Báo Dân Trí dẫn tin từ Sở Y Tế Cần Thơ cho biết ngày 25 Tháng Mười, thành phố ghi nhận 87 ca nhiễm COVID-19 mới (F0), trong đó có chùm 27 F0 ở nhà máy Chế Biến Thủy Sản Cá Việt Nam tại khu công nghiệp Thốt Nốt. Đây là số ca nhiễm trong ngày cao nhất trong vòng một tháng qua ở Cần Thơ, nâng số ca tại thành phố này từ ngày 8 Tháng Bảy đến nay lên 6,626 ca.
Cơ quan hữu trách lập chốt để kiểm tra COVID-19 ở thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. (Hình: HH/Dân Trí)Tuy nhiên theo báo VNExpress, An Giang mới là tỉnh ghi nhận số ca nhiễm tăng nhanh nhất ở các tỉnh miền Tây. Bảy ngày qua, tỉnh này đã phát giác 1,481 ca, tăng 170% so với tuần trước. Trong đó, 407 trường hợp trong cộng đồng, chiếm 27%.
Trước “diễn biến phức tạp” của dịch bệnh, An Giang đã vận hành bệnh viện điều trị COVID-19 ở huyện Phú Tân với quy mô 100 giường, bên cạnh phòng ICU điều trị COVID-19 tại bệnh viện Đa Khoa Trung Tâm An Giang ở thành phố Long Xuyên, mà trước đó tỉnh đã bỏ kinh phí gần 120 tỷ đồng ($6.14 triệu) để đầu tư khẩn cấp.
Tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Khải, phó giám đốc phụ trách Sở Y Tế, cho biết tình hình COVID-19 vẫn “diễn biến phức tạp.” Ngày 25 Tháng Mười, Sóc Trăng ghi nhận 128 ca nhiễm mới, trong đó có 28 ca cộng đồng, nâng tổng số ca tại tỉnh này lên 4,504 ca, gồm 35 ca tử vong.
Cùng ngày, tỉnh Trà Vinh cũng ghi nhận 60 ca COVID-19 mới, nâng số ca nhiễm lên 2,356 ca, với 22 trường hợp tử vong.
Trong ngày 25 Tháng Mười, tỉnh Bạc Liêu có đến 154 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 59 ca cộng đồng. Ổ dịch lớn nhất hiện nay xảy ra tại một công ty thuỷ sản ở thị xã Giá Rai với 700 lao động, nhưng đã có đến 131 F0 trong năm ngày qua, đang “có nguy cơ lây nhiễm cao và lan rộng.”
Trước diễn biến F0 bùng phát nhiều nơi, từ 26 Tháng Mười, Bạc Liêu ra quy định tại khu vực cấp 3 (vùng cam – nguy cơ cao), chỉ những người đã chích vaccine (1 hoặc 2 mũi) hoặc F0 khỏi bệnh mới được ra đường. Ở vùng cấp 4 (vùng đỏ – nguy cơ rất cao), người đã chích đủ hai mũi vaccine hoặc F0 khỏi bệnh mới được ra đường. Chính quyền sẽ thiết lập các chốt kiểm soát ở những khu vực này.
Một gia đình F0 được hướng dẫn điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn. (Hình: Quang Định/Tuổi Trẻ)Trong khi đó, báo Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phó giám đốc Sở Y Tế ở Sài Gòn, tại cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 chiều 25 Tháng Mười, cho biết: “Mặc dù nguy cơ cấp độ đánh giá Sài Gòn ở cấp độ 2, song thực ra số ca nhiễm mới đang có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở cấp độ 3. Như vậy, công tác kiểm soát dịch cũng như kế hoạch ứng phó vẫn ở cấp độ 3 nguy cơ cao. Do đó, chúng ta cần cực kỳ thận trọng trong tình hình hiện nay dù số ca mắc mới, ca bệnh nặng, ca tử vong đang liên tục giảm.”
Ngoài ra, cuối Tháng Mười này, Sài Gòn phải hoàn toàn tự lực trong kiểm soát dịch khi hầu hết đoàn y tế chi viện của trung ương rút đi.
“Không được chủ quan. Tôi cảm thấy lo lắng khi người dân nghe dịch đang ở cấp độ 2, đã được chích vaccine, nhưng nếu chủ quan, không tuân thủ 5K… và các quy định về an toàn của ngành y tế thì có thể dẫn đến nguy cơ dịch lây lan, số ca mắc tăng lên,” ông Châu cảnh báo. (Tr.N) [kn]
Nguồn tin: Nguyen Van Thanh:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn