Ti lệ tử vong vì tự tử đang giảm xuống ở Canada, nhưng đã tăng lên đáng kể khi cuộc suy thoái bắt đầu càn quét nước này năm 2008. Trong khi đó, số ca tự tử ở Mỹ từng trên đà tăng lên và bị đẩy nhanh tốc độ cùng với sự khủng hoảng kinh tế.
Theo các chuyên gia, mất việc làm, bị tịch thu nhà và nợ nần là những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến việc tự tử. Tuy nhiên, một số nước ở châu Âu đã không tuân theo xu hướng này. Cả Thụy Điển, Phần Lan và Áo đều tranh được việc tăng tỉ lệ tự sát trong thời gian suy thoái.
Tiến sĩ Aaron Reeves, một thành viên nhóm nghiên cứu, tuyên bố: "Một câu hỏi then chốt đối với giới hoạch định chính sách và các chuyên gia chữa trị bệnh tâm thần là, liệu việc tăng số trường hợp tự tử có phải là xu hướng tất yếu, không thể tránh khỏi hay không.
Có nhiều bằng chứng cho thấy, tình trạng suy thoái kinh tế đã dẫn tới hiện tượng này, nhưng điều đáng ngạc nhiên là nó không xảy ra ở mọi nơi, chẳng hạn như Áo, Thụy Điển và Phần Lan. Điều đó chính tỏ, chính sách có thể có ảnh hưởng. Một trong các đặc trưng của những nước này là, họ đầu tư vào các dự án hỗ trợ người dân quay trở lại công việc, như đào tạo, tư vấn và thậm chí trợ cấp tiền lương.
Luôn có những lựa chọn khó khăn phải đưa ra trong giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên, theo tôi, một trong những thứ chính phủ có thể làm là cung cấp sự hỗ trợ và bảo vệ đối với các nhóm người dễ bị tổn thương nhất, giúp họ chống chịu với gánh nặng của suy thoái kinh tế".
Chuyên gia Andy Bell đến từ Trung tâm sức khỏe tâm thần nói thêm rằng, nghiên cứu mới đã củng cố những gì giới khoa học từng lo ngại. Đó là, tình trạng thất nghiệp, sự mất ổn định về việc làm và nhiều yếu tố liên quan khác đến sự suy thoái, gắn liên với tình trạng sức khỏe tâm thần yếu kém và nạn tự tử. Thực tế này gợi nhắc chúng ta phải có hành động phòng ngừa và phản ứng hỗ trợ kịp thời.
Tác giả bài viết: Tuấn Anh
Nguồn tin: (Theo BBC)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn