Thật đúng là họa trời đày cho thói câm nín triệt khẩu trước Trung Quốc và tưởng đâu ‘im lặng thì nó tha cho’.
Sắp tới sẽ là ăn cướp
Chỉ vừa tròn một tuần lễ sau khi tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc rút khỏi khu vực Bãi Tư Chính, hai tàu khác - mang tên Hải Dương Thạch Du 618 và Hải Dương Thạch Du 620 (Haiyang Shiyou) - đã trám ngay vào khoảng trống Biển Đông, đi qua đường phân định trên biển và đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, cách bờ biển Quảng Bình khoảng 65km.
Tin tức mà dễ khiến cho những kẻ đu dây chính trị thêm một lần nữa té lộn ngửa đó, một lần nữa vẫn được thông tin bởi những nguồn nghiên cứu độc lập trên mạng xã hội, như facebook Phạm Thắng Nam, chứ không phải được công bố bởi chính quyền ‘hèn với giặc, ác với dân’.
Nhưng mối nguy hiểm vào lần này đối với ‘đảng em’ Việt Nam còn lớn hơn gấp bội so với vụ Hải Dương 8, vì cả hai tàu Hải Dương Thạch Du 618 và 620 đều có nhiệm vụ hỗ trợ cho việc hạ đặt, thăm dò, khai thác cho các giàn khoan dầu khí.
Cái cách ‘hỗ trợ’ trên cho thấy rất có thể ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc - theo lối tụng ca dưới đáy liêm sỉ của giới chóp bu Việt nam mà vẫn la liếm đến tận những ngày gần đây - đã bước sang giai đoạn hai của chiến dịch ‘bóp cổ’ kẻ cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa với mình, chuyển từ ‘thăm dò địa chất’ sang việc chuẩn bị hạ đặt giàn khoan dầu khí.
Khả năng Trung Quốc sắp hạ đặt và ăn cướp dầu khí ngay trong vùng EEZ của Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra, bởi vào tháng 9 năm 2019, cùng với cảnh Hải Dương 8 tha hồ quần thảo trong Bãi Tư Chính và kẻ bàn cờ ngang dọc gần sát vùng duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam, hình ảnh giàn khoan Lam Kình - lớn thứ hai của Trung Quốc - đã thấp thoáng hiện ra ở Biển Đông. Còn trước đó nữa là giàn khoan Đông Phương…
‘Hèn tướng’ và cái chết của ngư dân Việt
Vụ hai tàu Hải Dương 618 và 620 xâm nhập vùng EEZ của Việt Nam lại trùng với vụ một ‘ngư dân bám biển’ Việt là anh Nguyễn Ngọc Khởi, mới 23 tuổi, bị ‘tàu lạ’ bắn chết khi đang trên tàu đánh cá ở vùng biển Kiên Giang. Nhưng từ đó đến nay, vẫn không có bất kỳ kết quả điều tra nào từ các lực lượng ‘hải quân bám bờ’ như biên phòng, cảnh sát biển…, trong khi toàn bộ các tờ báo nhà nước vẫn không dám thốt nổi cái tên ‘tàu Trung Quốc’, dù chỉ đặt trong thể nghi vấn.
Cái chết mới nhất ấy của ngư dân Việt lại nhắc người ta hằn lại ký ức về vụ một ngư dân Việt khác là ông Trương Đình Bảy đã bị những ‘kẻ lạ mặt’ trên tàu mang cờ Trung Quốc xả súng AK giết chết vào tháng 11 năm 2015. Sau đó là liên tục hàng loạt vụ đâm va của ‘tàu lạ’ vào tàu cá Việt Nam, tại vùng biển Quảng Bình và vùng biển cách Côn Đảo không xa, khiến nhiều ngư dân rơi xuống biển mất tích. Nhưng từ đó tới nay đã không có bất cứ cuộc điều tra nào của các cơ quan chức năng Việt Nam để làm rõ kẻ nào là thủ phạm, cho dù hàng năm Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn ung dung chi xài đến 5 tỷ USD hoặc hơn nguồn ngân sách - tiền ‘nộp tô’ từ bờ vai gày guộc của dân chúng - vào công tác quân sự và “bảo vệ sự bình yên của vùng biển quê hương” như cái cách báo đảng ma mị.
Một lần nữa trong nhiều lần, thói câm nín của giới chóp bu Việt Nam đã được Bắc Kinh ‘đáp lễ’ đầy hậu hĩ.
“Thật không thể tưởng tượng nổi!” - một cán bộ lão thành trên 50 năm tuổi đảng thốt lên nhưng giọng như nghẹn lại - “Đến nước này mà thằng Khoa còn không dám há miệng cái tên Trung Quốc, mà vẫn là mấy cái từ ‘nước ngoài’ với ‘họ’ như vào thời còn chưa bị Tàu ngồi xổm trên đầu như bây giờ. Rồi lại cả thằng Lịch sếp của thằng Khoa, họp quốc hội cũng không há nổi một từ về Trung Quốc thì quân đội mình còn tinh thần ý chí đâu mà đánh chác nếu bị Tàu tấn công! Đúng là một lũ mặc váy mang lon tướng! Đúng là những thằng hèn!”.
‘Thằng Khoa’ và ‘thằng Lịch’ mà người cán bộ lão thành trên nói đến là Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, và Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, lồng trong bối cảnh hai quan chức này phát biểu tại phiên thảo luận sáng 30/10/2019 của Quốc hội về “bối cảnh phức tạp của tình hình an ninh thế giới, đặc biệt trên biển Đông”. “Nước ngoài’ và ‘họ’ là những từ ngữ được cố định trên miệng viên tướng Khoa, cho dù cuộc họp quốc hội này đã được thông báo là ‘họp riêng’, mà về thực chất là một cách đóng cửa phòng họp kín để báo chí và người dân chỉ được biết tin tức ở mức tối thiểu.
Thậm chí vào tháng 10 năm 2019 còn có “đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc”. Ở nơi đó, Ngô Xuân Lịch trong khi vẫn như bó miệng mà không thốt nổi từ nào về Bãi Tư Chính, thì vẫn cười cợt xã giao với giới tướng lĩnh Tàu như không có chuyện gì xảy ra!
Không chỉ người cán bộ lão thành đã công phẫn, mà quá nhiều ý kiến của người dân và trí thức trên mạng xã hội đã chỉ đích danh Trần Việt Khoa và Ngô Xuân Lịch là ‘hèn’, ‘hèn tướng’, ‘nhục tướng’, ‘sợ đến đái ra quần’, ‘không xứng đáng là tướng’, ‘phải bị cách chức’… Không khí phẫn nộ đến mức chỉ chực chờ bùng nổ.
Cám cảnh trước tình cảnh của ‘quân đội nhân dân Việt Nam’ bao nhiêu, người ta càng thấm thía với mô tả của tướng Lê Mã Lương về giới tướng lĩnh quân đội - lên đến con số ‘lấy thúng mà đong’ gần 500 - là ‘chỉ giỏi nhiều tiền’, hoặc riêng Ngô Xuân Lịch còn ‘không biết đọc bản đồ thực địa’.
Toàn bộ chứng tự kỷ chính trị câm nín ấy diễn ra trong bối cảnh đã gần bốn tháng kể từ ngày Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm Bãi Tư Chính như vào chốn vô chủ quyền, nhưng lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn chưa một lần dám nổ súng cảnh cáo. Trong khi đó, toàn bộ chóp bu Việt Nam từ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân trở xuống vẫn kiên định ‘câm như hến’ mà không một lần dám nêu tên Trung Quốc, càng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới ‘văn dốt, võ dát’ này dám kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Vẫn không dám nêu tên Trung Quốc!
Rốt cuộc, thói câm nín khiếp nhược toàn diện của giới chóp bu Việt Nam đã tặng cho Trung Quốc những món quà lớn về mặt ngoại giao quốc tế: tại Hội Nghị Các Bộ Trưởng ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám 2019, bất chấp phía Việt Nam đã tìm cách vận động các quốc gia ASEAN để phản đối xâm phạm Bãi Tư Chính nói riêng và rộng hơn là Biển Đông, tuyên bố của Hội nghị đã chỉ đề cập khá chung chung và “quan ngại” về tình hình Biển Đông mà không hề nhắc đến cái tên Trung Quốc.
Còn tại Hội nghị cấp cao ASEAN 35 vào tháng 11 năm 2019 ở Thái Lan, sau khi thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc “nêu rõ vừa qua, có những vụ việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN”, nhưng vẫn không một từ dám đả động đến Bãi Tư Chính và cái tên Trung Quốc, đã chẳng có bất kỳ ý kiến nào từ các nước trong ASEAN bày tỏ ‘ủng hộ Việt Nam’, bất chấp Việt Nam đang là chủ tịch luân phiên của khối này.
Về thực chất, Bắc Kinh đã đạt được thắng lợi bước đầu khi dần biến Bãi Tư Chính từ ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’ thành ‘khu vực tranh chấp’, trước khi nhốt thẳng cánh vùng biển dồi dào dầu khí phục vụ ngân sách nuôi đảng này vào ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc’. Còn với quốc tế, cái cảnh những con tàu mang tên Hải Dương quần đảo ở Bãi Tư Chính và còn có thể áp sát đất liền Việt Nam đã trở nên nhàm chán. Càng nhàm chán hơn khi gã chủ nhà câm như hến mà không dám kêu cứu khi bị kẻ cướp xông vào nhà.
Không những thế, giới quan chức đớn hèn của ‘đảng em’ vẫn rúc mặt vào chính sách ‘Ba Không’ gậy ông đập lưng ông, kể cả một ‘Không’ nữa là ‘Không kiện Trung Quốc, để rốt cuộc trở thành kẻ cô độc tận cùng trên trường quốc tế, nhưng lại cực kỳ xung sát trên mặt trận ‘hèn với giặc, ác với dân’, sẵn sàng đàn áp dã man bất kỳ người dân nào ra mặt biểu tình chống Trung Quốc.
Không khí nhàm chán trên cũng là cơ hội để Tập Cận Bình và giới lãnh đạo ‘đảng anh’ không thể buông tha ‘đảng em’ một cách êm ái, mà sẽ phải là một kiểu ‘sống không ra sống, chết không ra chết’. Một khi Bắc Kinh đã có thừa thời gian để cho tàu Hải Dương 8 rồi đến Hải Dương 618 và 620 hành hạ tinh thần lẫn thể xác của giới chóp bu Việt Nam đến bốn tháng trời - lâu hơn hẳn thời gian hơn hai tháng mà giàn khoan Hải Dương 981 ngự trị ở Biển Đông ngay trước mũi Bộ Chính trị đảng Việt Nam vào năm 2014, chẳng có lý do đặc biệt gì để Trung Quốc không tiếp tục chiến dịch gây hấn ở Bãi Tư Chính và còn có thể ở quần đảo Trường Sa trong những tháng tới.
Nguồn tin: Phạm Chí Dũng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn