Kỳ tích của hai anh em gốc Việt sống trong khu “ổ chuột” Mỹ.

Thứ bảy - 07/02/2015 09:20

Kỳ tích của hai anh em gốc Việt sống trong khu “ổ chuột” Mỹ.

Câu chuyện về kỳ tích của hai anh em gốc Việt Johnny và George Huỳnh đã khiến cộng đồng người Việt trên toàn thế giới khâm phục.

image
Hai anh em Johnny Huynh (trái) và George Huynh (phải)
 

 
image
 
"Những cậu bé này là minh chứng gần gũi nhất mà tôi gặp về thứ mà chúng ta gọi là "giấc mơ Mỹ"", nhà báo Baker chia sẻ: Cha qua đời, mẹ bị bệnh thần kinh, phải vật lộn giữa "khu ổ chuột" Dorchester (thành phố Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ) để kiếm sống nhưng cả hai đã cùng đỗ vào những trường đại học danh tiếng bậc nhất cường quốc này.
image
Billy Baker (trái), Emmett Folgert, Johnny Huynh, and George Huynh

Nói như lời Billy Baker - phóng viên báo The Boston Globe, một trong những phóng viên đầu tiên viết bài về hai anh em:
"Bạn thấy đó, vấn đề không nằm ở chỗ bạn từ đâu đến, mà là bạn sẽ tiến xa được đến đâu".
Hành trình bước ra từ bùn lầy
image
 
Johnny và George Huỳnh sinh ra ở khu phố ổ chuột Dorchester (thành phố Boston, bang MassachusettsHoa Kỳ), nơi 42% trẻ em phải sống trong đói nghèo và 85% chỉ còn cha hoặc mẹ. Cả hai may mắn hơn những đứa trẻ khác được sinh ra có cả cha lẫn mẹ, thế nhưng "ngày vui ngắn chẳng qua mau", cha của Johnny và George bị chứng rối loạn tâm thần, trong khi mẹ phải thường xuyên chống chọi với bệnh thần kinh. Khi hai anh em biết cảm nhận được cuộc sống xung quanh cũng là lúc tai họa ập xuống. Người cha bỗng dưng lên cơn, sau đó bỏ nhà ra đi, rồi một ngày cả nhà nghe tin ông nhảy cầu tự vẫn.
 
Từ ngày người chủ gia đình qua đời, cả gia đình phải sống trong một ngôi nhà xập xệ, nơi từng là nhà kho, với thu nhập mỗi tháng 1.257 USD, là tổng giá trị các món trợ cấp. Giữa cái khu ổ chuột ngập cảnh cơ hàn, đầy rẫy các tệ nạn xã hội,hầu hết trẻ em không có đầy đủ cha mẹ đều bị sa vào nghiện ngập, trộm cắp.
 
Với những con người bình thường và thiếu bản lĩnh, họ có thể trượt ngã bất kỳ lúc nào. Thế nhưng, hai anh em George luôn tỏ ra khác biệt so với những đứa trẻ ở khu ổ chuột này. Vượt lên số phận, trong đầu hai anh em luôn ý thức và tâm niệm rằng:"Giáo dục là nền tảng để có cuộc sống tốt hơn", Johnny nói.
 
image
Gương mặt sáng sủa của George Huynh
Emmett Folgert, đại diện Hiệp hội Dorchester Youth Collaborative, người đã hỗ trợ cho hai cậu bé chia sẻ: "Với kinh nghiệm 30 năm làm việc với những đứa trẻ ở đây, tôi biết rằng George và Johnny đều đang sống trên mép vực và có thể trượt ngã bất kỳ lúc nào".
image
 
Thế nhưng cả hai đã cùng đương đầu và tìm cách vượt lên số phận. "Ước mơ của em là có thể vào một trường đại học tốt, không phải phụ thuộc vào số tiền trợ cấp xã hội hàng tháng nữa và có thể sống theo cách riêng mà mình mong muốn", cậu bé George tâm sự.
 
Và niềm hy vọng của hai anh em chính là mái trường Boston Latin School, trường công lập đầu tiên và lâu đời nhất vẫn tồn tại ở Mỹ với những thành tích học tập xuất sắc. Đây cũng chính là ngôi trường mà Tổng thống thứ hai của Mỹ John Adams và Benjamin Franklin, một trong những người lập quốc, từng theo học. Ở cái nơi mà xã hội phân biệt giàu nghèo vô cùng ghê gớm, may mắn thay anh em George được nhận vào học. Hành trình đến lớp bắt đầu. Từ năm lớp 7, hai cậu bé đều đặn bắt xe buýt số 19 đến trường Boston Latin để theo học.
 
image
Hằng ngày, hai chàng trai đến trường bằng xe buýt
Chương trình học tại Boston Latin đạt chuẩn chất lượng cao và đòi hỏi học sinh phải vô cùng nỗ lực. Vậy mà cả hai đều là những học sinh giỏi nhất trong lớp, đơn giản vì đó là cách duy nhất giúp các em có thể nhận được các hỗ trợ tài chính để duy trì việc học. Ngoài giờ học, cả hai còn đi làm gia sư cho những đứa trẻ gốc Việt trong khu vực kiếm tiền phụ giúp gia đình.
 
Thành tích đặc biệt này đã lọt vào "mắt xanh" của Billy Baker - phóng viên báo The Boston Globe, một trong những nhà báo đầu tiên viết về Johnny và George từ cách đây 2 năm. Trong khi đang lang thang trên những chuyến xe buýt xuyên thành phố Boston để viết về những mảnh đời cùng khổ, Baker đã gặp hai cậu bé tại "khu ổ chuột" Dorchester. "Tôi bắt đầu quan tâm sâu hơn đến các cậu bé. Tôi cảm thấy chúng cần tôi, nhưng hóa ra tôi cần chúng hơn" Baker nói.
 
Cũng từ đó, Baker trở thành người cố vấn cho hai anh em trong học tập cũng như cuộc sống. Chàng phóng viên yêu nghề chẳng khác gì người cha, đã ở bên Johnny và George, cố gắng khỏa lấp những rạn nứt trong cuộc đời hai cậu bé bằng những việc nhỏ nhoi. Anh mua những món quà hoặc những chiếc vé dự tiệc cho hai cậu bé.
Baker cũng hỗ trợ hai anh em trong việc học và động viên họ đạt đến mục tiêu cao nhất mà cậu có thể. Ngay sau khi câu chuyện về hai cậu bé gốc Việt được đăng tải đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ từ các độc giả. Baker thậm chí mất hàng tuần để trả lời những email bày tỏ sự cảm thông với hai anh em gốc Việt.
Theo lời kể của Baker, cách đây ít lâu, tròn 2 năm sau ngày bài báo đầu tiên lên trang, anh đã nhận được tin nhắn của George (17 tuổi) thông báo mình đã được nhận vào học tại đại học Yale, một trong những viện đại học lâu đời nhất Hoa Kỳ. "Khoảng sau 5h chiều thứ hai, điện thoại tôi có tin nhắn mới: Cháu đỗ rồi. Tôi đang ngồi trong phòng tin tức và mừng phát khóc", Baker kể. Anh tiết lộ sau đó đã đưa cậu bé đi ăn một bữa no nê để chúc mừng.
image
ĐH Yale - nơi George Huynh sẽ theo học
Yale là một trong những trường đại học thuộc tốp 8 trường danh tiếng nhất cường quốc này, sánh ngang cùng Harvard hayPrinceton. Những nhân vật nổi tiếng xuất thân từ Yale có 5 Tổng thống Hoa Kỳ, 19 thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, và nhiều nguyên thủ quốc gia nước ngoài. Yale cũng được mệnh danh là trường tuyển sinh gắt gao nhất nước Mỹ. Thế nhưng, cậu bé gốc Việt George đã đường hoàng bước vào bằng chính nỗ lực phi thường của mình.
 
Năm ngoái, anh trai của George là Johnny (19 tuổi) cũng trở thành một tân sinh viên của đại học danh giá Massachusetts Amherst (top 40 trường đại học công lập tại Mỹ - theo U.S. News & World Report's Best Colleges 2014). Khi đó, Baker đã mang một chiếc tủ lạnh đến ký túc xá của Johnny tặng cậu.
"Những cậu bé này là minh chứng gần gũi nhất mà tôi gặp về thứ mà chúng ta gọi là "giấc mơ Mỹ", Baker nói. "Tôi tự hào được là một nhân chứng của câu chuyện này. Một điều gì đó thật khó tin đã xảy ra. Nhìn những đứa trẻ thành công từ hai bàn tay trắng là điều đặc biệt nhất mà tôi từng được chứng kiến với tư cách một phóng viên. Đúng thế, cháu đã làm được, chàng trai", Baker nói thêm.

Tác giả bài viết: SIMON HOA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập29
  • Hôm nay7,631
  • Tháng hiện tại24,646
  • Tổng lượt truy cập35,290,927
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây