ĐỐI THOẠI TRUYỀN TIN

Thứ bảy - 01/04/2017 10:30

ĐỐI THOẠI TRUYỀN TIN

Thiên Sứ Gabriel truyền tin cho Đức Maria là một cuộc đối thoại. Để thấy được sự trang trọng, độc đáo của cuộc đối thoại Truyền Tin, cần so sánh khung cảnh truyền tin của Thiên sứ Gabriel cho Ông Zacaria và cho Đức Maria

Về địa điểm: Thiên sứ hiện ra với Zacaria ở đền thờ Giêrusalem, trung tâm tôn giáo của Israel, giữa làn khói hương nghi ngút.  Với Đức Maria, Thiên sứ đến gặp Mẹ tại Nazareth, một thôn làng chẳng mấy ai biết đến (Ga1,46; 7,41).  Nazareth thuộc miền đất Galilê, gần vùng dân ngoại (Is 8,23; Mt 4,14).

 

Về nhân vật: Zacaria là tư tế thuộc giòng Abia, Isave thuộc giòng Aaron.  Cả hai ông bà thuộc thành phần có địa vị xã hội.  Hai ông bà tuân giữ lề luật chu đáo (Lc 1,6).  Họ tượng trưng cho người công chính theo Cựu ước.  Còn Maria chỉ là một thôn nữ tầm thường, một người nghèo của Giavê.

 

Đi vào nội dung đối thoại thì hoàn toàn đảo ngược.

 

Thái độ của Thiên sứ: Với Zacaria: Thiên sứ coi mình như chủ nhà.  Giọng nói Thiên sứ như ra lệnh, thị oai.  Thiên sứ phạt Zacaria khi ông tỏ dấu nghi ngờ.  Với Maria: Thiên sứ là khách, đi đến nhà của Maria, một làng quê hẻo lánh.  Thiên sứ tỏ vẻ kính cẩn vì nhìn thấy nới thôn nữ mộc mạc dáng vẻ oai nghi của “Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng”

 

Công trạng và ân huệ: Với Zacaria: Thiên sứ bảo rằng: Lời cầu nguyện của ông đã được Chúa chấp nhận, vợ ông sẽ thụ thai (Lc 1,13).  Như vậy tất cả đều dựa trên công trạng phúc đức của con người, đúng theo hình ảnh Cựu ước.  Với Đức Maria: Tất cả đều là Ân huệ của Chúa.  Thiên sứ chào Maria là “người được Thiên Chúa yêu thương chiếu cố” (Lc 1,28), tất cả đều là ân huệ và tình thương của Chúa.

 

Kết quả: Zacaria bị quở trách vì “không chịu tin vào Lời Chúa” (Lc 1.20).  Maria được ca ngợi vì “đã tin rằng Lời Chúa sẽ thực hiện” ( Lc 1,45.38).  Isave được cưu mang Gioan “sẽ làm lớn trước mặt Chúa” (Lc 1,15).  Maria cưu mang “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32); “Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).

 

Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Đức Maria, ta thầy rằng: công cuộc vĩ đại của Thiên Chúa là cứu chuộc nhân loại, thiết lập Nước Trời được bắt đầu một cách rất âm thầm.  Một cuộc đối thoại Truyền Tin tại một làng quê, giữa Thiên Sứ với một thôn nữ chẳng mấy người biết.  Chúa Giêsu đã diễn tả sự khởi đầu bé nhỏ nhưng thành quả lại lớn lao qua dụ ngôn hạt cải: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.  Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4,31-32). Thiên Chúa thường khởi sự những việc hết sức lớn lao bằng những việc hết sức bé nhỏ, với những con người cũng hết sức nhỏ bé.  Như thế người ta mới thấy quyền năng của Ngài, mới thấy Ngài là một Thiên Chúa vĩ đại: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh”(1Cr 1,27).

 

Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Maria, ta thấy Thiên Chúa chọn những ai sống đẹp lòng Ngài.  Maria đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ.  Ngài chọn Maria vì Ngài muốn chọn, theo sự tự do của Ngài (x. Rm 9,12.16), và cũng vì Maria đẹp lòng Thiên Chúa.  Thời Đức Mẹ, ai cũng mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc đón nhận.  Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ân huệ nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.  Thiên sứ nói với Đức Maria: “Quyền năng của Đấng tối cao sẽ bao trùm lên bà, vì thế Đấng Thánh con của bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc.1, 35).  Tiếng quan trọng ở trong câu đó là “bao trùm lên” hay “bao phủ lên.”  Lều tạm nơi dân Do Thái để hòm Giao Ước.  Câu Xh 40,34 nói rằng bao lâu đám mây còn bao phủ lều tạm thì “lều tạm có Thiên Chúa hiện diện”.  Việc Luca chọn và dùng từ “bao trùm lên” có ý nghĩa thâm sâu.  Luca so sánh thân thế Đức Maria với lều tạm nơi đặt Hòm Giao Ước của Thiên Chúa.  Luca so sánh cung lòng Đức Maria nơi Đức Giêsu sẽ tới cư ngụ với Hòm Giao Ước nơi đặt hai phiến đá có ghi 10 điều răn của Thiên Chúa.  Như vậy nghĩa là khi quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên Đức Maria, thì có “Thiên Chúa hiện diện” trong Mẹ.  Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Maria thì vô cùng phong phú hơn sự hiện diện của Ngài trong “lều tạm.”  Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Maria chính là sự hiện của Đức Giêsu bằng xương bằng thịt.

 

Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Maria, ta thấy Đức Maria đã tự do đáp tiếng “Xin vâng”. Trong Hiến Chế Lumen Gentium số 56, Công Đồng Vatican II đã giải thích ý nghĩa quan trọng của câu chuyện Truyền Tin và sự ưng thuận tự do của Đức Maria: “Các thánh Giáo Phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Đức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài.  Thực vậy, Thánh Irênê nói : “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở thành nguyên nhân ơn cứu độ cho bản thân Mẹ và cho toàn thể nhân loại.”  Và cùng với thánh Irênê còn có rất nhiều thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân phục của bà Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, thì Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin.”  Và so sánh với Evà, các Giáo phụ gọi Đức Maria là “Mẹ các sinh linh” và thường quả quyết rằng: “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống.”  Trong Sứ điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Lần Thứ 18 năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với giới trẻ rằng: Trong biến cố Truyền Tin, Đức Maria trao ban bản tính nhân loại cho Con Thiên Chúa trong cung lòng Mẹ với lời tự do chấp nhận: “Này tôi là tôi tớ Chúa.”  Dưới chân Thánh Giá, nơi thánh Gioan, Đức Maria đón nhận toàn thể nhân loại vào tâm hồn mình: “Hỡi bà, này là con bà.”  Là Mẹ Thiên Chúa ngay từ lúc đầu tiên của biến cố Nhập Thể, Mẹ đã trở thành Mẹ loài người trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu, Con Mẹ.  Cuộc đối thoại Truyền Tin là khoảnh khắc Thiên Chúa “bật mí” cái bí mật từ ngàn đời.

 

Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi muốn trở thành một con người giữa nhân loại.  Và Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria là để Ngài sai Con Một Ngài đến giữa chúng ta, thực hiện chương trình cứu độ của Ngài đối với trần gian.  Giây phút Mẹ tự do đáp lời “Xin vâng” là khởi đầu bình mình ơn cứu độ cho thế nhân.

 

Mẹ Maria đã đáp “Xin vâng” không chỉ một lần mà còn nhiều lần trong đời.  Mẹ Maria mãi mãi là tấm gương cho chúng ta soi trong cuộc đối thoại lắng nghe Lời Chúa và đáp trả Lời Chúa.  Thiên Chúa đã chứng tỏ nơi Mẹ điều không thể để trở nên điều có thể.  Vì “cái gì cũng có thể đối với người có lòng tin” (Mc 9,23).

 

 

Tác giả bài viết: LM Giuse Nguyễn Hữu An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập790
  • Hôm nay11,287
  • Tháng hiện tại281,184
  • Tổng lượt truy cập36,335,739
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây