“Con hãy nói cho toàn thế giới biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha...
Hãy làm cho cả nhân loại nhận biết Lòng Thương Xót vô biên của Cha” (x. NK 570; 580)
Chúa Nhật II Phục Sinh được Giáo Hội cử hành đại lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này nhân dịp phong thánh cho Nữ tu Maria Faustyna (thường được đánh vần là Faustina) Kowalska ngày 30 tháng Tư 2000. Vậy tại sao thế giới hôm nay cần đến Lòng Thương Xót Chúa? và Tại sao Giáo Hội lại phổ biến Lòng Thương Xót này?
Lòng Thương Xót Chúa? Để hiểu được điều này, chúng ta hãy đọc lại những gì mà Thánh sử Gioan ghi lại qua câu nói diễn tả sự hoài nghi của Tôma khi nghe các Tông Đồ khác kể cho ông biết về việc Chúa Giêsu đã hiện ra sau khi từ cõi chết sống lại: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (20:25)
Chúa Giêsu đã thỏa mãn đòi hỏi của người môn đệ đa nghi, cứng lòng, và cho cả chúng ta hôm nay nữa. Thánh Gioan viết tiếp:
“Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (20:26-27)
Chúng ta tự hỏi: Tôma đã thấy gì mà Chúa Giêsu đã bảo ông: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.” Có phải vì ông đã thấy Chúa Giêsu với cạnh sườn bị đâm thâu và tay chân bị đinh đâm thủng không? Hay vì ông đã cảm nhận được tình thương mà Ngài đã để lại trong những vết thương ấy? Những gì mà sau này Chúa Giêsu đã truyền cho Thánh nữ Faustina diễn tả qua tấm ảnh Lòng Thương Xót của Ngài. Trong tấm ảnh này, Chúa mặc áo trắng. Cánh tay phải giơ lên để chúc lành. Bàn tay trái đặt trên ngực. Từ trái tim Chúa phát ra 2 luồng ánh sáng:
- Luồng sáng màu trắng tượng trưng cho Nước, làm cho linh hồn trở nên công chính, đạo đức.
- Luồng sáng màu đỏ tượng trưng cho Máu, là sự sống của linh hồn.
Hai luồng ánh sáng này xuất phát từ lòng xót thương dịu dàng và êm ái nhất của Chúa dành cho con người.
Và cũng để hiểu thêm tại sao nhân loại, cách riêng thế giới hôm nay cần đến Lòng Thương Xót Chúa, thì chúng ta phải nhớ lại lời mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trình bày về con người và thế giới trong Thông Điệp “Evangelium Vitae” năm 1995. Ngài viết: “Nhân loại ngày nay đang sống trong nền văn minh sự chết!” Chết về thể xác và chết về tâm hồn.
Hãy thử nhìn xem đã có bao nhiêu người phải chết trong đại dịch Covid-Vũ Hán vừa qua, cũng như những hậu quả của nó còn kéo dài đến hôm nay? Hàng chục triệu người đã chết vì nhân danh khoa học, và vì những tham vọng của con người.
Hãy thử đoán xem đã có bao nhiêu người phải chết, phải thương tích, phải tù đày trong những trận chiến vô nghĩa tại Ukraine và Nga, tại Trung Đông giữa Israel, Hamas, Hezbollah, và Houthi? Tất cả họ đã chết do những khí giới tối tân, và do lòng hận thù, tàn ác của con người. Trong khói lửa chiến tranh, cơn ác mộng về một cuộc đại chiến nguyên tử đang làm kinh hãi nhân loại hôm nay.
Hãy thử tính xem hàng năm đã có bao nhiêu triệu thai nhi phải chết oan uổng, chết mà không nhìn thấy ánh sáng mặt trời do tệ nạn phá thai? Bao nhiêu gia đình tan nát, chia ly vì vợ chồng ly dị? Bao nhiêu triệu trẻ em, thanh thiếu niên bị lôi cuốn vào trào lưu đồng tính, hôn nhân đồng tính và chuyển giới.
Bầu khí của văn minh “sự chết” như bao trùm trái đất, và ảnh hưởng trên toàn thể vũ trụ. Thế giới đang rên xiết, đang bị ngộp thở bởi những tư tưởng, ước muốn ích kỷ, hận thù, tham lam, dâm ô, lừa đảo, bê tha, vô tâm, vô tình, và vô trách nhiệm… Nguyên nhân chính cũng chỉ vì nhân loại đã không nhận ra Lòng Thương Xót Chúa, không học được lòng thương xót từ Đấng đã hy sinh chính mình vì con người, và vì thế, nên con người đã đối xử với nhau bằng những trái tim và khối óc vô cảm!
Tóm lại, nhân loại ngày nay thật sự phải cần đến là Lòng Thương Xót Chúa. Chúng ta cần Chúa thứ tha. Chúng ta cần Chúa để băng bó những vết thương tâm hồn và thể xác. Và chúng ta cần phải học hỏi để biết xót thương nhau, như Chúa đã xót thương chúng ta.
Lòng Thương Xót Chúa được ban cho nhân loại hôm nay đến từ Trái Tim rất yêu thương của Chúa Cứu Thế. Trái Tim đã bị đâm thâu sau khi chết. Những giọt máu và nước cuối cùng còn đọng lại Chúa cũng cho hết, trao ban tất cả vì yêu thương nhân loại. Đây là điều mà Chúa đã mặc khải cho Thánh Nữ Faustina, nữ tu dòng Đức Mẹ Thương Xót người Balan. Ngày 22 tháng Hai 1931, Chúa Giêsu đã hiện ra với nữ tu và dạy chị thực hiện một tấm ảnh diễn tả về Lòng Thương Xót Chúa, với dòng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa” phía dưới tấm ảnh. Ngài còn hiện ra nhiều lần với chị, và trong cuốn nhật ký của mình, chị Faustina đã ghi lại 14 lần khác nhau mà qua đó Chúa Giêsu đã bày tỏ ước muốn thiết lập Lễ Lòng Thương Xót.
Thánh Faustina, qua đời ngày 5 tháng Mười 1938, hưởng dương 33 tuổi, và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 30 tháng Tư 2000. Cũng chính ngày này ngài đã thiết lập Lễ Lòng Thương Xót như lòng Chúa ước mong để phổ biến thông điệp tình yêu nhân hậu của Ngài, và để nhân loại biết cách tìm đến Lòng Thương Xót Chúa như liều thuốc hồi sinh nếu như hít phải bầu khí văn minh sự chết.
Lòng Thương Xót Chúa không chỉ là con đường nên thánh của thánh nữ Faustina, mà cũng là con đường dẫn đưa vị Giáo Hoàng người Balan được tôn vinh trên bàn thờ. Thánh Gioan Phaolô II được phong hiển thánh năm 2014 chỉ ít năm sau khi qua đời vào năm 2005. Ngài không chỉ là người đã thiết lập Lễ Lòng Thương Xót Chúa, mà còn là một nhân chứng của tình thương này. Ngài là Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót. Tiểu sử ngài đã kể lại, ngài được cứu thoát trong gang tấc sau cuộc ám sát gây chấn động thế giới ngày 13 tháng Năm 1981 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Đức Mẹ can thiệp và Chúa đã lưu lại ngài cho sứ mạng truyền bá Lòng Thương Xót của Ngài.
Qua hai tấm gương thời danh, Thánh Faustina và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, những tông đồ phổ biến và truyền rao Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta cũng có thể kể đến vị giáo hoàng không mệt mỏi để nói và bênh vực cho những người nghèo, những người bị bỏ rơi, quên lãng, những người bị xã hội xa tránh. Đó là Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa được Chúa gọi về nhà cha ngày 21 tháng Tư 2025 sau 12 năm trên ngôi Giáo Hoàng. Tình thương xót của ngài phản ảnh của Lòng Thương Xót Chúa. Ngoài ra, chúng ta còn cùng với Giáo Hội đề cao tấm gương của một tông đồ trẻ, Chân Phước Carlo Acutis, tông đồ Thánh Thể qua đời vì bệnh ung thư máu năm 2006 lúc mới 15 tuổi. Chân Phước Carlo Acutis đã được dự trù phong Hiển Thánh vào Chúa Nhật Lòng Thương Xót, 27 tháng Tư 2025, nhưng do biến cố Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời nên chương trình đã bị đình hoãn.
Lòng Thương Xót Chúa rất gần gũi, rất liên kết với Mầu Nhiệm Thánh Thể. Chúa Giêsu đã chẳng nói rằng Ngài ước ao ở cùng nhân loại cho đến tận thế sao? Chúa đã chẳng sung sướng, và vui mừng để ngự vào lòng chúng ta, và để trở thành nguồn sức sống cho chúng ta đó sao? Ngài chính là thần lương, là thuốc trường sinh cho chúng ta nếu như không khí sự chết của thế giới này khiến chúng ta phải yếu đau phần hồn, cũng như phần xác.
“Lạy Chúa Giêsu! Con Tín Thác nơi Chúa.” Lời nguyện này cũng chính là những lời mà Chúa muốn chúng ta thưa lên với Ngài mỗi khi thấy lòng mình bị chao đảo, bị thử thách. Để tránh phải hít thở không khí văn minh sự chết giữa thế giới hôm nay, chúng ta hãy đến ẩn mình trong những vết thương của tình yêu Chúa. Và hãy siêng năng lãnh nhận sức sống của tình yêu Ngài qua Bí tích Thánh Thể.
Chúa Nhật Lòng Thương Xót 2025
Nguồn tin: Trần Mỹ Duyệt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn