Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ năm - 04/11/2021 05:50
Lội trong lớp bùn lầy lội sau trận lũ bất thường, Wang Yuetang thẫn thờ tại nơi từng là trang trại ngô và lạc tốt tươi ở tỉnh Hà Nam. Ba tháng sau khi những trận mưa xối xả gây lụt phần lớn tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, cả vùng đất canh tác màu mỡ ở địa phương thiên về nông nghiệp này vẫn ngập nước. "Năm nay chẳng thu được gì cả. Mất sạch rồi", Wang nói. "Nông dân ở những vùng trũng mất trắng mùa màng, không còn gì cả". Ông đã mất vụ hè vì lũ lụt và đến tận cuối tháng 10, đất vẫn còn quá úng nước để trồng lúa mỳ vụ đông. Một nông dân ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, trên cánh đồng ngô không còn lại gì sau những trân lũ lụt hồi mùa hè. Ảnh: AP. Ở các trang trại khác gần đó, những cây đậu héo quắt và bắp cải thối rữa chìm trong làn nước nhớp nháp, ruồi bay vo ve. Một số bắp ngô vẫn có thể thu hoạch được, nhưng bị mốc vì ngấm nước nên chỉ được bán làm thức ăn chăn nuôi với giá rất thấp. Trận lũ lụt hồi tháng 7 là thảm họa tồi tệ nhất mà những nông dân ở Hà Nam như Wang phải đối mặt trong hơn 40 năm qua, nhưng nó cũng là chỉ báo về điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà Trung Quốc có thể phải đối mặt trong những thập kỷ tới, khi Trái Đất nóng lên. "Khi khí quyển ấm lên, không khí có thể giữ ẩm nhiều hơn, vì vậy nếu bão xảy ra, chúng có thể tạo ra lượng mưa cực lớn", Richard Seager, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Columbia, Mỹ, cho biết. "Rất có thể hàng loạt trận lũ lụt nghiêm trọng mà bạn đã thấy vào mùa hè vừa qua ở Trung Quốc hay châu Âu bắt nguồn từ những thay đổi về khí hậu do con người gây ra". Trung Quốc, nước đông dân nhất trên thế giới, với 1,4 tỷ người, hiện là quốc gia góp phần lớn nhất vào biến đổi khí hậu, chịu trách nhiệm cho khoảng 28% lượng khí thải CO2 làm nóng Trái Đất. Khi các lãnh đạo thế giới dự COP26 vào tuần này, Trung Quốc đang hứng không ít chỉ trích vì không đặt ra một mốc thời gian tham vọng hơn nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay lượng khí thải carbon của nước này sẽ chững lại trước năm 2030, song các nhà phê bình cho rằng mốc thời gian mà ông đặt ra chưa kịp thời. Ông Tập không dự hội nghị COP26, nhưng đã cử một nhà đàm phán kỳ cựu đi thay thế. Các dự báo của chính phủ Trung Quốc cho thấy một viễn cảnh đáng lo ngại: Mực nước biển dâng cao đe dọa những thành phố lớn ven biển, như Thượng Hải, Quảng Châu hay Hong Kong, đồng thời hiện tượng sông băng và băng vĩnh cửu tan chảy đang đe dọa nguồn cung cấp nước cũng như các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở phía tây đất nước, điển hình là tuyến đường sắt xuyên cao nguyên Tây Tạng. Các nhà khoa học hàng đầu của chính phủ cũng dự đoán tình trạng gia tăng hạn hán, sóng nhiệt hay lượng mưa cực lớn trên khắp Trung Quốc có thể đe dọa mùa màng, đồng thời gây nguy hiểm cho các hồ chứa và những con đập, bao gồm cả đập Tam Hiệp. Người dân quan sát những chiếc ô tô ngập trong nước lũ ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 21/7. Ảnh: AFP. Trong khi đó, người dân Trung Quốc đang dần "ngấm đòn" từ ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Giới quan sát cảnh báo những người nghèo ít đóng góp nhất vào hiện tượng nóng lên toàn cầu và có ít nguồn lực nhất để thích nghi lại thường chịu tổn thương nhiều nhất từ cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Hồi cuối tháng 7, hình ảnh những trận mưa xối xả trút xuống Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, đã khiến dư luận Trung Quốc sửng sốt. Có thời điểm, lượng mưa đạt đến 20 cm chỉ trong một giờ, khiến hàng loạt ôtô bị cuốn trôi, tàu điện ngầm ngập nước và người dân phải vật lộn vượt qua biển nước ngập tới bụng. Lũ lụt khiến hơn 300 người thiệt mạng, biến những con đường cao tốc của thành phố những con kênh lầy lội. Ngay cả sau khi những cơn bão lớn đã đi qua, nước vẫn tiếp tục tích tụ ở phần lớn các vùng nông thôn vốn bằng phẳng và màu mỡ của tỉnh. Ở đây nền kinh tế phụ thuộc vào ngô, lúa mỳ và rau quả. Hà Nam còn là vựa lương thực lớn cho những khu vực khác của Trung Quốc. Theo chính quyền địa phương, gần 1,2 triệu ha đất nông nghiệp đã bị ngập với tổng thiệt hại lên tới 18 tỷ USD. "Tất cả những gì tôi có thể làm là nhìn lên trời khóc, khóc và khóc mỗi ngày", Wang, một nông dân trồng đậu phộng, chia sẻ. Những chiếc máy bơm thô sơ đã được phát cho nông dân ở Hà Nam để chống úng, song nỗ lực này là không đủ. Vô số ống nhựa mềm được dàn khắp các cánh đồng để thoát nước, nhưng chúng sau một thời gian lại bị rách, khiến nông dân phải liên tục tìm cách vá lại. Song, một nông dân 58 tuổi, cho hay, mọi tài sản của bà đều bị lũ nhấn chìm, từ nhà cửa, đồ đạc, ruộng đồng đến thiết bị canh tác. "Không còn thu hoạch được gì cả. Năm nay, những người dân bình thường như chúng tôi phải chịu khổ cả năm rồi. Dân thường là khổ sở nhất", bà nói. "Chúng tôi đã rất chăm chỉ, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà không thu được một cắc nào, thật đau lòng", Hou Beibei buồn bã tâm sự. Cô có một trang trại trồng cà tím, tỏi và cần tây nhưng đã bị chìm trong nước lũ. Đến nay, lũ vẫn chưa thoát hết. Cô đang rất lo lắng cho hai con nhỏ của mình. "Tiền học của con và tiền sinh hoạt cho cả gia đình đều trông cậy vào mảnh đất này", Hou nói. Mùa hè cũng chứng kiến một thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu khác ở Trung Quốc. Theo các chuyên gia thời tiết Mỹ, vào tháng 7, tháng nóng nhất trên Trái Đất trong 142 năm, một loài tảo xanh lục khổng lồ và độc hại đã nở rộ trên diện tích khoảng 1.750 km2, bao trùm vùng nước ven biển ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, đe dọa ngành hàng hải, đánh bắt cá và du lịch. Truyền hình nhà nước Trung Quốc phát phóng sự cho thấy người dân phải dùng xe ben để loại bỏ các ụ tảo. Một mối đe dọa nữa đối với các tỉnh ven biển của Trung Quốc là tình trạng mực nước biển dâng. Báo cáo của chính phủ cho thấy mực nước ven biển đã tăng khoảng 122 mm từ năm 1980 đến năm 2017 và dự đoán trong 30 năm tới, nước có thể tăng thêm 70 đến 160 mm. Vì các khu vực ven biển phần lớn bằng phẳng, "mực nước biển chỉ cần dâng lên một chút cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt trên một vùng đất rộng lớn", xóa sổ những tòa chung cư đắt tiền ven biển và các môi trường sống quan trọng, báo cáo từ chính phủ Trung Quốc dự đoán. Một nghiên cứu được công bố năm ngoái cho thấy dù biến đổi khí hậu ít được người Trung Quốc quan tâm so với ô nhiễm không khí và nước, họ ngày càng lo ngại về nó. Nghiên cứu của hai học giả Trung Quốc, dựa trên các khảo sát ở cả trong và ngoài nước từ cuối những năm 1990, cho thấy thay đổi nhận thức trong công chúng nước này phần lớn do các vấn đề ô nhiễm không khí dai dẳng và các chiến dịch tuyên truyền từ chính phủ. Khói bốc lên tại một nhà máy lọc dầu ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, tháng 2/2014. Ảnh: Reuters. Trong một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew trước khi Hiệp định Khí hậu Paris ra đời năm 2015, hầu hết trong hơn 3.600 người Trung Quốc được hỏi coi biến đổi khí hậu là "vấn đề nghiêm trọng về mặt nào đó". Một cuộc thăm dò khác với 4.000 người dân do Trung tâm Truyền thông về Biến đổi Khí hậu Trung Quốc thực hiện năm 2017 cho thấy mọi người lo lắng về hiện tượng Trái Đất nóng lên hơn là giáo dục, phát triển kinh tế và chống khủng bố. "Tôi nghĩ các tác động chúng ta đang trải qua sẽ gây thức tỉnh ở cấp độ quốc gia. Sẽ ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi 'Tại sao những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như thế này lại xảy ra? Đâu là nguyên nhân gốc rễ?'", Li Shuo, chuyên gia về chính sách khí hậu tại tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á ở Bắc Kinh, nhận định. "Tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc và công chúng sẽ nhận ra chúng ta thực sự đang trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu".