Chia sẻ và cảm thông là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam chúng ta. Mỗi khi có thiên tai hoạn nạn, mọi người không phân biệt nguồn gốc, tôn giáo hay chính kiến, đều chung tay góp sức chia sẻ và đỡ nâng những đồng bào gặp nạn. Tục ngữ ca dao Việt Nam có rất nhiều bài diễn tả lòng quảng đại của con cháu Lạc Hồng. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no,” “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng.” Những câu ca dao này cho thấy tình liên đới sẻ chia đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Kết quả rất khả quan của các đợt quyên góp trong đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lụt gần đây đã chứng minh và cụ thể hóa những lời ca dao từ ngàn đời đó.
Lời Chúa trong Chúa nhật 32 này muốn gửi đến chúng ta thông điệp chính là “lòng quảng đại.” Trước hết là lòng quảng đại của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng quảng đại và giàu lòng thương xót. Dựa trên giáo huấn của mạc khải, Ki-tô hữu tin rằng: Ngài tạo dựng mọi sự mọi loài và trao cho con người quản lý trông nom. Ngài lại ban cho con người vinh quang chỉ kém các thiên thần. Ngài cũng dành phần thưởng cho người công chính là thiên đàng vinh phúc. Thư gửi giáo dân Híp-ri (Bài đọc II) nói với chúng ta: lòng quảng đại của Thiên Chúa đạt tới đỉnh cao qua cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá. Hy tế thập giá của Đức Giê-su đã thay thế hoàn toàn hy tế Cựu ước. Của lễ của Giao ước mới không còn là bò, chiên hay những loại sản vật, nhưng chính là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Từ cây thập giá trên đồi Can-vê năm xưa, nguồn ơn thánh vẫn tuôn đổ dồi dào cho mọi thế hệ, đến với mọi nền văn hóa. Cuộc sống con người hiện tại đang là sự đợi chờ. Chúng ta đợi chờ Chúa Giê-su đến trong vinh quang, đó là ngày cánh chung hay ngày tận thế. Tuy vậy, nếu chúng ta không được gặp Đức Giê-su trong ngày cánh chung, thì ai trong chúng ta cũng sẽ được (hoặc phải) gặp Người vào thời điểm sau hết của cuộc đời, tức là giờ chết. Thiên Chúa là Đấng quảng đại và bao dung. Ngài sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta, nếu chúng ta thành tâm tin tưởng và tuân giữ giáo huấn của Ngài.
Nếu Thiên Chúa quảng đại với tất cả chúng ta, thì chúng ta cũng phải sống quảng đại với anh chị em mình. Hai người phụ nữ, đều là bà góa, được nêu trong hai bài Sách Thánh. Hai người phụ nữ này sống ở hai thời điểm khác nhau trong lịch sử, nhưng lại có chung một điểm, đó là lòng quảng đại. Người phụ nữ ở Xa-rép-ta quảng đại với con người; còn người phụ nữ trong đền thờ Giê-ru-sa-lem lại quảng đại với Thiên Chúa. Một bà giúp đỡ vị ngôn sứ, là người của Thiên Chúa; bà kia công đức cho Đền thờ là nơi Chúa hiện diện. Cả hai đều là những người nghèo khó, nếu không nói là khánh kiệt. Dù vậy, họ vẫn sẵn sàng chia sẻ. Người phụ nữ trong sách Các Vua được thưởng công ngay tức khắc; người phụ nữ trong Tin Mừng được chính Thiên Chúa ghi công.
Trong một trình thuật ngắn, thánh Mác-cô (Bài tin Mừng) lồng ghép lời phê phán của Chúa Giê-su đối với những kinh sư Do Thái và hình ảnh người đàn bà góa. Hai hạng người này thuộc hai đẳng cấp khác nhau trong xã hội và trong tôn giáo. Một người được dân chúng kính trọng; người kia thường bị dân chúng coi thường, hoặc ít là thương cảm. Ấy vậy mà những ông kinh sư lại bị phê bình và kết án; trong khi người đàn bà góa lại được khen ngợi và được nêu gương. Lời Chúa dường như đảo lộn quan niệm và thang bậc giá trị theo cách nhìn thông thường của chúng ta. Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su muốn khẳng định: đừng đánh giá một người dựa trên địa vị xã hội, y phục hay vai trò tôn giáo, nhưng phải nhìn ở cái tâm và dựa trên nhân phẩm con người.
Tại Việt Nam chúng ta, sau những bê bối về quyên góp và về những hoạt động từ thiện, lòng quảng đại bị biến dạng gây hiểu lầm. Có người làm từ thiện để khoe khoang, phô trương thanh thế. Những người này làm “từ thiện” vì bản thân, cho bản thân hơn là vì người khác và cho người khác. Hãy trả lại cho khái niệm “từ thiện” ý nghĩa chính xác của nó, như câu ngạn ngữ “Của cho không bằng cách cho.” Thánh Phao-lô đã nhắc lại giáo huấn của Chúa Giê-su cho các kỳ mục tại Ê-phê-xô: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
Vâng, “của cho” là điều rất đáng quý, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đối với những người còn khó khăn, vất vả, hoàn cảnh đáng thương; song lớn hơn rất nhiều đó là “cách cho” để làm sao người được nhận hỗ trợ, nhận quà cảm nhận được tấm chân tình và tình cảm thiết thực.