét nghiệm bị đẩy lên cao và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm. Bản thân Bộ Y tế cho biết đã lập đoàn thanh tra, làm việc với một số địa phương để làm rõ và chấn chỉnh việc "loạn" giá kit xét nghiệm, chi phí xét nghiệm.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có văn bản đề nghị các tỉnh thanh tra, kiểm tra việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, kit test xét nghiệm.
Chi phí xét nghiệm, theo giải thích của Bộ Y tế, bao gồm giá của kit test, vật tư xét nghiệm và chi phí thực hiện xét nghiệm. Trong đó, các doanh nghiệp cung ứng kit sẽ phải công khai giá sinh phẩm này trên cổng thông tin của Bộ.
Hiện kit test không phải mặt hàng trong diện áp giá sàn, giá trần theo các luật hiện hành nên giá theo cung - cầu. Còn với "chi phí xét nghiệm", trước ngày 1/7/2021 có quy định của Bộ Y tế là 238.000 đồng một mẫu test nhanh và 734.000 đồng một mẫu PCR. Giá này đã gồm chi phí nhân viên phục vụ, vật tư tiêu hao đi kèm, giá kit test...
Sau 1/7, giá này không được quy định cụ thể mà Bộ Y tế hướng dẫn "chi phí xét nghiệm" sẽ theo hình thức "thực thanh, thực chi". Tức là, giá kit sẽ theo kết quả tổ chức đấu thầu mua sắm (theo Luật Đấu thầu) do các cơ sở y tế, bệnh viện tổ chức; còn chi phí khác (nhân công, lấy mẫu, bảo quản) sẽ không thu của người dân mà lấy từ kinh phí chống dịch của địa phương. Như vậy, chi phí xét nghiệm sẽ bằng với chi phí giá kit test.
Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn bị thu cao, trong khi giá kit xét nghiệm đã giảm đi nhiều so với trước.
Nghị quyết cũng đề cập việc gây quỹ từ thiện của các nghệ sỹ, người nổi tiếng. Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát các quy định về quản lý tài chính với hoạt động vận động gây quỹ từ thiện và kịp thời chấn chỉnh, tăng cường quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch. Các giải pháp quản lý cần được Bộ Tài chính báo cáo đề xuất Thủ tướng trước ngày 15/10.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng được giao khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định thay thế cần sớm trình Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan lập đoàn kiểm tra việc khắc phục tồn tại theo kết luận thanh tra các dự án đầu tư ở địa phương nhưng còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nguồn tin: Anh Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn