THOẢ HIỆP LÀ NHƯỢNG BỘ ĐỨC TIN?

Thứ ba - 19/11/2024 18:25
tải xuống (4)
tải xuống (4)

Ở đời người ta hay tìm cách “thoả hiệp” khi gặp khó khăn. Thoả hiệp là giải pháp an toàn cho bản thân và tập thể. Thoả hiệp thường đi kèm với nhượng bộ, nhân nhượng có khi còn đi sai nguyên tắc, quy ước đã lập ra.

Là người ky-tô hữu thì không bao giờ tìm thoả hiệp, vì không thể hy sinh những nguyên tắc trong luật của Chúa và Giáo Hội. Bởi vì, sự thỏa hiệp đòi hỏi phải từ bỏ một phần quan điểm của mình để nhượng bộ cho đối phương, mà đối phương của chúng ta lại là Satan và những người đi theo nó.

Các thánh tử đạo Việt Nam là những người làm chứng cho đức tin giữa thế gian nên không thể nhượng bộ những cám dỗ danh lợi thú của thế gian và những đe doạ tính mạng từ vua chúa trần gian. Một nghĩa nào đó thì tử đạo tức là từ chối thoả hiệp để trung kiên với niềm tin của mình. Như Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh đã nhiều lần bị bắt giam vì hoạt động tôn giáo và giảng đạo . Ngài bị tra khảo và bị ép buộc phải chối bỏ niềm tin Kitô giáo. Theo luật lệ thời đó, những ai chấp nhận bước qua Thánh Giá - một biểu tượng của Kitô giáo - sẽ được tha tội và không bị hành quyết. Tuy nhiên, Lê Bảo Tịnh, dù bị đe dọa và đánh đập dã man, đã từ chối bước qua Thánh Giá, từ chối thỏa hiệp với yêu cầu của chính quyền. Ngài kiên quyết giữ vững đức tin và không bao giờ chối bỏ Thiên Chúa. Ngài từng nói: “Tôi sẽ không bao giờ chối bỏ Chúa của tôi. Nếu cần, tôi sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho đức tin Kitô giáo mà tôi tin tưởng.” Sau đó, ngài bị kết án tử hình bằng hình phạt chém đầu vào ngày 6 tháng 4 năm 1857.

Với thánh Anrê Dũng lạc, dù quan quân mở lối thoát bằng việc cho giáo dân đem tiền chuộc, nhưng ngài vẫn cương quyết chối từ. Các giáo dân đã tới trại giam khuyên nhủ cha rằng: "Thưa cha, cha chịu chết thì một mình cha lên thiên đàng, mà nếu cha còn ở lại thì bổn đạo chúng con được nhờ, vậy xin cha nghĩ lại". Nhưng cha Lạc đã cấm họ đem tiền chuộc, cha nói: "Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba, thì đó đúng là thánh ý Chúa định cho tôi như vậy, anh chị em đừng mất tiền chuộc tôi làm gì. Tôi cũng như Thánh Phêrô, khi phải bắt lần trước được giáo dân cầu nguyện cho và được về, lần thứ hai giáo dân cũng lo liệu cho được thoát khỏi, nhưng ý Chúa đã định cho tôi phải chết vì Người như thánh Phêrô, thì xin anh em đừng chuộc tôi nữa".

Là con cháu các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta luôn tự hào vì có các vị tiền nhân đã quả cảm để sống niềm tin, nhưng liệu rằng chúng ta hôm nay còn mấy ai dám khước từ những thoả hiệp trần gian để trung kiên với đức tin của cha ông để lại? Vì đâu đó, vẫn còn những con người vì chút bổng lộc trần gian đã bỏ đạo, đã chống đối đạo. Vẫn còn đó những con người vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của con cái đã không tuân giữ luật Chúa nên gây gương mù gương xấu cho anh em. Vẫn còn đó những con người vì tiền mà bán mình, bán con để kiếm đồng đola bất chính. Họ thà rằng lỗi luật Chúa còn hơn là bỏ lỡ cơ hội lấy tiền, lấy bạc. Họ thà rằng mất mặt với bà con xóm làng còn hơn là mất túi ba gang mà “quạ đen ban tặng”. Vẫn còn đó những con người bỏ Chúa chứ không bỏ tiền, bỏ Chúa chứ không bỏ tình, bỏ giáo hội chứ không bỏ danh vọng trần gian.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hay Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam?

Theo cách dùng chính thức và truyền thống trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, danh hiệu đúng cho ngày lễ kính các vị tử đạo là "Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam". Cụm từ này nhấn mạnh danh xưng tôn kính dành cho các vị thánh tử đạo là người Việt Nam, tức những tín hữu đã hy sinh mạng sống vì đức tin tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cách gọi "Lễ Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam" cũng thường được sử dụng, dù ít phổ biến hơn. Cách gọi này nhấn mạnh về địa điểm nơi các vị thánh chịu tử đạo (tại Việt Nam), nhưng có thể khiến một số người hiểu nhầm rằng các vị thánh có thể không phải là người Việt Nam.

Vì vậy, "Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam" được xem là danh xưng chính thức và chuẩn xác hơn, phù hợp với ý nghĩa và tinh thần của ngày lễ trong truyền thống Công Giáo Việt Nam.

Vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, trong lễ tuyên thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam, các ngôn ngữ phụng vụ bao gồm tiếng Latinh được sử dụng, đặc biệt là trong các phần quan trọng của Thánh Lễ như công bố sắc tuyên thánh. Tiếng Latinh thường được chọn trong các nghi thức quan trọng của Giáo Hội để duy trì tính truyền thống và tính phổ quát trong các sự kiện tôn giáo long trọng như lễ tuyên thánh.

Trong Thánh Lễ này, các vị tử đạo Việt Nam được tuyênn bố với danh hiệu Sancti Martyrēs Vietnamēnsēs (được dịch là: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam), biểu thị lòng tôn kính dành cho những tín hữu đã hy sinh mạng sống vì đức tin tại Việt Nam.

Tiếng Pháp là: The Holy Martyrs of Vietnam, Les Saints Martyrs du Vietnam

Trong tiếng Pháp, từ "du" là dạng rút gọn của "de le" (của + le), mang nghĩa là "của" hoặc "thuộc về". Vì vậy, "Les Saints Martyrs du Vietnam" có nghĩa là "Các Thánh Tử Đạo của Việt Nam" hoặc "Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Do đó, theo tiếng La-tinh và Tiếng Pháp thì không dùng chữ tại Việt Nam. Dù có những vị không phải gốc Việt nhưng các ngài đã mang tâm tình của Giáo hội Việt Nam và làm chứng cho tin mừng trên quê hương đất nước Việt Nam.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam là cha ông của chúng con, xưa các ngài đã dùng máu đào để bảo vệ đức tin xin gìn giữ chúng con luôn trung kiên theo Chúa, dám khước từ danh lợi thú trần gian để nên chứng nhân cho Nước Trời trong cuộc sống hôm nay. 

 

Nguồn tin: Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập181
  • Hôm nay11,776
  • Tháng hiện tại274,938
  • Tổng lượt truy cập35,921,283
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây