Nhưng làng tôi phục ông Kiến Còng nhất là cái tài tha gạch. Hàng xóm, láng giềng, ai động thổ làm nhà mới là ông Kiến Còng đến tự nguyện giúp một buổi. Ông làm thật lực, mồ hôi ướt đầm lưng áo. Nhưng đến bữa, gia chủ dọn cơm ra, dù mời tha thiết đến mấy, ông cũng không ăn mà chỉ xin một ít gạch. Những viên gạch đó ông chọn rất kỹ, vuông chằn chặn, gạch chín già nom như sành, gõ kêu lanh canh. Vườn ông Kiến Còng xếp đầy gạch, ước khoảng 3 vạn viên, đủ xây một ngôi nhà mới. Ngôi nhà ông Kiến Còng đang ở cũng là nhà gỗ, lợp ngói nhưng chỉ 3 gian thôi. Bây giờ ở nhà quê, người ta đua nhau làm nhà to, 2–3 tầng nên ông Kiến Còng cũng có ý định làm ngôi nhà mới cho khang trang. Ông và bà lão già rồi, ở thế nào cũng được. Nhưng ông còn cậu con trai, không thể để nó thua bè kém bạn. Từ ngày cậu Lăng đi học, ông không để cho con trai phải thiếu thốn. Con người ta có thứ gì thì con ông phải có thứ đó, đôi khi còn sang hơn. Con người ta đi xe đạp đến trường, cậu Lăng cũng đi xe đạp nhưng là xe đạp điện, cưỡi lên chạy ro ro.
Ông Kiến Còng còn nổi tiếng về sự cần cù. Lúc nào cũng thấy ông làm việc. Ra đồng, thấy có vạt đất khoảng 1m2 bỏ hoang là ông bổ cuốc xuống, cắm vào đó mấy hom sắn, sau nửa năm ông đã có cả chục cân sắn củ. Phía sau nhà văn hóa xóm có một rẻo đất bỏ không, ông cắm vào đó 10 gốc sắn dây, một năm sau ông đã có nửa tạ sắn dây. Loại củ này luộc lên ăn, ngọt, thơm và rất có lợi cho đường tiêu hóa. Nếu mài ra, lọc lấy bột, phơi khô, mùa hè thỉnh thoảng uống một cốc bột sắn thì người không có rôm sẩy, mụn nhọt.