Tôi quen biết Lynn R. Taylor từ hồi còn bé xíu. Tôi hơn Lynn 3 tuổi nên luôn coi cô ấy như một người em gái.
Sinh ra ở Buffalo, New York, cô bạn Lynn của tôi cũng giống như tất cả những đứa trẻ khác trong vùng, thích chơi đùa, nghịch ngợm và rất thân thiện. Đó là tính cho đến khi cô ấy 3 tuổi, bởi vì lúc này, cô ấy bị bác sĩ chẩn đoán là mắc “Wilms Tumor” – một bệnh ung thư thận. Với dự đoán rằng “chẳng có cơ hội nào cả”, nên các bác sĩ đã phải cắt bỏ hoàn toàn một quả thận của Lynn và một phần của quả thận còn lại. Thế rồi họ bảo rằng nếu Lynn có thể sống đến lúc 5 tuổi, thì “có thể” cô ấy sẽ sống được đến năm… 10 tuổi.
Trong những năm sau đó, dù phải chịu những đợt hoá trị, xạ trị và đủ thứ xét nghiệm khác, nhưng Lynn vẫn đối mặt và vượt qua tất cả những lời “dự đoán” u ám mà các chuyên gia y tế gắn vào căn bệnh của cô. Đến năm 14 tuổi, Lynn hồi phục mạnh mẽ, và đến năm 17 tuổi, Lynn được coi như đã khỏi bệnh. Nhưng đó chỉ là “coi như”, còn câu chuyện sức khoẻ của cô vẫn còn lâu mới đến lúc được đóng lại.
Rồi những năm tiếp theo, Lynn vẫn đi học bình thường như bất kỳ người nào khác trong số chúng tôi. Lynn có bằng đại học, rồi bằng master về kinh tế và còn làm trợ giảng trong một trường đại học. Việc hoàn thành công việc xuất sắc khiến cô lại nhận được thêm một học bổng đi học tại Đại học Sussex ở nước Anh. Trong thời gian ở Anh, Lynn được mời dạy học tiếp, và nhanh chóng “kiếm” thêm chiếc bằng master thứ hai của mình.
Quay trở lại Buffalo, cô bạn trẻ trung của tôi tiếp tục tham gia rất nhiều công việc chuyên môn cấp bậc cao ở các trường đại học. Trong khi những thành công về sự nghiệp đến liên tiếp như vậy, thì sức khoẻ của cô lại bắt đầu đi ra ngoài tầm kiểm soát.
Trong vòng hơn một thập kỷ sau đó, các bác sĩ đã chẩn đoán Lynn bị 6 căn bệnh ung thư khác nhau! Trong đó có 4 căn bệnh có phản ứng tốt với việc điều trị và được coi là đã bị chặn đứng. Tuy nhiên, căn bệnh ung thư phổi mới xuất hiện, rồi bệnh ung thư vú và tuyến giáp tái xuất hiện đều không phản ứng tốt được như thế. Chúng bắt đầu bủa vây cơ thể của cô gái bé nhỏ này.
Thế là thêm một lần nữa, các bác sĩ lại thông báo “giới hạn cuộc sống” cho cô. Nhưng lần này, thời gian của cô chỉ còn được tính bằng tháng chứ không phải năm. Như thể những chẩn đoán đó còn chưa đủ sốc, các bác sĩ cũng cho biết rằng có những dấu hiệu cho thấy gan, thận và tuyến thượng thận của cô đều bị ảnh hưởng bởi những khối u ác tính. Có lẽ điều kỳ lạ nhất của cơn ác mộng y tế này chỉ là khi các bác sĩ tin rằng không có bệnh ung thư nào trong cơ thể Lynn là di căn.
Thái độ của Lynn đối với những tin khủng khiếp này cũng giống như tính cách đơn giản và thẳng thắn của cô. Cô chấp nhận chẩn đoán về một cuộc sống ngắn ngủi mà các bác sĩ đã nói. Cô không khóc, cũng không tức giận. Chỉ có đôi khi, Lynn thắc mắc với tôi rằng tại sao có quá nhiều bệnh ung thư khác nhau lại cùng ào đến với cô như vậy. Lynn hỏi câu đó với đôi mắt trong veo và nụ cười dịu dàng, khiến cho người đối diện có thể chảy nước mắt, nhưng cô thì không.
Lynn vẫn giữ nguyên cuộc sống và mình. Ban ngày, cô tiếp xúc với rất nhiều sinh viên – những người cô thật sự quan tâm. Ban đêm, cô ngồi đọc hết những hoá đơn y tế, những chẩn đoán của bác sĩ, những đơn thuốc, và tìm thêm thông tin về các căn bệnh của mình.
Không những thế, Lynn còn thêm một hoạt động nữa vào thời gian biểu: cô đăng ký trở thành một tình nguyện viên tại bệnh viện điều trị ung thư. Cô mong muốn được dùng chính mình làm bằng chứng sống cho những bệnh nhân đang tuyệt vọng, rằng bệnh ung thư không nhất thiết là một “án tử hình”, mà thực tế, con người vẫn có thể vượt qua bằng những nỗ lực đấu tranh hàng ngày, bất chấp các chẩn đoán y tế ra sao.
Lynn dành tất cả cuộc sống của mình để đem hy vọng đến cho mọi người xung quanh. Cô cũng bắt đầu viết một cuốn sách, với mong muốn nó sẽ đến được tay của những bệnh nhân khác mà cô không có điều kiện nói chuyện trực tiếp với họ.
Lynn viết: “Vào lúc này tôi không biết liệu tôi sẽ sống đến năm 80 tuổi hay là sẽ ra đi bất kỳ lúc nào. Có lẽ việc các bác sĩ liên tục chẩn đoán rằng tôi không còn sống được bao lâu nữa lại là một điều hay, vì trong suốt những năm qua, tôi đã tận dụng từng giây phút của mình để sống hết mình và để làm những gì mình muốn. Tôi không muốn mọi người sẽ nhớ đến tôi chỉ với một đống bệnh tật mà tôi phải mang trong mình. Tôi chỉ muốn được nhớ đến như một con người đã đối diện và vượt qua bệnh tật bằng ý chí, bằng sự can đảm, một con người thật sự thương yêu và quan tâm đến người khác. Và tôi tin rằng ai cũng có thẻ làm được như vậy”.
Đến bây giờ, cô bạn thân yêu của tôi vẫn đang sống và làm tất cả những gì cô ấy có thể cho mọi người xung quanh. Tuy bị nhiều căn bệnh như vậy, nhưng rõ ràng, trái tim của Lynn là một trái tim hoàn hảo.
Christina Abt
Thục Hân (dịch)
Nhà vô địch thực sự
Trước khi em Kristi ra đời, bố mẹ tôi nói tôi sẽ có một cô em gái hoàn hảo. Nhưng vào ngày mà tôi được bố dẫn tới đón em Kristi và mẹ từ bệnh viện về, tôi thấy mẹ có vẻ rất buồn. Sau đó, bác sĩ nhắc lại trước mặt cả bố và tôi rằng em Kristi có hai bàn chân bị hướng vào phía trong. “Nếu không chỉnh lại, nó sẽ trở thành cả một vấn đề đấy” – Bác sĩ bảo thế.
Bố mẹ tôi khóc và nói rằng bố mẹ sẽ làm bất cứ điều gì để giúp Kristi. Thế là, khi em mới chỉ được 2 tuần tuổi, bố mẹ đã phải bế em quay lại bệnh viện. Bác sĩ đặt hai bàn chân bé nhỏ của em vào hai cái khuôn kỳ lạ mà tôi chưa nhìn thấy trước đó bao giờ. Khi hai cái khuôn được lắp vào chân em, tôi không nhìn thấy những ngón chân xinh xinh của em nữa. Đến bố cũng rơm rớm nước mắt. Và từ đó, theo hướng dẫn của bác sĩ, cứ 2 lần một tuần, bố mẹ lại bế em tới để “tạo khuôn lại” cho đôi bàn chân. Nếu tôi không đi theo bố mẹ, thì tôi cũng biết rằng Kristi sẽ trở về với hai chân bị đặt vào hai cái khuôn mới.
Cuối cùng, việc lắp khuôn cũng kết thúc và đã đến thời gian em Kristi phải đi những đôi giày, cùng những thanh nẹp “chỉnh chân”. Em đi lại rất khó khăn, và có vẻ đau đớn. Tôi thường giúp em bằng cách để em vịn vào người mình (tôi đủ thấp để đưa tay cho em vịn một cách chắc chắn). Khi em bước được những bước đầu tiên, tôi cũng bật khóc. Cho đến khi vào lớp mẫu giáo, trông bước chân của Kristi đã gần “bình thường”.
Và ngay khi bắt đầu đi được “gần bình thường”, Kristi khám phá ra một điều về bản thân mình: em rất yêu môn trượt băng!
Thế là khi Kristi được 6 tuổi, em ghi tên vào lớp học trượt băng. Mỗi ngày tập về là mỗi lần em đau nhức đôi chân, có khi từ hông trở xuống. Nhưng Kristi không nghỉ buổi nào. Thậm chí, em còn xin ở lại lớp muộn để tập thêm, vì em thường cần gấp đôi thời gian mới có thể thực hiện được thuần một động tác như các bạn khác. Nhưng mỗi khi mẹ tôi – vì quá thương con – nói rằng em nên chọn một môn khác, em lại mỉm cười an ủi mẹ: “Mẹ à, con yêu sân băng!”.
Sau vài năm, chúng tôi đã có thể tròn mắt ngạc nhiên nhìn em lướt trên sân băng, uyển chuyển như một chú thiên nga. Lại thêm một lần nữa, bố mẹ và tôi không ngăn được nước mắt. Nhưng dù sao, trong lớp, Kristi chưa bao giờ là học sinh học nhanh nhất hay giỏi kết hợp nhất. Em chỉ là người chăm chỉ nhất, và tốn nhiều thời gian, nhiều mồ hôi nhất.
Nhưng rồi tình yêu cộng với sự nỗ lực của Kristi đã được đền bù. Năm 15 tuổi, Kristi dự thi cả hai môn: trượt đôi và trượt đơn nữ ở giải vô địch trẻ thế giới năm 1988 (Australia). Thật ngạc nhiên, em chiến thắng trong cả hai môn! Tại giải vô địch thế giới dành cho lứa tuổi lớn hơn vào năm 1991, em chiến thắng trong môn trượt đơn nữ. Để rồi cả gia đình chúng tôi lại được mỉm cười hạnh phúc ở Pháp, vào Olympics Mùa đông năm 1992, khi Kristi giành huy chương vàng.
Vào năm đó, cả gia đình chúng tôi ngồi ôn lại nhiều năm thử thách trước đây đối với Kristi – những năm mà bố mẹ lo lắng, những năm mà Kristi tuyệt vọng vì muốn bước đi bình thường mà không được; rồi những lần tới bác sĩ liên tục; rồi sức nặng của những thanh nẹp cùng đôi giày “chỉnh chân” – cũng như sức ép của chúng đối với tâm lý non nớt của em. Suốt những năm đó, chưa một lần chúng tôi kỳ vọng vào những huy chương vàng hay một sự nghiệp trượt băng chuyên nghiệp. Chúng tôi chỉ làm tất cả những gì có thể để giúp Kristi, tôn trọng sự nỗ lực và những đam mê của em, hy vọng em có thể làm được nhiều nhất với hai bàn chân bé nhỏ từng bị ép kín trong những cái khuôn nặng trịch.
Và vì thế, đối với gia đình chúng tôi, ngay từ khi Kristi chập chững những bước đầu tiên, thì em đã luôn bước những bước của một nhà vô địch thật sự rồi.
Anita Gogno (ghi lại)
Thục Hân (dịch)
Câu chuyện về một chú chó
Khi các anh chị đi học, nông trại của chúng tôi trở thành một nơi vắng vẻ đối với Becky – cô con gái 3 tuổi của tôi. Lúc nào nó cũng muốn có bạn chơi cùng. Những chú ngựa và bò thì quá to để ôm, còn những loại máy móc thì quá nguy hiểm cho một cô bé nhỏ xíu. Chúng tôi hứa mua cho cô nhóc một chú chó con, nhưng trong khi chưa có chú chó con nào, thì những chú chó con trong tưởng tượng của Becky hôm nào cũng xuất hiện.
Hôm đó, tôi vừa rửa bát xong thì nghe tiếng cửa sập và Becky chạy vào, má đỏ lên hào hứng.
- Mẹ! – Cô bé kêu lên – Lại xem chú chó mới của con! Con đã cho nó uống nước hai lần rồi, nó khát lắm!
Tôi thở dài. Lại một chú chó tưởng tượng nữa của Becky.
- Lại đây mẹ! – Cô bé giật gấu áo tôi, đôi mắt nâu chớp chớp khẩn khoản – Nó đang khóc, nó không đi được!
“Không đi được?”. Đây quả là một chuyện lạ, vì những chú chó tưởng tượng trước đây luôn làm được những điều kỳ lạ: có chú chó thì giữ được một quả bóng cân bằng trên mũi, có chú thì đào được một đường hầm xuyên qua Trái Đất và chạm tới những vì sao, có chú lại biết nhảy dây. Vậy tại sao tự nhiên lại có chú chó không đi được?
Tôi đi theo Becky. Cô bé chạy rất nhanh và chẳng bao lâu đã tới một gốc cây sồi.
Khi tôi khum tay che mắt khỏi ánh nắng vùng Arizona, chợt tôi thấy lạnh toát người. Becky ngồi xổm cạnh gốc cây sồi già, bấm những ngón chân vào cát. Và gối đầu vào lòng cô bé là một con chó to tướng, giống chó sói!
- Becky, đừng động đậy – Tôi thốt lên khe khẽ và bước lại gần. Đôi mắt màu xanh xám của con chó ngước lên. Đột nhiên, con chó run bắn, răng va vào nhau lộp cộp. Và nó rên một tiếng thảm thương.
- Không sao đâu, bạn ơi – Becky nói ngân nga và xoa đầu con chó – Đừng sợ. Đó là mẹ tớ, và mẹ cũng yêu bạn.
Đôi tay bé nhỏ của Becky ôm lấy đầu chú chó, còn chú chó đập đập đuôi. Có chuyện gì với con vật này vậy? Tại sao nó không đứng dậy được?
Tôi nhìn vào cái bát nước rỗng không, và nhớ đến bản tin gần đây là một số con chó đã thoát khỏi trại động vật trốn đi tìm nước, vì chúng bị bệnh dại. Đúng rồi! Những con chó bị dại! Chỉ có Becky là không biết!
- Becky, đặt nó xuống và lại đây với mẹ! Chúng ta phải tìm người giúp đỡ!
Becky chần chừ rồi hôn vào trán con chó trước khi lại gần tôi. Đôi mắt con chó buồn bã nhìn theo Becky, rồi nó lại nằm gục xuống.
Bế Becky trong tay, tôi chạy vội đi tìm Brian – một người thông thạo về động vật. Tôi không muốn để Becky nhìn thấy Brian đem theo một cây súng.
- Nó là một con chó giống Mexico – Brian kết luận sau khi xem xét – Và không bị dại. Nhưng chắc chắn nó bị thương rất nặng. Chị có nghĩ tốt nhất là chúng ta giải thoát cho nó khỏi sự đau đớn này không?
