Theo Washington Post, máy bay VMS Eve đã cất cánh từ Spaceport America, sân bay vũ trụ của Virgin Galactic ở New Mexico (Mỹ) vào khoảng 10h40 sáng 11/7 (giờ Mỹ), tức 21h40 cùng ngày (giờ Việt Nam). 2 phi công lái máy bay VMS Eve mang theo tàu vũ trụ VSS Unity, chở theo Branson và 5 người khác lên rìa vũ trụ.
Chuyến bay chở theo tỷ phú người Anh là một trong những đợt thử nghiệm cuối cùng của Virgin Galactic trước khi khai trương dịch vụ du lịch vũ trụ trong năm 2022. Với tên gọi Unity 22, đây là chuyến bay thử nghiệm thứ 4 của Virgin Galactic chở người lên vũ trụ.
Trước đó, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã ban hành lệnh hạn chế bay tạm thời quanh Truth and Consequences, New Mexico trong lúc máy bay chứa tàu vũ trụ chở Branson cất cánh. Lệnh hạn chế có hiệu lực từ 9-18h chiều 11/7 (giờ địa phương).
Phi hành đoàn trên tàu VVS Unity gồm 6 người. Từ trái sang là Dave Mackay (phi công), Colin Bennett (kỹ sư vận hành), Beth Moses (Giám đốc Hướng dẫn Phi hành gia chương trình SpaceShipTwo), Richard Branson, Sirisha Bandla (Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ và hoạt động nghiên cứu) và Michael Masucci (phi công). (Ảnh: AP).
Ngoài Branson, chuyến du hành có 3 nhân viên Virgin Galactic trong khoang phi hành gia để đánh giá trải nghiệm bay, và 2 phi công trong buồng lái. Đây là chuyến bay thử nghiệm chở nhiều người nhất của Virgin Galactic.
Video livestream YouTube chuyến bay có hơn 500.000 người theo dõi trực tiếp. Trên Twitter, nhiều người dùng phàn nàn về buổi phát trực tiếp của Virgin Galactic. "Buổi livestream diễn ra một cách bối rối", "Hãy đuổi Colbert (MC buổi phát) ra đi, chúng tôi chỉ muốn xem chuyến bay" là những bình luận trên Twitter về buổi livestream chuyến bay lên vũ trụ của tỷ phú Branson.
Buổi livestream được phát sóng trễ. Khi bắt đầu, máy bay chở tên lửa đã cất cánh. Thay vì phát trực tiếp hình ảnh từ camera tàu vũ trụ, buổi livestream đưa bình luận từ các chuyên gia.
Theo CBS News, lý do luồng trực tiếp không có âm thanh là vì tàu vũ trụ (Unity) vẫn liên kết với tàu mẹ (Eve) nên nó vẫn giống với một chuyến bay thương mại bình thường.
Các bước để bay ra rìa vũ trụ của Virgin Galactic. (Ảnh: Virgin Galactic).
Ban đầu, chuyến bay dự kiến khởi hành vào 9h sáng 11/7 (giờ Mỹ), tức 20h 11/7 (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, Virgin Galactic đã điều chỉnh lịch bay trễ 90 phút do ảnh hưởng thời tiết. Branson từng giữ kín thời điểm bay vào vũ trụ do quy định đối với công ty của ông. Tuy nhiên, vị tỷ phú nhấn mạnh mình khỏe và có thể bay ngay khi các kỹ sư cho phép.
Tỷ phú người Anh đăng tải bức ảnh chụp chung cùng ông chủ SpaceX, Elon Musk trên Facebook trước giờ cất cánh. Trước đó Elon Musk từng “úp mở” khả năng xuất hiện tại sự kiện để ủng hộ Branson.
Khoảng 22h19, máy bay đạt độ cao hơn 46.000 ft (14 km) và trong giai đoạn nâng độ cao. Đến 22h26, tàu vũ trụ bắt đầu tách khỏi máy bay, kích hoạt động cơ tên lửa để đạt mốc độ cao và vận tốc tiếp theo. Sau khi đạt vận tốc hơn 3.200 km/h, tàu vũ trụ dần giảm tốc.
Máy bay chở theo tàu vũ trụ VVS Unity đã cất cánh. Khoảng 40 phút sau khi cất cánh, VSS Unity tách khỏi máy bay, kích hoạt động cơ tên lửa để đưa Branson và 5 người khác đến rìa vũ trụ. (Ảnh: CNN).
Tỷ phú Branson và phi hành đoàn đã rơi vào trạng thái không trọng lực và nhìn xuống Trái Đất từ độ cao 282.700 ft trong vài phút. Đến 22h33, tàu hạ độ cao xuống còn 32.000 ft, chuẩn bị hạ cánh xuống Trái Đất. "Chúc mừng mọi người", tỷ phú Branson chia sẻ trong khi tàu đang hạ cánh.
Đến 22h40 tàu vũ trụ ở độ cao hơn 9.000 ft. Trong đoạn livestream, khoảnh khắc phi hành đoàn lơ lửng trong môi trường không trọng lực được phát sóng trong vài giây rồi bị cắt do tín hiệu yếu. Sau đó, tàu vũ trụ đã hạ cánh sau 15 phút 18 giây tách khỏi máy bay trên không trung. Chuyến đi lên vũ trụ đầu tiên của tỷ phú Branson hoàn tất sau khoảng một tiếng.
Tính đến 22h (giờ Việt Nam), máy bay chở tàu vũ trụ đã đạt độ cao hơn 40.000 ft (12,19 km). (Ảnh: Virgin Galactic).
Đây là sứ mệnh quan trọng với tham vọng thương mại hóa ngành du lịch vũ trụ của Virgin Galactic từ khi thành lập năm 2004. Đến nay, công ty đã bán khoảng 600 vé cho khách hàng đặt trước, giá khoảng 250.000 USD/vé. Vẫn còn 3 chuyến bay thử nghiệm (bao gồm chuyến bay của Branson) trước khi dịch vụ du lịch của Virgin Galactic thực sự sẵn sàng.
Branson đăng ảnh chụp cùng Elon Musk trước giờ bay.
Không chỉ Branson, tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon và công ty vũ trụ Blue Origin cũng sẽ có chuyến bay đầu tiên lên vũ trụ bằng tàu New Shepard vào ngày 20/7. Bezos sẽ đi cùng em trai, một nữ phi hành gia, và người thắng trong cuộc đấu giá từ thiện trị giá 28 triệu USD.
SpaceX, công ty vũ trụ của tỷ phú Elon Musk cũng có tham vọng thương mại hóa ngành du lịch vũ trụ trong tương lai, với những chuyến đi dài hơn.
Giới truyền thông cho rằng đây là cuộc cạnh tranh thú vị của 2 công ty vũ trụ. Dù công bố lịch bay trễ hơn Bezos, vị tỷ phú 70 tuổi lại thực hiện chuyến bay sớm hơn 9 ngày. Ông phủ nhận việc bay sớm nhằm mục đích "đánh bại Bezos".
Công ty Blue Origin thực hiện chuyến bay có người lái đầu tiên, chở nhà sáng lập là tỷ phú Jeff Bezos và 3 hành khách khác lên độ cao 107 km từ cơ sở Launch Site One ở Van Horn, Texas trong chuyến bay kéo dài gần 11 phút.
Tên lửa tự động đưa khoang tàu tới gần rìa vũ trụ trước khi tách ra, khai hỏa động cơ để hãm tốc độ và chậm rãi tiếp đất bằng 4 chân. Blue Origin sẽ tiếp tục tái sử dụng tên lửa đẩy trong những lần phóng sau. Sau vài phút ở phía trên đường Karman, ranh giới giữa Trái đất và vũ trụ, khoang tàu chở phi hành đoàn hạ cánh nhẹ nhàng bằng dù xuống sa mạc Texas.
Phi hành đoàn hạ cánh bằng dù an toàn. (Video: Blue Origin).
Trước chuyến bay có ý kiến lo ngại về an toàn của tỷ phú Bezos và phi hành đoàn, lý do tàu New Shepard đã có 15 lần bay thử nghiệm không người lái và từng thất bại một phần với sự cố trong đó khoang chở khách hạ cánh an toàn nhưng động cơ đẩy tên lửa đâm xuống đất. Nhưng khi xem xét kinh nghiệm của Blue Origin từ trước tới nay, Fragola tính toán tỷ lệ tên lửa gặp trục trặc là 1/100 - 1/500, nhưng ước tính chuẩn nhất là 1/200. Tuy nhiên, do khoang chở phi hành đoàn New Shepard cách xa động cơ, có thể tách ra và thoát hiểm trong trường hợp gặp sự cố, Fragola sẽ tăng ước tính về mức độ an toàn.
Bezos thành lập công ty Blue Origin năm 2000 để theo đuổi ước mơ bay vào không gian từ thời thơ ấu. Thời trẻ, ông quyết định trở thành một thương nhân giàu có để tạo nền tảng cho con đường trở thành phi hành gia. Bezos trở thành tỷ phú giàu nhất hành tinh với công ty thương mại điện tử Amazon, ra đời năm 1995. Nói về "hiệu ứng toàn cảnh" mà một số phi hành gia trải qua khi nhìn xuống Trái đất từ trên cao, Bezos chia sẻ ông rất mong đợi được thấy "giới hạn mỏng của khí quyển Trái đất và nhìn nhận hành tinh mong manh tới mức nào".
Đồng hành cùng Bezos là em trai ông Mark, một nhà đầu tư kiêm thợ cứu hỏa tình nguyện. Mark cho biết anh vẫn cảm thấy khó tin khi có thể trải nghiệm cơ hội hiếm hoi như vậy cùng với anh trai yêu quý.
Phi hành đoàn trong chuyến bay chở người đầu tiên của tàu New Shepard, gồm Oliver Daemen, Wally Funk, Jeff Bezos và em trai Mark (theo thứ tự từ trái sang phải). (Ảnh: Blue Origin).
Thành viên lớn tuổi nhất trong phi hành đoàn là Wally Funk. Bà từng là phi công trong chương trình Mercury 13. Cách đây 60 năm, bà từng tham gia ứng tuyển để trở thành phi hành gia NASA nhưng bị từ chối do giới tính và thiếu kinh nghiệm làm việc trong quân đội. Với chuyến bay trên tàu New Shepard, Funk đã trở thành phi hành gia lớn tuổi nhất bay vào không gian.
Trái ngược với Funk, sinh viên 18 tuổi người Hà Lan Oliver Daemen là người trẻ nhất bay vào không gian trong lịch sử. Cha cậu đã mua vé trong chuyến bay chở người thứ hai của tàu New Shepard cho con trai. Daemen đã có bằng phi công và luôn thích thú tìm hiểu về vũ trụ từ năm 4 tuổi. Anh trở thành thành viên phi hành đoàn vào phút chót khi người chiến thắng trong cuộc đấu giá vé trên tàu New Shepard phải rút lui do không thu xếp được lịch trình.
Bezos trở thành tỷ phú thứ hai bay vào không gian trong chưa đầy hai tuần qua. Hôm 11/7, nhà sáng lập tập đoàn Virgin Group là tỷ phú Richard Branson đã tham gia chuyến bay chở người đầy đủ đầu tiên của máy bay vũ trụ VSS Unity do công ty con Virgin Galactic phát triển. Đây là đối thủ cạnh tranh chính của Blue Origin trong ngành kinh doanh du lịch cận quỹ đạo. Giá vé cho một ghế theo thông báo gần đây nhất của Virgin Galactic là 250.000 USD. Trong khi đó, Blue Origin chưa công bố giá vé nhưng mức giá được dự đoán cũng ở mức 6 con số.
Cả hai công ty đều mang đến cho hành khách trải nghiệm môi trường không trọng lực trong 3 - 4 phút và nhìn ngắm Trái đất từ trên cao. Nhưng trải nghiệm bay do Blue Origin và Virgin Galactic cung cấp vẫn có những khác biệt đáng kể. Ví dụ, tàu New Shepard là khoang tàu tự động phóng thẳng đứng và hạ cánh bằng dù, còn VSS Unity là máy bay vũ trụ do hai phi công điều khiển, cất cánh trên lưng máy bay vận chuyển và hạ cánh trên đường băng. Tàu New Shepard cũng bay cao hơn so với VSS Unity. Phương tiện này không bay tới đường Karman (100 km).
Blue Origin đang lên kế hoạch phóng thêm hai nhiệm vụ chở người bằng tàu New Shepard trong năm nay. Nhiệm vụ tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 10, đại diện công ty chia sẻ trong buổi họp báo hôm 18/7. Những chuyến bay đó sẽ chở khách hàng trả phí.
Virgin Galactic đặt mục tiêu tiến hành thêm một số chuyến bay thử trong mùa thu năm nay, sau đó tiến vào hoạt động thương mại từ đầu năm sau ở căn cứ Spaceport America tại New Mexico. Hai công ty đều dự định tăng tỷ lệ chuyến bay theo thời gian, giúp giảm chi phí và mở rộng đối tượng khách hàng.
Nguồn tin: tru Vu:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn