Buổi học đầy nước mắt những học trò cá biệt

Thứ bảy - 29/11/2014 19:16

Buổi học đầy nước mắt những học trò cá biệt

Những câu chuyện thực tế được lồng ghép trong từng bài thơ, đoạn nhạc của người thầy đã làm không ít nước mắt học trò trường giáo dưỡng lăn dài trên má. Khác với các buổi học trước đó, học sinh trường giáo dưỡng số 4 (Đồng Nai) được lên lớp với hai thầy giáo đến từ TP HCM, ngày 27/11. Không sách giáo khoa, không vở ghi chép, mở đầu tiết dạy là những tiếng cười, tiếng vỗ tay đồng loạt của cả lớp qua những trò chơi sôi động.
Đến trò chơi điền chữ vào dấu "..." những cánh tay liên tục giơ lên để trả lời các câu hỏi, thỉnh thoảng cả lớp lại ồ lên khi một bạn trả lời đúng và được nhận quà từ thầy giáo. Nhìn những gương mặt non nớt, ngây ngô của những đứa trẻ, không ai nghĩ chúng đều từng nhúng chàm vì giết người, trộm cắp tài sản, hiếp dâm trẻ em...

Người thầy lên lớp với những câu chuyện cảm động bằng hình ảnh, âm thanh thực tế. Ảnh: Nguyễn Loan

Những món qùa các em được nhận từ thầy giáo là cây bút, cây thước, hay gấu bông... tất cả đều in hình chú mèo Kitty. Tuy nhiên, khi được hỏi về sự tích chú mèo Kitty thì ai cũng lắc đầu. Thầy Bùi Gia Hiếu (Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú, TP HCM) người đứng lớp hôm đấy bắt đầu kể.

Câu chuyện bắt nguồn từ đất nước Nhật Bản, khi mọi người sống trong thời đại công nghiệp, họ tất bật với công việc. Có một cô bé sống trong gia đình điển hình như vậy, khi bố mẹ đi làm thì cô đến trường. Tuy nhiên, ở trường cô bé nhút nhát này thường hay bị bạn bè chọc phá, ấm ức lắm nhưng cô không thể kể lại với bố mẹ vì họ rất bận. 

Một buổi chiều, khi bị nhóm bạn lớp trên lôi ra làm trò đùa, cô buồn bã ra công viên gần nhà ngồi khóc. Và ở đây cô bé gặp một ông già. Ông lão đã ngồi nghe tất cả những phiền muộn trong lòng cô bé. Kể từ đó, hễ có chuyện gì cô lại tìm đến ông già để được chia sẻ.

Một hôm, lại bị bạn trong lớp đánh, cô bé khóc và chạy thật nhanh đến công viên. Vì quá vội vã, khi băng qua đường cô đã bị tai nạn. Biết tin cô bé mất, ông già ở công viên lặng lẽ đốt món quà mà ông muốn đưa cho cô hôm trước. Đó là một chú mèo rất đẹp nhưng không có miệng, ông muốn nó ở bên cạnh cô bé để lắng nghe những tâm sự của cô. Và từ đó những chú mèo Kitty được làm ra với mục đích để lắng nghe tất cả mọi người.

Câu chuyện buồn được thầy Hiếu kể trong tiếng nhạc trầm da diết làm không khí của lớp học chùng xuống. Đâu đó có đứa gạt nước mắt.

"Các bạn thường hay trách cha mẹ không mua cho mình cái này, không chiều theo ý thích hay thậm chí là kiểm soát đời tư của mình. Nhưng có bao giờ bạn đã lắng nghe những lo lắng, muộn phiền của bậc làm cha, làm mẹ chưa?", người thầy đặt câu hỏi trước những mái đầu đang cố cúi thật thấp.

Tiếp đó, những câu chuyện về người con không biết cách lắng nghe bố mẹ, bạn bè, thầy cô tiếp tục được kể lại một cách sống động bằng những những hình ảnh, âm thanh khiến cho nhiều cô cậu học trò quậy nhất lớp cũng phải chú ý lắng nghe từng chữ.

Những giọt nước mắt hối hận khi nghe thầy giảng về công ơn cha mẹ. Ảnh: Nguyễn Loan

Bài học về "Biết ơn cha mẹ" của thầy Trần Tuấn Anh (giáo viên môn giáo dục Công dân trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM) dành cho những học sinh đặc biệt này lại bắt đầu bằng một bài hát. Khi cả lớp yên vị chỗ ngồi cũng là lúc lời của bài hát "Lòng mẹ" (nhạc sĩ Y Vân) nhẹ nhàng cất lên.

Cùng với tiếng nhạc, người thầy kể, cuối thập niên 1950, nhạc sĩ Y Vân là nhạc công chơi cho các nhà hàng ở Sài Gòn. Hằng đêm, mẹ ông ở nhà giặt quần áo ở máy nước công cộng. Có lần bà giặt đến 2h sáng thì bị cảnh sát chế độ cũ bắt vì tội phá lệnh giới nghiêm. Sáng hôm sau hay chuyện, nhạc sĩ Y Vân khóc rất nhiều và bài hát này ra đời từ đó.

"Chúng ta mang ba lô nặng chừng 2-3 kg trên người cả ngày có nặng, có mệt không?", thầy Tuấn Anh hỏi, yoàn bộ học trò đồng thanh đáp "có ạ".

"Thế mà khi mang thai chúng ta, người mẹ tăng 10-18kg và phải mang suốt 9 tháng 10 ngày đấy các em ạ", người thầy nói. "Đó là chưa kể tới những cơn nôn nghén, những tháng ngày mệt mỏi khi một hài nhi lớn dần trong bụng. Ngày con khóc chào đời cũng là ngày người mẹ phải chịu đựng cơn đau tột cùng để sinh ra ta. Nhưng đã có những lúc khi tiếng con khóc chào đời bắt đầu cất lên là lúc người mẹ ra đi mãi mãi..."

Dừng một lúc, thầy giáo tiếp tục: "Chúng ta được sinh ra bằng cơn đau tột cùng của mẹ và lớn lên bằng nước mắt mồ hôi của đấng sinh thành. Vậy cớ sao chúng ta không biết trân trọng, yêu thương mà lại làm cha mẹ thêm đau lòng khi đòi hỏi hết thứ này đến thứ khác. Không lo học hành lại chỉ lo chơi bời, đánh nhau, phạm tội để phải vào đây?"

Nhiều đôi mắt của đám học trò đã bắt đầu đỏ hoe. Thậm chí một vài đứa con trai bắt đầu gục xuống bàn khóc nức nở. Thầy lại tiếp tục bài giảng của mình bằng đoạn phim ngắn về cậu học trò 5 tuổi ở Tây Ninh phải một mình chăm mẹ bị ung thư. Những hình ảnh về cậu bé tự nấu cơm đút mẹ ăn, dọn dẹp chén bát, quạt cho mẹ ngủ và cả những mong ước của cậu về việc mẹ nhanh chóng khỏi bệnh khiến cả phòng học không ai cầm được nước mắt. 

Từng lời bài hát "Bông hồng cài áo" lại nhẹ nhàng cất lên, giọng thầy nhẹ tênh: "Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn/ Rủi mai này mẹ hiền có mất đi/ Như đóa hoa không mặt trời/ Như trẻ thơ không nụ cười ngỡ đời mình không lớn khôn thêm..."

Xen kẽ bài hát là hình ảnh những người cha, người mẹ tảo tần trong nắng mưa được chiếu lên. Cả lớp chìm vào im lặng, trước khi kết thúc tiết dạy, thầy giáo yêu cầu học sinh hãy nằm úp mặt xuống bàn, nhắm mắt lại trong vòng 3 phút để nghĩ về cha mẹ mình.

3 phút lặng lẽ kéo dài trong nền nhạc, những tiếng nấc nghẹn ngào không kìm nén được từ những đứa học trò lại vang lên.

Cậu học trò với bàn tay thiếu mất hai ngón từ những lần xô xát và chi chít vết xăm đang lặng lẽ nghĩ về cha mẹ sau bài giảng. Ảnh: Nguyễn Loan

Được thầy giáo hỏi, Hải (16 tuổi, ngụ Vũng Tàu) nghẹn ngào khi cho biết cậu cảm thấy rấtcó lỗi với cha mẹ. Hải kể, nhà có hai anh em nhưng cha bị bệnh lao, mẹ phải đi bán vé số để nuôi cả gia đình. 13 tuổi cậu phải nghỉ học để đi làm phụ mẹ. Trong một lần lên UBND xã, thấy phòng làm việc không có người trong khi chiếc laptop để chỏng chơ trên bàn nên Hải đã lấy trộm mang đi bán. Sau đó cậu bị bắt, đưa vào trường giáo dưỡng.

"Tết vừa rồi bệnh lao của cha trở nặng, trước lúc cha mất em không ở nhà nên không thể gặp ông lần cuối", Hải nói trong tiếng nấc nghẹn ngào và cho biết đứa em mới học lớp 3 của cậu cũng phải nghỉ học vì một mình mẹ không thể cáng đáng hết các chi phí.

"Em vào đây được 16 tháng rồi nhưng chưa được về thăm gia đình lần nào, mẹ cũng bận không vào thăm được nên nhớ nhà lắm", Hải nói và hứa trước lớp sẽ cố gắng cải tạo, học hành thật tốt để nhanh chóng được về nhà với mẹ và em.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập41
  • Hôm nay12,546
  • Tháng hiện tại185,391
  • Tổng lượt truy cập32,651,916
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây