TẠI SAO CHÚNG TA LẠI CHẾT?

Thứ ba - 19/11/2024 18:35
TẠI SAO CHÚNG TA LẠI CHẾT?

Nếu Chúa muốn chúng ta hạnh phúc và dựng nên chúng ta để sống, thì tại sao Ngài lại bắt chúng ta phải chết thể lý và chịu mọi đau khổ khi mất người thân và phải chia ly?

Sophocles lưu ý trong tác phẩm Antigone của mình: “Có rất nhiều điều kỳ diệu trên thế giới, nhưng không có gì vĩ đại hơn con người... Mặc dù con người đã biết cách tưởng tượng ra nhiều phương thuốc chống lại những căn bệnh dai dẳng nhất, nhưng chỉ có cái chết là con người sẽ không bao giờ có thứ bùa ngải nào cho phép họ trốn thoát”. Thực vậy không gì rõ ràng hơn, cũng không gì phổ biến hơn cái chết. Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo cho phép xem xét cái chết theo một cách khác, vì sự sống lại sau cái chết là nền tảng của sự sống đó. Nếu Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rm 6:23), thì Thánh Phêrô lại khẳng định rằng “Tội lỗi của chúng ta, chính Ngài đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Ngài phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2,24) 

Tại sao tiếp tục đau khổ, qua cái chết? 

Cái chết thân xác là một thử thách vì chúng ta được dựng nên để sống, tuy nhiên đó là điều kiện sine qua non - không thể không có - để bước vào cuộc sống vĩnh cửu vì không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà không chết: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33, 20). Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có cái nhìn khác về cái chết thân xác mà tất cả chúng ta phải gánh chịu? Vì Thiên Chúa tạo dựng con người để sống đời đời, để sống vĩnh viễn “nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài”, nên cái chết không phải là cách Thiên Chúa chuẩn bị cho Ơn Cứu Độ qua Lịch Sử sao? Điều này được minh họa cụ thể qua dụ ngôn về hạt lúa mì: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12:24-25). Đức giám mục Beau giải thích trong một hội nghị các tu sĩ Dòng Bênađô: “Cái chết là hậu quả của tội nguyên tổ, và qua cái chết, con người rời bỏ thân phận tội nhân để bước vào cuộc sống vĩnh cửu.”

Cái chết vẫn không kém phần đau lòng, chính vì con người được tạo dựng để sống; không phải để chia ly, mà là để kết hợp. Chính Chúa Giêsu đã khóc khi đối mặt với cái chết của bạn mình là Ladarô. Những giọt nước mắt này không chỉ là bằng chứng về nhân tính của Ngài, mà còn chứng thực rằng Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu, khóc khi đối mặt với cái chết vì Ngài không muốn điều đó. Hơn nữa, chính sự công phẫn lớn lao này, đã không biện minh được cho chính nó, mà lại còn minh chứng cho thuyết vô thần: làm thế nào để tin vào một Thiên Chúa Tình Yêu khi tôi biết rằng tôi sẽ chết và những mối liên kết mà tôi xây dựng với những người khác trong cuộc hành trình của tôi trên trần gian sẽ bị cái chết phá vỡ? 

Thay đổi quan niệm phàm nhân của mình về cái chết 

Trong sách Sáng Thế có hai cây: cây biết điều thiện và điều ác mà trái của nó bị cấm và cây sự sống, trái của nó được phép ăn, vì nó ban cho loài người sự sống vĩnh cửu. Đức giám mục Beau nói tiếp: “Vì vậy, Thiên Chúa đã dựng nên con người để sống đời đời. Vậy thì, chúng ta phải chuyển hướng quan niệm của con người, rằng tất cả chúng ta sẽ chết thì mới hiểu được con người dưới ánh sáng của những gì Đấng Tạo Hóa nói về con người: con người được tạo dựng để sống vĩnh cửu “nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài”. Khi rời Vườn địa đàng, phản ứng của con người là nghĩ rằng mình đang bị trừng phạt. Tuy nhiên, nếu cái chết không can thiệp, con người sẽ mãi mãi là tội nhân. Thế mà tất cả Lịch sử cho thấy rằng sau đó Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi Ngài đã phải xây dựng lại mối liên kết với sự sống vĩnh cửu để trả lại cho con người trái cây mà họ đã đánh mất trong khu vườn”. 

Cũng chính trong một khu vườn mà Chúa Kitô hiện ra với Maria Mađalêna, vào buổi sáng phục sinh, giống như một Vườn Địa Đàng mới, nơi con người, sau khi được cứu chuộc bằng cái chết của Chúa Giêsu, cuối cùng được tái sinh. Đây là điều mà Thánh Phaolô Tông đồ biện giải:

“Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Chúa Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Ngài, chúng ta đã cùng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Chúa Kitô nhờ được chết như Ngài đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Ngài, nhờ được sống lại như Ngài đã sống lại” (Rm 6,3-5).  

Nếu Chúa Giêsu thực sự sống lại, tại sao chúng ta phải tiếp tục chịu đau khổ và chết?

Đức tin Kitô giáo cho thấy chắc chắn rằng cuộc sống của chúng ta ngày nay đã là cuộc sống vĩnh cửu rồi. Chúng ta vui hưởng vị êm dịu cũng như phải mang hết mọi gánh nặng của cuộc đời, và chính trách nhiệm này đã mang lại sức mạnh cho cuộc sống của chúng ta. Vì chúng ta không chỉ làm việc cho cuộc sống này mà còn cho cuộc sống vĩnh cửu vốn dĩ đã bắt đầu qua sự sống lại của Chúa Kitô. Vâng, sự sống lại đã xảy ra, nếu không, như Thánh Phaolô đã nói trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, “Nếu Chúa Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (Cr 15:14). Sự sống lại là nền tảng đức tin của chúng ta. Và chúng ta đã cảm nghiệm sự sống lại ấy ngay hôm nay. Tại sao sau đó lại tiếp tục đau khổ và chết? Đúng thế, nếu cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu thì câu hỏi như thế sẽ được đặt ra. Có thể nói rằng cuộc sống mà tôi đang sống ngày hôm nay dù có thấm nhuần sự sống vĩnh cửu rồi thì cũng không phải là cuộc sống vĩnh cửu. Nó chỉ mới sinh ra những hoa trái đầu tiên thôi.

Đó vẫn là một cuộc sống mang dấu ấn của nhân loại chúng ta, với những yếu đuối và tội lỗi của nó, đó là dấu hiệu cho thấy cuộc sống của chúng ta hôm nay chưa phải là sự sống vĩnh cửu, ngay cả khi nó thấm nhuần sự sống vĩnh cửu. Tội lỗi là gì? Adam và Eva đã mất gì do tội lỗi trong Sách Sáng Thế Ký chương 3? Vì tội lỗi nên họ bị trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng, họ mất đi sự bất tử đã được ban cho họ từ ban đầu. Họ rời xa cây sự sống giữa Vườn Địa Đàng. Ngày nay chúng ta vẫn cảm nghiệm được thực tại của cái chết, nghĩa là việc đi vào sự sống viên mãn, hạnh phúc vĩnh cửu vẫn luôn phải trải qua cái chết.

Sự phục sinh của Chúa Kitô đã mở lại cánh cửa thiên đàng cho chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn chưa được đưa vào thiên đàng cách trọn vẹn. Thánh Phaolô viết: “Tôi hoàn thành trong thân xác mình những gì còn thiếu nơi những đau khổ của Chúa Kitô” (Cl 1:24). Chữ “hoàn thành” gợi ý rằng có điều gì đó đã được ban cho rồi. Thực ra Thiên Chúa đã ban cho chúng ta mọi sự rồi, nhưng chúng ta chưa có khả năng tiếp nhận mọi sự từ cuộc sống này. Chúng ta phải tiếp tục hiện thực hóa cuộc sống vĩnh cửu trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Phải chăng điều này có nghĩa là những đau khổ và thử thách của chúng ta đều thông phần với những đau khổ của chúa Kitô? Chúa Kitô đã vượt qua những đau khổ và thử thách… Ngài đã trải qua những đau khổ và thử thách vì chúng ta, những đau khổ và thử thách không phải là điểm cuối. Việc trải qua một số thử thách có thể cực kỳ khó khăn và đau đớn. Chẳng hạn, tôi sẽ không nói với cha mẹ của những đứa trẻ khuyết tật rằng tôi biết mọi thứ đều ổn. Nhưng tôi nhận thấy những ai xác tín rằng Chúa Kitô đã sống lại thì họ có cách nhìn khác về những thử thách mà họ đang trải qua. Những thử thách vẫn còn đau đớn, nhưng chúng giúp họ lớn lên trong đức tin, và thậm chí còn coi chúng là một lợi ích cho họ. Sự sống lại giống như một ánh đèn sân khấu tập trung soi chiếu vào cuộc sống hiện tại của họ và khiến họ nhìn cuộc sống mình từ một góc độ khác. Điều này không làm giảm bớt sự đau khổ và đau đớn, nhưng cho phép chúng ta cảm nghiệm đau khổ và đau đớn đó một cách khác.

Nghĩa là ngay cả trong đau khổ và đau đớn, người ta vẫn có thể trải nghiệm niềm vui phục sinh... Chắc chắn rồi. Có những người cha người mẹ mất đi đứa con bé nhỏ mà họ hết lòng yêu thương. Chính họ sẵn sàng nói, họ đã khám phá ra trong tâm hồn đau khổ của họ một hình thức niềm vui đến từ Chúa Kitô.

Trong niềm vui Phục Sinh này, chúng ta có thể nói gì với những người đang trải qua những thử thách nặng nề? Để giữ hy vọng? Chúng ta không chắc chúng ta có thể nói được điều gì. Chúng ta thường nói quá nhiều và quá nhanh, lời nói thường vụng về. Điều đầu tiên cần làm là đón nhận những gì họ đang trải qua một cách đau đớn, trong im lặng và cầu nguyện, đồng thời biểu lộ lòng trắc ẩn với họ: hiện diện và chịu đau khổ với họ. Một khi đã có sự tin tưởng lẫn nhau, chúng ta có thể nói chuyện về niềm hy vọng với họ, khi họ tự nói về niềm hy vọng đó. Cuộc sống mang trong mình một điều gì đó vượt xa chúng ta. Một người mẹ khác đã mất con vài giờ trước khi nó chào đời. Cô ấy là người Do Thái chứ không phải người theo đạo Thiên chúa. Cô viết: “Sự sống đã hứa với tôi rằng một ngày nào đó sự sống ấy sẽ quay trở lại”. Cô ấy làm chứng rằng sự sống chưa bao giờ nói lời cuối cùng, ngay cả khi nó dường như bị cái chết khuất phục.

Cuối cùng, sự sống trọn vẹn này là sự sống vĩnh cửu, sự sống mà chúng ta sẽ biết sau sự dữ, tội lỗi và cái chết? Đó là SỰ SỐNG viết hoa mà chúng ta tôn vinh và được trao ban cho chúng ta trong những điều kiện đôi khi vô cùng đau đớn. Nhưng khi chúng ta tin vào sự sống đó, chúng ta sẽ cảm nghiệm sự sống đó. Và sự sống đó thật tuyệt vời như sách Khải huyền cho thấy: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:4) và “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22:5).

Nguồn tin: Phêrô Phạm Văn Trung (theo la-croix.com và fr.aleteia.org)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập67
  • Hôm nay18,981
  • Tháng hiện tại212,324
  • Tổng lượt truy cập35,478,605
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây