Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ năm - 04/11/2021 05:54
TP HCMChiếc xe của tôi đã đưa tiễn những nạn nhân Covid-19 đoạn đường cuối cùng của kiếp người. Thời gian không thể quên, nhưng cũng là một chương ký ức đáng quên nhất trong cuộc đời. Loài người đã và đang trải qua một kiếp nạn mà ai cũng muốn quên đi, nhưng lại không thể nào quên. Có những điều nghĩ đến thấy sợ, nhưng thật sự khi tham gia vào, tình đồng loại giữa người với người giúp ta vượt lên trên cả nỗi sợ hãi... Những ngày đầu mùa dịch, tôi cũng như bao người khác, cảm giác khó chịu khi không được đi làm, cả ngày ôm điện thoại. 18h mỗi ngày, cả nhà lại cùng xem số ca nhiễm, rồi buồn bã lo lắng bàn luận bên mâm cơm. Có lẽ mọi việc sẽ lặp lại trong 4 tháng giãn cách như thế, cho đến khi tôi nhận cuộc gọi lúc 20h30 từ quận đội nơi tôi sinh sống. Trước đó tôi có nói "hờ" với các anh em, nếu cần hỗ trợ cứ gọi, tôi sẵn sàng lên đường. Phía sau nhà tôi là bệnh viện dã chiến, cứ vài chục phút lại nghe tiếng xe cấp cứu, việc đó kéo dài bất kể ngày đêm. Nghe xong cuộc gọi, tôi vẫn chưa quyết định được là mình có nên tham gia không, vì hiển nhiên, ai cũng có một gia đình... Tôi lấy vội bộ đồ bảo hộ, chai nước, chai cồn, vài cái bánh quy rồi đi sang quận. Mọi thứ tôi đã chuẩn bị vì hàng ngày tôi vẫn đi trao nhu yếu phẩm cho các gia đình khó khăn. Tối nay, tôi lên đường với một nhiệm vụ mà tôi không bao giờ nghĩ mình dám làm - chở thi hài nạn nhân Covid đến nơi hỏa táng.
Tài xế Tiến trong một lần làm nhiệm vụ. Làm người ai cũng cần phải có nỗi sợ, nỗi sợ đó sẽ giúp chúng ta không làm sai. Và điều này hoàn toàn đúng với những người như chúng tôi, những người chưa từng làm công việc này. Tcả chúng tôi đều sợ. Chắc mọi người đoán là chúng tôi sợ "ma", không đâu, nỗi sợ này là nỗi sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Vì đây là một nhiệm vụ thiêng liêng, chúng tôi không được phép phạm bất kỳ sai lầm nào khi tiễn những nạn nhân Covid-19 trong đoạn đường cuối cùng của kiếp làm người. Và đêm đầu tiên đó, là đêm tôi làm quen với nỗi sợ. Tôi mặc bộ đồ bảo hộ cấp 3, đeo bao tay và lái chiếc xe tải theo xe của một chiến sỹ đến nơi đặt container trữ lạnh. Tất nhiên lúc đó thì tôi không thể quyết định ngược lại nữa rồ. Nếu tôi không tham gia vào, có khi hai mươi năm sau tôi sợ rằng mình không đủ tự tin khi kể cho con gái nghe về thời đại dịch. Có khi nó sẽ hỏi lúc đó ba làm gì, tôi muốn kể cho nó nghe nhiều thứ hơn là việc cầm điện thoại và xem số ca nhiễm hàng ngày. Tôi cứ mông lung trong các suy nghĩ và khi đến nơi đặt các container lạnh, nằm trong một con đường nhỏ với ít đèn đường, dòng suy nghĩ đã khiến tôi quên đi, giữa đêm hôm như vầy, đáng lẽ tôi đã phải bắt đầu sợ từ khi lái vào chứ? Đó là một khuôn viên khá rộng, mọi thứ từ tường cho đến mái đều rất mới, có vẻ như đây là nơi mới được xây dựng để phục vụ công tác cho dịch Covid-19. Đập vào mắt tôi là một màn sương dày, thoắt ẩn thoắt hiện những người mặc bảo hộ cấp 4 đang làm nhiệm vụ. Tôi vốn tò mò, nên trong lúc chờ đợi đến lượt mình, tôi quan sát thật kỹ những gì diễn ra xung quanh để biết rõ quy trình làm việc, cũng nhằm mục đích không phạm bất kỳ sai lầm nào. Đây là một nhiệm vụ thiêng liêng đính kèm với nỗi sợ. Một loạt container được sơn đồng màu trắng (container trữ lạnh nên không sơn màu khác). Màn sương mà tôi thấy giống như màn khói khi bạn mở ngăn cấp đông tủ lạnh ra, có khác là ở đây còn có sự pha trộn của Chloramine B, dùng để khử khuẩn. Xe tôi xếp sau nhiều xe khác và điểm khác biệt nhất là nếu bình thường, các tài xế chắc chắn sẽ xuống xe và tám chuyện với nhau. Nhưng ở đây xe nào ở yên xe đó và không ai biết sắp tới sẽ là điều gì, vì dường như đây cũng là ngày đầu tiên của nhiều người giống như tôi. Một anh - mà sau này tôi có dịp làm bạn với anh ấy - đến gõ cửa, bảo tôi tắt máy xe đi. Bộ bảo hộ thật sự có thể miêu tả giống với cảm giác bạn mặc cái áo mưa khi trời không có mưa, nhưng nếu bạn mặc áo mưa thì sẽ không bị khó thở, còn ở đây là tổng hợp những cảm giác khó chịu nhất của cơ thể: nóng, ngộp, dây thun siết chặt, tầm nhìn hạn hẹp và xin nhắc lại, nó rất rất nóng. Tôi nổ máy chiếc xe tải lớn giữa không gian tĩnh lặng và linh thiêng giữa đêm vắng, để giảm bớt cái nóng của bộ bảo hộ. Nhưng rõ ràng việc này không phù hợp lắm, vì các xe khác họ đều tắt máy.
Đoạn đường vào nơi tập kết container lạnh. Tôi tắt máy và bắt đầu đấu tranh với các đòi hỏi của cơ thể. Những người chịu đựng giỏi nhất thật ra là những người chiến thắng được đòi hỏi của bản thân, ai mà chẳng muốn thoải mái, ai mà chẳng muốn hít thở bình thường, nhưng ở cái lúc này, đến cả việc cơ bản như thở, đó cũng là một thứ phải chịu đựng. Tôi nhìn đồng hồ, lúc này là 1h30. Anh bạn lúc nãy dẫn theo vài người nữa mặc bảo hộ đến, lúc này tôi buộc phải xuống xe (dù trước đó đã hứa với vợ là chỉ ngồi trong cabin), vì họ đang làm gì đó sau thùng xe và làm người tài xế thì ai làm gì xe mình thì mình phải biết. Tôi mở cửa bước ra sau và nghe thấy câu nói khá lớn giữa đêm khuya thanh vắng: "Quét dọn sạch sẽ sàn xe để bà con nằm, quét rồi lau lại làm sao mà mình nằm thấy sạch thì mới để bà con lên". Nghe đến đây thì tôi an tâm đi lên lại cabin vì thật sự bước ra khỏi cabin là một trong những nỗi sợ của tôi vào cái ngày đầu tiên này. Khi mọi người đang yên giấc, cơn buồn ngủ cũng bắt đầu tác động đến tôi, nhưng sự khó chịu do bộ đồ khiến tôi không thể nào ngủ được, cộng thêm phần tò mò khiến tôi cứ nhìn xung quanh xem các hoạt động của mọi người. Những bóng dáng mặc bảo hộ trắng toát ấy mỗi người mỗi việc, có người thì cầm đèn pin đi vào trong container, người thì đang mở khoá cái container khác, còn một nhóm người khác thì đang khiêng các băng ca có thi thể các nạn nhân. Từng chiếc quan tài màu vàng nâu được đóng nắp lại, rồi họ cùng nhau khiêng lên thùng xe. Tôi có thể cảm nhận được sự nhọc nhằn khi phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ và cái khẩu trang N95 đúng chuẩn. Một người mà cuộc sống xoay quanh động cơ ôtô như tôi có thể miêu tả rằng giống như kiểu động cơ sắp thuỷ kích vậy, mồ hôi sẽ thấm ướt hết cái khẩu trang và việc thở sẽ càng lúc càng khó khăn, độ khó tăng dần khi hít thở không đủ sẽ khiến cơ thể rất mau mệt. Tôi nhìn chiếc xe bên trong, cứ hết hai quan thì xe nổ máy và lùi lại một chút để những người khiêng quan sẽ không phải khiêng quãng đường quá xa. Tôi biết mình phải học theo điều đó, nhưng điều đó sẽ đính kèm với một nỗi sợ khác mà tôi sẽ kể tiếp sau đây. Tuy đây là một khuôn viên rộng, nhưng đường vào khu vực để container khá nhỏ với chiếc xe tải tôi đang đi. Tất nhiên xe tải không phải là phương tiện tôi đi hàng ngày nên người hơn 30 tuổi như tôi phải biết sợ mình phạm sai lầm, đây không phải là việc có thể phạm sai lầm dù chỉ là nhỏ nhất và tôi đã tính toán rất kỹ sẽ phải đánh lái như thế nào, lùi lại bao xa trong lúc tôi chờ các xe trước. Và vì tính toán quá kỹ nên tôi đã thiếp đi lúc nào không biết, cho đến khi cửa xe tôi mở ra và anh chàng khi nãy kêu lớn: "Tui kêu gõ cửa nãy giờ không thấy dậy, nên tui mở cửa, xin lỗi anh nha. Tới anh vô đó". Cảm giác bị đánh thức khi đang đánh một giấc ngon giữa cái thời điểm không nên ngủ, giống với lúc ngủ dậy trễ giờ họp (hoặc là học nếu bạn còn trẻ), lúc đó trách nhiệm trên vai nặng hơn cơn ngái ngủ và mình phải cố gắng thật nhanh để bắt đầu. Tôi vặn chìa khoá, xe rung lên, tiếng máy dầu nổ giòn giữa đêm, từ từ tiến vào khu vực các container. Anh bạn lúc nãy có vẻ là người xông xáo nhất, anh hướng dẫn cho tôi để lùi vào đúng vị trí. Nhưng hoá ra tôi đã tính toán rất sai, chiếc xe tôi đang lái quá to để có thể quay đầu trong cái khuôn viên đó. Tôi loay hoay và cố gắng "canh" thật sát tường để có thể lùi đuôi vào, nhưng không thể. Tài cứng như tôi thì không bao giờ có chuyện mất nhiều đỏ, nên tôi quyết định lùi hẳn ra ngoài và đi vào trong bằng đuôi xe. Rõ ràng là câu "tính trước bước không qua" của ông bà xưa hoàn toàn hợp lý trong tình huống này. Tôi nhìn vào hai bên kính, tầm nhìn bị giới hạn bởi ánh sáng và lớp sương. Lớp sương trở nên dày hơn mỗi khi cánh cửa container mở ra, hoặc lúc các bạn phun khử khuẩn mỗi khi băng ca khiêng một nạn nhân ra. Tôi tắt máy và chờ đợi, tất nhiên lúc này tôi nhìn vào kính hậu và xem thật kỹ diễn biến phía sau. Ai cũng sợ, chính cái nỗi sợ khiến mỗi người tự giác hiểu nhiệm vụ mình đang làm là không thể sai sót. Tôi nhìn thấy sự cẩn thận trong từng hành động. Từ việc khiêng băng ca, bốn người cho mỗi góc, đến lúc đưa vào áo quan thì mỗi người cầm một góc của túi xác và nhẹ nhàng đưa vào bên trong. Tuy tất cả đều không phải là người chuyên nghiệp những việc này, nhưng chính nỗi sợ đã khiến cho ai cũng phải làm thật cẩn thận. Khi một quan được đưa lên xe, anh chàng lúc nãy lại đập vào thành xe, tôi biết đó là lúc nổ máy xe và lùi lại thêm một đoạn nữa. Mỗi lượt là mười bảy quan tài, khi tất cả đã xong, tôi được nhận một tệp hồ sơ để nộp cho lò hoả táng. Đoạn đường đi đến trung tâm hoả táng Bình Hưng Hoà, TP HCM mới thật sự là đoạn đường áp lực nhất. Tôi nhìn đồng hồ, lúc này đã là 4h, thú thật là tôi thấm mệt dù việc chẳng hề nặng nhọc. Đôi khi cơ bắp chưa mỏi, nhưng trí não đã mệt nhoài thì cơn buồn ngủ là thứ đáng sợ sẽ ập đến. Nhưng đây mới là đoạn đường quan trọng, vì giờ đây chỉ còn lại tôi, với chiếc xe và mười bảy đồng bào không vượt qua được con virus quái ác này. Bất kỳ một sai lầm nào trên đoạn đường này, tôi là người chịu trách nhiệm. Tôi tiễn bà con đoạn đường cuối này, tôi không muốn mình vấp phải cái ổ gà nào, tôi tự hứa với bản thân từng cú vào số, từng cú ra côn phải là những lần nhịp nhàng nhất trong đời của thằng mê xe. Ánh đèn đường vàng vọt chảy từng dòng trên kính lái, cả con đường chỉ mình tôi, và chiếc xe chở những đồng bào của tôi. Bỗng dưng lúc đó, tôi chợt lẩm bẩm, dù trước đó không định nói gì: "Bà con linh thiêng, phù hộ cho những người ở lại, cho đất nước này vượt qua đại dịch". Tôi khẽ chỉnh cái kính giữa xe quay lên trên, hiển nhiên là tôi có một nỗi sợ vô hình mà khó có thể nào diễn tả. Những ngày tháng khó khăn ấy vừa chỉ qua một tháng, nhưng với tôi, tưởng chừng như đã là chuyện cũ. (Còn tiếp)