Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 26/02/2022 08:15
Ukraine từng tin có thể dựa vào những hứa hẹn bảo đảm an ninh từ phương Tây, nhưng thất vọng khi nhận ra chỉ còn một mình đối đầu với Nga. Trong bài phát biểu qua video rạng sáng nay, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói Ukraine đã bị bỏ rơi khi phải đương đầu với cuộc tấn công của Nga. "Bất kể tôi đã có bao nhiêu cuộc trao đổi với các lãnh đạo nước ngoài, tôi chỉ nghe được vài điều. Đầu tiên là chúng ta được hỗ trợ. Tôi biết ơn từng quốc gia đã giúp chúng ta một cách cụ thể, không chỉ bằng lời nói. Nhưng điều thứ hai là chúng ta đã bị bỏ lại một mình trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Ai sẵn sàng chiến đấu cùng chúng ta? Thành thật mà nói, tôi chẳng thấy ai", ông Zelensky nói. Lãnh đạo Ukraine tỏ rõ nỗi thất vọng giữa lúc đất nước ông quay cuồng trong đòn tấn công từ nhiều phía của Nga. Theo ước tính sơ bộ, cuộc tấn công của Moskva đã khiến 137 người chết trong ngày đầu tiên.
Người phụ nữ bật khóc sau cuộc tấn công rocket vào thủ đo Kiev ngày 25/2. Ảnh: AP. Chia sẻ với VnExpress, Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và hiện là giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, nói nỗi thất vọng này xuất phát từ việc phương Tây từ chối can thiệp hoặc cung cấp vũ khí hạng nặng để giúp Ukraine chống lại Nga. Jens Stoltenberg, tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hôm qua cho biết liên minh không có quân đội đóng ở Ukraine và không có kế hoạch triển khai quân tới quốc gia này. "Chúng tôi đã và sẽ tăng cường sự hiện diện của quân đội NATO ở sườn phía đông của liên minh", ông cho biết. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận điều động tăng viện cho sườn đông của NATO ở châu Âu, bao gồm 7.000 quân nhân thuộc các lực lượng bộ binh và không quân. "Lực lượng của chúng tôi đang và sẽ không tham gia xung đột", ông Biden nhấn mạnh. Năm 2008, các lãnh đạo NATO hứa hẹn với Ukraine rằng quốc gia này một ngày nào đó sẽ có cơ hội gia nhập liên minh, thắp lên niềm hy vọng tràn trề ở Kiev dù điều này chắc chắn vấp phản đối của Nga. Nhưng 14 năm đã qua, lời hứa đó chưa được thực hiện, đồng nghĩa Kiev không được nhận sự bảo vệ của NATO với tư cách thành viên liên minh. Ngoài giấc mơ gia nhập NATO xa vời, chuyên gia Carl Schuster cho rằng nỗi thất vọng của Ukraine còn bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa hơn. Sau khi tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô năm 1991, Ukraine được thừa hưởng khoảng 1.800 vũ khí hạt nhân gồm vũ khí chiến thuật tầm ngắn và tên lửa hành trình. Và chính Mỹ đã thuyết phục Kiev từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, Mỹ, Anh và Nga cam kết cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine, đổi lại Ukraine "cam kết loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân trong khoảng thời gian nhất định". Cam kết quan trọng nhất của ba nước là "tái khẳng định nghĩa vụ của họ để kiềm chế bất kỳ mối đe dọa hoặc động thái sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine". Họ cũng cam kết "kiềm chế hành động áp bức kinh tế" đối với Ukraine và "tìm kiếm hành động lập tức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để hỗ trợ cho Ukraine" trong trường hợp có "hành động tấn công" vào nước này. Với tất cả đảm bảo an ninh này, Ukraine đã trao trả toàn bộ vũ khí hạt nhân cho Nga năm 1996. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã "giết chết" Bản ghi nhớ Budapest vào năm 2014, khi sáp nhập bán đảo Crimea, theo bài viết Ukraine đã bị phản bội ở Budapest như thế nào trên WSJ. "Nhiều người tin rằng Nga sẽ không tấn công nếu Kiev còn vũ khí hạt nhân", Schuster nói.
Các mũi quân Nga tiến vào Ukraine. Đồ họa: NY Times. Lãnh đạo các nước phương Tây chỉ trích Nga phát động "cuộc tấn công vô cớ và phi lý" gây thiệt hại về người và của cho Ukraine, đồng thời khẳng định sẽ áp thêm các lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Moskva. Tuy nhiên, đó dường như là tất cả những gì phương Tây cung cấp cho Ukraine. "Tổng thống Zelensky và người dân Ukraine cảm thấy thất vọng. Và họ sẽ ngày càng cảm thấy cay đắng hơn trong thời gian tới", chuyên gia Mỹ nhận định.
Ukraine cầu viện các nước Đông Âu Tổng thống Ukraine Zelensky yêu cầu các nước đồng minh Đông Âu hỗ trợ chống lại cuộc tấn công của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm nay thông báo trên Twitter rằng ông đã điện đàm với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda về "viện trợ quốc phòng, áp lệnh trừng phạt và gây áp lực lên kẻ tấn công", nhằm gây sức ép Nga ngồi vào bàn đàm phán. Tổng thống Ba Lan cũng xác nhận đã điện đàm với ông Zelensky, nhưng không nêu bất cứ đề nghị viện trợ nào. Duda nói thêm máy bay không người lái của Nga đang ném bom các khu dân cư.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu toàn quốc hôm nay. Ảnh: AFP. Tổng thống Ukraine khẳng định Moskva sẽ phải trao đổi với Kiev để chấm dứt cuộc chiến. "Không sớm thì muộn Nga cũng sẽ phải nói chuyện với chúng tôi. Nói về cách kết thúc giao tranh và ngăn chặn cuộc xâm lược này. Cuộc trò chuyện bắt đầu càng sớm thì càng ít tổn thất cho chính Nga", Zelensky phát biểu qua video. Lãnh đạo Ukraine cũng nói rằng nước này đã bị "bỏ rơi" khi loạt lãnh đạo châu Âu đều tỏ ra ngần ngại, không phản hồi nguyện vọng gia nhập NATO của Kiev. "Hôm nay, tôi đã trực tiếp hỏi 27 lãnh đạo châu Âu liệu Ukraine có được gia nhập NATO hay không. Mọi người lo sợ, không trả lời. Nhưng chúng ta không sợ, chúng ta không sợ bất cứ điều gì", Zelensky nhấn mạnh. Nga thông báo mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào sáng 24/2. Lực lượng Nga đã tiến vào Ukraine từ nhiều hướng, gồm phía tây nước Nga, bán đảo Crimea và lãnh thổ Belarus. Lực lượng ly khai miền đông Ukraine cũng mở các cuộc tấn công vào nhiều khu vực do quân chính phủ kiểm soát, chiếm được hai thị trấn tại Lugansk. Ukraine thông báo 137 người chết và 316 người bị thương. Dòng người Ukraine đang đổ về các nước láng giềng châu Âu và Mỹ cũng tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn Ukraine. Tổng thống Zelensky đã phát lệnh tổng động viên, yêu cầu nam giới 18-60 tuổi không rời đất nước.
Các mũi quân Nga tiến vào Ukraine. Đồ họa: NY Times.
Nguồn tin: Thanh Tâm, Ngọc Ánh (Theo Times of Israel)