Tôi đang chuẩn bị nói “Có” thì Becky chợt kêu lên: “Mẹ ơi, chú Brian sẽ chữa khỏi cho nó, phải không?”. Becky giật khỏi tay tôi, lại ôm lấy chú chó và dụi mặt vào lớp lông dày.
Chiều hôm đó, tôi phải mời bác sĩ thú y tới tiêm cho chú chó.
- Con chó này khoảng 3 tuổi – Vị bác sĩ kết luận – Và dù còn nhỏ, nhưng giống chó này không dễ thuần. Tôi rất ngạc nhiên là nó chịu nghe lời cô bé nhà chị. Thật ra, có những điều rất kỳ lạ giữa trẻ em và động vật mà người lớn không hiểu được.
Becky đặt tên chú chó là Ralph. Sau khoảng 3 tháng, chú chó có vẻ bình phục, nhưng lúc nào cũng chỉ quấn lấy Becky chứ không lại gần người khác và nó theo Becky đi bất kỳ nơi đâu.
Cho đến khi Becky đi học, Ralph rất buồn vì không thể theo cô bé đến trường. Khi xe bus chở học sinh khởi động, Ralph nhất định không quay vào nhà. Nó nằm cạnh đường và đợi. Khi Becky đi học về, nó lại đứng phắt dậy, đuôi ngoáy tít chào đón. Thói quen này tồn tại suốt những năm học của Becky.
Nhưng vào một ngày mùa xuân, có người ở trang trại bên cạnh kể rằng ông ta đã bắn hạ một con chó lớn, và sượt qua một con chó khác chạy cùng với nó. Cũng hôm đó, Ralph trở về nhà với một vết thương do đạn bắn. Becky – lúc đó khoảng 15 tuổi – ngồi ôm Ralph suốt đêm. Khi bác sĩ thú y tìm cách lấy viên đạn ra, tôi chợt như thấy lại hình ảnh của nhiều năm về trước: một cô bé 3 tuổi mũm mĩm ôm lấy một chú chó lớn, lông dày, và lẩm bẩm: “Không sao đâu bạn. Đừng sợ. Đó là mẹ tớ, và mẹ cũng yêu bạn lắm!”.
Dù lần này vết thương không quá nghiêm trọng, nhưng Ralph không khoẻ lại nữa. Nó sụt cân nhanh chóng. Bộ lông dày trở nên khô và xơ. Nó cũng không thể theo Becky đi vòng quanh trang trại. Nó thường nằm suốt cả ngày, nhưng cứ đến tối, nó lại bỏ đi đâu đó, dù phải lê bước nặng nhọc. Đến bình minh, chúng tôi thấy bát thức ăn của nó rỗng không.
Và một buổi sáng, chúng tôi tìm thấy Ralph trong rừng, dưới gốc cây sồi của 12 năm trước, không còn thở nữa. Tôi chảy nước mắt khi thấy Becky quỳ trên nền đất, ôm lấy Ralph và khóc nức lên: “Con sẽ nhớ bạn ấy lắm!”.
Và khi tôi lấy chiếc chăn mang theo để trùm lên người Ralph, chợt tôi nghe thấy tiếng sột soạt khe khẽ. Becky nhìn ra phía sau gốc cây sồi lớn. Một đôi mắt nhỏ màu xanh xám nhìn lại chúng tôi, và một cái đuôi bé xíu vẫy tít mù. Đó là con của Ralph!
Liệu có phải là bản năng của làm cha đ• nói cho Ralph biết rằng con mình sẽ an toàn ở gốc cây sồi này, với những người đ• từng thương yêu mình? Những giọt nước mắt nóng hổi của Becky lại rơi xuống khi cô bé ôm lấy chú chó nhỏ đang run rẩy vào lòng, và thì thầm: “Không sao đâu, bé… Ralphie… Đừng sợ. Đó là mẹ tớ, và mẹ cũng yêu bạn lắm…”.
Tác giả bài viết: Paula Thompson
Nguồn tin: Thục Hân (dịch)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn