Bạn cảm thấy thế nào sau khi tiêm vắc-xin COVID-19? Đối với bản thân tôi, mũi tiêm thứ nhất đem lại trải nghiệm không mấy dễ chịu. Trong 3 ngày liên tiếp, tôi đã bị sốt, đau mỏi cơ bắp, đặc biệt là cánh tay nhận mũi tiêm sưng đến nỗi không thể cầm khăn tắm được.
Mũi tiêm thứ hai 2 tháng sau đó thì dễ chịu hơn. Không có bất kỳ tác dụng phụ nào phía trên lặp lại với tôi ngoại trừ một chút khó chịu ở vị trí tiêm. Lần gần đây nhất, mũi tiêm thứ ba đưa tôi trở lại những trải nghiệm sau mũi tiêm đầu, nhưng tất cả tác dụng phụ đều ở mức nhẹ và không kéo dài quá 1 ngày.
Tôi đã từng cho rằng thứ tự đó là một điều hiển nhiên, khi cơ thể bạn mới tiếp xúc với một vắc-xin hoàn toàn mới, hệ miễn dịch của bạn sẽ phải phản ứng mạnh nhất. Những mũi tiêm nhắc lại sau này dĩ nhiên sẽ nhẹ hơn, khi cơ thể đã quen dần với sự hiện diện của các kháng nguyên COVID-19.
Thế nhưng sau khi đọc một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Network Open, tôi chợt nghĩ có thể mọi chuyện không tự nhiên diễn ra như vậy. Đặc biệt là trong mũi tiêm thứ nhất, có vẻ tôi đã bị vướng vào một hiệu ứng gọi là nocebo, theo đó, những tác dụng phụ quá mức của vắc-xin chỉ là kết quả từ trí tưởng tượng.
Tôi đã tự tưởng tượng ra mình bị sốt chỉ để hợp lý hóa 2 ngày nghỉ phép, nghĩ rằng mình đang mệt nhừ người vì một người bạn đã tiêm vắc-xin trước đó nói vậy. Còn cánh tay sưng, nó có thể đã sưng thật – nhưng chỉ là một chút chứ không đến nỗi nghiêm trọng như tôi mô tả.
Tất cả tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19, đối với riêng tôi, hóa ra chỉ là hiệu ứng nocebo.
Nocebo trong tiếng Latinh có nghĩa là "Tôi sẽ làm hại bạn". Thuật ngữ này lần đầu tiên được Walter Kennedy, một bác sĩ người Mỹ sử dụng vào năm 1961 để chỉ kỳ vọng tiêu cực của một người đối với một liệu pháp y tế dẫn tới các tác dụng phụ tiêu cực của nó.
Nocebo vì vậy xuất phát từ chính tâm lý tưởng tượng của bệnh nhân chứ không phải từ các dược tính có thật của thuốc hay liệu pháp. Chẳng hạn, khi bạn đọc hướng dẫn sử dụng một loại thuốc và quá chú ý hoặc lo lắng đến phần ghi tác dụng phụ của nó, bạn nhiều khả năng sẽ gặp phải các tác dụng phụ ấy ngoài đời thật.
Hàng trăm nghiên cứu và các thí nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng được thực hiện trong hơn nửa thế kỷ qua đã cho thấy: Khi các bác sĩ giải thích kỹ tác dụng phụ của một loại thuốc cho 2 nhóm bệnh nhân, rồi cho một nhóm uống thuốc thật và một nhóm uống giả dược (là những viên nang chỉ chứa chất trơ như tinh bột), thì cả hai nhóm đều gặp phải các tác dụng phụ được bác sĩ giải thích.
Trong nhóm được uống thuốc thật, những tác dụng phụ đó có thể giải thích được là do dược tính của thuốc. Nhưng trong nhóm uống giả dược, chắc chắn đó chỉ là hiện tượng nocebo.
Và ngay cả khi các tác dụng phụ của thuốc là có thật, việc bị ảnh hưởng bởi nocebo cũng sẽ khiến bệnh nhân trong nhóm uống thuốc thật trải nghiệm tác dụng phụ với mức độ nặng hơn. Điều này cũng được tính là một dạng nocebo.
Trở lại với nghiên cứu mới trên tạp chí JAMA Network Open, các tác giả đến từ Trường Y Harvard đã phân tích tổng cộng 12 thử nghiệm lâm sàng trên 45.380 người. Trong số đó, 22.802 người đã được tiêm vắc-xin COVID-19 thật và 22.578 bệnh nhân còn lại được dùng giả dược (tiêm nước muối). Không ai trong số người tham gia biết họ đã được tiêm vắc-xin thật hay giả dược.
Sau mũi tiêm đầu tiên, 46,3% người nhận được vắc-xin thật báo cáo các tác dụng phụ toàn thân, phổ biến nhất là nhức đầu và mệt mỏi. Tỷ lệ cao hơn, 66,7% báo cáo về tác dụng phụ tại chỗ, chẳng hạn như đau nhức hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm.
Nhưng những bệnh nhân dùng giả dược cũng gặp phải các tác dụng phụ đó, với 35,2% báo cáo tác dụng toàn thân và 16,2% báo cáo tác dụng phụ tại chỗ.
Dựa trên so sánh tỷ lệ giữa hai nhóm, phân tích của các nhà nghiên cứu Harvard kết luận: Hiệu ứng nocebo đã gây ra tổng cộng 76% tác dụng phụ toàn thân và 24% các tác dụng tại chỗ sau mũi vắc-xin đầu tiên. Con số ở liều tiêm thứ hai thấp hơn một chút, nhưng vẫn ở mức 52%.
Điều đó có nghĩa là nhiều người trong số chúng ta cảm thấy đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi hoặc thậm chí sốt sau khi tiêm vắc-xin COVID-19, nhiều khả năng đó chỉ là hiệu ứng nocebo và tôi sẽ tự tính mình vào nhóm những người đã trải nghiệm nó.
Nguồn gốc của từng hiệu ứng nocebo cụ thể phần nhiều vẫn là bí ẩn đối với các nhà khoa học. Nhưng có một điều chắc chắn, họ biết nocebo là một sản phẩm tự thân của não bộ. Bởi giả dược hoàn toàn trơ về mặt hóa học, nó không thể kích hoạt bất cứ phản ứng hóa học nào trong cơ thể bạn.
Nhưng tâm trí con người thì ngược lại, nó là một thứ gì đó rất mạnh mẽ. Tâm trí không chỉ có khả năng tự thuyết phục chúng ta tin vào một điều gì đó, mà còn khiến cơ thể tạo ra các triệu chứng giả dựa trên một số con đường thần kinh và sinh hóa bí ẩn.
Ví dụ về hiệu ứng nocebo làm tăng nặng cơn đau.
Tiến sĩ John Kelley, phó giám đốc chương trình nghiên cứu giả dược tại Trường Y Harvard cho biết: "Đó là sức mạnh của trí tưởng tượng. Nếu bạn yêu cầu ai đó tưởng tượng ra một khung cảnh trực quan trong tâm trí họ, bạn có thể thấy trên ảnh chụp MRI ở khu thùy chẩm của họ - phần não liên quan đến thị giác - được kích hoạt.
Nếu bạn bảo mọi người tưởng tượng đang thực hiện một số hoạt động thể chất, bạn sẽ thấy vỏ não vận động của họ kích hoạt. Chỉ cần tưởng tượng điều gì đó đang xảy ra là đủ để kích hoạt các vùng của não gắn liền với suy nghĩ đó, kể cả sự lo lắng hoặc đau đớn".
Trong trường hợp bạn nghĩ mình sẽ bị sốt, mệt mỏi hoặc đau cánh tay sau tiêm vắc-xin COVID-19, có thể chính các phần não bộ liên quan đến phản ứng sốt, mệt mỏi và đau đớn của bạn sẽ được kích hoạt. Và não bộ bắt đầu thuyết phục bạn tin vào đó, bằng một chuỗi phản ứng sinh hóa.
Các nhà khoa học đã phát hiện trong các nghiên cứu giả dược cho thấy hiệu ứng nocebo có thể kích hoạt cảm giác đau nặng hơn bằng việc kìm hãm vùng não bộ giải phóng dopamine, là một chất thần kinh có tác dụng giảm đau, và tăng giải phóng chlolecystokinin, một hóa chất thúc đẩy những cơn đau trong cơ thể, khiến bạn nhạy cảm hơn với chúng.
Nguồn tin: Nguyen Van Thanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn