LỄ TRUYỀN TIN

Thứ tư - 06/04/2016 23:58

LỄ TRUYỀN TIN

Trong ngày lễ Truyền Tin, Hội Thánh kính nhớ một biến cố quan trọng. Thiên thần báo tin cho Ðức Mẹ rằng: Thiên Chúa muốn chọn Ðức Mẹ làm Mẹ Ðấng Cứu Thế. Tin đó quá bất ngờ, vượt mọi suy nghĩ, mọi tưởng tượng, mọi đợi chờ. Phản ứng của Ðức Mẹ bắt đầu là bỡ ngỡ bàng hoàng lo sợ, nhưng tiếp đó là xin vâng (Lc 1:38)

Xin vâng là xin tuân phục ý Chúa.  Xin vâng là xin cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, với sự từ bỏ mình, với sự tuyệt đối phó thác đời mình trong tay Chúa.

Lập tức sau lời "xin vâng" của Ðức Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng Ðức Mẹ.  Tất cả đều diễn tiến một cách âm thầm, khiêm tốn.  Từ đó "xin vâng" đã được coi như một giao ước mới, một bài ca mới, một con đường mới, của con người mới.

Khi nói xin vâng được coi như một giao ước mới, tôi nhớ lại việc Ðức Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-da-bét (Lc 1:39-45).  Ði thăm để chia sẻ, để phục vụ, để nâng đỡ khích lệ bà Ê-li-da-bét.  Theo Ðức Mẹ, thì mình được Chúa thương, là để mình biết thương người khác.  Mình được Chúa chọn cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, thì mình phải quyết tâm dấn thân góp phần cứu độ người khác.  Mình nhận ơn Chúa ban, thì mình sẽ cố gắng chia sẻ ơn đó cho người khác.

Thiết tưởng đó là một giao ước mới về bác ái liên đới phát sinh từ lời xin vâng.

Khi nói xin vâng được coi như một bài ca mới, tôi nhớ lại tâm tình Ðức Mẹ trong kinh Tạ Ơn "Linh hồn tôi tung hô Chúa" (Lc 1:46-55).  Tâm tình Ðức Mẹ là lời nói chân thành của người con bé nhỏ, đầy khiêm tốn, ngỡ ngàng biết ơn và phó thác đối với Chúa.  Tâm tình Ðức Mẹ là khát vọng cứu độ tỏa ra sức nóng của tình yêu thương xót, nhưng lại khiêm nhường tế nhị đối với đồng bào, nhân loại.  Tâm tình Ðức Mẹ là cái nhìn tiên tri sâu sắc của trái tim khiêm nhường về tương lai dành cho những kẻ khiêm tốn.

Thiết tưởng đó là một bài ca mới về khiêm tốn khởi đi từ lời xin vâng.

Khi nói xin vâng được coi là một con đường mới, tôi nhớ lại biến cố Ðức Mẹ sinh Chúa Giêsu tại hang đá Bê-lem (Lc 2:1-7).  Ðang khi hầu hết mọi người đều coi giàu sang chức quyền danh vọng là những bậc thang giới thiệu giá trị con người, thì Ðức Mẹ đã không nghĩ như vậy, đã không vận động chút nào để được như vậy.  Trái lại, Ðức Mẹ đã lặng lẽ đi vào con đường khó nghèo.  Con đường đó đã khởi đi từ hang đá Bêlem và kéo dài từng ngày, từng tháng, từng năm, suốt cả cuộc đời Ðức Mẹ.  Trên con đường đó, Ðức Mẹ đã cầu nguyện, đã suy gẫm trong lòng, đã lắng nghe Chúa, đã thông hiệp với sự sống Chúa.

Thiết tưởng đó là một con đường mới về sự nghèo khó được vạch ra từ lời xin vâng.

Con đường mới đó, bài ca mới đó, giao ước mới đó đều nói lên Ðức Mẹ là con người mới.  Mới về nhiều phương diện, nhưng nhất là về phương diện Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ðức Mẹ, để đổi mới con người của Mẹ (Lc 1:35).

Qua việc Ngôi Hai xuống thai trong lòng Ðức Mẹ, Chúa Thánh Thần đã đưa tình yêu thương xót của Thiên Chúa vào nhân loại, đã mạc khải Thiên Chúa là tình yêu, đã khai mở một nguồn mạch ơn thánh cứu độ vô cùng phong phú cho mọi người thiện chí.

Do đó, Ðức Mẹ là con người mới, là tác phẩm tuyệt vời của Chúa Thánh Linh.  Với đặc điểm là Ðức Mẹ có một trái tim giống trái tim Chúa Giêsu, trong sạch, hiền lành, khiêm nhường, cháy rực lửa tình yêu thương xót.

Những chia sẻ vắn tắt trên đây có thể giúp chúng ta phần nào, để chuẩn bị mừng Lễ Truyền Tin một cách sống động sát với thời sự.

Thời sự hiện nay, nếu nhìn về góc độ xin vâng ý Chúa, thì đó là cả một vấn đề đáng phải lo ngại.  Bởi vì có những người coi trọng ý Chúa và xin vâng ý Chúa.  Cũng có những người coi thường ý Chúa và chống lại ý Chúa.  Có những người hiểu sai ý Chúa, vô tình hoặc cố tình.  Có những người gán cho ý Chúa những ý riêng của mình.  Có những người muốn ý Chúa hợp theo ý riêng mình, cho dù ý riêng mình là quái gở.

Thời sự hôm nay là Ít-ra-en, quê hương của Ðức Mẹ, đang là mảnh đất diễn ra vòng xoáy hận thù và đổ máu.  Vòng xoáy kinh hoàng này càng ngày càng mở rộng trên đất, đồng thời càng xoáy sâu vào lòng dân.  Từ mảnh đất này hằng ngày truyền đi khắp năm châu những tin đau đớn, gây nên băn khoăn nặng nề cho hòa bình thế giới.  Thời sự này làm cho rất nhiều người phải khóc, phương chi Ðức Mẹ.

Nhưng theo tôi, thời sự hiện nay quan trọng nhất chính là chuyện của bản thân ta.  Ta có lắng nghe ý Chúa không?  Và ta có xin vâng ý Chúa thực không?  Ðoạn Phúc Âm sau đây sẽ gợi ý cho ta thấy rõ ý Chúa về ta trong thời sự hôm nay:

"Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng.  Ðức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác, bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao?  Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu.  Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy."  "Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?  Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu.  Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy" (Lc 13:1-5).

Suy gẫm đoạn Phúc Âm trên, tôi có cảm tưởng là Chúa muốn báo tin cho từng người chúng ta biết rõ ý Chúa.  Ðó là đừng quá bận tâm xét đoán người khác, nhưng hãy ưu tiên lo phần rỗi của mình.  Lo bằng cách sám hối ăn năn, đổi mới chính mình.  Cách đó là cách tốt nhất để góp phần vào việc cứu độ người khác.

Chúa báo tin cho chúng ta ý Chúa là như thế đó.  Rất rõ ràng.  Ở Fatima Ðức Mẹ cũng báo cho chúng ta tin đó.  Cũng rất rõ ràng.  Chúng ta hãy đáp lại bằng lời xin vâng.

Xin vâng của chúng ta là một hành trình dài đi về với Chúa.  Hãy bước đi với những bước nhỏ.  Như hằng ngày cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng và chuỗi Mai Khôi.  Như hằng ngày đến bên trái tim Ðức Mẹ, để xin trái tim Ðức Mẹ chia sẻ cho ta bầu khí thinh lặng, chiêm niệm, lửa bác ái nồng nàn và sức mạnh lạ lùng của khiêm nhường nghèo khó.  Như hằng ngày thực hiện đôi ba việc bác ái, thương cảm liên đới với những người nghèo, bệnh tật, xa Tin Mừng, bị xã hội loại trừ.  Như hằng ngày tập nói và làm những gì mang tính cách phục vụ hoà bình hiệp nhất trong yêu thương và tế nhị.  Như hằng ngày dùng lòng tin mến biến những mệt mỏi khổ đau của mình thành của lễ đền tội tạ ơn, và xin ơn an bình cho gia đình quê hương và thế giới.

Nếu lời xin vâng của chúng ta được hiệp thông sâu sắc với lời xin vâng của Ðức Mẹ, thì đây sẽ là một hy vọng mới cho tương lai bản thân ta, cho Hội Thánh ta, cho quê hương Việt Nam chúng ta, và cho tất cả nhân loại.

 

 

Tác giả bài viết: GM JB. Bùi Tuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập147
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại270,590
  • Tổng lượt truy cập35,916,935
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây